Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu tục ngữ Thương người như thể thương thân Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 7 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Tục ngữ gửi gắm những bài học quý giá. Một trong số đó là câu “Thương người như thể thương thân”. Hôm nay, Wikihoc.com sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu tục ngữ Thương người như thể thương thân.

Chứng minh câu tục ngữ Thương người như thể thương thân
Chứng minh câu tục ngữ Thương người như thể thương thân

Tài liệu bao gồm dàn ý và 7 bài văn mẫu lớp 7, giúp các bạn học sinh có thêm ý tưởng cho bài viết của mình. Mời tham khảo nội dung chi tiết ngay bên dưới.

Dàn ý chứng minh Thương người như thể thương thân

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.

2. Thân bài

– Thương người như thể thương thân: khuyên nhủ con người nên yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương, trân trọng chính bản thân mình.

– Nguyên nhân:

  • Không ai có thể sống đơn độc, lẻ loi mà cần phải có sự hòa nhập cộng đồng.
  • Nhiều người có hoàn cảnh đáng thương cần sự chung tay giúp đỡ của người khác, của cộng đồng để có thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.
  • Mọi người cùng tiến bộ, phát triển thì xã hội, đất nước cũng sẽ phát triển tốt đẹp hơn.
  • Giúp đỡ người khác là niềm hạnh phúc, nó sẽ khiến ta thấy thanh thản hơn.
  • Đây là nét đẹp truyền thống đạo đức của dân tộc ta.

– Biểu hiện của tinh thần “thương người như thể thương thân”:

  • Xem việc quan tâm giúp đỡ người khác là lẽ sống và phải xuất phát từ tình cảm chân thành, tự nguyện, tự giác.
  • Giúp đỡ người khác bằng những việc làm thiết thực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.
  • Cần lên án, phê phán những người có lối sống ích kỷ, hẹp hòi…
  • Dẫn chứng về tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta trong chiến tranh; phong trào từ thiện hiện nay, đặc biệt là phong trào từ thiện của học sinh… để làm sáng tỏ những điều đã giải thích.

– Liên hệ bản thân: ủng hộ học sinh vùng cao, giúp đỡ các bạn trong lớp có hoàn cảnh khó khăn…

3. Kết bài

Khẳng định giá trị của câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”.

Chứng minh Thương người như thể thương thân – Mẫu 1

Ca dao có câu:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Cũng đồng quan điểm trên, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” chính là lời răn dạy về lòng yêu thương trong cuộc sống.

“Thường người” là tình cảm yêu mến gắn liền với hành động quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” chính là trân trọng, yêu thương chính bản thân. Cách so sánh “thương người như thể thương thân” nhằm nhắn nhủ mỗi con người hãy biết yêu thương những người xung quanh giống như yêu chính bản thân.

Trong bài hát “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”. Sự yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm với mọi người là vô cùng cần thiết. Bởi mỗi người sinh ra đều có hoàn cảnh riêng, có người hạnh phúc nhưng cũng có người bất hạnh. Việc biết yêu thương sẽ giúp con người trở nên gắn kết hơn, từ đó mà xã hội trở nên văn minh hơn.

Trong quá khứ, con người Việt Nam vẫn được biết đến với tinh thần tương thân tương ái. Những năm tháng chiến tranh, con người Việt Nam cùng đoàn kết để vượt qua khó khăn. Rất nhiều hành động ý nghĩa như những bà mẹ nuôi giấu cán bộ đội, nhân dân cùng chung tay quyên góp vào hũ gạo cứu đói… Đến hiện tại, khi đất nước hòa bình phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh thì tinh thần đó vẫn sáng ngời. Các doanh nghiệp đã chung tay giải cứu nông sản cho bà con nông dân. Nhiều bạn trẻ tham gia hiến máu nhân đạo để cứu giúp các bệnh nhân. Các thầy cô giáo tình nguyện lên vùng cao dạy học, đem con chữ về với học sinh miền núi. Mỗi khi mùa bão lũ đi qua, đồng bào của ta đã phải hứng chịu nhiều mất mát về người và của. Trong hoàn cảnh đó, nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ lương thực, tiền bạc để người dân có thể vượt qua khó khăn, trở lại cuộc sống bình thường.

Vậy mà nhiều người lại có lối sống ích kỉ, thực dụng. Họ chỉ biết đến lợi ích của bản thân, sống vô cảm với bất hạnh của người khác. Trước những hoàn cảnh khó khăn, họ sẵn sẵn chế giễu, mỉa mai. Cũng có nhiều người lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi cho bản thân. Đây đều là những hành vi đáng lên án và phê phán.

Tình yêu thương giúp sửa ấm trái tim con người. Quả thật, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã gửi gắm lời khuyên đúng đắn, giá trị. Chúng ta cần hiểu được điều đó để biết sống tốt đẹp hơn.

Chứng minh Thương người như thể thương thân – Mẫu 2

Tình yêu thương rất cần thiết trong cuộc sống của con người. Ông cha ta đã gửi gắm điều đó qua câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”. Một lời khuyên ngắn gọn, nhưng giàu giá trị nhân văn.

Tham khảo thêm:   Cách xem HTV2, HTV3, HTV HD trực tiếp trên điện thoại và máy tính

Cách so sánh yêu thương người khác giống như chính bản thân nhằm nhắn nhủ con người cần biết yêu thương những người xung quanh. Hãy đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu, sẻ chia và đồng cảm. Mỗi người sinh ra đều có một cuộc đời của riêng mình. Người hạnh phúc, sung sướng. Cũng có người bất hạnh, khổ cực. Sự đồng cảm, yêu thương sẽ giúp chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Người nhận được cảm thấy ấm áp, người cho đi cảm thấy vui vẻ.

Tinh thần tương thân tương ái chính là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Điều đó đã được chứng minh từ trong quá khứ đến thời điểm hiện tại. Những năm tháng chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề, nhưng con người Việt Nam vẫn biết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Năm 1945, đất nước rơi vào nạn đói khủng khiếp. Nhưng khi chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi nó”, nhân dân ta vẫn tích cực hưởng ứng để tạo ra nhiều hũ gạo cứu đói. Hay trong giai đoạn miền Nam bị giặc Mỹ bắn phá ác liệt, thì nhân dân miền Bắc ra sức tăng gia sản xuất, chở hàng nghìn tấn gạo vào Nam, với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Ngày hôm nay, tinh thần đó càng sáng ngời. Những người trẻ mang màu áo xanh tình nguyện đến những vùng sâu vùng xa dạy học, giúp đỡ người đồng bào dân tộc. Các bạn học sinh gom góp những đồ dùng học tập cũ, cuốn sách giáo khoa để gửi đến ủng hộ các bạn học sinh nghèo. Nhiều chuyến thiện nguyện của những nhà hảo tâm giúp đỡ trẻ em mồ côi, người vô gia cư… Đặc biệt nhất là khi dịch bệnh hoành hành, con người càng thêm đoàn kết, gắn bó hơn. Rất nhiều những cây ATM gạo, ATM khẩu trang, điểm phát thực phẩm miễn phí được xây dựng. Nhiều người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia giải cứu nông sản cho bà con nông dân. Các y bác sĩ căng mình ngày đêm cứu chữa cho những người bệnh không kể họ là người Việt Nam hay người nước ngoài. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương, sự đồng cảm giữa con người.

Đối với một học sinh, tình yêu thương đến từ những hành động nhỏ nhất: lễ phép với thầy cô giáo, giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm và kính trọng ông bà cha mẹ…

Một nhà văn Nga từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương của con người”. Và câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã gửi gắm đến con người một lời khuyên giá trị.

Chứng minh Thương người như thể thương thân – Mẫu 3

Lòng nhân ái là một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Chính bởi vậy mà ông cha ta đã có câu “Thương người như thể thương thân”.

Mượn cách nói so sánh “thương người” cũng giống như “thương thân” ý nói rằng chúng ta hãy biết yêu thương những người xung quanh giống như yêu thương chính bản thân mình. Mỗi người hãy biết đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh.

Đây là một lời khuyên đúng đắn đối với mỗi cá nhân. Cuộc sống của chúng ta luôn phải đối mặt với rất nhiều những biến cố. Không phải ai sinh ra cũng đều được sống một cuộc đời ấm no hạnh phúc Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Bởi vậy, nếu mỗi người biết cách sẻ chia, đồng cảm thì sẽ khiến cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Truyền thống tương thân tương ái chính là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta. Trong quá khứ, chúng ta đã đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1945, khi nhân dân ta phải đối mặt với “giặc đói”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no” được nhân dân hưởng ứng. Các hũ gạo cứu đói đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam.

Cho đến ngày hôm nay, khi xã hội ngày càng phát triển hơn, cuộc sống của người dân cũng trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng tinh thần đó vẫn luôn được phát huy trong mọi hoàn cảnh. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”… của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ được biết bao mảnh đời khó khăn trong xã hội… Ngay trong những ngày đầy sóng gió của năm 2020 vừa qua, khi đất nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19 thì tinh thần ấy lại càng lớn mạnh. Đó là những điểm phát lương thực thực phẩm miễn phí cho những người khó khăn. Những chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước đến những người nghèo. Hay những y bác sĩ nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ không ngại phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh để có thể cứu chữa cho bệnh nhân của mình. Hình ảnh bác sĩ với những vết hằn đỏ trên mặt vì phải đeo khẩu trang liên tục ngày này qua ngày khác thật sự khiến chúng ta cảm thấy xúc động…

Như vậy, “Thương người như thể thương thân” là một câu tục ngữ đúng đắn. Mỗi người cần lan tỏa một trái tim yêu thương để thế giới ngày càng trở nên văn minh hơn.

Chứng minh Thương người như thể thương thân – Mẫu 4

Kho tàng tục ngữ đã đúc kết được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Một trong số đó là câu “Thương người như thể thương thân”.

Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 3: Viết một đoạn văn tự giới thiệu về em (7 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 3

Đầu tiên, mỗi người cần hiểu được ý nghĩa mà câu tục ngữ trên muốn nhắn nhủ. Mỗi người hãy biết yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ những người xung quanh giống như với chính mình.

Đây là một câu tục ngữ ngắn gọn, và thật dễ hiểu. Số phận của mỗi con người là không giống nhau. Có người được sống một cuộc đời giàu sang, phú quý. Nhưng cũng có người phải chịu cảnh nghèo khổ, thiếu thốn. Có người được lành lặn về cơ thể. Cũng có người phải chịu những khiếm khuyết trên cơ thể. Nhưng dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chúng ta biết yêu thương chính bản thân mình, cũng như yêu thương mọi người xung quanh thì hạnh phúc sẽ luôn tìm đến.

Chúng ta có thể bắt gặp những hình ảnh đầy tính nhân văn như thế trong những tác phẩm văn học. Trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, nhân vật chính của truyện là anh cu Tràng đã cưu mang người vợ “nhặt” khi nạn đói đang hoành hành. Hay như trong truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” tác giả Khánh Hoài đã cho người đọc cảm nhận được tình cảm anh em thắm thiết của Thành và Thủy. Đồng thời, chúng ta còn thấy được sự yêu thương, sẻ chia của cô giáo và các bạn trong lớp đối với Thủy.

Trong thực tế, tinh thần yêu thương đó càng được thể hiện rõ nét. Những năm kháng chiến chống Mỹ, đất nước bị chia cắt. Nhưng người dân miền Bắc vẫn một lòng hướng về miền Nam thân yêu, kẻ góp gạo, người góp của, là hậu phương vững chắc chắn tiền tuyến. Còn đến khi đất nước được hòa bình, tinh thần ấy lại càng được sáng ngời. Những món quà cứu trợ gửi đền đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của thiên tại. Các chiến sĩ bộ đội không ngại nguy hiểm đem lương thực, thực phẩm cho người dân ở vùng lũ…
Quả thật đó là những hành động thể hiện được một tấm lòng tương thân tương ái cao cả. Bên cạnh đó vẫn còn có những con người sống thờ ơ, vô cảm với mọi người. Đó là lối sống đáng lên án, cần phải tránh xa.

Qua đây, chúng ta có thể khẳng định, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là một lời khuyên đúng đắn. Mỗi người hãy nhớ rằng “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” để chung tay xây dựng một thế giới luôn ngập tràn hạnh phúc.

Chứng minh Thương người như thể thương thân – Mẫu 5

Nhân dân Việt Nam có một tinh thần tương thân tương ái. Điều đó đã được ông cha ta nhắn nhủ qua câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”.

Đầu tiên, “thương thân” là dành tình yêu thương, sự quan tâm, che chở cho chính bản thân mình. Còn “thương người” là dành sự yêu thương, đồng cảm cho người khác, “như thể” chỉ về một mối quan hệ ngang bằng, tương đương nhau. Việc so sánh “Thương người như thể thương thân” muốn khuyên nhủ con người hãy dành cho người khác sự yêu thương, đồng cảm giống như với chính mình. Khi họ gặp khó khăn, hãy biết quan tâm và giúp đỡ trong điều kiện mà bản thân có thể làm được.

Không có riêng câu tục ngữ trên khuyên nhủ điều này, mà còn có rất nhiều câu khác như:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Hoặc:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Cũng có thể là “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” ý chỉ sự đồng cảm, coi nỗi đau của người khác cũng như chính nỗi đau của mình.

Truyền thống nhân nghĩa đã có xưa, với những hành động rất thiết thực thể hiện tinh thần “Thương người như thể thương thân”. Xưa kia thì có phong trào “hũ gạo cứu đói” do Bác Hồ phát động vào năm 1945 – sau khi nước nhà vừa mới giành được độc lập sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám. Nhưng nhanh chóng phải đối đầu với ba kẻ thù “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Đến khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, đang trong công cuộc đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cuộc sống của đa số mọi người đã khá giả hơn, nhưng không vì thế mà các giá trị truyền thống tốt đẹp bị mai một mà con phát huy mạnh mẽ hơn. Tuy đại đa số mọi người đã có cuộc sống ấm nó, hạnh phúc nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân. Đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn, hay những người dân ở ven biển miền Trung thường xuyên phải chịu hậu quả nặng nề từ những trận lụt bão. Những người này luôn cần sự chung tay giúp đỡ của tất cả mọi người trên mọi miền Tổ quốc những chương trình thiết thực như “Vì người nghèo”, “Tất cả vì khúc ruột miền Trung” đã thu hút được rất nhiều tấm lòng hảo tâm ủng hộ, quyên góp của cải vật chất để giúp đỡ những cảnh ngộ éo le này. Những hành động đó đều được xuất phát từ lòng yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ của mọi người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó vẫn còn những người giữ thái độ sống thờ ơ, vô cảm với mọi người xung quanh. Họ bộc lộ thái độ “Sống chết mặc bay” hay “Đèn nhà ai nhà nấy rạng” với những người đang gặp khó khăn, đang mong mỏi sự giúp đỡ. Đây là một cách sống đáng bị xã hội phê phán và lên án.

Như vậy, đây là câu tục ngữ được coi là chân lý của cha ông ta. Chúng ta hãy biết dành tình yêu thương, giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn hoạn nạn đây cũng như là yêu thương giúp đỡ chính bản thân mình.

Tham khảo thêm:  

Chứng minh Thương người như thể thương thân – Mẫu 6

Có ai đó đã từng nói rằng: “Tình yêu thương là con sông của sự sống trên thế gian này”. Điều đó quả thật đúng đắn khi ông cha ta cũng đã từng khuyên nhủ con cháu: “Thương người như thể thương thân”.

Câu tục ngữ trên dùng cách nói so sánh “thương người” như “thương thân” nhắc nhở chúng ta cần phải biết đồng cảm, chia sẻ, kính trọng và yêu quý những người xung quanh như yêu chính mình vậy. Đó chính là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Hay

“Lá lành đùm lá rách
Lá rách ít đùm lá rách nhiều”

Tương thân tương ái là một truyền thống mà nhân dân ta luôn giữ gìn từ quá khứ đến hiện tại. Điều này đã được chứng minh trong suốt chặng dài lịch sử của dân tộc Việt Nam trong những năm kháng chiến oanh liệt. Những người đứng lên trong khốn khó, đùm bọc lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau và hi sinh vì nhau bằng tình yêu thương chân thành mà rộng hơn là lòng yêu nước. Sức mạnh của lòng yêu thương, cùng với sức mạnh của sự đoàn kết ấy không một kẻ thù nào đánh bại được.

Nơi nào không có yêu thương, đó chính là nơi lạnh lẽo nhất. Những ngày vừa qua có lẽ là những ngày không quên của đất nước khi chúng ta phải đối mặt với đại dịch Covid-19, con người Việt Nam lại bộc lộ được tinh thần tương thân tương ái vốn có. Rất nhiều những cây ATM gạo, ATM khẩu trang… miễn phí được xây dựng. Nhiều người dân tích cực tham gia giải cứu nông sản cho bà con nông dân. Các y bác sĩ đang căng mình ngày đêm cứu chữa cho những người bệnh không kể họ là người Việt Nam hay người nước ngoài. Hay cuối năm 2020, đồng bào miền Trung phải đối mặt với những cơn lũ chồng lũ gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản. Trong hoàn cảnh đó, các chiến sĩ cán bộ, bộ đội của chúng ta đã không ngại nguy hiểm, gian khổ tiếp tế lương thực, thuốc men cho người dân. Nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ tiền bạc, của cái để hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng của thiên tai làm lại nhà cửa, sớm trở lại cuộc sống bình thường… Những hành động đó có lẽ được xuất phát từ một tấm lòng yêu thương.

Nhưng vẫn có những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Những hành vi như trốn khỏi khu cách ly, tăng giá khẩu trang, bán các trang thiết bị y tế đã qua sử dụng… không chỉ thể hiện được sự thiếu trách nhiệm với đất nước mà còn thể hiện sự vô cảm trước những khó khăn của con người. Đó quả thật là những hành vi đáng lên án.

Với một học sinh như em, tấm lòng tương thân tương ái có thể xuất phát từ những điều vô cùng nhỏ bé. Những hành động như giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm và kính trọng ông bà cha mẹ thầy cô…

Như vậy, đây là một câu tục ngữ đúng đắn, quan trọng đối với cuộc sống của nhân loại. Hãy luôn nhớ rằng nếu trái đất không có tình yêu thương giữa con người với con người, thì nơi đây sẽ trở thành hành tinh lạnh lẽo nhất của vũ trụ.

Chứng minh Thương người như thể thương thân – Mẫu 7

Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã răn dạy con người phải có tấm lòng nhân ái. Bởi đó là một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người.

Câu tục ngữ sử dụng cách nói so sánh con người hãy yêu thương mọi người xung quanh giống như yêu thương chính bản thân mình. Chúng ta cần phải có tấm lòng biết đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh. Đây là một cách sống tốt đẹp. Không phải ai sinh ra cũng được sống trong một hoàn cảnh tiện nghi, sung sướng. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người.

Cách sống này đã được chứng minh trong cách sống của nhân dân ta trong lịch sử cũng như trong quá khứ. Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tương thân tương ái. Trước hết là quá khứ vẻ vang của dân tộc, nhân dân đã cùng đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, cũng bởi từ một phần không nhỏ lòng yêu thương dành cho nhân dân. Đến hiện tại, tinh thần đó lại càng được nêu cao. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”… của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ được biết bao mảnh đời khó khăn trong xã hội…

Với riêng em, một học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước, những học sinh như tôi cần ý thức được bài học về tinh thần “Thương người như thể thương thân”. Chúng ta hãy biến tình yêu thành hành động cụ thể để giúp cho đất nước ngày càng phát triển. Đặc biệt là học sinh, sinh viên cần biết giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống. Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ bản thân mình.

Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là một cách sống tốt đẹp. Bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” – hãy biết lan tỏa yêu thương để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu tục ngữ Thương người như thể thương thân Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 7 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *