Bạn đang xem bài viết ✅ Chỉ thị 20/CT-TTg 2020 Tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Để có thể tăng cường việc tiết kiệm điện trong giai đoạn 2020-2025, thì mới đây vào ngày 07/05/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg. Hiệu lực của văn bản pháp luật này sẽ bắt đầu từ ngày được ban hành. Dưới đây là nội dung chi tiết của chỉ thị này, xin mời các bạn cùng tham khảo.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

Số: 20/CT-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2020

CHỈ THỊ 20/CT-TTg

Về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025
———–

Trong nhiều năm qua, việc cung ứng điện cho nền kinh tế luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội. Tuy nhiên, xét bối cảnh nguồn cung ứng điện giai đoạn 2020 – 2025 gặp nhiều thách thức do: (i) tình trạng thủy văn đảm bảo mức phát điện của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu; (ii) sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu; (iii) nguồn điện gió, điện mặt trời vẫn còn hạn chế về quy mô và còn nhiều rào cản kỹ thuật trong khai thác, sử dụng; (iv) nhiệt điện gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư, trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân 10%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được coi là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong 05 năm tới.

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện, cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong ý thức sử dụng điện theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Kết quả là, đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm. Đây là tiền đề quan trọng cho phép cả nước cần phải tiếp tục đẩy nhanh, mạnh việc cải thiện chất lượng sử dụng điện, coi tiết kiệm điện là một giải pháp then chốt để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2020 – 2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong giai đoạn 2020 – 2025, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm điện, cụ thể như sau:

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể – xã hội thực hiện một số giải pháp sau:

a) Thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở:

– Phối hợp với cơ quan điện lực sở tại xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện cho đơn vị mình, đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.

– Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả quy định về sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị tiêu thụ điện tại cơ quan, đơn vị.

– Phổ biến, quán triệt việc thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể người lao động, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm.

– Đôn đốc, rà soát và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy và các quy định hiện hành về tiết kiệm điện.

– Tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.

Tham khảo thêm:   Bộ đề ôn thi học kì 2 môn Toán lớp 1 sách Kết nối tri thức với cuộc sống 15 đề thi Toán 1 năm 2022 - 2023 (Theo Thông tư 27)

b) Thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho

mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời:

– Các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp điện xây dựng và tổ chức triển khi kế hoạch tiết kiệm điện, theo đó, phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 20% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2020 – 2025 cho các hoạt động chiếu sáng trên.

– Áp dụng các giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chiếu sáng công cộng; thay thế các đèn trang trí, đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo bằng đèn tiết kiệm điện; Áp dụng công nghệ điều khiển tự động trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời.

– Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp.

– Đẩy nhanh lộ trình thực hiện tự động hóa chiếu sáng theo khung thời gian và điều kiện thời tiết của các công trình chiếu sáng công cộng.

– Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện theo yêu cầu của cơ quan điện lực sở tại; tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của cơ quan điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

c) Thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình:

– Sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Thường xuyên thực hành hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết; ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đốt; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.

d) Thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ:

– Thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

– Xây dựng và phổ biến thực hiện nội quy tiết kiệm điện của đơn vị cho khách hàng, nhân viên; phối hợp với cơ sở cung ứng điện thực hiện việc giảm nhu cầu sử dụng điện khi có yêu cầu.

đ) Thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất:

– Xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải.

– Lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vào hệ thống năng lượng nội bộ; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao.

– Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm, rà soát, chấn chỉnh việc chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có liên quan.

Tham khảo thêm:   Công văn 979/BNN-TCTS Nuôi trồng thủy sản ngoài quy hoạch

– Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là đối tượng điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm phải tuân thủ định mức tiêu hao năng lượng theo quy định.

2. Bộ Công Thương có trách nhiệm:

– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai Chỉ thị này, tổng hợp kết quả thực hiện hằng năm, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.

– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai khẩn trương các nhiệm vụ của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 và Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó đặc biệt chú trọng tới hoạt động điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại và thương mại.

– Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống.

– Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền liên tục, rộng rãi để nhân dân biết và thực hiện tiết kiệm điện.

– Đôn đốc các Sở Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, dịch vụ thực hiện đầu tư, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng thay thế các trang thiết bị có hiệu suất thấp bằng các thiết bị, dây chuyền sản xuất có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về định mức sử dụng năng lượng cho đơn vị sản phẩm của ngành/tiểu ngành.

– Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm điện theo năm cho địa phương.

– Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát, áp dụng chế tài xử phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện các quy định về sử dụng năng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

– Phối hợp với Bộ Công Thương và các bên liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tài chính cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam hạch toán vào giá thành các nhiệm vụ về thúc đẩy tiết kiệm điện.

– Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2020 ban hành theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát bổ sung, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hiệu suất năng lượng đối với các thiết bị tiêu thụ điện.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các Đài phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương xây dựng và thực hiện liên tục các chương trình phát thanh và truyền hình về tiết kiệm điện, áp dụng đơn giá phù hợp cho việc tuyên truyền, phổ biến về tiết kiệm điện.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

– Xây dựng và đưa các chỉ tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm và giai đoạn.

– Chỉ đạo các đài phát thanh – truyền hình, các cơ quan truyền thông trực thuộc liên tục tuyên truyền về tiết kiệm điện đối nhân dân trên địa bàn.

Tham khảo thêm:   Sinh học 10 Bài 15: Tổng hợp các chất và tích lũy năng lượng Giải Sinh 10 trang 72 sách Chân trời sáng tạo

– Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm quy định hiện hành về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

– Yêu cầu các cơ quan điện lực địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức đóng trên địa bàn xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện. Hỗ trợ Ủy ban nhân dân các cấp thống kê kết quả thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện của doanh nghiệp, tổ chức thuộc địa bàn cung cấp điện.

– Tổ chức khen thưởng và đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khen thưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích trong công tác tiết kiệm điện.

7. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phê duyệt và rà soát các dự án đầu tư, mua sắm công, triệt để tuân thủ quy định tại Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục, phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; giám sát chi phí sử dụng điện trong chi thường xuyên của các đơn vị hành chính sự nghiệp theo quy định mức tiết kiệm điện của Chỉ thị này.

8. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm:

– Vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống. Huy động một cách hợp lý công suất và điện năng các nhà máy thủy điện, các nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập và các nguồn điện dự phòng của khách hàng.

– Xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo Bộ Công Thương kết quả thực hiện chương trình tiết kiệm điện hằng năm và giai đoạn.

– Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng – Thủy văn quốc gia, cập nhật dự báo về thời tiết và nguồn nước, chủ động thực hiện các phương án vận hành hiệu quả, sử dụng tiết kiệm nguồn nước để phát điện.

– Chủ trì, phối hợp cùng với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tài chính cho phép việc hạch toán chi phí của hoạt động thúc đẩy tiết kiệm điện vào giá thành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện có trách nhiệm chỉ đạo và thi hành nghiêm Chỉ thị này.

10. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– Các Tập đoàn kinh tế;
– VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
– Lưu: VT, CN (2)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Nguyễn Xuân Phúc

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Chỉ thị 20/CT-TTg 2020 Tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *