Bạn đang xem bài viết ✅ Bộ đề minh họa Ngữ văn 11 cấu trúc mới (Có đáp án) 10 Đề thi minh họa môn Ngữ văn thi THPT 2025 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bộ đề minh họa Ngữ văn 11 cấu trúc thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025 là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 11 ôn luyện.

Đề minh họa Ngữ văn 11 cấu trúc thi THPT 2025 được biên soạn gồm 10 đề kiểm tra có đáp án giải chi tiết. Đề thi minh họa Ngữ văn 11 bám sát đúng các yêu cầu về đánh giá của chương trình GDPT mới vừa kế thừa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội vốn đã khá quen thuộc vừa tập trung đổi mới ở phần viết nghị luận văn học nhằm khắc phục tình trạng học thuộc, văn mẫu. Vậy dưới đây là 10 Đề minh họa Ngữ văn 11 cấu trúc thi THPT 2025 mời các bạn cùng theo dõi.

1. Đề thi minh họa môn Ngữ văn 11 – Đề 1

Đề minh họa Ngữ văn 11

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

GIÁ TRỊ HIỆN THỰC TRONG “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU

Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi ra làm quan với nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ ông đã ngoài bốn mươi tuổi, đã trải qua thời Lê – Trịnh, thời Tây Sơn đến thời Nguyễn. Những năm thiếu thời sống ở Thăng Long, ngót mười năm lưu lạc sống chung với nhân dân, và mấy năm làm quan dưới triều đình mới, ông đã chứng kiến những cảnh thối nát của xã hội phong kiến suy tàn thời Lê -Trịnh, đến sự vùng dậy mãnh liệt của thời Tây Sơn, v.v… Những biến cố ấy khắc sâu vào tâm trí của ông và được phản ánh vào văn chương một cách sâu sắc.

Trong Truyện Kiều, mới thoáng qua bề ngoài ta thấy chế độ phong kiến yên tĩnh, vững vàng “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh, Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Nhưng thực chất thì mục ruỗng từ bên trong. Bọn quan lại phong kiến toàn là lũ sâu mọt, là những thế lực vô cùng hắc ám: Một tên quan xử kiện vụ Vương Ông, thằng bán tơ vu oan cho gia đình họ Vương, nhưng quan chẳng cần điều tra, nghiên cứu gì, chỉ cốt khảo cho ra tiền: “Có ba trăm lạng việc này mới xong”, đẩy gia đình họ Vương vào cảnh tan nát, phá tan mối tình đẹp đẽ của Thúy Kiều và Kim Trọng.

Đến như “Quan Tổng đốc trọng thần” họ Hồ, đại diện cho triều đình cũng là con người bỉ ổi, mất tư cách: dụ Từ Hải hàng rồi lừa giết một cách hèn nhát, dở trò dâm ô ngay với người vợ kẻ mình giết, rồi đem gán cho một tên thổ quan, để đến nỗi Kiều phải gieo mình xuống sông Tiền Đường.

Trong lúc đó, bọn đại quí tộc như “họ Hoạn danh gia” tha hồ làm mưa làm gió. Mẹ con Hoạn bà nuôi cả một lũ côn quang để đi đốt nhà, bắt cóc người vô tội, bắt làm nô tỳ, đánh đập tàn nhẫn, thi hành theo “gia pháp” của mụ, bất chấp luật pháp nhà nước. Hoạn Thư còn lập mưu bắt cóc Kiều đem về cho mụ mẹ ngược đãi và bày ra trò gặp gỡ éo le chua xót giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh. Hoạn Thư “con quan Lại bộ”, tuy thông minh sắc sảo có thừa nhưng vô cùng nham hiểm độc ác:

“Bề ngoài thơn thớt nói cười,

Mà trong nham hiểm giết người không dao.”

