Văn mẫu lớp 11: Phân tích tác phẩm Nghèo của Nam Cao mang đến bài văn mẫu hay nhất, giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo nhanh chóng biết cách viết bài văn phân tích hay.
Phân tích Nghèo của Nam Cao chúng ta cảm nhận được một bức tranh hiện thực về tận cùng của sự đói nghèo và số phận của người dân nghèo bị áp bức dưới chế độ phong kiến thối nát. Tác phẩm là bi kịch của những người nghèo túng quẫn trong một xã hội thiếu sự cảm thông. Vậy sau đây là bài văn mẫu hay nhất mời các bạn cùng theo dõi.
Phân tích Nghèo của Nam Cao
Đại văn hào Andersen đã từng nói rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Hiện thực cuộc sống được xem là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chắp cánh và đâm chồi. Chính vì vậy, bức tranh hiện thực cuộc sống, con người trong đoạn trích: “Nghèo” của Nam Cao gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng độc giả. Truyện không chỉ là bức tranh tái hiện lại chân thực, đầy đủ chân đường cùng của những người nông dân trước cách mạng tháng 8 mà ở đây là gia đình chị Đĩ Chuột, đó còn là lời tố cáo, phê phán hiện thực xã hội, đồng thời cũng là sự cảm thông, xót thương của Nam Cao với nỗi khổ của con người.
Đoạn trích trên được trích trong tác phẩm: “Nghèo” -Nam Cao. Truyện hướng tới ngòi bút của những người nông dân thấp cổ bé họng, bị chèn ép, dồn đến đường cùng bởi cái đói trước cách mạng-đây có thể coi là một đề tài không mới, được hầu hết các nhà văn hiện thực khai thác. Nhưng ở Nam Cao có cái gì đó khiến người đọc trăn trở, day dứt mãi không thôi. Phải chăng, chính vì vậy Nam Cao được coi là nhà văn của nghệ thuật vị nhân sinh?
Mở đầu câu chuyện là một câu nói đầy quen thuộc, ám ảnh của làng quê nông thôn trước cách mạng tháng 8: “Bu ơi con đói..”. Vẫn là lời than thở ấy khi đây là: “Lần thứ mười, thằng cu bé chạy về đòi ăn” và vẫn là lời quát của chị Đĩ Chuột với đứa con: “Đã bảo hết cơm rồi, tí nữa ché chún thì ăn chè mà”. Khung cảnh tưởng chừng bình thường được Nam Cao khắc họa lại là một bức tranh gam màu tối về cái nghèo-cụ thể là cái đói. Liệu rằng, ngay từ nhan đề của tác phẩm, tác giả đã hé lộ ra chuỗi bi kịch của gia đình chị Đĩ Chuột nói riêng và người nông dân Việt Nam thuở ấy nói chung? “Cái nghèo” quen thuộc đến nỗi chính Nam Cao phải tự đặt “Nghèo” cho chính tác phẩm của mình.
Sau hàng loạt những lời than đói của thằng cu và lời mắng của chị, “thằng cu không dám đòi ăn nữa, nhưng mặt nhăn nhó, bịu xịu như muốn khóc”. Thấy đứa con của mình như vậy, chị Đĩ Chuột tuy là một người nông dân nghèo khổ nhưng chị cũng là một người mẹ thương con: “Chị Đĩ Chuột thương hại dịu dàng bảo: Con chạy ra vườn xem chị Gái làm cỏ, lúc nào chè chín bu gọi về ăn.. chóng ngoan rồi bị thương”. Cốt truyện trong Nam Cao cứ đơn giản như thế, chỉ là những lời đối thoại bình thường, không kịch tính như cốt truyện của nhà văn cùng thời khác nhưng lại gây hấp dẫn, tò mò sự khám phá của độc giả. Bức tranh hiện thực về cái nghèo một lần nữa được Nam Cao tái hiện: “Nó không nhúc nhích, mà nó còn nhúc nhích làm sao được: Một nắm cơm nhỏ ăn từ sáng đã bị cái dạ dày chăm chỉ của con nhà nghèo tiêu hết đánh phèo một cái rồi”. Nghèo đến nỗi chỉ có: “Lấy một cái vỏ trai mút vào mấy cái bát sành sứt mẻ tứ tung”. Có thể nói, cái nghèo đã kéo xuống tận cùng khi mọi thứ phù phiếm chỉ là hư vô trong con mắt của những con người bất lực trước cái đói. Đáng thương thay khi tuổi thơ đứa trẻ vốn được hồn nhiên vui chơi, học hành thì khi con người ta đã quá khổ vì không đủ miếng ăn, nó liệu rằng chỉ là một giấc mơ không tồn tại trong trí óc non nớt của chúng? Đặt bàn cân lên giữa miếng ăn với cái học hành thì phải chăng kết quả ai cũng biết chắc chắn?
“Chốc lại nheo nhéo, chốc lại nheo nhéo” -tiếng kêu của cái đói, cái nghèo lặp lại hai lần trong truyện nhưng đó cũng là “tiếng kêu” thực trạng chung của người nông dân trước cách mạng tháng tám, nó đau đớn đến nỗi mà “tư tưởng” ấy đã xuất hiện hàng loạt trong các tác phẩm của các nhà văn. Hàng loạt các chi tiết: “Hai mắt lóng lánh đổ dồn cả vào mấy bát chè màu nâu đục, khói bốc lên nghi ngút”; “Mồm nó nuốt nước bọt ừng ực, mũi nó nở hẳn ra”; “há hốc mồm ra như con chim đợi mẹ mớm mồm” -có thể thấy miếng ăn lúc ấy nó xa vời đến dường nào. Cái “miếng ăn” ấy đã khiến Lão Hạc phải tự kết thúc cuộc đời mình với bả chó, khiến Chí Phèo trở thành con quỷ của làng Vũ Đại, khiến chị Dậu phải nuốt nước mắt vào trong để bán đứa con mới 7 tuổi. Dường như, ranh giới giữa “Miếng ăn” và bản tính con người gần như hơn bao giờ hết. Đâu đây, ta vẫn ám ảnh câu nói: “Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện.” (Chí Phèo-Nam Cao)
Bi kịch đến tột điểm của cảm xúc khi: “Mẹ nó đút cho nó một siêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại ọe ra và khóc òa lên”. Chị Đĩ Chuột thương con nhưng bất lực trước số phận, cái nghèo, cái đói: “Chị lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như con người ngã nước”. Và rồi, “món chè” mà chị nói chỉ là cám nâu. Số phận của chị Đĩ Chuột và biết bao nhân vật khác trong Nam Cao đều đen tối, đen tối đến mức muốn chớp một tia hy vọng nhưng cũng không có, cái khoảnh khắc này của chị giống chị Dậu cuối truyện khi chạy ra bầu trời tối đen trong “Tắt đèn” -nó tối đen như cái tiền đồ chị Dậu vậy? Liệu rằng, chính Nam Cao chưa tìm ra cách giải thoát cho số phận nhân vật mình cũng như chính bản thân ông? Quả là: “Đau đớn thay cho những kiếp sống muốn bay cao nhưng lại bị cơm áo gạo tiền ghì sát đất”
Nam Cao có quan điểm nghệ thuật của mình: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật phải là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than” Phải chăng, vì vậy mà truyện ngắn của ông luôn mang đậm phong cách dấu ấn?
Với cách lựa chọn đề tài, chủ đề không mới-viết về nỗi khổ của người nông dân đương thời qua những thứ nhỏ nhặt, xoàng xĩnh: “Cái đói” nhưng đằng sau những con chữ tưởng chừng như tủn mủn ấy là cả một trữ lượng khổng lồ về con người, nhân tính và xã hội.
Nếu các nhà văn cùng thời rất tập trung xây dựng cốt truyện với nhiều tình tiết hấp dẫn, linh hoạt, biến cố tạo sự kịch tính cho truyện thì cốt truyện của ông có vẻ khiêm tốn hơn, dường như không cần đến sự tổ chức, sắp xếp. Với đoạn trích trên, thay vì chỉ chú ý vào cốt truyện, Nam Cao tập trung xây dựng trên cơ sở miêu tả những cuộc đấu tranh nội tâm nhân vật, thể hiện cuộc sống tự nhiên, chân thực với những cái hằng ngày, bình thường. “Nghèo” đem đến cốt truyện không mới, ta từng bắt gặp cái cảnh vì nghèo đói mà phải ăn cháo cám như “Vợ nhặt” của Kim Lân, cũng từng bắt gặp cái cảnh vì nghèo đói mà phải bán đứa con của mình trong “Tắt đèn”
Nam Cao có thể coi là một bậc thầy truyện ngắn với nghệ thuật miêu tả phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo đạt trình thượng thừa. Ông miêu tả cái cảnh “đói nghèo” giữa những lời đối thoại với chị Đĩ Chuột, rồi cuối cùng là sự bất lực tột cùng, cao trào của cảm xúc: “Chị Đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt..” Cây bút ấy luôn thể hiện nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại do cuộc sống đói nghèo đẩy tới. Dường như chủ nghĩa tâm lý đã trở thành một ý thức nghệ thuật thấm nhuần trong sáng tác của Nam Cao, tạo nên một đặc điểm nghệ thuật nổi bật đem đến cho sáng tác của ông một sức hấp dẫn to lớn. Nam Cao không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà còn đi sâu vào miêu tả, phân tích thế giới nội tâm nhân vật, thể hiện tư tưởng của tác phẩm.
Giọng điệu Nam Cao tưởng chừng có sắc thái đối lập nhau. Rõ ràng, ở Nam Cao có cái gì đó rất giống với Lỗ Tấn, tưởng chừng dửng dưng, lạnh lùng và đầy chua chát nhưng ẩn sâu bên trong là một trái tim ấm nóng tình người.
“Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp hẳn cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen”. Trong giấy trắng mực đen ấy của Nam Cao, bức tranh về một xã hội phong kiến thối nát đã được tái hiện một cách chân thực, đầy đủ nhất với nỗi khổ tận cùng của người nông dân qua đoạn trích “Nghèo”. Nam Cao quả là đã “khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa ai có”.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 11: Phân tích tác phẩm Nghèo của Nam Cao Những bài văn hay lớp 11 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.