“Cổng trường mở ra” giống như những dòng nhật kí tâm tình nhỏ nhẹ và sâu lắng. Tác phẩm giúp người đọc hiểu được tấm lòng yêu thương của người mẹ dành cho đứa con và khẳng định vai trò to lớn của nhà trường.
Wikihoc.com sẽ cung cấp tài liệu giới thiệu về tác giả Lý Lan, văn bản Cổng trường mở ra. Mời tham khảo nội dung sau đây.
Cổng trường mở ra
Nghe đọc tác phẩm Cổng trường mở ra:
Vào đêm trước ngày khai trường của con, mẹ không ngủ được. Một ngày kia, còn xa lắm, ngày đó con sẽ biết thế nào là không ngủ được. Còn bây giờ giấc ngủ đến với con dễ dàng như uống một li sữa, ăn một cái kẹo. Gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo.
Con là một đứa trẻ nhạy cảm. Cứ mỗi lần, vào đêm trước ngày sắp đi chơi xa, con lại háo hức đến nỗi lên giường mà không sao nằm yên được. Nhưng mẹ chỉ dỗ một lát là con đã ngủ. Đêm nay con cũng có niềm háo hức như vậy: Ngày mai con vào lớp Một. Việc chuẩn bị quần áo mới, giày nón mới, cặp sách mới, tập vở mới, mọi thứ đâu đó sẵn sàng, khiến con cảm nhận được sự quan trọng của ngày khai trường. Nhưng cũng như trước một chuyến đi xa, trong lòng con không có mối bận tâm nào khác ngoài chuyện ngày mai thức dậy cho kịp giờ.
Mẹ đắp mền cho con, buông mùng, ém góc cẩn thận, rồi bỗng không biết làm gì nữa. Mọi ngày, khi con đã ngủ, mẹ dọn dẹp nhà cửa. Mẹ lượm những chiếc xe thiết giáp dưới gầm ghế, cạnh chân bàn, những chú rô-bốt bằng nhựa đứng ngồi khắp nơi, và giữa nhà là đoàn quân thú dàn trận trong một cuộc chiến tranh Sư Tử – Khủng Long mà ngày nào con cũng bày ra. Căn nhà mình chỉ tạm ngăn nắp, gọn gàng từ khi con ngủ cho đến sáng hôm sau.
Nhưng hôm nay tất cả những việc đó con đã giúp mẹ làm từ chiều. Mẹ nói: “Ngày mai đi học, con là cậu học sinh lớp Một rồi”. Nghe vậy con hăng hái tranh với mẹ dọn dẹp đồ chơi.
Mẹ thường nhân lúc con ngủ mà làm vài việc của riêng mình. Nhưng hôm nay mẹ không tập trung được vào việc gì cả. Mẹ cũng không định làm những việc ấy tối nay. Nhìn con ngủ một lát, rồi mẹ xem đi xem lại những thứ đã chuẩn bị cho con. Mẹ tự bảo mình cũng nên đi ngủ sớm.
Mẹ lên giường và trằn trọc. Con đã đi học từ ba năm trước, hồi mới ba tuổi vào lớp Mẫu giáo, đã biết thế nào là trường, lớp, thầy, bạn. Ngay cả ngôi trường mới, con cũng đã tập làm quen từ những ngày hè. Tuần lễ trước ngày khai giảng, con đã làm quen với bạn bè và cô giáo mới, đã tập xếp hàng, tập đi, tập đứng, để chuẩn bị cho buổi lễ khai trường long trọng này. Mẹ tin là con sẽ không bỡ ngỡ trong ngày đầu năm học.
Thực sự mẹ không lo lắng đến nỗi không ngủ được. Mẹ tin đứa con của mẹ lớn rồi. Mẹ tin vào sự chuẩn bị rất chu đáo cho con trước ngày khai trường. Còn điều gì để lo lắng nữa đâu! Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng: “Hằng năm cứ vào cuối thu… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.
Cái ấn tượng khắc sâu mãi mãi trong lòng một con người về cái ngày “hôm nay tôi đi học” ấy, mẹ muốn nhẹ nhàng, cẩn thận và tự nhiên ghi vào lòng con. Để rồi bất cứ một ngày nào đó trong đời, khi nhớ lại, lòng con lại rạo rực những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến. Ngày mẹ còn nhỏ, mùa hè nhà trường đóng cửa hoàn toàn, và ngày khai trường đúng là ngày đầu tiên học trò lớp Một đến trường gặp thầy mới, bạn mới. Cho nên ấn tượng của mẹ về buổi khai trường đầu tiên ấy rất sâu đậm. Mẹ còn nhớ sự nôn nao, hồi hộp khi cùng bà ngoại đi tới gần ngôi trường và nỗi chơi vơi hốt hoảng khi cổng trường đóng lại, bà ngoại đứng ngoài cánh cổng như đứng bên ngoài cái thế giới mà mẹ vừa bước vào.
Mẹ nghe nói ở Nhật, ngày khai trường là ngày lễ của toàn xã hội. Người lớn nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn quang đãng và trang trí tươi vui. Tất cả quan chức nhà nước vào buổi sáng ngày khai trường đều chia nhau đến dự lễ khai giảng ở khắp các trường học lớn nhỏ. Bằng hành động đó, họ muốn cam kết rằng, không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai. Các quan chức không chỉ ngồi trên hàng ghế danh dự mà nhân dịp này còn xem xét ngôi trường, gặp gỡ với Ban Giám Hiệu, thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh, để điều chỉnh kịp thời những chính sách về giáo dục. Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này.
Đêm nay mẹ không ngủ được. Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
I. Một vài nét về tác giả Lý Lan
– Lý Lan sinh năm 1957.
– Bà là một nhà văn, nhà thơ và dịch giả.
– Quê hương: Bà sinh ra tại Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương.
– Một số tác phẩm sáng tác như: Chàng nghệ sĩ (truyện dài đầu tay), Cỏ hát (tập truyện ngắn đầu tay). Cổng trường mở ra được in trong SGK Ngữ Văn 7, tập 1.
II. Đôi nét về Cổng trường mở ra
1. Hoàn cảnh sáng tác
“Cổng trường mở ra” được in trên báo Yêu trẻ, số 166 ngày 1 tháng 9 năm 2000.
2. Tóm tắt
Vào đêm trước ngày khai trường của con, mẹ không ngủ được. Còn con thì háo hức nhưng mẹ chỉ dỗ một lát là con đã ngủ ngon lành. Khi con đã ngủ say, mẹ nhớ lại ngày đầu tiên con đi học lúc con mới ba tuổi. Nhìn con, mẹ cũng nhớ lại tuổi thơ của mình với buổi khai trường đầu tiên khi được bà ngoại đưa tới trường. Mẹ nhắc đến câu chuyện ở Nhật, người ta coi ngày lễ khai trường là ngày lễ của toàn xã hội. Người lớn thường nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường còn đường phố thì được thu dọn sạch sẽ và trang hoàng lộng lẫy. Cuối cùng, mẹ tưởng tưởng về hình ảnh ngày mai, mẹ sẽ đưa con đến trường cầm tay con dắt qua cánh cổng rồi buông tau mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
Xem thêm tại Tóm tắt truyện Cổng trường mở ra
3. Bố cục
Gồm 2 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “ mẹ vừa bước vào ”. Diễn biến tâm trạng của người mẹ đêm trước ngày khai trường của con.
- Phần 2. Còn lại. Suy nghĩ của mẹ về vai trò của giáo dục.
4. Nội dung
“Cổng trường mở ra” giống như những dòng nhật kí tâm tình nhỏ nhẹ và sâu lắng. Tác phẩm giúp người đọc hiểu được tấm lòng yêu thương của người mẹ dành cho đứa con và khẳng định vai trò to lớn của nhà trường.
5. Nghệ thuật
- Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình.
- Ngôn ngữ giàu hình ảnh….
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn bản Cổng trường mở ra In trên báo Yêu trẻ, số 166 ngày 1 tháng 9 năm 2000 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.