Bên cạnh cường quyền, bọn phong kiến quan liêu ấy còn có thứ quyền hung hãn hơn là đồng tiền. Cả một lũ quan lưu manh “trong tay sẵn có đồng tiền” nên chúng tha hồ hoành hành làm hại những người lương thiện. Đồng tiền mà trước đây Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tố cáo tác dụng phá hoại đạo đức phong kiến:

“Còn bạc còn tiền còn đệ tử, Hết cơm hết rượu hết ông tôi.”

Đến thời Nguyễn Du, đồng tiền càng tác oai tác quái hơn. Cũng vì có đồng tiền mà bọn con buôn như họ Mã mới dám “Trước thầy sau tớ lao xao”, “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, “Cò kè bớt một thêm hai”, và cả lũ Tú Bà, Bạc Hạnh mới tự do buôn bán người lại được sự che chở của pháp luật. “Nghĩ rằng cũng mạch thư hương” như Sở Khanh, vì tiền mà chịu làm “mặt mo” để thi hành độc kế của Tú Bà… Đồng tiền có thể “đổi trắng thay đen”. Nó dày xéo lên công lý, nó mua được lương tâm của con người. Nó đánh giá tài đức, phẩm cách con người như đánh giá một món hàng bán ngoài chợ. Và Nguyễn Du đã vạch mặt tác hại của đồng tiền đối với xã hội và cuộc sống con người:

“Một ngày lạ thói sai nha,

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.”

Qua đó, ta thấy được xã hội trong Truyện Kiều là một xã hội phong kiến thối nát. Ngòi bút hiện thực sắc sảo của Nguyễn Du đã ghi chép lại những nét thật điển hình, phản ánh những bộ mặt xấu xa, tàn bạo của nhiều nhân vật: Hoạn bà, Hoạn Thư, Tú Bà, Sở Khanh… trong xã hội đó. Truyện Kiều quả thật là một “Bản cáo trạng bằng thơ lên án chế độ phong kiến xấu xa, tàn bạo”.

(Trích: Những giá trị và hạn chế tư tưởng trong Truyện Kiều – GS.TS.Lê Văn Quán,

Tạp chí Hán Nôm, số 4 (113),2012; tr.3-11)

Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2. Văn bản trên viết về vấn đề gì?

Câu 3. Xác định hệ thống luận điểm của văn bản?

Câu 4. Qua văn bản trên, tác giả bày tỏ quan điểm gì?

Câu 5. Từ văn bản trên, anh/ chị rút ra được bài học gì về cách ứng xử với cái xấu, cái ác trong cuộc sống hiện nay

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích ngắn gọn đặc điểm chung của ba nhân vật Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi trong văn bản sau:

(Lược một đoạn: Đời vua Hán Linh Đế, triều chính thối nát, hoạn quan chuyên quyền, nhân dân lầm than, khắp nơi nổi loạn. Giặc Khăn Vàng nổi lên, uy hiếp triều đình. Triều đình bèn treo bảng mộ quân, nhằm chiêu mộ anh hùng để dẹp loạn).

Bấy giờ Huyền Đức (tức Lưu Bị) đọc bảng văn rồi thở dài. Bỗng thấy một người đứng sau nói lớn lên rằng:

– Đại trượng phu như ông, không ra giúp nước, đứng thở dài đó, được việc chi?

Huyền Đức ngoảnh lại nhìn: người ấy mình cao tám thước, đầu như đầu báo, hai mắt tròn xoe, hàm én, râu hùm, tiếng vang như sấm. Huyền Đức thấy dung mạo khác thường, liền hỏi họ tên. Người ấy nói:

– Tôi họ Trương tên Phi, tự là Dực Đức, ở Trác Quận đã lâu đời. Gia tư có ít ruộng, vườn, trại và mở một ngôi hàng bán rượu, thịt chó. Tôi chỉ thích kết giao với hào kiệt trong thiên hạ. Vừa rồi thấy ông xem bảng văn rồi thở dài, nên tôi mới hỏi.

Huyền Đức nói:

– Tôi đây vốn dòng dõi nhà Hán, họ Lưu tên Bị; nay thấy giặc Khăn Vàng nổi loạn, có chí ra dẹp giặc yên dân, chỉ hiềm sức mình không nổi, nên mới thở dài.

Phi nói:

– Nhà tôi tư gia cũng khá. Ý muốn chiêu mộ hương dũng, cùng ông mưu đồ việc lớn, ông tính sao?

Huyền Đức mừng lắm. Hai người bèn rủ nhau vào hàng uống rượu.

Đương đánh chén, bỗng thấy một người cao lớn lực lưỡng, đẩy một cỗ xe đến cửa, vào hàng ngồi phịch xuống, gọi nhà hàng:

– Rượu mau lên! Để ta uống xong còn vào thành ứng mộ!

Huyền Đức nhìn xem thấy người ấy mình cao chín thước, râu dài hai thước, mặt như hai quả táo chồng lên nhau, môi như tô son, mắt phượng mày tằm, oai phong lẫm liệt. Huyền Đức bèn mời cùng ngồi và hỏi họ tên. Người ấy nói:

– Tôi họ Quan tên Vũ, tự là Trương Sinh, sau đổi là Vân Trường, người làng Giải Lương, tỉnh Hà Đông. Nhân thấy có đứa thổ hào ỷ thế ức hiếp người, tôi bèn giết chết rồi đi trốn tránh đã năm, sáu năm rồi. Nay nghe ở đây có lệnh chiêu binh phá giặc, nên tôi đến ứng mộ.

Huyền Đức cũng đem chí mình ra nói. Vân Trường rất mừng. Bèn cùng đến trại của Trương Phi bàn tính việc lớn. Phi nói:

– Sau trại tôi có một vườn đào đang nở hoa đẹp lắm. Ngày mai nên làm lễ tế trời đất ở trong vườn, ba chúng ta kết làm anh em, đồng lòng hợp sức, sau mới có thể tính được việc lớn.

Huyền Đức, Vân Trường đều nói: – Như thế tốt lắm!

Ngay hôm sau sửa soạn trâu đen, ngựa trắng và các lễ vật ở trong vườn đào, ba người đốt hương, lạy hai lạy, thề rằng:

– Chúng tôi là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, dẫu rằng khác họ, song đã kết làm anh em thì phải cùng lòng hợp sức, cứu khốn phò nguy, trên báo đền nợ nước, dưới yên định nạn dân. Chúng tôi không cần sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, chỉ muốn chết cùng năm, cùng tháng, cùng ngày. Hoàng thiên hậu thổ, soi xét lòng này. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết.

Thề xong, tôn Huyền Đức làm anh cả, Quan Vũ thứ hai, Trương Phi em út. Mổ trâu đặt tiệc, tụ họp dũng sĩ trong làng được ba trăm người, cùng đến vườn đào uống một bữa rượu thật say.

(Trích: Hồi thứ nhất, Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung, Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính, NXB Văn học, Hà Nội, 2016, tr.99 – 101)

Tham khảo thêm:   Bộ sách giáo khoa Lớp 7: Kết nối tri thức với cuộc sống (Sách học sinh) SGK lớp 7 năm học 2022 - 2023

Câu2.(4,0điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh/chị về việc sống có kỉ luật.

—————- HẾT —————-

  • Thí sinh không được sử dụng tài liệu;
  • Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án đề minh họa Ngữ văn 11

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

4,0

1

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5

2

Văn bản viết về vấn đề: Giá trị hiện thực trong “Truyện Kiều” của

Nguyễn Du.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án hoặc dẫn câu văn khác đúng yêu cầu (lời của người kể chuyện và lời của nhân vật): 0,5 điểm

– Trả lời đúng 1 ý: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5

3

Văn bản có 2 luận điểm:

– Luận điểm 1: Bối cảnh hiện thực thời Nguyễn Du sống.

– Luận điểm 2: Sự tác động của bối cảnh hiện thực đối với “Truyện Kiều”.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0

4

Quan điểm:

– Đánh giá cao giá trị hiện thực trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du;

– Phê phán chế độ phong kiến thời kì suy tàn.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lờitương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0

5

Rút ra bài học về cách ứng xử với cái xấu, cái ác trong cuộc sống hiện nay:

– Không hùa theo, không tiếp tay cho cái xấu, cái ác;

– Cần mạnh mẽ lên tiếng và có những hành động để ngăn chặn, loại bỏ cái xấu, cái ác;

– Cần kêu gọi mọi người cùng chung tay để đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2 ý: 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0

II

VIẾT

6,0

1

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích ngắn gọn đặc điểm chung của ba nhân vật Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi trong văn bản.

2,0

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích ngắn gọn đặc điểm chung của ba nhân vật Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi trong văn bản.

0,25

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

– Đều là những con người có vóc dáng cao lớn, tướng mạo phi thường;

– Đều là những con người có sức khỏe và tài năng hơn người;

– Đều là những con người có chí lớn, có nghĩa khí, trung quân ái quốc.

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn

0,5

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

2

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh/ chị về việc sống có kỉ luật.

4,0

a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: ……

0,5

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

1. Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề:

– Sống có kỉ luật là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.

– Đây là một lối sống tích cực, cần được phát huy.

2. Triển khai vấn đề nghị luận:

2.1. Giải thích:

Sống có kỉ luật là lối sống điều độ, tuân thủ một cách nghiêm túc về thời gian biểu, các kế hoạch mà bản thân đã đề ra.

2.2. Lợi ích của lối sống có kỉ luật:

– Giúp bản thân vượt lên trên tính lười biếng, vô tổ chức, do đó, khiến ta cảm thấy ngày một tự tin và mạnh mẽ hơn;

– Giúp hoàn thành đúng thời hạn các mục tiêu mà bản thân đã đặt ra;

– Tạo được sự tin tưởng, tôn trọng từ người khác, tự đó tạo dựng được các mối quan hệ tốt đẹp;

– Tạo nên một bản lĩnh vững vàng, một sức mạnh tinh thần to lớn để dám đối mặt và vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống;

– Giúp ta không lãng phí thời gian, do đó không phải hối tiếc về sau;…

2.3. Giải pháp xây dựng lối sống kỉ luật:

– Nhận thức được những lợi ích to lớn mà lối sống kỉ luật có thể đem lại;

– Lập cho mình một thời gian biểu hợp lí và cố gắng tuân thủ một cách nghiêm túc;

– Công khai thời gian biểu với gia đình và bạn bè để mọi người có thể kiểm tra, cũng là cách để tự tạo áp lực, giúp bản thân không vì lười biếng mà bỏ giữa chừng;

– Kết giao với những con người sống có kỉ luật; tránh xa những con người sống vô kỉ luật;…

3. Rút ra bài học cho bản thân:

– Hình thành cho mình lối sống có kỉ luật;

– Tránh xa lối sống vô kỉ luật.

1,0

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để àm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Tổng điểm

10,0

Tham khảo thêm:   Quyết định 72/QĐ-UBCK Quy định về hạn mức phát hành chứng quyền có bảo đảm

2. Đề thi minh họa môn Ngữ văn 11 – Đề 2

Đề minh họa Ngữ văn 11

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH (NGUYỄN THI)

