Những việc tốt sẽ đem đến nhiều điều tốt đẹp, giúp lan tỏa tình yêu thương. Khi làm được một việc tốt, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Chính vì vậy, wikihoc.com muốn giới thiệu tài liệu Bài văn mẫu lớp 6: Kể về một việc tốt em đã làm.

Kể về một việc tốt mà em đã làm (27 mẫu)
Kể về một việc tốt em đã làm

Nội dung chi tiết sẽ bao gồm 2 dàn ý và 27 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất được chúng tôi tổng hợp và giới thiệu đến các bạn học sinh. Mời tham khảo để có thêm ý tưởng cho bài viết.

Dàn ý kể về 1 việc tốt em đã làm

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về việc tốt mà em đã làm: Một việc tốt trao đi, chúng ta sẽ nhận lại được nhiều điều quý giá. Trong cuộc sống, mỗi người chắc hẳn đều đã từng một lần làm được việc tốt. Và tôi cũng như vậy…

2. Thân bài

a. Khái quát chung

Hoàn cảnh:

  • Khi nào? Ở đâu?
  • Ai là người được giúp đỡ: Người thân, bạn bè, người có hoàn cảnh khó khăn…

b. Kể lại việc tốt em đã làm

– Việc làm tốt của em là gì?

Ví dụ:

  • Việc làm nhỏ: Cho bạn mượn bút trong giờ kiểm tra; Đưa bà cụ qua đường; Nhường ghế cho em nhỏ trên xe buýt…
  • Việc làm lớn: Ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Giúp đỡ người vô gia cư…

– Kết quả của việc làm tốt: Nhận được lời cảm ơn của người được giúp đỡ; Được mọi người xung quanh yêu mến…

– Suy nghĩ, cảm nhận sau khi làm việc tốt: Vui vẻ, tự hào, hạnh phúc…

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của việc làm tốt: Mỗi việc làm tốt sẽ trao đi những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bởi vậy mà chúng ta hãy tích cực làm việc tốt để luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Kể lại một việc tốt mà em đã làm

Bài văn mẫu số 1

Trong cuộc đời của mỗi người, chắc chắn đã từng một lần làm được việc tốt. Bản thân em cũng như vậy. Hằng năm, sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán, trường em lại tổ chức quyên góp để ủng hộ học sinh miền núi.

Chúng em có thể ủng hộ đồ dùng học tập, quần áo hoặc tiền mặt. Cán bộ lớp có trách nhiệm phân loại, thống kê và nộp về cho nhà trường. Thời gian để các lớp hoàn thành nhiệm vụ là một tuần.

Chiều hôm đó, em trở về báo cáo với mẹ. Nghe xong, mẹ nói rằng việc làm này rất có ý nghĩa. Sau đó, mẹ dắt em đến hiệu sách. Hai mẹ con đã mua một số đồ dùng học tập như bút chì, thước kẻ và sách vở để đem đến ủng hộ. Ngoài ra, em cũng thu gom một số bộ quần áo mà mình không mặc nữa nhưng vẫn còn rất mới. Em gấp lại gọn gàng, rồi để vào trong túi.

Mẹ cũng đã giúp em sắp xếp gọn gàng đồ đạc. Hai mẹ con vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Em kể cho mẹ nghe về công việc học tập ở lớp. Nghe thấy giọng của mẹ là em biết rằng chắc chắn mẹ đang rất vui. Em hy vọng rằng những món quà này sẽ giúp đỡ phần nào cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chắn hẳn, nhờ những món quà nhỏ đó mà các bạn nhỏ đó có thể tiếp tục học tập như em và thực hiện được ước mơ của mình.

Sáng hôm sau, mẹ đưa em đến trường. Còn em ngồi đằng sau cầm những túi đồ. Vừa đi hai mẹ con vừa trò chuyện rất vui vẻ. Em cảm thấy hân hoan khi đã làm được một việc tốt. Mẹ cũng tỏ ra vui mừng và nói rằng cảm thấy rất tự hào về em. Điều đó khiến em hạnh phúc vô cùng.

Tấm lòng nhỏ nhưng góp phần đem lại lợi ích to lớn. Em tự hứa sẽ cố gắng làm thêm được nhiều những công việc có ích cho cuộc sống hơn nữa.

Bài văn mẫu số 2

Việc làm tốt giúp lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống. Có lẽ chúng ta đều đã từng làm được việc tốt, và em cũng như vậy.

Chủ nhật tuần này, khu phố của em đã phát động phong trào “Môi trường xanh”. Từ mấy hôm trước, bác tổ trưởng tổ dân phố đã đến từng nhà để vận động mọi người. Yêu cầu mỗi gia đình cần có hai người tham gia. Vì vậy, em và chị gái đã xung phong ứng cử.

Hai chị em vô cùng háo hức. Việc dọn dẹp có lẽ sẽ vất vả nhưng rất hữu ích. Từ sáng sớm, mọi người đã tập trung tại nhà văn hóa. Bác tổ trưởng tổ dân phố phụ trách phân công từng công việc cụ thể. Chưa lúc nào, nhà văn hóa lại đông đúc và nhộn nhịp như vậy. Ở khu vực nhà kho, tất cả các dụng cụ để dọn dẹp đã được chuẩn bị đầy đủ.

Sau khi nhận dụng cụ, mọi người cùng nhau bắt tay vào công việc. Các cô, các bác lớn tuổi sẽ quét dọn đường lớn. Các anh chị thanh niên phụ trách trồng cây, nhổ cỏ. Các bạn nhỏ như em sẽ ở lại nhà văn hóa để quét dọn. Những túi rác được gom lại trong túi. Sau đó, rác sẽ được phân loại thành rác hữu cơ (có thể phân hủy) và rác vô cơ (không thể phân hủy). Toàn bộ số rác sau đó sẽ được xe chở rác đưa đến nơi xử lý.

Mọi người vừa làm vừa trò chuyện rất vui vẻ. Đến chiều, mọi công việc mới xong. Con đường sạch sẽ hơn, không còn rác bẩn. Cây cối xanh tươi trong ánh nắng ban mai. Nhà nào cũng rực rỡ lá cờ đỏ tổ quốc đỏ thắm. Khu phố như được khoác lên mình một chiếc áo mới. Ngắm nhìn khung cảnh đó, em cảm thấy dường như mọi mệt nhọc đã tan biến hết. Một ngày lao động thật vất vả nhưng lại rất ý nghĩa. Ai cũng hân hoan, vui vẻ trở về nhà.

Mỗi việc làm tốt đều thật giá trị. Em tự hứa sẽ cố gắng làm thêm được nhiều những công việc có ích cho cuộc sống hơn nữa.

Bài văn mẫu số 3

Trong cuộc đời, mỗi người đều đã từng làm được một việc tốt. Điều đó có thể khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Bản thân tôi cũng đã từng làm được rất nhiều việc tốt.

Tôi vẫn còn nhớ hôm đó là chủ nhật. Khi ấy, tôi cùng các bạn trong xóm rủ nhau đi đá bóng. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện rất vui vẻ và sôi nổi về trận đấu sắp tới. Cả nhóm đều hy vọng có thể giành chiến thắng trước đội bóng của xóm Đông – một đội bóng rất mạnh trong làng. Cả đội đang rất quyết tâm.

Nhưng khi cả nhóm đang đi gần đến sân bóng, tôi chợt nhìn sang phía bên kia đường có một cụ bà đang sách một túi đồ rất nặng. Bỗng nhiên có một đám thanh niên bốn năm người đi ngang qua, xô vào người bà cụ khiến bà đánh rơi túi đồ. Chiếc túi rơi xuống đất, những quả cam ở trong túi lăn ra xa. Chắc có lẽ bà cụ vừa đi chợ về. Đám thanh niên nọ thấy vậy nhưng vẫn không quay lại xin lỗi và nhặt đồ lên giúp bà cụ. Họ chỉ quay lại nhìn rồi mỉm cười rồi lại nhanh chóng bước đi.

Những người đi dưới đường cũng không ai chịu dừng xe lại giúp đỡ bà cụ. Tôi thấy thế liền chạy tới giúp bà nhặt những quả cam còn đang rơi, xếp cẩn thận vào chiếc túi rồi đưa lại cho bà cụ.

Bà cụ mỉm cười rồi nói với tôi:

– Bà cảm ơn cháu nhiều lắm! Cháu quả là một đứa trẻ ngoan ngoãn!

Tôi liền nhanh nhảu hỏi bà cụ:

– Không có gì đâu ạ… Bà ơi, bà đi đâu để cháu đưa bà đi ạ?

Bà cụ trả lời:

– Nhà bà ở bên đường, gần ngay sân bóng kia kìa.

Tôi đang trò chuyện với bà cụ thì thấy cả nhóm bạn của mình chạy lại. Nghe thấy bà cụ trả lời, cả nhóm đồng thanh đáp.

– Vậy ạ? Vậy để chúng cháu đưa bà qua đường ạ!

Tất cả cùng nhau mỉm cười hớn hở. Cả nhóm cùng dắt bà cụ qua đường một cách thật cẩn thận. Trên đường đi, bà cụ còn hỏi han chúng tôi rằng đang đi đâu. Tôi đã đại diện cả nhóm kể lại cho bà về cuộc thi đấu sắp tới. Bà nói rằng những đứa trẻ tốt bụng như chúng tôi chắc chắn sẽ giành được chiến thắng. Chúng tôi càng thêm tự tin hơn về kết quả cuối cả đội.

Sau khi đưa bà về đến nhà, cả nhóm nhanh chóng vào sân bóng. Cũng may vẫn còn thời gian để chuẩn bị trước trận đấu. Trận đấu diễn ra vô cùng căng thẳng. Cuối cùng chúng tôi đã giành chiến thắng với tỉ số 2 – 1. Bàn thắng ấn định chiến thắng do chính tôi ghi công.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” – đó là những lời trong bài hát “Để gió cuốn đi”. Lời ca gửi gắm ý nghĩa về tấm lòng biết sẻ chia trong cuộc sống. Khi làm được việc tốt, chúng ta sẽ nhận lại nhiều thứ quý giá.

Bài văn mẫu số 4

Mỗi người trong đời chắc chắn đều từng làm được một việc tốt. Em cũng vậy. Khi làm được việc đó em cảm thấy vô cùng vui vẻ và hạnh phúc. Và nhờ vậy mà em nhận ra rằng mình cần phải làm thêm nhiều việc tốt hơn nữa.

Năm nay, sau dịp nghỉ Tết, trường em đã phát động phong trào ủng hộ học sinh vùng cao. Cô tổng phụ trách phổ biến rằng mỗi bạn học sinh trong trường có thể đóng góp bằng hai cách. Đầu tiên, chúng em có thể đóng góp bằng những đồ vật cụ thể như quần áo cũ, cặp sách cũ, đồ dùng học tập… Thứ hai, chúng em có thể đóng góp bằng số tiền nho nhỏ được rút ra từ số tiền mừng tuổi của mỗi người.

Bản thân em thích đóng góp từ những hiện vật cụ thể. Nên em đã chuẩn bị rất nhiều “món quà” tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng tấm lòng của em. Em đã trích một số tiền nho nhỏ đề mua những món đồ dùng học tập như: bút chì, thước kẻ và tẩy… Ngoài ra, em cũng thu gom một số bộ quần áo mà mình không mặc nữa nhưng vẫn còn rất mới, giặt sạch sẽ và gấp gọn gàng.

Tham khảo thêm:   Tả khu vườn nhà em vào buổi sáng đẹp trời (22 mẫu)

Tất cả những món quà ấy đều được em cho vào túi cẩn thận và đem đến trường nộp lại cho cô giáo. Mẹ cũng giúp em chuẩn bị. Hai mẹ con vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Em kể cho mẹ nghe về công việc học tập ở lớp. Nghe thấy giọng của mẹ là em biết rằng chắc chắn mẹ đang rất vui. Em hy vọng rằng những món quà này sẽ giúp đỡ phần nào cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chắn hẳn, nhờ những món quà nhỏ đó mà các bạn nhỏ đó có thể tiếp tục học tập như em và thực hiện được ước mơ của mình. Trong tương lai, các bạn sẽ trở thành những người có ích cho xã hội.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” – đó là những lời ca trong bài hát “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Em cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi đã làm được một việc tốt, tuy nhỏ bé nhưng cũng có ích cho xã hội.

Bài văn mẫu số 5

Thời gian vừa qua, miền Trung nước ta đã phải hứng chịu một trận lũ lịch sử, khiến cho người dân khốn đốn. Gây nhiều thiệt hại nặng nề. Đúng lúc này, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta lại được phát huy mạnh mẽ. Và em cũng đã góp một phần sức nhỏ của mình vào đó.

Suốt mấy ngày nay, trên các kênh tivi, báo đài là những hình ảnh, những lời kêu cứu của người dân miền Trung tội nghiệp. Đối mặt với sự nổi giận của mẹ thiên nhiên, con người trở nên quá nhỏ bé. Nhưng sự kiên cường đã giúp họ chịu đựng, vượt qua trận lũ. Tuy nhiên, sau khi cơn lũ đi qua, thì điều gì còn ở lại? Đó là những trang sách vở, dụng cụ học tập nhuốm đầy bùn đất, những bộ trang phục rách, bẩn hết cả, những gia cụ, ngôi nhà, xe cộ hư hỏng nặng… Những người dân như rơi vào tay trắng, biết bao học sinh nghẹn ngào khi chẳng có sách vở, áo quần sạch sẽ để đến trường. Trước tình hình đó, người người nhà nhà chung tay góp sức ủng hộ miền Trung. Người có sức góp sức, người có của góp của. Nhìn thấy những hành động ấy, trong em bừng lên một cảm giác lạ lùng.

Tối hôm đó, em trở về nhà xin phép mẹ lấy những bộ trang phục không mặc nữa nhưng còn mới để tặng các bạn. Được mẹ đồng ý, em vui lắm, vội lấy áo quần ra giặt lại sạch sẽ, gấp gọn gàng để chuẩn bị gửi vào miền Trung. Xong xuôi, em vào tủ sách, lấy ra những cuốn sách của các năm học trước đóng vào hộp để gửi cùng. Suốt tối hôm đó, em mong sao cho ngày mai đến thật nhanh để được đem quà đến cho các bạn ở miền Trung. Nằm mãi không ngủ được, thế là em lại nghĩ vẩn vơ. Em nhớ đến hình ảnh những bản nhỏ tội nghiệp không có đồ ăn trong nhiều ngày, áo quần, sách vở trôi hết theo dòng nước lũ. Thế là em liền bật dậy, tìm chú heo mà mình đã nuôi suốt hai năm nay. Số tiền đó, được em dành dụm để mua đàn guitar. Tuy rất tiếc, nhưng nghĩ đến nó sẽ có thể giúp cho các bạn học sinh ở vùng lũ thì em lại quyết tâm hơn. Đập vỡ heo, em ngồi vuốt phẳng từng tờ tiền lại, cất gọn gàng vào phong bì. Làm xong tất cả, em trở về giường trong niềm hạnh phúc.

Em biết, hành động của mình không quá lớn lao. Nhưng em vẫn vô cùng hạnh phúc và vui sướng khi góp chút sức mình giúp đỡ đồng bào trong khó khăn. Em sẽ cố gắng học tập hơn nữa, để tương lai, có thể giúp đỡ nhiều người hơn bằng chính sức của mình.

Kể về 1 việc tốt mà em đã làm

Bài văn mẫu số 1

Có một lần tôi đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ trực nhật của mình, ấy vậy mà tôi không những không bị phê bình mà còn được biểu dương nữa. Chắc hẳn các bạn rất tò mò “Tại sao lại thế?” Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện ấy ngay sau đây.

Hôm ấy, thứ năm, trời mưa dầm dề. Tôi thấy thật xui xẻo vì đúng hôm tôi phải đến sớm trực nhật. Tôi mặc áo mưa, xắn quần đến đầu gối, chân thấp chân cao bước trên con đường nhão nhoét đầy bùn đất, ổ voi ổ gà sũng nước. Chợt tôi nhìn thấy từ xa một bà cụ gầy yếu xiêu vẹo chống chiếc gậy dò dẫm từng; bước một, người như muốn đổ. Tôi vội đi lại chỗ cụ, lễ phép hỏi:

– Thưa bà, bà có việc gì mà lại đi giữa trời mưa thế này ạ?

Bà cụ nhìn tôi, móm mém cười:

– À, đứa con gái của bà ở làng bên bị ốm. Bà lo quá nên sang xem sao.

Đúng như mẹ tôi dạy, hạnh phúc luôn đến khi ta làm việc tốt Tôi ái ngại nhìn con đường phía trước. Từ đây sang làng bên dễ đến hai cây số, liệu bà cụ có thể sang tới nơi? Ngần ngại một lúc, tôi nói với bà:

– Bà ơi, đường từ đây sang làng bên xa lắm. Hay bây giờ, bà vịn vào tay cháu, cháu đưa bà sang làng bên nhé!

Bà cụ mừng rỡ:

– Bà cũng đang lo, đường trơn quá, lỡ ngã thì khổ lắm. May quá, có cháu giúp bà rồi.

Thế là hai bà cháu tôi, bà vịn cháu, cháu đỡ bà cùng “dắt” nhau đi. Trời sáng dần, một số anh chị học sinh cũng đang trên đường tới trường. Có anh chị còn vô lễ, lấn đường của bà cháu tôi. Trời mỗi lúc một mưa to, gió mỗi lúc một thổi mạnh. Thấy bà cụ co ro, răng đập vào nhau lập bập, tôi biết là bà đang lạnh. Bà lẩm bẩm: “Thời tiết thế này chỉ tội con người thôi”. Tôi vội dừng lại, cởi áo khoác của mình ra choàng lên người bà cụ. Bà tấm tắc khen:

– Cháu thật ngoan ngoãn!

Dần dần, hai bà cháu cũng tới được làng bên. Bà cảm ơn tôi mãi. Đợi bà vào làng rồi, mặc trời mưa, tôi ba chân bốn cẳng chạy tới lớp. Muộn gần nửa tiếng. May quá, bạn Hà cùng bàn đã trực nhật giúp tôi, Cô giáo phê bình:

– Hôm nay bạn Dương đã không hoàn thành nhiệm vụ trực nhật của mình lại còn đi học muộn. Cô phê bình bạn Dương trước lớp.

Tôi liền đứng dậy, xin phép cô kể lại nguyên nhân đi học muộn để cô và các bạn nghe. Cô giáo và cả lớp hiểu ra mọi chuyện cô không phê bình tôi nữa mà còn biểu dương:

– Bạn Dương tuy đi học muộn nhưng đã làm được một việc tốt, thật đáng khen. Cô sẽ đề nghị cả lớp cho bạn một tràng pháo tay động viên nào.

Tuy hơi mệt nhưng khi được cô giáo khen, tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được một việc tốt. Quả đúng như lời mẹ tôi dạy, hạnh phúc luôn đến khi ta làm việc tốt.

Bài văn mẫu số 2

Lâu rồi em mới đọc lại những trang nhật ký từ lâu. Bống trong lòng em dâng lên một cảm xúc sung sướng lạ thường khi đọc lại trang nhật ký ngày hôm đó. Bởi đó là những dòng nhật ký ghi lại câu chuyện về việc tốt của em đã làm hồi đầu năm học.

Hôm đó là trưa thứ Sáu. Tiết trời mùa hè oi ả đến khó chịu. Chim cũng chẳng buồn ca hát. Cây lá cũng mệt mỏi không buồn rung rinh. Ngồi trong lớp, lòng em vô cùng khẩn trương mong sao hết tiết học để chạy thật nhanh về nhà để khoe với mẹ điểm 10 môn Toán. “Tùng, tùng, tùng,…” Tiếng trống trường vừa điểm, em vội vã thu gọn sách vở bỏ vào cặp, chào các bạn trong lớp rồi nhanh chóng chạy về nhà. Dưới cái nắng nóng gần 40 độ của buổi trưa hè, em bước đi thật nhanh. Vừa đi, em vừa nhảy chân sáo vui vẻ. Mặc cho trời nóng nhưng em lại chẳng hề thấy khó chịu, bởi nghĩ đến gương mặt mẹ sẽ cười thật hạnh phúc khi cầm bài làm khiến em quên hết mệt mỏi.

Đến ngã tư giao thông, khi chuẩn bị sang đường bỗng em nghe thấy tiếng nói chuyện của nhóm bạn học sinh:

– Này, này. Hình như cụ già kia bị lạc.

– Không biết nữa. Cậu ra hỏi đi. Mình ngại lắm.

Em quay lại nhìn và thấy có một cụ già mái tóc trắng, gương mặt nhìn khắc khoải, mệt mỏi, đang đứng loay hoay. Cụ mặc bộ quần áo màu nâu, đầu đội nón lá. Lưng cụ hơi còng. Tay cụ xách một giỏ gì đó trông rất nặng. Em tiến lại gần và hỏi cụ:

– Cụ ơi! Cụ sao đấy ạ?

Cụ giật mình, quay lại nói chuyện với em:

– Ôi, cụ đang đi tìm nhà cô con gái mà cụ đi mãi từ sáng đến giờ vẫn chưa tìm được.

Hoá ra cụ bị lạc đường. Lúc đó, em tìm xung quanh có chú công an gần đó không để giúp cụ nhưng hình như không thấy ai. Em thấy khó xử, không biết phải làm gì. Em muốn giúp đỡ cụ nhưng lại nghĩ đến bài kiểm tra và mẹ ở nhà lại phân vân: “ Mình phải làm gì? Hay mình cứ mặc kệ rồi chạy về nhà. Nhưng làm như thế thì mình hư quá. Trời nắng thế này, biết bao giờ cụ mới tìm được nhà. Rồi nhỡ cụ làm sao?…” Bao câu hỏi cứ hiện lên trong đầu mà em không thể giải quyết. Và rồi em quyết định, nói với cụ:

– Vậy cụ đưa tờ địa chỉ cho cháu. Cháu sẽ giúp cụ tìm nhà ạ.

Cụ vui mừng, nở nụ cười móm mém:

– Thật à cháu gái. Ôi, cụ cảm ơn cháu nhiều lắm!

Sau đó, em giúp cụ cầm chiếc giỏ và cùng cụ đi tìm nhà. Vừa đi em vừa hỏi chuyện cụ mới biết cụ lên nhà cô con gái chơi, không báo trước cho cô để cô đón nhưng cụ quên mất nhà cô ở đâu nên bị lạc. Cả buổi sáng cụ tìm không thấy. Hơn ba mươi phút đi bộ tìm kiếm, cuối cùng hai cụ cháu cũng đến nơi. Em bấm chuông gọi cửa. Cô con gái của cụ bất ngờ khi thấy cụ. Em kể lại chuyện cho cô nghe.

– Cảm ơn cháu gái. Nhờ có cháu nếu không bây giờ không biết mẹ cô đang phải làm gì. Cháu vào nhà uống nước, ăn cơm với nhà cô. Bây giờ trưa rồi.

Em lễ phép từ chối vì nghĩ đến mẹ đang đợi ở nhà. Em chào cụ và cô rồi nhanh chóng chạy về nhà.

Tham khảo thêm:   Kể về một người bạn thân của em lớp 6

Về đến nhà là hơn 11 rưỡi. Em thấy mẹ đang đứng ngoài cổng đợi. Em chạy vội đến bên mẹ và kể lại chuyện cho mẹ nghe. Vừa kể em vừa đưa mẹ tờ bài kiểm tra. Mẹ vuốt mấy sợi tóc dính trên trán mồ hôi và nở nụ cười hiền:

– Con gái mẹ giỏi lắm. Biết giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn. Ngoan lắm. Mẹ rất vui vì điều này con gái ạ

Nghe những lời khen của mẹ, lòng em sung sướng hạnh phúc vô cùng. Niềm vui như càng tăng thêm.

Khép lại trang nhật ký, em nở một nụ cười thật hạnh phúc. Đó là một kí ức đẹp mà em không bao giờ có thể quên được. Bởi đó là bài học nhắc nhở em luôn phải biết yêu thương giúp đỡ mọi người xung quanh.

Bài văn mẫu số 3

Việc tốt đôi khi không cần phải là những việc làm giúp đỡ những người sống xung quanh mình hay trong xã hội rộng lớn. Có những việc tốt là những hành động đối với người thân trong gia đình. Như một lần bố mẹ về quê thăm ông nội bị ốm, em đã ở nhà chăm sóc nhóc em bị ốm.

Chiều hôm đó, em về đến nhà, nhưng không thấy tiếng của mẹ. Căn nhà im ắng đến lạ. Em vào phòng khách thấy tờ giấy nhắn trên mặt bàn: “Bố mẹ phải về quê gấp thăm ông nội ốm. Hai chị em ở nhà ngoan. Chiều mai bố mẹ về.” Hoá ra bố mẹ về quê chăm sóc ông nội. Vậy là hôm nay chỉ có em và nhóc Tít ở nhà. Em cất cặp sách, thay quần áo rồi đi đón thằng nhóc. Hai chị em đi bộ về nhà. Nhưng hôm nay thằng bé ít nói hẳn hơn mọi ngày. Về đến nhà nó nằm ườn trên ghế mà chẳng thèm nói câu nào. Thấy vậy, em hỏi:

– Tít hôm nay sao thế? Mệt à em.

Nó chỉ đáp rất nhẹ: “Vâng”

Em vội sờ trán nó, hốt hoảng:

– Thôi chết, hình như Tít sốt rồi.

Thằng nhóc mệt mỏi nhìn em mà không nói gì thêm. Em lo lắng, không biết phải làm gì. Định gọi cho bố mẹ nhưng nghĩ lại ông nội dưới quê cũng đang sốt cao, bây giờ nếu gọi sẽ càng làm bố mẹ lo thêm nhiều việc. Nghĩ vậy em quyết định sẽ tự chăm cu Tít. Em nhắc nhóc:

– Tít lên gác nằm đi. Chị đi tìm nhiệt kế đo xem sao.

Em vội chạy đi tìm nhiệt kế. “37,5 độ”. May mà sốt không cao. Em lấy khăn vắt nước mát chườm lên trán cho nó. Đợi nó ngủ, em đi mua thuốc. Ra ngoài hàng mua một túi thuốc cảm cho Tít mà lòng em đầy lo lắng. Nhìn nó ngủ mà thấy thương nó nhưng không dám điện cho bố mẹ. Đồng hồ điểm 6 giờ tối. Chợt nhớ ra chưa nấu cơm. Nghĩ cu Tít đang ốm, ăn cơm sẽ khó nên em quyết định nấu cháo cho nó. Đó là lần đầu tiên em nấu cháo. Phải cố nhớ những lần mẹ nấu cháo mà em loay hoay khó khăn để nấu được bát cháo nhỏ. Vừa nấu cháo, em vừa chạy qua chạy lại thay khăn chườm trán cho nhóc em. Rồi khi cháo chín, em thổi cho cháo thật nguội rồi mới bê lên phòng gọi nhóc Tít dậy:

– Dậy ăn cháo rồi uống thuốc, Tít ơi.

Thằng nhóc uể oải thức dậy. Nhìn thằng nhóc 5 tuổi nuốt miếng cháo đầy khó khăn, em thấy thật thương nó.

– Cháo chị nấu ngon hơn mẹ.

Nghe lời khen của cậu em, em vừa vui vì được khen tay nghề, vừa mừng vì thấy nó có vẻ bớt mệt hơn. Đợi nhóc ăn xong, em đưa thuốc cho nhóc uống rồi dọn dẹp xung quanh. Thằng nhóc ăn cháo và uống thuốc xong thì ngủ đến tận hôm sau. Đêm đó, em vừa ngủ vừa thỉnh thoảng quay sang sờ trán nhưng may sao cậu nhóc không sốt nữa.

Sáng hôm sau, thằng nhóc khoẻ hẳn. Cu cậu lại cười nói vui vẻ. Nhìn nhóc khỏe em thấy nhẹ lòng và sung sướng. Chiều bố mẹ về, em kể bố mẹ nghe mọi chuyện. Bố mẹ ôm em vào lòng, xoa đầu khen em:

– Con gái ngoan lớn thật rồi. Giỏi lắm!

Lời khen của bố mẹ khiến em vui mừng xiết bao.

Việc tốt đôi khi là những điều thật nhỏ bé, không cần là những điều gì to lớn. Điều quan trọng nó xuất phát từ tấm lòng yêu thương, sự chân thành của mỗi người. Vậy việc tốt của bạn là gì? Hãy cùng chia sẻ với mọi người việc tốt bạn đã làm nhé.

Bài văn mẫu số 4

Em còn nhớ hôm ấy là một buổi sáng mùa đông, trời đã bớt sương, những tia nắng yếu ớt đã lấp ló xuất hiện, nhưng cái giá buốt vẫn còn trong gió. Chúng em có tiết học thể dục ngoài trời, ai nấy đều co ro vì cái lạnh, hai tay đút chặt vào túi áo không muốn rời. Trong lúc chúng em tự khởi động để chờ cô giáo vào lớp bỗng xuất hiện một bà cụ đã già đang tiến lại gần.

Người cụ gầy gò, đi liêu xiêu trong gió lạnh. Cụ mặc một chiếc áo không còn nhìn được rõ là màu gì nữa, có lẽ trước đây nó màu đỏ nhưng vì mặc lâu đã chuyển sang màu nâu bạc, trên tay áo đã sờn đi vì mặc nhiều, những vết cáu bẩn ở tay áo làm mọi người chẳng dám đến gần. Đôi tay cụ run lên vì cái lạnh, trên khuôn mặt hiện rõ sự khắc khổ, đôi mắt mờ đi, cái miệng móm mém tím lại và run lập cập. Cụ tiến gần tới chỗ chúng em đang tập trung, trên tay cụ cầm một chiếc giỏ có đựng: kẹo cao su, vài gói tăm bông, mấy gói tăm và mấy chiếc bật lửa… Hình ảnh này quả thực rất quen thuộc với chúng em, vì ngày nào đi học về, ra đến cổng trường chúng em đều bị những người như cụ xúm lại vây quanh mời mua. Các bạn của em thấy cụ tiến đến đều đứng tránh sang một bên, cụ mời đến ai bạn đó đều xua tay đến đó. Cụ thất vọng, đi hết bạn này đến bạn khác mong mỏi một tấm lòng hảo tâm sẽ mua giúp cụ. Nhưng đã đi gần hết lớp học rồi mà vẫn chưa có bàn tay đưa ra giúp đỡ cụ. Có những bạn còn bàn tán “bà ấy bẩn quá” “sao lại cho bà ấy vào đây nhỉ”…

Rồi bà chầm chậm đi đến chỗ em. Em cũng đã định như các bạn khác, chỉ cần xua tay một cái thật lạnh lùng là bà cụ sẽ bỏ đi. Nhưng khi cụ đến gần, ánh mắt cụ nhìn em tha thiết, như van nài làm ơn hãy giúp cụ, lúc bấy giờ em không đủ can đảm để nhấc cánh tay mình lên nữa. Em nhìn lại cụ, rồi lục tìm khắp túi nọ đến túi kia, trong người em không còn một đồng nào để mua giúp cụ. Thực sự lúc đó em cảm thấy mình mới bất lực làm sao, trong lúc cụ cầm em giúp đỡ nhất mà em lại chẳng thể làm gì giúp cụ. Em chợt nhớ mình vẫn còn một chiếc bánh bao được mẹ mua cho ăn sáng, nhưng em chưa kịp ăn thì đã vào lớp. Em quyết định lấy chiếc bánh bao ấy, kính cẩn hai tay biếu cụ và nói:

– Cụ ơi, cháu chẳng có tiền để mua giúp cụ, chỉ còn chiếc bánh này, cụ cầm lấy và ăn cụ nhé. Lần sau cụ đến cháu nhất định sẽ mua giúp cụ, cụ nhé.

Em trao chiếc bánh cho cụ, ánh mắt cụ hiện lên vừa rạng rỡ, vừa tràn đầy tình yêu thương. Cụ cầm lấy chiếc bánh, đôi bàn tay lạnh cóng làm cho em giật mình. Chắc hẳn cuộc sống của cụ rất cực khổ, bởi vậy mà đến tuổi này cụ vẫn phải vất vả đi bán hàng rong. Cụ cầm lấy chiếc bánh rồi cảm ơn em, giọng cụ nghẹn lại, khóe mắt đã ươn ướt. Như nghĩ ra điều gì đó, cụ vội lấy trong chiếc giỏ của mình một phong kẹo trao cho em, và bảo đó là quà tặng cho lòng tốt bụng của cháu. Em nhất quyết không cầm và trả lại cho cụ.

Cụ cầm cả phong kẹo và chiếc bánh trong tay rồi quay đi, bước chân cụ nhanh hơn, các bạn trong lớp quay trở lại giờ học. Em vẫn cố ngoái theo cụ, cụ đi đến chỗ rẽ thì dừng lại, ở góc đường một đứa bé không rõ trai hay gái chạy ra ôm chầm lấy cụ. Có lẽ nó vui lắm vì cụ mang về chiếc bánh cho nó. Một chiếc bánh bé tí hon thôi mà có thể làm nó vui mừng đến vậy. Còn em, đôi khi không biết quý trọng, vứt đi những đồ ăn mẹ đã chuẩn bị, mẹ đã mua cho. Em quả thật là một cô bé hư, từ sau lần ấy em không bao giờ dám vứt đồ ăn đi nữa.

Việc tốt ấy của em thật nhỏ bé, nhưng em đã cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Chỉ một chiếc bánh nhưng bằng tấm lòng chân thành em đã mang đến niềm vui cho cả cụ và em bé, không chỉ vậy em còn rút ra cho minh những bài học quý giá: phải luôn trân trọng những thứ mình có và giúp đỡ người khác khi có thể.

Bài văn mẫu số 5

Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng đều đã từng làm được những việc tốt. Em cũng vậy. Và sau khi làm xong công việc ấy, em luôn cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc.

Em vẫn nhớ đó là một buổi chiều chủ nhật. Khi ấy, em cùng các bạn trong xóm rủ nhau đi đá bóng. Chúng em vừa đi vừa trò chuyện rất vui vẻ về trận đấu sắp tới. Cả nhóm đều hy vọng có thể giành chiến thắng trước đội bóng của xóm Đông – một đội bóng rất mạnh trong làng.

Khi gần đến sân bóng, em chợt nhìn sang phía bên kia đường có một cụ bà đang sách một túi đồ rất nặng. Bỗng nhiên có một đám thanh niên bốn năm người đi ngang qua, xô vào người bà cụ khiến bà đánh rơi túi đồ. Chiếc túi rơi xuống đất, những quả cam ở trong túi lăn ra xa. Chắc có lẽ bà cụ vừa đi chợ về. Đám thanh niên nọ thấy vậy nhưng vẫn không quay lại xin lỗi và nhặt đồ lên giúp bà cụ. Họ chỉ quay lại nhìn rồi mỉm cười rồi lại nhanh chóng bước đi.

Lúc ấy, trên đường cũng khá ít người. Những người đi dưới đường cũng không ai chịu dừng xe lại giúp đỡ bà cụ. Thấy vậy, em cùng các bạn nhanh chóng đi sang đường. Và chạy tới giúp bà nhặt những quả cam còn đang rơi rồi đưa lại cho bà cụ. Bà nhìn chúng em mỉm cười:

Tham khảo thêm:   Tả cảnh biển lúc hoàng hôn lớp 6 hay - Bài văn mẫu, dàn ý miêu tả cảnh biển hoàng hôn

– Cảm ơn các cháu! Các cháu đúng là những đứa trẻ ngoan ngoãn.

Em liền nhanh nhảu hỏi bà cụ:

– Bà ơi, bà đi đến đâu để chúng cháu đưa bà đi ạ?

Bà liền trả lời:

– Nhà bà ở bên đường, gần ngay sân bóng kia kìa.

Chúng em cùng đồng thanh đáp:

– Vậy ạ? Vậy để chúng cháu đưa bà qua đường ạ!

Nói rồi cả nhóm cùng dắt bà cụ qua đường một cách thật cẩn thận. Trên đường đi, bà cụ còn hỏi han chúng em rằng đang đi đâu. Em đại diện cả nhóm kể lại cho bà về cuộc thi đấu sắp tới. Bà nói rằng những đứa trẻ tốt bụng như chúng em chắc chắn sẽ giành được chiến thắng. Điều đó dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho cả đội.

Sau khi đưa bà về đến tận nhà, chúng em chào tạm biệt bà để tiếp tục đến sân bóng thi đấu. Cũng may vẫn còn thời gian để chuẩn bị trước trận đấu. Dường như nhờ có việc làm tốt hôm ấy, mà trận thi đấu ấy, đội bóng đã giành chiến thắng trước đối thủ với kết quả 2 – 1.

Quả thật, khi làm được những việc tốt sẽ khiến cho bản thân cảm thấy hạnh phúc. Em luôn tự hứa với bản thân sẽ cố gắng làm thêm được nhiều công việc tốt đẹp hơn nữa.

Kể một việc tốt mà em đã làm

Bài văn mẫu số 1

Đối với mỗi người, khi làm được một việc tốt sẽ đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Và tôi cũng vậy. Tuy đó chỉ là một việc làm vô cùng nhỏ bé nhưng  tôi tin chắc rằng mình đã đóng góp một phần công sức để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vào thứ bảy tuần vừa rồi, nhân dịp chào mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9, thôn  tôi đã tổ chức một buổi tổng vệ sinh. Theo sự chỉ đạo của ban phó trưởng thôn và đoàn thanh niên, mỗi gia đình sẽ tự dọn dẹp vệ sinh trong nhà cũng như khu vực đường làng xung quanh nhà. Bố mẹ tôi đều có việc bận ở công ty nên không thể ở nhà. Chị gái và  tôi đã xung phong thay mặt cả nhà tham gia dọn dẹp.

Từ sáng sớm, tôi và chị đã lau dọn nhà cửa, sân vườn. Sau đó, hai chị em tôi cùng nhau quét dọn khu vực đường xung quanh nhà mình. Tất cả những giấy rác đều được chúng tôi gom vào một chiếc túi bóng to và chuyển đến khu vực để rác chung của làng, sau đó chúng sẽ được vận chuyển tới nơi xử lý rác thải. Kết thúc một buổi sáng, nhà cửa và đường làng đã sạch sẽ. Tôi cùng chị tiếp tục theo các anh chị đoàn viên đi nhặt cỏ, tưới tắm cho các cây trong bồn cây dọc theo con đường làng. Dường như, dưới bàn tay chăm sóc của con người, những bồn cây trở nên sạch sẽ hơn, cây cối cũng trở nên tươi tốt hơn.

Sau một ngày lao động chăm chỉ của chúng tôi, cả thôn như được khoác lên mình một chiếc áo mới. Điều đó khiến tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc vì đã đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ môi trường của quê hương.

Bài văn mẫu số 2

Những ngày vừa qua, liên tiếp các thiên tai xảy ra, lũ chồng lũ, bão chồng bão đã khiến cho cuộc sống của đồng bào miền Trung đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để hưởng ứng tinh thần cả nước hướng về miền Trung, trường tôi đã tổ chức một cuộc vận đồng ủng hộ đồng bào miền Trung.

Dưới sự phổ biến của cô tổng phụ trách, chúng tôi hiểu được các cách ủng hộ. Mỗi học sinh đều có thể tham gia đóng góp ủng hộ theo đơn vị lớp với hai cách. Một là ủng hộ bằng tiền mặt, hai là ủng hộ bằng hiện vật. Đối với cách thứ nhất, chúng tôi có thể ủng hộ số tiền tùy theo điều kiện của mỗi gia đình và tấm lòng của mỗi bạn. Đối với cách thứ hai, chúng tôi có thể ủng hộ quần áo, sách vở, giày dép… cho các bạn học sinh. Toàn bộ số tiền và đồ dùng mà chúng tôi ủng hộ đều sẽ được chuyển tận tay đến những người khó khăn.

Tôi cảm thấy đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Chính vì vậy, tối hôm đó, khi trở về nhà tôi đã xin mẹ một số tiền nhỏ để đem đi ủng hộ. Sau đó, tôi còn xin mẹ sẽ đem những quần áo còn mới nhưng không mặc nữa hay những cuốn sách cũ mình đã không còn học… Khi mẹ nghe xong, mẹ đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi tôi đã biết chia sẻ và giúp đỡ những người khó khăn.

Tuy rằng, sự đóng góp của tôi chỉ vô cùng nhỏ bé thôi nhưng hy vọng rằng sẽ giúp đỡ được người dân miền Trung, đặc biệt là các bạn học sinh như chúng tôi.

Bài văn mẫu số 3

Hôm đó, cô trả vở Toán cho cả lớp. Đó là môn yêu thích nhất của Linh. Nhưng không hiểu sao nhìn vẻ mặt của Linh rất lo lắng, và tôi còn thấy Linh cứ quay bên này, quay bên kia mãi.

Cô vừa trả vở xong cho các bạn thì đến giờ ra chơi. Tôi liền đến bên Linh. Linh nó:

– Hôm nay, bố mẹ tớ đi làm sớm, tớ không kịp xin mẹ 9.000đ để mua bút nét hoa viết vào vở Toán.

Nói rồi, Linh sực nhớ ra và reo lên:

– A! Đúng rồi! Cậu có hai cái bút Nét Hoa, cậu có thể cho tớ mượn một chiếc được không?

Tôi đứng ngẫm nghĩ một lúc rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: Có nên cho Linh mượn bút không nhỉ? Tôi hơi băn khoăn. Tiếng trống đã vang lên. Tôi liền về chỗ của mình. Cuối cùng, tôi cũng quyết định được và gọi nhỏ:

– Linh ơi! Tớ cho cậu mượn bút này.

Chiếc bút đó do mẹ tặng tôi nhân ngày sinh nhật. Màu mực của chiếc bút rất đẹp. Linh nhận được, vẻ mặt phấn khởi lắm. Mỗi khi viết xong mấy chữ, tôi lại ngẩng lên và cảm thấy mực cứ vơi dần đi theo dòng chữ, con số ngay ngắn, thẳng hàng nằm trên trang giấy của bạn. Hết giờ Toán, Linh trả cho tôi chiếc bút và nói:

– Cảm ơn cậu vì đã cho tớ mượn chiếc bút nhé!

Hôm sau, cô trả vở Toán, cả tôi và Linh đều được điểm 10. Tôi mừng lắm vì đã làm được một việc giúp bạn.

Khi về đến nhà tôi kể lại cho mẹ nghe. Mẹ nói: Con hãy cố gắng giúp bạn nhiều hơn khi gặp khó khăn nhé! Tôi như thấm thía câu nói đấy của mẹ và tôi không bao giờ quên được câu chuyện xảy ra ngày hôm đó.

Bài văn mẫu số 4

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” – Đó là những lời trong bài hát Để gió cuốn đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lời hát gợi ra mỗi người bài học về lòng tốt.

Trong cuộc đời, chúng ta chắc chắn đã từng làm được một việc tốt. Bản thân em cũng như vậy. Em còn nhớ đó ngày hôm đó, lớp em có giờ kiểm tra môn văn. Khi em đang ngồi ôn tập lại bài thì có một giọng nói quen thuộc vang lên:

– Phương Anh ơi, cậu có mang thừa bút không?

Thì ra đó là Thanh Bình. Em nhìn bạn rồi gật đầu. Em mở chiếc hộp bút của mình ra, rồi đưa bạn chiếc bút còn lại của mình.

– Mình cho bạn mượn chiếc bút của mình này!

Bạn mỉm cười rồi nhìn hỏi em:

– Bạn vẫn còn một chiếc bút khác phải không?

Em nói với bạn:

– Bạn yên tâm, mình vẫn còn một chiếc bút nữa đây.

Em vừa nói vừa giờ chiếc bút bi cho Bình nhìn thấy. Lúc này, Bình mới nhận lấy chiếc bút rồi nói với em:

– Cảm ơn Phương Anh nhiều nhé.

Sau giờ kiểm tra hôm đó, Bình đã trả lại em. Nhưng em đã nói với bạn cứ cầm lấy chiếc bút để viết bài. Cuối buổi học hôm đó, Bình chạy đến nói chuyện với em. Chúng em đã trò chuyện với nhau rất nhiều. Em nhận ra cả hai có rất nhiều điểm chung. Kể từ đó, em và Bình đã trở thành những người bạn vô cùng thân thiết của nhau. Cả hai đã cùng giúp đỡ nhau rất nhiều trong học tập.

Tuy việc làm rất nhỏ, nhưng em cảm thấy rất vui vẻ. Nhờ có việc làm này mà em cũng có thêm một người bạn. Đó là điều tuyệt vời nhất đối với em.

Bài văn mẫu số 5

Trong bài thơ “Một khúc ca”, Tố Hữu có viết:

“Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”

Những câu thơ đã gợi cho em suy nghĩ về ý nghĩa tốt đẹp của việc làm tốt trong cuộc sống hôm nay.

Em cũng đã từng làm được những việc tốt trong đời. Mỗi công việc đều đem đến cho em niềm vui. Nhưng việc làm mà em cảm thấy ý nghĩa nhất đó là chính công việc mà em đã làm vào thứ bảy tuần trước.

Nhân dịp chào mừng kỷ niệm bảy mươi năm ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9, thôn em đã tổ chức một buổi tổng vệ sinh. Mỗi gia đình sẽ cử hai thành viên tham gia. Bố mẹ em phải đi công tác. Nên em cùng với chị gái đã xung phong thay mặt gia đình đi dọn dẹp đường phố. Đúng bảy giờ sáng, mọi người trong thôn đã có mặt đông đủ ở khu vực nhà văn hóa. Bác trưởng thôn đã phát biểu để phát động buổi lễ tổng vệ sinh. Sau đó, các anh chị thanh niên tình nguyện phụ trách phân phát đồ dùng dọn vệ sinh cho mọi người. Nào chổi, túi rác, xô nước, găng tay… đều đã được chuẩn bị đầy đủ.

Sau đó, mọi người di chuyển đến khu vực quét dọn đã được phân công. Mỗi người một công việc, không khí vô cùng sôi nổi. Em cùng với một số bạn nhỏ được giao quét dọn xung quanh đường làng. Tất cả những giấy trác đều được chúng em gom vào một chiếc túi bóng to và chuyển đến khu vực để rác chung của làng để được vận chuyển đi xử lý. Sau khi dọn dẹp xong đường làng, em cùng chị tiếp tục theo các anh chị đoàn viên đi nhặt cỏ, tưới tắm cho các cây trong bồn cây dọc theo con đường làng. Sau một ngày lao động thì xóm làng của em đã trở nên sạch sẽ, mọi người ai nấy đều vui vẻ ra về.

Buổi lao động diễn ra sôi nổi. Tuy vất vả nhưng mỗi người tham gia đều vô cùng hạnh phúc vì đã đóng góp một phần công sức vào vẻ đẹp của làng xóm. Em và chị gái ra về trong niềm hân hoan. Khi về đến nhà, chúng em kể cho bố mẹ nghe về công việc của mình. Cả hai còn được mẹ thưởng cho một bữa ăn no nê.

Mỗi việc làm tốt sẽ trao đi những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Bởi vậy mà chúng ta hãy tích cực làm việc tốt để luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

About The Author