Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Uy-lít-xơ trong đoạn trích Uy-lít-xơ trở về (Trích sử thi Ô-đi-xê của Hô-me-rơ) là một dạng bài thường gặp khi học về tác phẩm này. Tham khảo cách làm bài tập này qua hướng dẫn chi tiết dưới đây em nhé!

Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Uy-lít-xơ | Văn mẫu 10

Đề bàiPhân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Uy–lít-xơ trong Uy-lít-xơ trở về (Trích sử thi Ô-đi-xê của Hô-me-rơ).

Tóm tắt diễn biến tâm trạng của Uy-lit-xơ

a. Kiên nhẫn đợi chờ

– Sau khi đánh đuổi bọn cầu hôn, vẫn khoác lên mình bộ quần áo rách rưới, bẩn thỉu đầy máu me, Uy-lít-xơ kiên nhẫn chờ đợi Pê-nê-lốp nhận mặt mình, chờ đợi những hành vi âu yếm, tình cảm của Pê-nê-lốp à Tâm lí nhớ nhung, mong muốn được gần gũi, yêu thương của người chồng được gặp lại vợ sau bao năm trời xa cách

– Sự kiên nhẫn này còn được đối sánh với các hành vi giục giã của nhũ mẫu Ơ-ri-clê và con trai Tê-lê-mác. Họ càng giục Pê-nê-lốp bao nhiêu thì Pê-nê-lốp càng trở nên thản nhiên bấy nhiêu và Uy-lít-xơ càng kiên nhẫn chờ đợi, không nản lòng.

– Uy-lít-xơ tiếp tục nghe mọi người đối thoại, thể hiện một phong thái “cao quý và nhẫn nại”, bình tĩnh lí giải cho con trai hiểu khi Tê-lê-mác trách mẹ sắt đá.

b. Giận dỗi, lo âu

– Sau khi tắm rửa xong, thay bộ quần áo mới, trông Uy-lít-xơ “đẹp như một vị thần” nhưng Pê-nê-lốp vẫn không chịu nhận mặt chồng à Giận dỗi, đau khổ, trách Pê-nê-lốp sắt đá, yêu cầu nhũ mẫu kê giường riêng để ngủ

– Khi nghe Pê-nê-lốp yêu cầu nhũ mẫu dời chiếc giường kiên cố do chính tay Uy-lít-xơ tạo ra, chàng lo âu không biết Pê-nê-lốp có còn thủy chung hay không, sợ hãi sẽ mất hạnh phúc gia đình à chứng minh sự chắc chắn, kiên cố của chiếc giường.

c. Cảm thông, trân trọng

– Nghe Uy-lít-xơ tả đúng mười mươi sự thật về chiếc giường, Pê-nê-lốp xúc động tột độ, thanh minh cho Uy-lít-xơ hiểu lí do nghi ngờ chồng.

– Uy-lít-xơ cũng vô cùng cảm động, chàng khóc và ôm lấy người vợ thân thương và thủy chung của mình.

– Hạnh phúc tột cùng vì vợ chồng đã nhận ra nhau và vẫn giữ được lòng tin tưởng suốt 20 năm xa cách.

=> Chỉ một đoạn trích ngắn nhưng tâm trạng của Uy-lít-xơ được bộc lộ ở những cung bậc khác nhau, tạo nên những diễn biến tâm lí hấp dẫn, khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc. Bức tranh tâm trạng của Uy-lít-xơ cho thấy tài năng miêu tả tâm lí của tác giả Hô-me-rơ, đồng thời cho thấy vẻ đẹp của các nhân vật Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ.

>> Tham khảoDàn ý phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Uy–lít-xơ

Bài văn mẫu phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Uy-lít-xơ

Bài văn mẫu 1

Tham khảo thêm:   TOP 14 bài Phân tích Chí khí anh hùng hay nhất

Sử thi Ô-đi-xê – một tác phẩm nổi tiếng trong nền văn học của Hy Lạp, một tác phẩm được chắp bút bởi tác giả Hô-me-rơ, nội dung kể về một cuộc hành trình trở về quê hương và đoàn tụ với gia đình của chàng Uy-lít-xơ sau khi hạ thành Tơ-roa. Đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về” đã tái hiện lại cảnh đoàn tụ của gia đình Uy-lít-xơ và đặc biệt tác giả đã vô cùng thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm trạng của Uy-lít-xơ, tạo ấn tượng cho người đọc.

Để trở về quê hương, Uy-lít-xơ đã đóng giả làm người hành khất, chàng còn nhận ra được âm mưu của bọn người xấu, bọn cầu hôn muốn chiếm đoạt tài sản của gia đình chàng. Chàng bày mưu tính kế, tiêu diệt được kẻ thù, chiến thắng tất cả và trở về ngôi nhà của mình vẫn trong hình hài người hành khất. Uy-lít-xơ kiên nhẫn chờ đợi sự đón tiếp của người vợ, chàng cũng mặc cảm với chính mình, bởi lúc này người chàng mặc bộ quần áo “bẩn thỉu, rách rưới”, nhưng không nguôi nỗi mong ngóng người vợ thân yêu nhận ra mình.

Trước sự lạnh nhạt của người vợ, chàng đã vô cùng đau xót, nhưng vẫn bình tâm, chờ đợi, bởi chàng hiểu người vợ của mình. Chàng có một chút tủi hờn khi mà người vợ đứng xa mình, còn không có ý định nói chuyện với mình. Khi Tê-lê-mác – người con trai yêu dấu đã lên tiếng trách móc mẹ vì “tàn nhẫn, độc ác”, không chịu nhận cha, nhưng Uy-lít-xơ đã ngăn con làm điều đó, chàng đã nhẫn nại, mỉm cười với con. Sau khi tắm rửa xong, ai ai cũng phải công nhận chàng “đẹp như một vị thần”, ấy vậy mà người vợ của chàng vẫn thờ ơ, Uy-lít-xơ đã không khỏi tủi hờn trước trái tim “sắt đá” của vợ mình. Chàng giận dỗi, rồi sau đó gợi ý cách chứng minh mình là chồng của nàng. Chàng nhờ nhũ mẫu kê riêng một chiếc giường để ngủ riêng. Chàng đã không khỏi bất ngờ và giật mình khi nghe chính người vợ của mình bảo nhũ mẫu khiêng chiếc giường của họ cho chàng. Bởi chàng biết bí mật về chiếc giường, chàng đã giải thích cho vợ nghe về bí mật, rằng một trong bốn chiếc chân giường làm bằng gốc cây ô liu nên không di chuyển được. Sau lời đó, chàng đã nhận được cái ôm chầm của người vợ thân yêu. Cảm xúc hạnh phúc của chàng được nâng tới đỉnh điểm khi người vợ đã chấp nhận chàng, họ ôm chầm lấy nhau trong sự hạnh phúc vô bờ bến, chàng cẩn thận nghe từng câu chuyện giãi bày của vợ. Sau bao năm xa cách, Uy-lít-xơ vẫn chứng minh được tấm lòng của mình với vợ, chàng là không chỉ là một con người thông minh mà còn là một người chồng yêu thương vợ sâu sắc.

Tham khảo thêm:   Sơ Đồ Tư Duy Tấm Cám ❤️️ 12 Mẫu Vẽ Tóm Tắt Truyện Hay

Chỉ trong một đoạn trích ngắn, tác giả đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật; ông miêu tả tỉ mỉ, một cách chi tiết về cuộc sống của các nhân vật. Tình huống được ông dẫn dắt giàu kịch tính cùng với giọng văn chậm rãi đã mang đến cho người đọc hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Qua đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về” , diễn biến tâm trạng của Uy-lít-xơ vô cùng phức tạp, nhưng đến cuối cùng chàng vẫn được hạnh phúc đoàn tụ bên gia đình. Uy-lít-xơ là một nhân vật điển hình cho người đàn ông có khát vọng tìm hiểu chinh phục thế giới, là một người có ý chí, nghị lực, quyết tâm xây dựng và bảo vệ gia đình.

Bài văn mẫu 2

Sử thi “Ô-đi-xê” ra đời trong bối cảnh người Hy Lạp bắt đầu công cuộc chinh phục biển cả để mở rộng địa bàn sinh sống của mình. Để chinh phục được đại dương bao la song cũng tiềm tàng nhiều hiểm nguy rình rập ấy, con người không chỉ cần đến sức mạnh thể chất và lòng quả cảm mà còn cần đến trí tuệ, sự khôn ngoan, tỉnh táo. Đây cũng là thời kỳ xã hội Hy Lạp bước vào chế độ chiếm hữu nô lệ, tổ chức sinh hoạt cộng đồng theo chế độ công xã thị tộc dần thay thế bằng tổ chức gia đình và hôn nhân một vợ một chồng. Điều đó đòi hỏi mỗi người phải có tình yêu thuỷ chung của vợ chồng, cùng sự gắn bó với quê hương, xứ sở. Hai phẩm chất thời đại của con người Hy Lạp: trí tuệ và thuỷ chung đã được thể hiện tinh tế qua hình tượng nhân vật Uy-lít-xơ trong đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về”

Suốt 20 năm trời lênh đênh, phiêu bạt nơi chân trời góc bể, động lực duy nhất để Uy-lít-xơ vượt qua bao khó khăn, thử thách để tìm đường trở về quê hương là mong muốn được đoàn tụ cùng vợ con. Kể cả khi đã trở về quê hương, chàng vẫn phải trải qua thử thách tiêu diệt bọn cầu hôn đang có mưu đồ chiếm đoạt tài sản để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Uy-lít-xơ  là người khao khát hơn ai hết giây phút đoàn tụ cùng vợ con, được gần gũi, yêu thương vợ. Nhưng có lẽ điều Uy-lít-xơ không ngờ tới là thử thách cuối cùng với chàng lại là thử thách trước Pê-nê-lốp – người vợ yêu quý của mình. Pê-nê-lốp vốn đã tắt hi vọng vào sự trở về của chồng sau hai mươi năm đằng đẵng, không tin rằng Uy-lít-xơ đã trở về nên tỏ ra rất lạnh nhạt. Hơn nữa, Uy-lít-xơ đang ở trong bộ dạng một người hành khất khiến Pê-nê-lốp càng không tin tưởng. Để chinh phục được trái tim “sắt đá” và khiến vợ tin tưởng mình chính là Uy-lít-xơ, chàng đã phải rất kiên nhẫn chờ đợi. Đối diện với thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của vợ, Uy-lít-xơ vẫn “cao quý và nhẫn nại”. Khi Tê-lê-mác lên tiếng trách cứ Pê-nê-lốp vì không nhận ra bố, chàng vẫn rất bình tĩnh giải thích cho con hiểu về sự nghi ngờ tất yếu của mẹ.

Tham khảo thêm:   Cảm nhận Đọc Tiểu Thanh kí hay nhất (7 mẫu)

Khi nhận ra ý muốn thử thách của Pê-nê-lốp, Uy-lit-xơ mỉm cười. Nụ cười đó như một dấu hiệu kín đáo để chấp nhận thử thách của vợ, đồng thời cũng như một lời nhắn nhủ tới vợ: chàng luôn tin tưởng vợ, tin vào tài năng cũng như trí tuệ của vợ. Uy-lit-xơ mỉm cười cũng vì chàng tin vào trí tuệ của bản thân, tin rằng mình nhất định sẽ vượt qua được thử thách. Trước hết, chàng đi tắm rửa để rũ bỏ bộ dạng của một người hành khất. Đây là bước đầu tiên để Uy-lit-xơ chiếm lại lòng tin của vợ. Tuy vậy, sau khi tắm rửa xong và lúc này Uy-lít-xơ “đẹp như một vị thần” nhưng Pê-nê-lốp vẫn không thay đổi thái độ với chồng, Uy-lít-xơ liền đau khổ và cất lời trách vợ “sắt đá”, đồng thời yêu cầu nhũ mẫu để mình ngủ riêng. Kỳ thực, ngay từ khi nghe lời gợi ý của vợ: “những dấu hiệu riêng… chỉ hai người biết với nhau”, Uy-lít-xơ đã liên tưởng ngay đến bí mật về chiếc giường cưới. Và vì thế, lời trách của chàng như một chìa khoá gợi mở để hai người cùng nhận ra nhau. Đồng thời, đây cũng là một phép thử với Pê-nê-lốp: Liệu rằng chiếc giường kiên cố do chính chàng đóng kia trong ngày cưới của hai người có bị chuyển dời, và liệu Pê-nê-lốp có còn giữ nguyên vẹn sự chung thuỷ với chàng? Chỉ một lời trách cứ nhưng cũng thể hiện thái độ trân trọng của Uy-lít-xơ với hạnh phúc gia đình. Sau những lời miêu tả chi tiết của Uy-lít-xơ về chiếc giường, đến lúc này Pê-nê-lốp đã nhận ra chàng và khẳng định người trước mặt đúng là Uy-lít-xơ. Và quả thật, trí tuệ và tình yêu, sự tin tưởng vợ đã giúp chàng đã chiến thắng. Lúc này đây, Uy-lít xơ hạnh phúc tột cùng, chàng “ôm lấy vợ, khóc dầm dề” sau hai mươi năm đoàn tụ. Đó là niềm hạnh phúc khi được cảm nhận một tình yêu thuỷ chung, được tận hưởng hạnh phúc gia đình.

Như vậy, chỉ qua một đoạn trích nhưng Hô-me-rơ đã diễn tả rất sâu sắc hai ý tưởng trí tuệ và tình yêu thuỷ chung của người Hy Lạp đương thời. Nổi bật trong đoạn trích là hình tượng nhân vật Uy-lít-xơ với những cung bậc cảm xúc đa dạng được diễn tả rất tinh tế, tự nhiên, hấp dẫn. Diễn biến tâm trạng của Uy-lít-xơ trong đoạn trích giúp bộc lộ vẻ đẹp của nhân vật, đồng thời cho thấy tài năng nghệ thuật của tác giả Hô-me-rơ.

About The Author