“Việt tỉnh dậy lần thứ tư, trong đầu còn thoáng qua hình ảnh của người mẹ. Đêm nữa lại đến. Đêm sâu thăm thẳm, bắt đầu từ tiếng dế gáy u u cao vút mãi lên. Người Việt như đang tan ra nhè nhẹ. Ước gì bây giờ lại được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuống lên cho Việt ăn… Nhưng mấy giọt mưa lất phất trên cổ làm Việt choàng tỉnh hẳn. Một sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống chạy từ cổ Việt, lan dài cho tới ngón chân. Việt có một mình ở đây thôi ư? Câu hỏi bật ra trong đầu Việt rồi dội lại trong từng chân lông kẻ tóc. Cái cảm giác một mình bật lên một cách rõ ràng nhất, mênh mông nhất, trong đêm thứ hai này, khi Việt cảm thấy không còn bò đi được nữa, khi những hình ảnh thân yêu thường kéo đến rất nhanh rồi cũng vụt tan biến đi rất nhanh chỉ vì một cành cây gãy, một giọt mưa rơi trên mặt, hoặc một tiếng động nhỏ của ban đêm. Việt muốn chạy thật nhanh, thoát khỏi sự vắng lặng này, về với ánh sáng ban ngày, gặp lại anh Tánh, níu chặt lấy các anh mà khóc như thằng Út em vẫn níu chân chị Chiến, nhưng chân tay không nhấc lên được. Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao tròn lấy Việt, kéo theo đến cả con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông”, cái mà Việt vẫn nghe các chị nói hồi ở nhà, Việt nằm thở dốc…

Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Rồi loạt thứ hai… Việt ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lăng của giặc. Đó là những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng môi và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hỏi Đồng khởi. Đúng súng của ta rồi! Việt muốn reo lên. Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó. Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi! Đó, lại tiếng hụp hùm… chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy. Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ. Những khuôn mặt anh em mình lại hiện ra… Cái cằm nhọn hoắt ra của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công mỗi lần anh động viên Việt tiến lên… Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ…

Việt đã bò đi được một đoạn, cây súng đẩy đi trước, hai cùi tay lôi người theo. Việt cũng không biết rằng mình đang bò đi nữa, chính trận đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống. Tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng. Ở đó có các anh đang chờ Việt, đạn ta đang đổ lên đầu giặc Mĩ những đám lửa dữ dội, và những mũi lê nhọn hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong…

(Trích: Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi, Truyện và Ký, NXB Văn học giải phóng, 1978)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy?

Câu 2: Câu văn: “Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó.” là lời của ai?

Câu 3.Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu “Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng môi và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi”.

Câu 4. Tại sao Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ đối với nhân vật Việt?

Câu 5. Bằng việc tìm hiểu về cảm xúc của nhân vật Việt trước khó khăn, kết hợp với hiểu biết xã hội của anh/chị, hãy trả lời câu hỏi: Bạn sẽ làm gì trước những khó khăn, thử thách?

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích hiệu quả của việc đặt điểm nhìn vào nhân vật Việt trong đoạn trích trên.

Câu 2. (4 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về nghịch cảnh trong cuộc sống hằng ngày.

—————- HẾT —————-

  • Thí sinh không được sử dụng tài liệu;
  • Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án đề minh họa Ngữ văn 11

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

4,0

1

Truyện được kể theo ngôi:Ngôi thứ ba

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5

2

Câu văn: “Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó.” là lời của nhân vật Việt.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án hoặc dẫn câu văn khác đúng yêu cầu (lời của người kể chuyện và lời của nhân vật): 0,5 điểm

– Trả lời đúng 1 ý: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5

3

– Biện pháp tu từ so sánh

– Gợi lên những âm thanh quen thuộc gắn liền với nhân vật Việt khi đang bị thương ở chiến trường, đồng thời gợi tinh thần quật khởi của đồng bào miền Nam trong những ngày đánh Mỹ.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0

4

Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ đối với nhân vật Việt : Vì đây là âm thanh tiếng súng mà đồng đội bắn. Nó gọi Việt phải bước tiếp để sống để trả thù quân địch. Tiếng súng xung trận đã tiếp thêm sức mạnh cho tiếng gọi Việt quay trở lại sự sống.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lờitương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0

5

Học sinh đưa ra giải pháp, có thể hướng đến các việc làm như: Không bỏ cuộc; không nản chí; luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt; có niềm tin vào tương lai tươi sáng…

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2 ý: 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0

II

VIẾT

6,0

1

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích hiệu quả của việc đặt điểm nhìn vào nhân vật Việt trong đoạn trích trên.

2,0

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích ngắn gọn đặc điểm chung của ba nhân vật Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi trong văn bản.

0,25

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: Hiệu quả của việc đặt điểm nhìn vào nhân vật Việt trong đoạn trích trên:

+ Câu chuyện trở nên tự nhiên, chân thực, sinh động, Từ đó gây ấn tượng, hấp dẫn với bạn đọc; quá khứ – hiện tại đan kết, lồng ghép.

+ Tác giả đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật Việt và trần thuật bằng dòng ý thức đứt nối của anh. Từ đó, dòng hồi tưởng, liên tưởng của Việt mở rộng dần đối tượng, làm hiện lên vừa cụ thể, vừa sinh động những gương mặt tiêu biểu của một gia đình, đồng đội…

+ Chính dòng hồi tưởng đó cho thấy:

++ Sức sống của truyền thống trong nhân vật Việt.

++ Tình cảm dạt dào, tha thiết của Việt dành cho gia đình.

++ Bên cạnh một cuộc chiến khốc liệt, dữ dội là một chiều sâu gia đình đậm đà, tự nhiên nhưng ấn tượng.

0,5

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

2

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh/ chị về việc sống có kỉ luật.

4,0

a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: ……

0,5

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

+ Giải thích khái niệm: Nghịch cảnh là hoàn cảnh không thuận lợi, không bình thường mà chứa đựng những éo le, ngang trái, khó khăn trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống con người.

+Thể hiện quan điểm của người viết có thể triển khai ý theo gợi ý sau: cuộc sống đói nghèo, thiên tai, chiến tranh, những tai họa bất ngờ…

– Sự chi phối của nghịch cảnh tới cuộc sống mỗi người: nghịch cảnh là điều hầu như không tránh khỏi trong cuộc sống, tùy theo thái độ của mỗi người mà nghịch cảnh có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới cuộc sống của họ.

++Nghịch cảnh có thể trở thành áp lực và dộng lực tôi luyện ý chí kiên cường của con người, giúp họ có sức mạnh, quyết tâm để có thể chiến thắng, đứng vững và phát triển cao hơn – và mỗi lần chiến thắng con người có thêm sức mạnh, trải nghiệm, có được sự tin tưởng và coi trọng từ những người xung quanh…

++ Với những người ngại gian khổ, ý chí bạc nhược, yếu đuối, thiếu tự tin và tự trọng thì nghịch cảnh sẽ là bức tường ngăn họ với tới chiến thắng, họ sẽ chấp nhận thất bại và đầu hàng số phận, đổ lỗi cho hoàn cảnh thay vì đương đầu để vượt qua và chiến thắng nó.

– Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện vấn đề làm thế nào để chiến thắng nghịch cảnh:

++ Chấp nhận đương đầu và vượt qua nó.

++ Phát huy cao nhất sức mạnh nội lực của chính bản thân mình, không thụ động, ỷ lại hay cầu cứu sự giúp đỡ từ bên ngoài, sáng suốt bản lĩnh để chấp nhận đương đầu với khó khăn.

++Phát huy cao nhất sức mạnh nội lực của chính bản thân mình, không thụ động ý lại hay cầu cứu sự giúp đỡ từ bên ngoài, sáng suốt, bản lĩnh để chấp nhận đương đầu với khó khăn.

++ Không nên cao ngạo khước từ sự giúp đỡ chân thành của người thân và bạn bè trên con đường vượt qua khó khăn của nghịch cảnh.

++Không mãn nguyện dừng lại sau mỗi lần chiến thắng, luôn nhớ: khó khăn, nghịch cảnh vẫn thường đồng hành với cuộc sống con người.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

1,0

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để àm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Tổng điểm

10,0

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh 11 Unit 9: Từ vựng Từ vựng Education in the Future - i-Learn Smart World

…………..

Tải file tài liệu để xem đầy đủ nội dung chi tiết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bộ đề minh họa Ngữ văn 11 cấu trúc mới (Có đáp án) 10 Đề thi minh họa môn Ngữ văn thi THPT 2025 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *