Bạn đang xem bài viết ✅ Tác phẩm Sự giàu đẹp của tiếng Việt Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” đã chứng minh sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều phương diện: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Tiếng Việt, với những phẩm chất bền vững và giàu khả năng sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của nó, là một biểu hiện hùng hồn sức sống của dân tộc.

Wikihoc.com sẽ cung cấp tài liệu giới thiệu về tác giả Đặng Thai Mai, nội dung của văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” ngay sau đây.

Sự giàu đẹp của tiếng Việt

Nghe đọc Sự giàu đẹp của tiếng Việt:

Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình. Và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó.

Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kỳ lịch sử.

Tham khảo thêm:  

[…] Tiếng Việt, trong cấu tạo của nó, thật sự có những đặc sắc của một thứ tiếng khá đẹp. Nhiều người ngoại quốc sang thăm nước ta và có dịp nghe tiếng nói của quần chúng nhân dân ta, đã có thể nhận xét rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc. Họ không hiểu tiếng ta, và đó là một ấn tượng, ấn tượng của người “nghe” và chỉ nghe thôi. Tuy vậy lời bình phẩm của họ có phần chắc không phải chỉ là một lời khen xã giao. Những nhân chứng có đủ thẩm quyền hơn về mặt này cũng không hiếm. Một giáo sĩ nước ngoài (chúng ta biết rằng nhiều nhà truyền đạo Thiên Chúa nước ngoài cũng là những người rất thạo tiếng Việt), đã có thể nói đến tiếng Việt như là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”. Tiếng Việt chúng ta gồm có một hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú. Tiếng ta lại giàu về thanh điệu. Giọng nói của người Việt Nam, ngoài hai thanh bằng (âm bình và dương bình) còn có bốn thanh trắc. Do đó, tiếng Việt có thể kể vào những thứ tiếng giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng. […] Giá trị của một tiếng nói cố nhiên không phải chỉ là câu chuyện chất nhạc. Là một phương tiện trao đổi tình cảm ý nghĩ giữa người với người, một thứ tiếng hay trước hết phải thoả mãn được nhu cầu ấy của xã hội. Về phương diện này, tiếng Việt có những khả năng dồi dào về phần cấu tạo từ ngữ cũng như về hình thức diễn đạt. Từ vựng tiếng Việt qua các thời kỳ diễn biến của nó tăng lên mỗi ngày một nhiều. Ngữ pháp cũng dần dần trở nên uyển chuyển hơn, chính xác hơn. Dựa vào đặc tính ngữ âm của bản thân mình, tiếng Việt đã không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới hoặc Việt hoá những từ và những cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng, để biểu hiện những khái niệm mới, để thoả mãn yêu cầu của đời sống văn hoá ngày một phức tạp về mọi mặt kinh tế, chính trị, khoa học, kĩ thuật, văn nghệ…

Tham khảo thêm:   Soạn bài Tà áo dài Việt Nam trang 122 Tiếng Việt Lớp 5 tập 2 - Tuần 30

Chúng ta có thể khẳng định rằng: cấu tạo của tiếng Việt, với khả năng thích ứng với hoàn cảnh lịch sử như chúng ta vừa nói trên đây, là một chứng cớ khá rõ về sức sống của nó.

I. Đôi nét về tác giả Đặng Thai Mai

– Đặng Thai Mai (1902 – 1984) quê ở làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

– Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội có uy tín.

– Trước Cách mạng, ông vừa dạy học vừa sáng tác và nghiên cứu văn học.

– Sau Cách mạng, ông giữ nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền, các cơ quan văn nghệ, và viết một số công trình nghiên cứu văn học có giá trị lớn.

– Năm 1966, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

– Một số tác phẩm: Văn học khái luận (1944), Tập văn trong Văn học Trung Quốc ngày nay (1945), Lỗ Tấn thân thế và văn nghệ (1958), Tuyển tập Đặng Thai Mai – tác phẩm (gồm 2 tập)…

II. Giới thiệu về Sự giàu đẹp của tiếng Việt

1. Xuất xứ

– Bài Sự giàu đẹp của tiếng Việt là đoạn trích ở phần đầu của bài nghiên cứu “Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc”, in lần đầu vào năm 1967, được bổ sung và đưa vào Tuyển tập Đặng Thai Mai, tập II.

Tham khảo thêm:   Bị loãng xương uống sữa gì? Top 15 loại sữa tốt cho người loãng xương

– Tên bài do người biên soạn SGK đặt.

2. Bố cục

Gồm 2 phần:

– Phần 1. Từ đầu đến “qua các thời kỳ lịch sử”: Nhận định chung về sự giàu đẹp của tiếng Việt. b

– Phần 2. Còn lại. Chứng minh cái đẹp, khẳng định cái đẹp và cái hay của tiếng Việt.

3. Tóm tắt

Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nó là một thứ tiếng “đẹp” bởi “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kép, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”. Nó có một hệ thống nguyên âm, phụ âm phong phú và giàu về thanh điệu. Tiếng Việt có những khả năng dồi dào về phần cấu tạo từ ngữ, cũng như hình thức diễn đạt. Từ vựng qua thời gian cũng tăng lên và ngữ pháp trở nên uyển chuyển, chính xác hơn.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tác phẩm Sự giàu đẹp của tiếng Việt Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *