Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa 2 Dàn ý & 12 mẫu cảm nhận khổ cuối Bếp lửa ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 12 bài Cảm nhận khổ thơ cuối Bếp lửa ngắn gọn, đặc sắc nhất, kèm theo 2 dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều thông tin bổ ích, cảm nhận rõ hơn tình bà cháu sâu nặng, cùng những cảm xúc sâu sắc về bếp lửa.

Cảm nhận khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa

Khổ cuối Bếp lửa của Bằng Việt đã để lại trong lòng người đọc bao ấn tượng khó phai, giống như một lời tâm sự nhẹ nhàng mà dã diết, mang nặng ân tình. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để có thêm nhiều vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 9.

Đề bài: Trình bày cảm nhận của em về khổ cuối bài thơ Bếp lửa – Bằng Việt

Dàn ý cảm nhận khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa

Dàn ý 1

1. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về tác giả Bằng Việt cùng bài thơ “Bếp lửa”
  • Giới thiệu vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ “Bếp lửa”

2. Thân bài

a. Khái quát về mạch cảm xúc của bài thơ để thấy được vị trí của khổ thơ cuối

  • Là lời tự bạch của tác giả

b. Khổ thơ thể hiện rõ nỗi nhớ về bà và bếp lửa luôn thường trực trong tâm hồn tác giả

  • Nỗi nhớ về bà và bếp lửa được gợi ra từ những đổi thay của cuộc sống thực tại.
  • Dòng thơ đầu với dấu phẩy ngăn cách ở giữa → Gợi sự trôi chảy và thay đổi của thời gian.
  • Điệp từ “trăm”, “có” cùng biện pháp liệt kê nhấn mạnh sự thay đổi của cuộc sống mới.
  • Câu hỏi tu từ kết thúc bài thơ tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng, thể hiện nỗi nhớ luôn thường trực, khắc khoải.

c. Nỗi nhớ về bà và bếp lửa trong khổ thơ thể hiện rõ đạo lí “uống nước nhớ nguồn”

  • Dù cuộc sống có đổi khác nhưng quá khứ vẫn sống động trong lòng người cháu.
  • Người cháu luôn nhớ về và trân trọng những kỉ niệm thuộc về quá khứ, về tình cảm của người bà.

3. Kết bài

  • Đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ cuối bài thơ “Bếp lửa”.

Dàn ý 2

I. Mở bài:

  • Giới thiệu chung về tác giả Bằng Việt và bài thơ Bếp lửa
  • Trích dẫn và giới thiệu đoạn thơ cần phân tích

II. Thân bài:

a. Khái quát hoàn cảnh sáng tác và vị trí của đoạn thơ

  • Bếp lửa được sáng tác năm 1963 khi tác giả đang là sinh viên du học ở Liên Xô. Thời gian này ông bắt đầu sáng tác thơ
  • Vị trí đoạn thơ: Đoạn thơ nằm ở khổ 6 và 7 của bài thơ, xoay quanh cảm xúc và nỗi nhớ của cháu đối với bà

b. Cảm nhận vẻ đẹp của đoạn thơ

– Bài thơ có sự vận động của mạch thơ, mạch cảm xúc từ cụ thể tới khái quát, từ tả thực tới biểu tượng, từ cảm xúc tới suy ngẫm

– Sự vận động của cảm xúc theo thời gian:

  • Tác giả suy ngẫm chiêm nghiệm về cuộc đời bà.
  • Bếp lửa gắn với hình ảnh người bà, bà và bếp lửa là hai hình tượng xuyên suốt bài thơ
  • Bếp lửa trở thành biểu tượng trọn vẹn, nghĩa tình về người bà – hình ảnh điển hình cho người phụ nữ Việt Nam có nhiều phẩm chất đáng quý
  • Người bà tần tảo, giàu đức hi sinh, suốt cả cuộc đời “lận đận” “mưa nắng” vẫn luôn sáng lên tình yêu thương
  • Điệp từ “nhóm” được nhắc đi nhắc lại tới bốn lần với nhiều ý nghĩa khác nhau: ngoài nghĩa gốc thể hiện hành động nhóm lửa làm cho lửa bén, cháy thì còn mang nghĩa ẩn dụ là sự nhóm dậy, truyền yêu thương, những giá trị tốt đẹp, kí ức đẹp trong lòng đứa cháu

→ Hình ảnh bếp lửa giản dị, đơn sơ mang ý nghĩa trở thành ngọn lửa trong tim ẩn chứa sức sống và niềm hi vọng bất diệt

– Sự yêu thương, trân trọng và biết ơn của người cháu được thể hiện xúc động qua câu thơ: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – Bếp lửa!”

+ Hình ảnh bếp lửa từ thực đã được nâng lên trở thành biểu tượng của ý chí, tình yêu thương

– Khi đi xa, nỗi nhớ về bà và bếp lửa vẫn khôn nguôi trong lòng người cháu

  • Khổ thơ cuối là lời tự bạch của cháu khi trưởng thành, tác giả làm nổi bật sức mạnh mang tính nguồn cội
  • Người cháu dù đi xa nhưng vẫn khôn nguôi nhớ về bà, nhớ về bếp lửa, quê hương… đó cũng chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc
  • Bài thơ khép lại bằng câu hỏi tu từ có ý nghĩa mở ra những khắc khoải, thường trực trong lòng người cháu về tình cảm, nỗi nhớ bà và quê hương

III. Kết bài:

  • Với giọng điệu sâu lắng, ngôn ngữ biểu cảm, kết hợp với miêu tả và tự sự, đoạn thơ thể hiện sâu sắc tình cảm bà cháu thiêng liêng, đẹp đẽ
  • Tình yêu thương, lòng biết ơn đối với bà chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước.

Cảm nhận khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa ngắn gọn

Khổ cuối bài thơ Bếp lửa của tác giả Bằng Việt đã cho người đọc thấy được tình cảm dành cho bà sâu sắc của nhà thơ.

“Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Thương nhớ về bà của mình dù sau này đã đi xa và tiếp xúc với những điều mới lạ, người cháu vẫn luôn dành cho bà và những ký ức tuổi thơ những vị trí thật đặc biệt trong tim. “Ngọn khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”, “niềm vui trăm ngả” là ẩn dụ cho những niềm vui mới, những điều thú vị mới mà tác giả được trải nghiệm khi trưởng thành và rời xa vòng tay bà và bếp lửa thân thuộc. Điệp ngữ:”trăm” để nhấn mạnh cuộc sống trưởng thành của người cháu. Tuy nhiên, người cháu vẫn luôn khẳng định là mình sẽ chẳng bao giờ quên nhắc nhở:”Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa”.Đoạn thơ là tình yêu, nỗi nhớ luôn thường trực dạt dào của người cháu dành cho bà của mình. Tình cảm đó lớn lên theo năm tháng đã trở thành thói quen của người cháu. Tình yêu dành cho bà, bếp lửa cùng những kỷ niệm tuổi thơ đã trở thành động lực để người cháu trưởng thành và khôn lớn. Tóm lại, đoạn thơ cuối là tình cảm dành cho bà của người cháu đã lớn và xa bà.

Cảm nhận khổ cuối Bếp lửa

Trong cuộc đời ai cũng có riêng cho mình những kỉ niệm của một thời ấu thơ hồn nhiên, trong sáng. Những kỉ niệm ấy là những điều thiêng liêng, thân thiết nhất, nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời. Bằng Việt cũng có riêng ông một kỉ niệm, đó chính là những tháng năm sống bên bà, cùng bà nhóm lên cái bếp thân thương. Ko chỉ thế, điều in đậm trong tâm trí Bằng Việt còn là tình cảm sâu đậm của 2 bà cháu. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó qua bài thơ “Bếp lửa” của ông.

Giờ đây, khi đang ở xa bà nửa vòng Trái Đất, Bằng Việt vẫn luôn hướng lòng mình về bà:

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?

Xa vòng tay chăm chút của bà để đến với chân trời mới, chính tình cảm của 2 bà cháu đã sưởi ấm lòng tác giả trong lòng vẫn luôn đinh ninh nhớ về góc bếp nơi nắng mưa 2 bà cháu có nhau. Đứa cháu sẽ ko bao giờ quên được vì đó chính là cội nguồn, là nơi mà tuổi thơ của đứa cháu được nuôi dưỡng để lớn lên từ đó.

Bài thơ kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận. Thành công của bài thơ là sự sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỉ niệm, cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu. Đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

Đọc xong bài thơ, nhắm mắt lại tưởng tượng, bạn sẽ hình dung thấy ngay hình ảnh bếp lửa hồng và dáng người bà lặng lẽ ngồi bên. “Hình ảnh có tính sóng đôi này hiện lên thật sống động, rõ ràng như thể nét khắc, nét chạm vậy …..” Bài thơ Bếp lửa sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc nhờ sức truyền cảm sâu sắc của nó, bởi nơi đây đã khơi dậy trong lòng chúng ta một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, với những người đã tô màu lên tuổi thơ trong sáng của ta.

Cảm nhận khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa – Mẫu 1

Khổ thơ cuối là lời tư bạch của người cháu đi xa khi đã trưởng thành. Nhà thơ đã làm nổi bật sức mạnh cội nguồn ấy. Khoảng cách về không gian, thời gian và khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả không thể làm cháu lãng quên ánh sáng và hơi ấm từ bếp lửa của bà, của quê hương, không quên được những lời dặn dò, tấm lòng ấm áp của bà, những tân tuy hi sinh vì tình nghĩa của bà…

Tham khảo thêm:   Hướng dẫn 4 cách cắm hoa 20/11 tặng thầy cô đẹp, ý nghĩa

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?

Hình ảnh bếp lửa gọi lại trong lòng cháu kỷ niệm về năm lên bốn tuổi đói kém, bếp khói hun nhèm mắt. Rồi những mùa vải chín, chim tu hú kêu, những câu chuyện kể của bà. Những việc bà dạy bảo, bà chăm cháu học, bà lo lắng cho mọi người. Bếp lửa gợi lại những niềm vui của nồi xôi gạo mới, niềm yêu thương, những tâm tình tuổi thơ. Bếp lửa tượng trưng cho tình cảm vững bền của bà cháu, tình quê hương sâu nặng. Chính vì thế, khi người cháu đi xa, có những niềm vui mới, có những tình cảm mới, có những bến bờ mới, nhưng vẫn không thể quên bếp lửa, nơi ủ sẵn tình cảm bà cháu, quê hương. Đó là đạo lí thuỷ chung cao đẹp của con người Việt Nam được nuôi dưỡng trong mỗi tâm hồn con người từ thuở ấu thơ.

Tấm lòng mong nhớ, trân trọng, mến yêu của người cháu được kết thúc bằng câu hỏi tu từ: mai này bà nhóm bếp lên. Câu hỏi tu từ ấy gợi cho người đọc cảm nhận như có một nỗi nhớ khắc khoải, thường trực, một nỗi nhớ đau đáu khôn nguôi, luôn nhớ về bà. Nhớ về bà cũng chính là nhớ về quê hương, nhớ về cội nguồn. Đó là những tình cảm kính trọng, biết ơn, là nỗi nhớ thương da diết của đứa cháu dành cho người bà kính yêu của mình. Đôi mắt càng già càng thấm thía yêu thương. Dù da dẻ khô đi, vẻ ngoài cằn cỗi nhưng tấm lòng không hẹp lại. Đâu chỉ giàu kiên nhẫn mà bà còn nặng đức hi sinh.

Tác giả đã rất thành công trong việc sáng tạo một hình tượng vừa mang ý nghĩa thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng: Bếp lửa. Kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự và bình luận: giọng điệu và thể thơ tám chữ phù hợp với cảm xúc, hồi tưởng và suy ngẫm.

Bài thơ chứa đựng một ý nghĩa, triết lý thầm : những gì thân thiết của tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Tình yêu thương và lòng biết ơn bà chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước.

Cảm nhận khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa – Mẫu 2

Khi lớn lên ai cũng nhớ về những kỉ niệm của tuổi thơ. Có thể là kỉ niệm với người mẹ thân yêu, với người cha tôn kính, có thể là với người bà trân trọng. Với Bằng Việt, kỉ niệm tuổi thơ đáng nhớ nhất của mình là hình ảnh người bà tần tảo sớm hôm. Hiện diện cùng bà là hình ảnh bếp lửa. Nó đã khơi nguồn cảm xúc để tác giả nhớ về bà và viết về bà qua bài thơ đậm chất trữ tình: Bếp lửa. Bài thơ đã khắc họa chân thật hình ảnh người bà gắn liền với những kỷ niệm trong quá khứ để từ đó tác giả bộc lộ tâm trạng nhớ nhung cùng với những tình cảm yêu thương xen lẫn cảm phục của mình đối với người bà thân yêu.

Suốt dọc bài thơ, mười lần xuất hiện hình ảnh bếp lửa là mười lần tác giả nhắc tới bà. Âm điệu những dòng thơ nhanh mạnh như tình cảm đang trào lớp lớp sóng vỗ vào bãi biển xanh thẳm lòng bà. Người bà đã là, đang là và sẽ mãi mãi là người quan trọng nhất đối với cháu dù ở bất kì phương trời nào. Bà đã trở thành một người không thể thiếu trong trái tim cháu. Giờ đây, khi đang ở xa bà nửa vòng trái đất, Bằng Việt vẫn luôn hướng lòng mình về bà. Đoạn thơ cuối cùng vẫn tiếp tục mạch cảm xúc nhớ thương khôn nguôi thể hiện kín đáo tình cảm biết ơn sâu nặng của tác giả đối với người bà đã từng cưu mang, đùm bọc mình:

Giờ cháu đã đi xa.
Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Giờ đây, tác giả đã sống xa xứ, đã trưởng thành, đã rời xa vòng tay người bà. Đứa cháu ấy đã được mở rộng tầm mắt để nhìn thấy “khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”, “niềm vui trăm ngả”. Cuộc sống đầy đủ vật chất hơn, nhưng vẫn không nguôi ngoai tình cảm nhớ thương bà. Tình cảm ấy đã trở thành thường trực trong tâm hồn tác giả. Câu hỏi tu từ khép lại bài thơ thật khéo, thật hay, có sức ám ảnh day dứt tâm trí người đọc. Nhà thơ hỏi nhưng cũng là nhắc nhở chính mình phải luôn nhớ tới ngọn lửa quê hương, nhớ tới người bà đã trở thành chỗ dựa tinh thần của đứa cháu ở phương xa. Đó là nỗi nhớ tha thiết, da diết. Hình ảnh bếp lửa cứ trở đi trở lại trong bài thơ, vừa là một hình ảnh rất cụ thể, vừa có sức khái quát sâu sắc. “Bếp lửa ấp iu nồng đượm” đã trở thành biểu tượng của tấm lòng người bà, mãi mãi sưởi ấm tâm hồn nhà thơ. Thật không ngờ, một bếp lửa bình thường như trăm ngàn bếp lửa khác lại có tác dụng xúc động đến như vậy.

Xa vòng tay chăm chút của bà để đến với chân trời mới, chính tình cảm giữa hai bà cháu đã sưởi ấm lòng tác giả trong cái mùa đông lạnh giá của nước Nga. Đứa cháu nhỏ của bà ngày xưa giờ đã trưởng thành nhưng trong lòng vẫn luôn đinh ninh nhớ về góc bếp, nơi nắng mưa hai bà cháu có nhau. Đứa cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ của đứa cháu đã được nuôi dưỡng để lớn lên từ đó.

Người bà trong “Bếp lửa” đã nuôi con nuôi cháu, đã đi qua đói khát và chiến tranh, đã cho chồng con mình đi kháng chiến vì đất nước, đã âm thầm ở lại nhà giữ mảnh đất tổ tiên để lại, âm thầm chờ đợi và hy vọng… Đó chẳng phải là biểu tượng về sự sống lớn lao và cao cả của con người sao? Bà là người phụ nữ Việt Nam, như ngọn lửa cháy sáng và ấm mãi.

Đọc xong bài thơ, nhắm mắt lại tưởng tượng, bạn sẽ hình dung thấy ngay hình ảnh bếp lửa hồng và dáng người bà lặng lẽ ngồi bên. Hình ảnh có tính sóng đôi này hiện lên thật sống động, rõ ràng như thể nét khắc, nét chạm vậy…

Bài thơ Bếp lửa sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc nhờ sức truyền cảm sâu sắc của nó. Bài thơ đã khơi dậy trong lòng chúng ta một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, với những người đã tô màu lên tuổi thơ trong sáng của ta. Nhất là khổ thơ cuối cùng đã cho ta cảm nhận được tấm chân tình của nhà thơ đối với người bà kính yêu: tần tảo, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh, lòng vị tha và sự bác ái. Nó nhóm lên trong lòng người đọc tình cảm mến yêu, kính phục và cả lòng biết ơn sâu sắc.

Cảm nhận khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa – Mẫu 3

Trong cuộc đời, ai cũng có riêng cho mình những kỉ niệm của một thời ấu thơ hồn nhiên, trong sáng. Những kỉ niệm ấy là những điều thiêng liêng, thân thiết nhất, nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời. Bằng Việt cũng có riêng một kỉ niệm, đó chính là những tháng năm sống bên bà, cùng bà nhóm lên cái bếp lửa thân thương. Không chỉ thế, điều in đậm trong tâm trí của Bằng Việt còn là tình cảm sâu đậm của hai bà cháu. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó qua bài thơ Bếp lửa của ông.

Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ Bếp lửa được ông sáng tác năm 1963 lúc 19 tuổi và đang đi du học ở Liên Xô. Bài thơ đã gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu với bà, với gia đình, quê hương, đất nước.

Từ những hồi tưởng về tuổi thơ, người cháu đã suy ngẫm về cuộc đời của bà. Bà đã hi sinh cả đời mình để nhóm bếp lửa và giữ cho ngọn lửa luôn ấm áp, tỏa sáng trong gia đình:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm.

Bà là người phụ nữ tần tảo, giàu đức hi sinh. Bếp lửa bà nhen mỗi sớm mai không chỉ bằng rơm rạ mà còn được nhen lên bằng chính ngọn lửa trong lòng bà, ngọn lửa của sự sống, lòng yêu thương và niềm tin tưởng. Từ bếp lửa bình dị, quen thuộc, người cháu nhận ra bao điều “kì diệu” và “thiêng liêng”. Ngọn lửa được nhóm lên từ chính bàn tay bà đã nuôi lớn tuổi thơ cháu: “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi thơ”. Bà lặng lẽ chịu đựng, hy sinh để: “Bố ở chiến khu, bố còn việc bố”. Chính vì thế, đứa cháu đã cảm nhận được trong bếp lửa bình dị mà thân thuộc có nỗi vất vả, gian lao của người bà.

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui.

Trong bài thơ có tới mười lần người bà hiện diện cùng bếp lửa với vẻ đẹp tần tảo, hi sinh, yêu thương con cháu. Và từ “bếp lửa”, tác giả đã đi đến hình ảnh “ngọn lửa”:

Rồi sớm chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Người cháu năm xưa giờ đã trưởng thành, đi xa. Trước mắt có những “niềm vui trăm ngả”, “có khói trăm tàu”, “có lửa trăm nhà”, một thế giới rộng lớn với bao điều mới mẻ được hiện ra. Nhưng đứa cháu vẫn không ngừng hỏi: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Mỗi ngày đều tự hỏi “Sớm mai này” là mỗi ngày cháu đều nhớ về bà, Hình ảnh người bà luôn làm ấm lòng và nâng đỡ cháu trên bước đường đi tới.

Tham khảo thêm:   Cách làm sườn cốt lết rim nước dừa thịt mềm, vị đậm đà cực đưa cơm

Bằng Việt đã sáng tạo hình tượng “bếp lửa” vừa mang ý nghĩa thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Giọng điệu tâm tình trầm lắng, giàu chất suy tư đã làm say lòng người đọc. Và bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt như một triết lí thầm kín. Những gì đẹp đẽ của tuổi thơ đáng được trân trọng và nó sẽ nâng đỡ con người suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Bằng Việt đã thể hiện lòng yêu thương, biết ơn bà sâu sắc. Lòng biết ơn chính là biểu hiện cụ thể của tình yêu quê hương, đất nước khi đã đi xa.

Cảm nhận khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa – Mẫu 4

Bằng Việt sáng tác bài thơ Bếp lửa năm 1963, khi nhà thơ đang là sinh viên theo học ngành Luật tại nước Nga. Nhà thơ kể lại: “Những năm đầu theo học luật tại đây tôi nhớ nhà kinh khủng. Tháng 9 ở bên đó trời se se lạnh, buổi sáng sương khói thường bay mờ mờ mặt đất, ngoài cửa sổ, trên các vòm cây, gợi nhớ cảnh mùa đông ở quê nhà. Mỗi buổi dạy sớm đi học, tôi hay nhớ đến khung cảnh một bếp lửa thân quen, nhớ lại hình ảnh bà nội lụi cụi dậy sớm nấu nồi xôi, luộc củ khoai, củ sắn cho cả nhà”. Những kỉ niệm thân thương gợi nhớ, thôi thúc nhà thơ viết nên bài thơ này. Kết thúc bài thơ là lời tâm tình thiết tha:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…”

Bài thơ mở ra hình ảnh bếp lửa, gợi những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà. Từ kỉ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành suy ngẫm, thấu hiểu cuộc đời bà, về lẽ sống của bà. Cuối cùng, trong hoàn cảnh xa cách, đứa cháu gửi nỗi nhớ mong được gặp. Trong bài thơ có hai hình ảnh nổi bật, gắn bó mật thiết với nhau, vừa tách bạch, vừa nhòe lẫn trong nhau,tỏa sáng bên nhau. Đó là hình ảnh người bà và bếp lửa quê hương.

Trong dòng hồi tưởng và suy nghĩ của nhà thơ, hai hình ảnh ấy lại luôn gắn bó, song hành, đồng hiện vì bà luôn hiện diện cùng bếp lửa. Bên bếp lửa là bóng hình bà. Bà nhóm bếp lửa mỗi sáng, mỗi chiều và suốt cả cuộc đời trong từng cảnh ngộ: từ những ngày khó khăn gian khổ đến lúc bình yên. Bếp lửa còn là biểu tượng giàu ý nghĩa: nó là biểu hiện cụ thể và đầy gợi cảm về sự tảo tần, chăm sóc, và yêu thương của người bà dành cho cháu con. Bếp lửa là tình bà ấm nồng. Bếp lửa là tay bà chăm chút. Bếp lửa gắn với bao vất vả, cực nhọc đời bà. Ngày ngày bà nhóm bếp lửa là nhóm lên sự sống niềm vui, tình yêu thương, niềm tin, và hy vọng cho cháu con, cho mọi người.

Khổ thơ cuối là lời tự bạch của người cháu đi xa khi đã trưởng thành. Nhà thơ đã làm nổi bật sức mạnh cội nguồn ấy. Điệp từ “trăm” mở ra một thế giới rộng lớn với bao điều mới mẻ. Tuổi thơ đã lùi xa, đứa cháu nhỏ năm xưa giờ đã lớn khôn, đã được chắp cánh bay cao, bay xa đến những chân trời cao rộng có “ khói trăm tàu”,”lửa trăm nhà”,”niềm vui trăm ngả”. Khoảng cách về không gian, thời gian và khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả không thể làm cháu lãng quên ánh sáng và hơi ấm từ bếp lửa của bà, của quê hương, không quên được những lận đận đời bà, tấm lòng ấm áp của bà, những tận tụy hy sinh vì tình nghĩa của bà…

Đó là đạo lý thuỷ chung cao đẹp của con người Việt Nam được nuôi dưỡng trong mỗi tâm hồn con người từ thuở ấu thơ. Bởi vậy, khi ở xa tổ quốc, người cháu vẫn khôn nguôi nhớ về bà và bếp lửa quê hương, nhớ về góc bếp, nơi nắng mưa hai bà cháu có nhau. Cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ của cháu được nuôi dưỡng để lớn lên từ đó. Bà và quê hương yêu dấu là điểm tựa, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cháu trên mỗi bước đường đời.

Bài thơ được kết thúc bằng câu hỏi tu từ: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Câu hỏi tu từ ấy gợi cho người đọc cảm nhận như có một nỗi nhớ khắc khoải, thường trực, một nỗi nhớ đau đáu khôn nguôi, luôn nhớ về bà. Nhớ về bà cũng chính là nhớ về quê hương, nhớ về cội nguồn và chúng ta lại bắt gặp tình cảm ấy “Đôi dòng tiễn đưa bà nội” mà tác giả viết khi bà nội qua đời, đó là những tình cảm kính trọng, biết ơn, là nỗi nhớ thương da diết của đứa cháu dành cho người bà kính yêu của mình: “Đôi mắt càng già càng thấm thía yêu thương – Dù da dẻ khô đi, tấm lòng không hẹp lại – Giàu kiên nhẫn, bà còn hy vọng mãi – Chỉ mỗi ngày rắn lại ít lời thêm”.

Từ những suy ngẫm của người cháu, khổ thơ cuối bài thơ “Bếp lửa” biểu hiện một triết lý sâu sắc: Những gì thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng bước con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Tình yêu đất nước bắt nguồn từ lòng yêu quý ông bà, cha mẹ, từ những gì gần gũi và bình dị nhất.

Cảm nhận khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa – Mẫu 5

Tình cảm gia đình luôn là tình cảm hết sức thiêng liêng cao đẹp trong tâm tưởng của mỗi một con người Việt Nam. Viết về đề tài này, nhà thơ Bằng Việt đã có những vần thơ rất hay thông qua tác phẩm “Bếp lửa”. Qua bài thơ, chúng ta thấy được vẻ đẹp của tình bà cháu qua dòng hồi tưởng về quá khứ được sống trong sự bao bọc, chở che của người bà. Và sự đùm bọc, yêu thương đó đã trở thành hành trang đi theo suốt cuộc đời tác giả. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua khổ thơ cuối của bài thơ:

“Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Bài thơ “Bếp lửa” được kiến tạo theo mạch cảm xúc hồi tưởng từ cảm xúc đến hiện tại. Sau khi nhớ về những kỉ niệm bên bà và bếp lửa năm lên bốn tuổi, tám tuổi và những năm kháng chiến, tác giả Bằng Việt đã quay trở về thực tại để gửi gắm nỗi nhớ mong luôn khắc khoải, thường trực trong tâm trí về người bà cùng những tháng năm được sống trong sự chở che, đùm bọc, thương yêu.

Khổ thơ cuối được mở đầu bằng những câu thơ miêu tả sự đổi khác của cuộc sống thực tại. Ở dòng thơ đầu tiên, với dấu phẩy được ngăn cách ở giữa, chia tách câu thơ làm đôi: “Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu” đã gợi sự đổi thay về thời gian cũng như không gian. Đó là sự vận động từ quá khứ, hồi ức đến hiện tại, đồng thời không gian căn bếp thân thuộc trong tâm tưởng cũng được thay thế bằng những khoảng trời rộng lớn của thế giới bên ngoài. Điệp từ “trăm”, “có” kết hợp với thủ pháp liệt kê đã nhấn mạnh hơn nữa những thay đổi đó. Cuộc sống hiện tại giờ đây nhộn nhịp hơn với “ngọn khói trăm tàu”,”lửa trăm nhà”, “niềm vui trăm ngả”. Tác giả Nguyễn Duy cũng đã từng miêu tả cuộc sống mới sau khi đất nước giành được độc lập qua những chi tiết “ánh điện”, “cửa gương”, “đèn điện”, “phòng buyn – đinh” trong bài thơ “Ánh trăng”. Như vậy, sự thay đổi của cuộc sống con người luôn là một vận động mang tính quy luật và tất yếu. Nhưng trong tâm hồn người cháu vẫn luôn khắc khoải, thường trực nỗi nhớ về người bà: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Câu hỏi tu từ đã tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng bởi ở khổ thơ đầu của bài thơ, tác giả cũng nhắc đến hình ảnh người bà và bếp lửa với ý nghĩa là nơi bắt đầu nỗi nhớ:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”

Như vậy, nơi bắt đầu nỗi nhớ chính là hình ảnh quen thuộc, ấm áp của tình bà cháu, và kết thúc bài thơ, hình ảnh đó tiếp tục xuất hiện và được nhấn mạnh hơn nữa thông qua câu hỏi tu từ, cho thấy nỗi nhớ về người bà tần tảo sớm hôm luôn khắc khoải và thường trực trong tâm hồn của tác giả dẫu cho thời gian không ngừng chảy trôi và nhịp sống đã đổi khác.

Nỗi nhớ của tác giả về những năm tháng tuổi thơ được sống trong tình yêu thương của người bà không chỉ tái hiện câu chuyện cảm động về tình cảm bà cháu thiêng liêng, cao quý mà còn thể hiện vẻ đẹp của lối sống “uống nước nhớ nguồn”. Dẫu cuộc sống đổi thay theo hướng hiện đại nhưng người cháu vẫn luôn “chẳng lúc nào quên nhắc nhở” bản thân trân trọng những giá trị, những kỉ niệm thuộc về quá khứ. Nếu như sự “giật mình” thức tỉnh của nhà thơ Nguyễn Duy về lối sống ân nghĩa thủy chung được gợi nên từ “vầng trăng tình nghĩa” thì tác giả Bằng Việt lại không ngừng tự nhắc nhở bản thân nhớ về những gì đã qua. Dù cuộc sống đổi khác nhưng quá khứ vẫn luôn sống động trong tâm hồn tác giả.

Như vậy, thông qua nỗi nhớ thường trực, khắc khoải của người cháu, chúng ta có thể thấy được tình cảm sâu nặng đối với cội nguồn. Đồng thời, nỗi nhớ đó đã góp phần tô đậm hơn nữa tình cảm bà cháu thiêng liêng, cao quý. Tất cả đã được làm nổi bật thông qua hệ thống hình ảnh thơ hết sức bình dị, gần gũi nhưng vẫn giàu sức gợi, tạo nên dòng cảm xúc chân thành, tha thiết nhưng vẫn ẩn chứa những bài học triết lí về đạo lí “uống nước nhớ nguồn” và trân trọng quá khứ.

Tham khảo thêm:  

Phân tích khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa

Mối quan hệ huyết thống, tình cảm gia đình luôn làm cho con người ta hạnh phúc, yên bình nhất. Đặc biệt là đối với con người Việt Nam, gia đình luôn được xem là tất cả. Nói về cảm xúc quê hương, tác giả Bằng Việt đã sử dụng những vần thơ hay, nổi bật, cảm động.

Nội dung của bài thơ thể hiện hồi ức tình bà cháu thắm thiết, quan tâm, chăm sóc. Người cháu được sống trong sự bảo vệ, bao bọc, lo lắng của bà mình. Chính tình yêu cao quý đó là động lực, hành trang cho người cháu sống tốt trong tương lai. Tác giả đã thể hiện rõ nhất qua 4 câu thơ cuối về tình cảm thiêng liêng này. Ở 2 câu thơ trên là nỗi nhớ của người cháu xa quê:

“Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả.”

Qua khổ cuối bài Bếp Lửa cho thấy sự trân trọng quá khứ tươi đẹp của người cháu. “Bếp Lửa” là hồi tưởng, nhớ lại cảm xúc, hoàn cảnh của nhân vật từ hồi nhỏ cho đến hiện tại. Kỷ niệm bên người bà thân thương cùng làn khói, bếp lửa hồng ấm áp. Lúc đó, người cháu chỉ lên 4 tuổi, trong thời kỳ giặc ngoại xâm lược, kinh tế đói nghèo, khó khăn. Đến hiện tại, tất cả chỉ còn là nỗi nhớ mong, hồi niệm về những ký ức đẹp đẽ.

“Giờ cháu đã đi xa”, không còn ở tại quê hương cùng người bà, chỉ có thể nhớ về. Cuộc sống thực tại khác nhiều so với ngày xưa cũ, đầy đủ, nhộn nhịp hơn. Không gian và thời gian đều đã thay đổi. Không còn hình ảnh căn bếp quen thuộc cùng người bà, mà chỉ có không gian rộng lớn. Chỉ có “ngọn khói trăm tàu” của nơi chốn thành thị xô bồ. Điệp từ “trăm tàu”, “trăm nhà”, “trăm ngả” gợi sự đa dạng, thay đổi lớn. Tuy nhiên “có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” vẫn không bằng hình ảnh 1 bếp lửa bên người bà thân thương.

Khi đất nước đã giành được độc lập từ tay giặc, một cuộc sống mới mở ra với mọi người. Quy luật của sự thay đổi luôn luôn là tất yếu, thời gian không thể nào đứng yên mãi. Tuy nhiên, đối với người cháu, bà là cả một tuổi thơ đẹp đẽ, hạnh phúc, ấm no, được bao bọc. Hình ảnh, nỗi nhớ người bà luôn tồn tại trong tâm hồn, tuổi thơ, ký ức của cháu:

“Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Người cháu luôn nhớ rằng, phải cần nhắc nhở người bà mỗi ngày, vì bà lớn tuổi hay quên. Câu hỏi mỗi ngày mà cháu thường hỏi bà là “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Đây là một câu hỏi tu từ, tạo sự kết nối từ đầu đến cuối bài thơ. Bếp lửa và người bà chính là hình ảnh nổi bật nhất, làm nhân vật nhớ nhung. Hình ảnh “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!” thể hiện rõ nhất tình cảm thiêng liêng ấy. Tình cảm không thể nói thành lời, mà chỉ có thể hồi ức mỗi ngày, thật da diết.

Dù thời gian đã trôi qua, cuộc sống thay đổi, nhưng tác giả vẫn in sâu hình bóng ấy. Hình ảnh quen thuộc thường ngày, nghèo nàn, nhưng tình cảm mến thương. Kết thúc bài thơ, tác giả vẫn làm người đọc cảm động với cách đặt câu hỏi tu từ. Qua việc phân tích khổ cuối bài Bếp Lửa chúng ta thấy người cháu luôn yêu thương, nhớ về người bà đã già. Kể cả khi người cháu không được sống cùng bà, không gian thời gian cũng đã khác đi.

Tình bà cháu thiêng liêng của tác giả với người bà, luôn có những ký ức đẹp và ý nghĩa. Qua đó, còn tôn vinh truyền thống người Việt trong việc “uống nước nhớ nguồn”. Cuộc sống hiện tại ấm no, xô bồ, tuy nhiên họ vẫn luôn một lòng nhớ về những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu.

Khổ cuối bài Bếp lửa cho thấy được nỗi nhớ thường trực của người cháu về quê hương. Đó là một tình cảm quý báu, đẹp nhất, luôn hướng về cội nguồn, nơi sinh ra chúng ta. Bài thơ thể hiện những tình cảm, mối quan hệ bà cháu cao quý. Với những hình ảnh quen thuộc như bếp lửa, khói, sương, và người bà đã tạo nên những câu thơ ý nghĩa, bình dị với cuộc sống hàng ngày. Dạy chúng ta rằng hãy luôn biết trân trọng người thân quá khứ và những kỷ niệm đẹp.

Đoạn văn cảm nhận khổ cuối bài thơ Bếp lửa

Đoạn văn 1

Một đứa con xa quê hương, một đứa cháu xa bà luôn luôn thường trực trong nỗi nhớ về “Bếp lửa” – về tình yêu ấm nồng tưởng như cái lạnh cái cô đơn ở quê người cũng đôi chút vợi đi vậy. Nhưng nhớ về cái “Bếp lửa” phải chăng cũng đồng nghĩa với việc nhớ quê nhà, nhớ về bà đồng nghĩa với việc nhớ về tổ ấm gia đình với niềm vui sum họp.

“Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Trong tình cảm của bà có tình cảm của đất nước, tác giả nhớ đến tình bà cũng là nhớ đến đất nước quê hương. Có người từng nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” Nói như vậy có nghĩa là tình cảm của bà trở nên lòng yêu Tổ quốc là một ẩn dụ của tình cảm của đất nước dành cho những người xa quê. Hành trình từ “Bếp lửa” đến “Bếp lửa” là hành trình của giọt nước hoà vào suối và đổ ra sông… Càng ngày càng thiêng liêng, cao cả. “Bếp lửa” là một dòng hồi tưởng “chờn vờn”, “nồng đượm”, rực sáng mãi không thôi trong lòng những người dù chỉ đến với nó một lần. Làm sao chúng ta sống lại tuổi ấu thơ cảm động bên người bà yêu dấu với tình thương bao la, sâu đậm ở một miền quê còn nhiều đau khổ. Một ngọn lửa mãnh liệt như vậy liệu có bao giờ vụt tắt được chăng?

Đoạn văn 2

Khổ thơ cuối bài thơ “Bếp lửa” là lời tự bạch của tác giả- một người cháu xa nhà, rời xa vòng tay thân thuộc của bà để xây dựng cuộc sống mới.

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?”

Điệp từ “trăm” cùng phép liệt kê, ẩn dụ “khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” đã thể hiện được những trải nghiệm phong phú, đáng quý của người cháu khi xa nhà. Nơi đó, có những tình cảm mới, những niềm vui mới, tưởng sẽ vơi đi nỗi nhớ bà nhưng trong lòng cháu vẫn không thể nào quên được hình bóng bà với bếp lửa thân thuộc, nơi ấp ủ những tình cảm yêu thương của bà. Tấm lòng thiết tha, nỗi nhớ mong khôn nguôi, lòng thành kính của cháu dành cho bà được đúc kết trong câu hỏi tu từ cuối bài : Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa? Nhớ về bà với miền kí ức tuổi thơ tươi đẹp cũng chính là nhớ về gia đình, về nguồn cội quê hương. Bằng sự kết hợp giữa kể, tả và bộc lộ cảm xúc, khổ thơ cuối như một lời tâm sự nhẹ nhàng mà da diết, những câu thơ cuối như những nốt nhạc nhẹ nhàng, mang nặng ân tình của người cầm bút.

Đoạn văn 3

Trong khổ cuối bài thơ “Bếp lửa”, nhà thơ Bằng Việt đã dẫn dắt người đọc về một miền nhớ:

“Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Từ trong dòng hồi ức, người cháu đã trở về thực tại, khi cháu đã xa bà, xa quê hương để đến học tập ở một mảnh đất xa lạ. Hình ảnh ẩn dụ “Ngọn khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”, “niềm vui trăm ngả” để chỉ những điều mới mẻ, thú vị bên ngoài mà cháu được trải nghiệm khi xa vòng tay thân thuộc của bà. Ở nơi xa với những phồn hoa đô hội, với những tiện nghi mới lạ, dù có những niềm vui lớn nhưng người cháu chưa bao giờ quên hình bóng bà, về những ngày tháng bên bà. Trong sâu thẳm của miền kí ức, hình ảnh bà và những kỉ niệm tuổi thơ vẫn luôn ở đó, giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim. Trong thâm tâm cháu thường trực câu hỏi chan chứa tình yêu thương: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Khổ thơ cuối đã thể hiện nỗi nhớ da diết và đầy cảm động của người cháu dành cho bà. Tình cảm ấy luôn chực trào, đã diết và mãnh liệt, lớn lên theo năm tháng. Đoạn thơ còn như là một lời nhắn nhủ tới mỗi chúng ta: cần quý tình cảm gia đình, trân quý những khoảnh khắc bên người thân yêu của mình.

Đoạn văn 4

Khổ cuối bài thơ “Bếp lửa”, Bằng Việt đã bộc lộ những tình cảm nhớ thương bà đã diết. Nỗi nhớ bà luôn thường trực trong tâm khảm, vì vậy mà dù nơi phồn hoa, tiếp xúc với nhiều điều mới lạ, với những niềm vui mới nhưng cháu vẫn không thể nào quên được hình bóng người bà yêu quý. Những câu thơ đầu khổ cuối mở ra một cuộc sống mới mẻ, phong phú nơi người cháu đang sống. “Ngọn khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”, “niềm vui trăm ngả” là những hình ảnh ẩn dụ cho nhiều điều thú vị mà tác giả đang được trải qua khi lớn lên, xa bà, xã quê hương mình. Tuy cuộc sống có đủ đầy, cháu vẫn không thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ bà. Câu hỏi tư từ cất lên trong tình cảm thương nhớ mãnh liệt khép lại bài thơ gợi nhiều xúc cảm trong lòng người đọc:”Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”. Lời tự hỏi cũng là lời nhắc nhở chính mình mỗi ngày luôn nhớ về bà, sẽ mãi nhớ về bà, người đã nâng đỡ tâm hồn cháu suốt những bước đường đời. Bằng giọng điệu tâm tình, tha thiết, lời thơ giàu sức với cùng hình ảnh có tính biểu tượng, Bằng việt đã thể hiện sâu sắc tình yêu thương và sự biết ơn bà. Khổ thơ cuối tuy khép lại bài thơ những đã mở ra trong lòng mỗi chúng ta một miền xúc cảm để biết yêu và trân quý hơn những tình cảm mà những người bà, người mẹ đã dành cho chúng ta hôm nay.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa 2 Dàn ý & 12 mẫu cảm nhận khổ cuối Bếp lửa của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *