Viết đoạn văn cảm nhận khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính gồm 5 mẫu hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, giúp các em học sinh lớp 9 cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp phẩm chất của những người lính lái xe.
Khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính còn cho chúng ta thấy hiện thực của chiến tranh,cùng bức chân dung người lính lái xe kiên cường, bất khuất, hiên ngang. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để ngày càng học tốt môn Văn 9:
Đoạn văn cảm nhận khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Mẫu 1
Trong khổ cuối “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã giúp người đọc cảm nhận được hiện thực của chiến tranh và vẻ đẹp của người lính. Tác giả sử dụng điệp ngữ “không có” kết hợp với biện pháp liệt kê để nhấn mạnh những chiếc xe bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Giờ đây, những chiếc xe không chỉ mất kính mà còn không có đèn, không mui, thùng xe có xước. Điều kiện chiến đấu vốn đã khó khăn giờ thì gian khổ càng tăng lên. Đứng trước những thách thức đó, những người lính không hề chùn bước, bỏ cuộc mà “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”. “Vẫn chạy” thể hiện tư thế sẵn sàng, dường như không gì có thể ngăn cản bước chân của người chiến sĩ. Càng khó khăn, họ càng vững chắc tay lái, quyết tâm vượt qua mọi mưa bom bão đạn để đem đến tự do cho miền Nam. Câu thơ cuối là lời khẳng định về lí tưởng cách mạng cao đẹp “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Đó là trái tim của tình yêu nước, của ý chí chiến đấu mạnh mẽ. Dù có thiếu đèn, thiếu kính, nhưng những chiếc xe vẫn sẽ luôn băng băng tiến về phía trước nhờ vào sức mạnh của “trái tim”. Với những hình ảnh thơ chân thực, biện pháp tu từ điệp ngữ, liệt kê đặc sắc, Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật bức chân dung người lính lái xe kiên cường, bất khuất, hiên ngang. Họ chính là những đại diện tiêu biểu cho thời đại vàng son của lịch sử dân tộc.
Đoạn văn cảm nhận khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Mẫu 2
Ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam là biểu hiện vô cùng đẹp đẽ của người lính lái xe và cũng là của cả một dân tộc, một thế hệ trẻ. Khổ thơ vừa là sự khái quát, vừa là đỉnh điểm của chặng đường gian nguy, chặng đường thử thách quyết liệt nhất. Cuộc chiến tranh càng đến những ngày cuối cùng, những chiếc xe càng tiến dần đến hỏa tuyến thì tính chất dữ dội và khốc liệt của chiến tranh càng tăng lên. Hàng loạt những biện pháp nghệ thuật liệt kê, tăng tiến: “Không có kính, không có đèn, không có mui xe, thùng xe có xước” đã thể hiện được tính chất khốc liệt ấy. Nhưng đối diện với thách thức, người lính lái xe càng lạc quan hơn. Những người lính không chỉ sẵn sàng đón nhận thách thức mà còn khẳng định, quyết tâm “xe vẫn chạy” vì “trong xe có một trái tim”. Hình ảnh hoán dụ “trái tim” là trái tim yêu nước, trái tim hướng về miền Nam phía trước, trong sự khao khát thống nhất đất nước. Nó đúc kết ý chí chiến đấu và tình yêu Tổ quốc của người lính. Cội nguồn sức mạnh của người lính được tích tụ, kết đọng, sức mạnh làm nên chiến thắng là con người mang trái tim nồng nàn yêu nước. Nếu lấy sức mạnh vật chất, lấy vũ khí, đạn dược thì ta không thể đánh thắng được kẻ thù. Cái làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chính là sức mạnh tinh thần của cả dân tộc. Đó là tinh thần lạc quan, hiên ngang, dũng cảm, là trái tim nồng nàn yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam.
Đoạn văn cảm nhận khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Mẫu 3
Trong khổ cuối “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khắc họa rõ nét hiện thực khốc liệt của chiến tranh và vẻ đẹp tâm hồn của những người lính ra đi vì Tổ quốc. Hình ảnh những chiếc xe không kính một lần nữa được lặp lại, giờ đây những chiếc xe ấy không chỉ mất kính mà lại không đèn, không mui, thùng xe có xước. Điệp từ “không” kết hợp với phép liệt kê: “không có kính”, “không có đèn”, “không có mui xe” gợi ra sự tàn phá của bom đạn quân thù. Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến in hằn lên hình dáng của những chiếc xe, khiến chúng vốn đã thiếu thốn lại càng trở nên méo mó, biến dạng. Điều kiện chiến đấu của những người lính lái xe vốn đã khó khăn, hiểm nguy lại chất chồng thêm sự thiếu thốn, vất vả hơn bội phần. Nhịp thơ 3/2/3, 4/4 linh hoạt đã thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính. Với họ, những khó khăn ấy chẳng hề chi, ngược lại càng làm cho ý chí, quyết tâm chiến đấu vì miền Nam của họ thêm mạnh mẽ, vững vàng. Họ vẫn tiếp tục hành trình trên những chiếc xe không kính, băng băng đường dài, vượt vượt đèo, vượt núi ra trận. “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim” câu thơ không chỉ gợi lên khung cảnh những đoàn xe nối đuôi nhau trên con đường Trường Sơn miền Nam chiến đấu mà còn thể hiện lý tưởng, ý chí quyết tâm và tình thần lạc quan của những người lính trẻ. Vì mục đích cao cả, vì sứ mệnh chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, họ quyết không chịu gục ngã trước hoàn cảnh, đầu hàng trước số phận. Câu thơ cuối là lời khẳng định lý tưởng cách mạng Cao đẹp của người lính: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Đó là trái tim nhiệt thành, yêu nước, trái tim tôn thờ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chỉ cần có sự nồng ấm của trái tim ấy thì mọi gian khổ, nguy khốn cũng chỉ là tầm thường, nhỏ bé mà thôi. Với hình ảnh thơ chân thực mà đầy xúc động, cùng sự kết hợp hài hoà các phép tu từ ẩn dụ, liệt kê, Phạm Tiến Duật đã viết nên một khổ thơ đẹp, làm sáng ngời chân dung của những người lính trẻ: yêu nước, dũng cảm và giàu tinh thần lạc quan.
Đoạn văn cảm nhận khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Mẫu 4
Khổ thơ nêu bật ý chí quyết tâm giải phóng miền nam của người chiến sĩ lái xe. Hai câu đầu tác giả sử dụng biện pháp liệt kê , điệp ngữ nhấn mạnh sự thiếu thốn đến trần trụi của chiếc xe ”không kính”, ”không đèn”, ”không mui”, ”thùng xe xước” qua đó cho ta thấy mức độ ác liệt của chiến trường. Những chiếc xe trần trụi ấy vẫn băng ra chiến trường dù mọi thứ trong xe không còn nguyên vẹn chỉ cần vẹn nguyên 1 trái tim người lính – trái tim vì miền nam – thì xe vẫn chạy. Đó không chỉ là sự ngoan cường,dũng cảm, vượt lên mọi gian khổ ác liệt mà còn là sức mạnh của tình yêu nước.Bom đạn quân thù có thể làm biến dạng chiếc xe nhưng không đè bẹp được tinh thần, ý chí chiến đấu của những chiến sĩ lái xe, xe vẫn chạy không chỉ vì có động cơ máy móc mà con có cả động cơ tinh thần”vì miền nam phía trước”. Nghệ thuật đối lập những cái ”không có” ở bên ngoài là mốt cái ”có” ở bên trong – đó là trái tim người lính. Trái tim thay thế cho mọi thiếu thốn, hợp nhất với người chiến sĩ trở thành một cơ thể sống không gì ngăn cản tàn phá được trái tim chạy bằng xương máu của người chiến sĩ. Trái tim ấy tạo ra niềm tin, niềm lạc quan và sức mạnh chiến thắng. Trái tim yêu thương, trái tim cam trường của người chiến sĩ lái xe vừa là hình ảnh hoán dụ vừa là hình ảnh ẩn dụ gợi ra bao ý nghĩa. Trái tim là hình ảnh hội tụ vẻ đẹp thiêng liêng tất cả vì miền nam thân yêu. Trái tim người lính tỏa sáng rực rỡ đến muôn thế hệ mai sau khiến ta không quên được một thế hệ thanh niên thời kháng chiến chống Mỹ oanh liệt của dân tộc.
Đoạn văn cảm nhận khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Mẫu 5
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là tác phẩm tiêu biểu viết về người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Đặc biệt, ở khổ thơ cuối, tác giả đã tái hiện chân thực sự tàn phá của chiến tranh qua hình ảnh những chiếc xe trên tuyến đường Trường Sơn. Qua đó, nhấn mạnh ý chí chiến đấu của những người lính lái xe. Ở hai câu thơ đầu, những chiếc xe hiện lên với đầy những thương tích: “Không có kính rồi xe không có đèn/Không có mui xe thùng xe có xước”. Biện pháp liệt kê “kính, đèn, mui, thùng” kết hợp với điệp ngữ “không có” đã tô đậm hiện thực trần trụi của chiến tranh. Bom đạn của kẻ thù đã làm cho những chiếc xe nguyên vẹn trở nên trơ trụi. Tuyến đường Trường Sơn vốn đã gập ghềnh, hiểm trở vậy mà giờ đây lại càng khó di chuyển hơn khi xe thiếu đi những bộ phận quan trọng. Thế nhưng, những người lính vẫn lái xe bon bon tiến về phía trước vì miền Nam ruột thịt. Câu thơ thứ 3 như một lời khẳng định cho ý chí chiến đấu không gì có thể ngăn cản được. Từ “Vẫn chạy” nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng đối diện với mọi khó khăn, gian khổ của những người lính lái xe vì một ngày mai độc lập, tự do. Câu thơ cuối “Chỉ cần trong xe có một trái tim” chứa đựng tình yêu nước tha thiết của những người lính. Với họ, chỉ cần có sự kiên cường, quyết tâm sẽ vượt qua tất cả những hiểm nguy nơi chiến trường ác liệt. “Trái tim” chính là nguồn động lực to lớn tiếp thêm sức mạnh để họ chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Khổ thơ thứ 4 khép lại bài thơ đã thể hiện được vẻ đẹp của tình yêu nước, lòng dũng cảm của những người lính. Họ chính là đại diện cho thế hệ anh hùng làm nên độc lập cho dân tộc, là hình tượng đẹp nhất của thế kỉ “Như Thạch Sanh ở thế kỉ hai mươi” (Tố Hữu).
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính (5 mẫu) Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.