Văn mẫu lớp 6: Tả mẹ của em gồm dàn ý, cùng 6 bài văn mẫu giúp các em học sinh lớp 6 tham khảo, tích lũy vốn từ để hoàn thiện bài văn tả mẹ của mình. Đồng thời, các em sẽ biết cách diễn đạt, sử dụng ngôn từ thật truyền cảm, gần gũi làm nổi bật lên hình ảnh người mẹ hiền của mình.
Dàn ý tả về mẹ của em
1. Mở bài
Giới thiệu về mẹ: người mà em yêu quý nhất trong gia đình.
2. Thân bài
– Giới thiệu về mẹ (tuổi, nghề nghiệp)
– Tả hình dáng của mẹ (dáng người, khuôn mặt, đôi mắt, màu da,…)
– Tả tính cách của mẹ
– Tả sự chăm sóc của mẹ với em
3. Kết bài
Em rất yêu mẹ. Em tự hứa với lòng phải học thật giỏi, thật chăm ngoan để mẹ vui lòng.
Bài văn tả mẹ – Mẫu 1
“Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc, mẹ yêu thương con hơn yêu cuộc sống”
Mỗi lần nghe lời bài hát em chỉ muốn chạy thật nhanh đến bên mẹ ôm chầm lấy mẹ, thơm lên má lên trán mẹ, cảm ơn mẹ đã sinh ra và yêu thương em.
Mẹ em năm nay đã ba mươi tuổi nhưng ai cũng nói trông mẹ trẻ như ngoài hai mươi. Dáng người mẹ dong dỏng cao, làn da mẹ trắng nõn như da em bé. Mẹ có khuôn mặt trái xoan, nhỏ nhắn. Nổi bật trên khuôn mặt ấy là đôi mắt như biết nói, đen láy, mỗi khi mẹ cười đôi mắt ấy lại lấp lánh lạ thường. Ai cũng bảo em có đôi mắt rất giống mẹ khiến em rất tự hào. Mũi mẹ cao, thẳng, là mũi dọc dừa. Đôi môi mẹ không dùng son bao giờ nhưng luôn có màu hồng tự nhiên rất tươi.
Mỗi khi mẹ cười, hàm răng trắng muốt lộ ra trông rất đẹp. Mẹ thích để tóc ngắn ngang vai nhuộm màu hạt dẻ, trông rất trẻ trung. Thường thì mẹ nội trợ ở nhà, mẹ mặc một bộ đồ ở nhà rất đơn giản, đến khi đi tiệc mẹ hay thích mặc những chiếc váy liền có màu trắng hoặc xanh. Mẹ bảo mẹ rất thích hai màu này nên quần áo của mẹ đa phần đều là màu như vậy. Mẹ em nấu ăn rất ngon, bố luôn nói là bố thích về nhà ăn hơn là ăn với khách ở bên ngoài vì đồ mà mẹ nấu còn ngon hơn ở nhà hàng.
Bữa sáng mẹ cũng dậy sớm để chuẩn bị cho cả nhà để cả nhà có một bữa dinh dưỡng nạp năng lượng cho ngày mới. Thỉnh thoảng, khi rảnh rỗi, mẹ còn dạy em biết cách nấu ăn nhưng có lẽ còn phải học nhiều em mới nấu được ngon như mẹ. Ở lớp em có cô giáo dạy bảo học hành, ở nhà, mẹ chính là cô giáo của em. Mẹ có một giọng nói dịu dàng truyền cảm, mỗi khi mẹ dạy em đọc bài em đều cảm thấy rất thích thú vì mỗi bài đọc qua giọng đọc của mẹ đều trở nên hay về dễ hiểu lạ thường làm cho em bị cuốn vào bài giảng ngay lập tức.
Đôi tay mẹ mũm mĩm, trắng ngần với những ngón tay búp măng. Đôi bàn tay ấy đã ân cần chải tóc cho em mỗi ngày, cầm tay em dạy em tập viết, đôi bàn tay chăm em ốm, nấu cơm cho em ăn,…Em yêu lắm đôi bàn tay mẹ. Mẹ vì em đã hi sinh rất nhiều, thanh xuân của mẹ đã dồn hết cho em, tình yêu mẹ đã đặt hết lên em, biết điều đó, em biết rằng mình không thể làm mẹ thất vọng.
Em rất yêu mẹ, trong trái tim em mẹ là tất cả, không ai có thể thay thế. Em tự hứa với lòng phải học thật giỏi, thật chăm ngoan để mẹ vui lòng.
Bài văn tả mẹ – Mẫu 2
Không hiểu sao mỗi khi nhắc đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, tôi lại nghĩ ngay đến mẹ. Hình ảnh mẹ tôi mỗi sáng đội chiếc nón lá đi chợ đã khắc sâu trong tâm trí tôi tự thuở nào. Ngày nay tôi ít thấy có ai đội nón lá ra đường.
Các bà các cô thường đội những chiếc nón kiểu đầy hoa văn và màu sắc, nhất là các cô gái trẻ thì càng không muốn đội chiếc nón lá quê mùa này. Ấy vậy mà ngày ngày mẹ tôi đều đội nó ra chợ, thậm chí cho đến cả bây giờ. Hồi nhỏ, tôi hay nghịch nón của mẹ và rất thích cái dây quai nón. Mẹ có tổng cộng 3 cái dây để thay đổi. Quai nón là do mẹ tự may lấy, những sợi dây mảnh có hoa văn rất đẹp.
Tôi không biết phải bắt đầu tả mẹ từ đâu. Có lẽ là khuôn mặt. Mẹ tôi không xấu nhưng cũng chẳng đẹp, nói chung là không có nét gì nổi bật. Bây giờ mẹ tôi đã già nên khuôn mặt có nếp nhăn. Nhìn hình của mẹ lúc còn trẻ, tôi bỗng giật mình. Mẹ thay đổi nhiều quá! Không phải thời gian đã làm thay đổi mẹ tôi đâu. Mà chính sự cực nhọc đã khiến mẹ gầy mòn. Nhìn vào đôi mắt của mẹ, tôi thấy sự mệt mỏi đằng sau đôi mắt ấy, và cảm nhận rằng mẹ có nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui.
Tôi còn nhớ hồi lớp 5 có thi tập đọc. Có 4 đề và tôi bốc trúng đề “Đôi bàn tay của mẹ”. Tôi không nhớ mình được bao nhiêu điểm, chỉ nhớ rằng tôi đã đọc bằng cả tấm lòng. “Em yêu nhất là đôi bàn tay mẹ, những ngón tay gầy gầy xương xương”. Khi tôi cầm tay mẹ, có cảm giác như cầm một khúc gỗ. Tay mẹ thô quá, cứng quá, dường như chỉ có da bọc xương. Và tay mẹ cũng không hề ấm áp chút nào, lúc nào cũng mát rười rượi. Bởi vậy mà tôi rất thích khi mẹ đặt tay lên trán lúc tôi bị nóng sốt. Bàn tay của mẹ lúc nào cũng mạnh mẽ. Bất cứ thứ gì tôi không mở được chỉ cần đưa mẹ là mở được ngay. Những lúc đó mẹ hay cười, chọc tôi sao yếu quá.
Tôi cao 1m60, một chiều cao trung bình nhưng khi đứng với mẹ, tôi vẫn cao hơn mẹ một chút. Thế mà chưa bao giờ tôi thấy mẹ thấp cả. Trong mắt tôi, mẹ lúc nào cũng là người hoàn hảo nhất.
Có một hôm đi học về, thấy mẹ đang nằm ngủ. Tôi lặng lẽ tới gần và ngồi xuống. Tôi cứ nhìn mẹ chăm chú suốt 15 phút cho đến khi mẹ thức dậy và nhìn tôi mỉm cười. Cô giáo tôi từng bảo “Các em thử nhìn gương mặt cha mẹ mình lúc ngủ, sẽ thấy được nỗi nhọc nhằn trên khuôn mặt họ”. Tôi nhìn mẹ nhưng chỉ có một cảm giác duy nhất: đó là sự yên bình.
Khi nhìn đôi chân của mẹ, tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Có quá nhiều vết nứt, và vết nứt nào cũng sâu, sâu lắm. Tôi chưa từng thấy ai bị nứt chân sâu như vậy, dù là quảng cáo trên tivi. Bước chân của mẹ cũng thật là nặng nhọc. Vì thế mà đôi dép của mẹ rất mau mòn. Phần gót của đôi dép cao su mòn gần sát đất và dép trái mòn hơn dép phải chứng tỏ khi đi mẹ đặt trọng tâm về phía sau và nghiêng về bên trái. Hễ có người gọi thì lúc nào mẹ cũng hối hả chạy ra, có lúc còn xém bị vấp ngã. Người ta nói những người đi nhanh và bước chân nặng nhọc thì sống không được sung sướng. Có lẽ là vậy nhỉ.
Ngay chỗ xương vai của mẹ có 2 cái hốc thật sâu. Và da của mẹ thì bủng beo, không săn chắc như người khác. Thương mẹ quá.
Mẹ tôi bị viêm xoang. Đó là do ngày xưa mẹ hít bụi than quá nhiều. Bây giờ, căn bệnh này cứ hành mẹ tôi mãi. Mẹ hay bị nhức đầu, còn sổ mũi là chuyện như cơm bữa. Thế nhưng không ngày nào mẹ tôi nghỉ ngơi. Trong khi tôi hễ bệnh một chút là chẳng làm gì cả, chỉ nằm đó để mẹ chăm sóc.
Tôi nhớ có một kỷ niệm rất trẻ con: anh tôi khóc. Trong suốt 23 năm sinh sống, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất anh tôi khóc. Tôi không nhớ chuyện bắt đầu như thế nào, chỉ nhớ rằng anh tôi vừa khóc vừa nói “Sao mẹ lúc nào cũng bênh nó, cưng chiều nó? Thậm chí nó lớp 5 rồi mà rót nước mẹ cũng rót cho nó”. Lí do là vậy đó. Anh tôi ghen tị vì mẹ thương tôi hơn. Trẻ con ai cũng muốn dành tình thương của mẹ nhỉ. Lúc nhỏ mẹ thương tôi nhất nhưng lớn lên mẹ lại thương chị cả nhất. Tôi hiểu mẹ không hề thiên vị mà rất công bằng. Mẹ dành tình thương cho ai cần nó nhất. Lúc nhỏ, tôi bé nhất nên mẹ quan tâm chăm sóc tôi nhiều nhất. Nhưng giờ lớn rồi, anh chị tôi đều đã đi làm thì mẹ thương chị nhất. Đơn giản vì chị tôi làm việc rất cực khổ nhưng lương lại thấp và mẹ nghĩ rằng cần bù đắp cho chị bằng tình thương của mẹ. Có những việc không cần phải nói ra nhưng ta cũng hiểu, phải không nào?
Bài văn tả mẹ – Mẫu 3
Mẹ em góa chồng từ năm 32 tuổi. Bố em là bộ đội bị tai nạn giao thông trong khi làm nhiệm vụ, mất năm 37 tuổi. Năm đó, chị Lý lên tám tuổi, em chưa được 20 tháng. Tang chồng và gánh nặng gia đình với hai đứa con thơ, có thời kì đã làm cho tinh thần và sức khỏe của mẹ gần như suy sụp và kiệt quệ. Nội ngoại chẳng giúp, mẹ phải “ nghiến răng” gánh vác, trụ lại trước cay đắng cuộc đời.
Mẹ là con gái làng hoa Đằng Hải ở ngoại thành Hải Phòng. Sau khi nhờ các bác, chú ở đơn vị bộ đội xin được tiền trợ cấp cho hai con nhỏ, mẹ được Công ti Công viên cho nghỉ chế độ với số tiền 24 triệu đồng. Với cái vốn bé nhỏ ấy, mẹ cải tạo lại ngôi vườn để trồng rau, trồng hoa và đào một cái ao 36 mét vuông nuôi cá.
Năm 20 tuổi, mẹ chỉ có trình độ Trung cấp nông nghiệp, sau đó học Đại học Tại chức, 28 tuổi mẹ đã có bằng kĩ sư trồng trọt, được cử làm tổ trưởng tổ kĩ thuật vườn hoa – cây cảnh của Công ti Công viên. Mẹ đã từng được cơ quan cử vào Đà Lạt sáu lần để học tập kĩ thuật về rau và hoa giống mới. Cái vốn kĩ thuật ấy thật quý đối với mẹ sau này.
Mẹ là một phụ nữ rất táo bạo và đảm đang. Mẹ nghĩ: muốn làm vườn thì phải có vốn. Mẹ bàn với chị Lý ( năm đó chị Lý học lớp 9) đem thế chấp ngôi vườn cho ngân hàng lấy 50 triệu đồng. Mẹ mua máy bơm, mua giống hoa, giống rau mới. Mẹ thuê người làm giàn che nắng, mưa cho hoa, cho rau. Mẹ nói: “Nhờ trời, năm 2001, mẹ thắng lớn một vụ hoa và vụ rau”. Hoa tulip, hoa cẩm chướng, hoa bắp cải, hoa lan…mẹ bán được hàng vạn bông cho các quầy hoa trong thành phố. Cải bắp và súp lơ trong vườn mẹ được nhiều chị em buôn rau mua hẳn từng luống dài. Sau vụ hoa, vụ rau thiên niên kỉ ấy, mẹ thu được một khoản tiền kha khá. Chị Lý trở thành nhân viên kế toán của mẹ. Sau khi trả nợ Ngân hàng, mẹ còn lại gần 40 triệu đồng làm vốn.
Khu vườn của ba mẹ con bốn mùa xanh ngắt và rực rỡ các loại rau, loại hoa thơm, hoa quý. Bắp cải, súp lơ, su hào…vụ đông cuộn to, xanh ngăn ngắt. Đẹp nhất là những luống hoa tulip vàng óng, những luống hoa lan đỏ rực, xanh lơ, xanh biếc, tím hồng, tím biếc…Mỗi loài hoa có tiếng nói riêng, có giá trị kinh tế riêng, như mẹ thường nói.
Mẹ thức khuya dậy sớm, nhất là những tháng ngày nắng hạ, những lúc mưa to, gió lớn. Mùa thu hoạch rau, mùa hoa rộ, suốt ngày mẹ ở ngoài vườn. Nhiều đêm khuya, mẹ còn đi đi lại lại khắp các luống hoa.
Năm nay, chị Lý đã lên lớp 12, em đã trở thành cô học trò nhỏ lớp 5 tiểu học. Sau tám năm góa chồng, tóc mẹ đã có vài sợi bạc. Gương mặt đôn hậu của mẹ đã có nhiều nếp nhăn, nhưng mẹ đã cười cùng mùa rau, mùa hoa tươi tốt. Cả hai chị em năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến. Mẹ nói: “Sang năm, cô Lý thi đỗ Đại học Nông nghiệp, cô Nhàn bé bỏng của mẹ lên học lớp 6 thì mẹ con ta sẽ sửa lại ngôi nhà…”. Mẹ tần ngần nhìn ảnh bố, cầm tờ giấy khen của hai con, nước mắt mẹ lăn dài trên gò má. Những lúc ấy, cả hai chị em đều muốn trở thành học sinh giỏi để làm cho mẹ vui.
Mỗi chiều đi học về, từ xa nhìn thấy bóng mẹ đi lại giữa những luống rau xanh, giữa những luống hoa tỏa hương khoe sắc, em vô cùng thương mẹ. Em vừa chạy vừa gọi rối rít: “ Mẹ ơi! Mẹ ơi!…”
Bài văn tả mẹ – Mẫu 4
Năm nay, mẹ em gần bốn mươi mốt tuổi. Với thân hình mảnh mai, thon thả đã tô đậm cho mẹ với vẻ đẹp của người mẹ hiền từ, mái tóc đen óng mượt mà dài ngang lưng được mẹ thắt lên gọn gàng khi ra đường. Đôi mắt mẹ đen láy luôn nhìn em với ánh mắt trìu mến gần gũi. Khuôn mặt mẹ hình trái xoan với làn da trắng. Đôi môi mỏng đỏ hồng nằm dưới chiếc mũi cao thanh tú làm cho càng nhìn càng thấy đẹp. Khi cười nhìn mẹ tươi như hoa, đóa hoa hồng vừa nở sớm mai. Đôi bàn tay mẹ tròn trịa, trắng trẻo đã nuôi nấng, dìu dắt em từ thuở em vừa lọt lòng. Giọng nói của mẹ đầy truyền cảm, lúc mượt mà như tiếng ru, lúc ngân nga như tiếng chim họa mi buổi sớm. Mẹ em may và thêu rất đẹp, đặc biệt là may áo dài, thường ngày mẹ hay mặc bộ đồ bộ gọn gàng, khi đi dạy học mẹ mặc những bộ áo dài cũng do mẹ tự may trông thật duyên dáng, sang trọng.
Ở nhà, mẹ là người đảm nhiệm công việc nội trợ. Mẹ giao cho em các công việc nhẹ nhàng như: quét nhà, gấp quần áo… Còn ba thì phụ mẹ giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thỉnh thoảng mẹ mua hoa về chưng ở phòng khách cho đẹp nhà. Mỗi khi khách đến mẹ luôn đón tiếp nồng hậu, mời khách đĩa trái cây và nước mát. Sáng mẹ là người thức dậy sớm để chuẩn bị thức ăn sáng cho cả nhà, để hai anh em cùng cắp sách đến trường kịp giờ học. Khi em ốm đau mẹ phải thức suốt đêm để chăm sóc. Buổi tối, mẹ thường dành khoảng ba mươi phút để giảng bài cho em, sau đó mẹ ngồi chấm bài, soạn giáo án chuẩn bị cho tiết lên lớp ngày mai ở trường… Mẹ rất nhân hậu, hiền từ, khi lên lớp mẹ xem học trò như các con của mình, cũng dìu dắt thương yêu hết mực nên mẹ được rất nhiều học sinh yêu mến. Khi em phạm lỗi, mẹ chỉ nhắc nhở chứ không mắng và cũng chưa đánh em bao giờ.
Mẹ em thật đáng quí, em luôn yêu thương mẹ và tự hào vì được làm con của mẹ. Mỗi khi được mẹ ôm ấp, nằm trong lòng mẹ em cảm thấy thật ấm áp. Trong trái tim em, mẹ là tất cả, mẹ là cô tiên tuỵệt vời nhất trong cuộc đời em… Em mong sao cho mình mau lớn để có thể giúp cho mẹ đỡ vất vả hơn. Em hứa sẽ chăm học và cố gắng học thật giỏi để trả ơn cho mẹ và thầy cô đã dạy dỗ, nuôi nấng em nên người. Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm!
Bài văn tả mẹ – Mẫu 5
Chúng ta có được đôi mắt để thấy cuộc sống, có được một cuộc đời để sống và tận hưởng thường cảm ơn tạo hóa, cảm ơn chúa trời. Nhưng đôi khi lại vô tình quên mất người trực tiếp trao sự sống cho mình, người đi suốt cuộc đời không ai có thể hiểu con hơn, chính là mẹ. Và mẹ là ý nghĩa lớn nhất trong cuộc đời tôi.
Người khác vẫn thường tự hào rằng mẹ họ là một cô giáo, là một người phụ nữ rất xinh đẹp. Tôi luôn tự hào vì mình có một người mẹ nông dân và chẳng có gì nổi bật lắm. Như bao người nông dân khác chỉ biết “đầu tắt mặt tối” đi làm để kiếm tiền nuôi con cái, mẹ tôi không có nước da hồng hào, cũng chẳng có đôi mắt bồ câu hay mũi dọc dừa. Nước da mẹ đã đen sạm, in màu sương gió và nắng gắt. Mẹ tôi cũng không có gì đặc biệt. Khuôn mặt bình thường như những người phụ nữ bình thường, mái tóc dài thường được búi gọn bởi một chiếc đũa để dễ dàng cho làm việc. Mẹ cũng không biết cách đi đứng, ăn nói nhã nhặn và tế nhị theo tiêu chuẩn người phụ nữ. Như những người nông dân luôn thật thà chân chất, mẹ luôn nghĩ gì sẽ nói ấy.
Những người nông dân không biết nói những lời yêu thương mềm mại. Họ chỉ thể hiện bằng hành động. Mẹ tôi cũng vậy. Không biết mẹ đã nói rằng mẹ yêu tôi lần nào chưa? Theo trí nhớ của tôi thì là chưa. Nhưng tôi chắc chắn rằng mẹ rất yêu và thương tôi. Mẹ không nói yêu nhưng mọi đồ ăn, mọi thứ tốt nhất mẹ đều dành cho tôi. Không nói thương tôi, nhưng mẹ vẫn vừa mắng vừa xót khi thấy tôi bị thương, mẹ không cho tôi làm những việc nặng nhọc. Mẹ biết rằng, chỉ có học với giúp cuộc đời con cái không khổ như mình nên dẫu nhà không có điều kiện nhưng không bao giờ mẹ để tôi thiếu gì so với bạn bè, chưa lần nào mẹ phàn nàn về chi phí đi học. Những lời mắng mỏ còn nhiều hơn cả yêu thương, nhưng những hành động yêu thương còn nhiều hơn thế nữa. Những người nông dân hiền lành, chân chất nhưng luôn giàu tình yêu thương và đức hi sinh như thế.
Tôi yêu nhất là đôi bàn tay mẹ. Đôi bàn tay không mềm mại như những tháp bút như những giáo viên, không uyển chuyển như những người phụ nữ truyền thống, bàn tay ấy thô ráp và nứt nẻ. Công việc đồng áng, những ngày gánh hàng ra chợ bán đã làm cho đôi tay kia chai sạn như thế nào, mẹ cũng biết nữa. Có những lớp da đã bị bong ra một mảng, chẳng dễ nhìn một chút nào. Nhưng đôi bàn tay ấy lại ấm áp đến lạ kì. Đôi bàn tay nuôi tôi lớn đến giờ. Đôi bàn tay tết tóc cho tôi mà ngày nào bọn bạn cũng khen tôi nức nở. Đôi bàn tay đã nấu cho tôi những món ngon nhất trên đời mà có lẽ sơn hào hải vị cũng không thể bằng được; đã quạt cho tôi những trưa hè nắng gắt, đắp chăn cho tôi vào những khuya tôi ngủ quên. Đôi bàn tay đã đánh đòn tôi rồi lát sau chính nó lại thoa thuốc cho tôi. Và mỗi khi tôi áp má vào tay mẹ, tôi lại thấy một sự bình yên đến lạ kì. Chỉ có tình yêu thương của người mẹ mới chính là lá chắn tốt nhất cho con suốt cả cuộc đời.
Tôi tự hào vì mẹ mình. Tự hào về một người mẹ bình thường nhưng lại có một tình yêu hơn cả bình thường. Dẫu sau này, cuộc đời có như thế nào, chữ “Mẹ” ấy vẫn mãi không thay đổi. Mãi mãi…
Bài văn tả mẹ – Mẫu 6
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.”
Quả đúng như vậy tình cảm mẹ dành cho ta là vô bờ bến, là đấng sinh thành nuôi dưỡng ta khôn lớn trưởng thành, sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi cho con. Hình ảnh mẹ luôn chiếm vị trí quan trọng trong trái tim nhỏ bé của tôi.
Năm nay mẹ tôi đã bước sang tuổi bốn mươi, cái tuổi không còn được trẻ nữa. Mẹ không cao lắm,dáng người dong dỏng, mẹ không mập lắm và có phần hơi gầy bởi có lẽ mẹ phải lo toan vất vả mọi công việc trong gia đình. Khuôn mặt mẹ hình trái xoan ưa nhìn, nước da mẹ không được trắng hồng mà hơi ngăm ngăm đen vì những năm tháng dãi dầu với nắng mưa, nước da bánh mật nhưng khỏe khoắn cùng với chiếc mũi dọc dừa rất hài hòa với gương mặt của mẹ. Nổi bật trên khuôn mặt xinh xắn của mẹ là đôi mắt. Mọi người thường nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Thật đúng như vậy, mỗi khi tôi được điểm cao đôi mắt ấy luôn ánh lên niềm vui còn khi tôi được điểm kém hay vô tình làm việc gì khiến mẹ buồn thì đôi mắt ấy lại nặng trĩu nỗi buồn. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt ấy, tôi thấy cả một vùng trời yêu thương mà mẹ dành cho mình. Mẹ có hàm răng trắng, đều tăm tắp như hạt bắp.
Mỗi khi mẹ cười để lộ ra hàm răng cùng với chiếc răng khểnh trông mẹ thật duyên. Nụ cười hiền từ ấm áp như truyền cho tôi hơi ấm của tình thương. Mái tóc mẹ không còn đen nhánh như trước nữa bởi có lẽ mái tóc ấy phải hứng bao sương gió. Đôi tay mẹ không còn là đôi tay búp măng như thời con gái nữa mà giờ cũng có những vết chai sạn, những vết nứt nẻ. Mỗi khi áp vào má tôi đôi bàn tay thô ráp thì tôi cảm nhận được nỗi vất vả của mẹ và lúc đó tôi chỉ ước sẽ giúp đỡ mẹ thật nhiều lúc này.
Mẹ là người luôn quan tâm đến gia đình. Ban ngày mẹ đi làm, tối về mẹ còn vun vén cho công việc nhà. Tuy bận công việc nhưng mẹ cũng không quan tâm đến con cái. Vào mỗi buổi tối mẹ thường dạy tôi học bài, có bài nào không hiểu mẹ còn ân cần giảng giải cho tôi từng li từng tí để tôi hiểu bài hơn. Mẹ tôi tính tình rất hiền nhưng lại vô cùng nghiêm khắc trong công việc. Tôi nhớ có lần tôi mắc lỗi làm mẹ buồn lòng, và lúc đó mẹ cũng đã chỉ cho tôi cái đúng cái sai, cái nên làm hay không để tôi thay đổi. Dù là lỗi to hay nhỏ thì mẹ đều nghiêm khắc phạt tôi ở những mức độ khác nhau để rút ra bài học cho bản thân. Vì thế tôi cũng luôn phải ý thức bản thân phải sống tốt để mẹ không phiền lòng. Mẹ như ngọn gió sưởi ấm cho con mỗi khi đông về, mẹ như vầng mặt trời của mỗi đứa con. Vào mỗi buổi tối mẹ thường kể cho tôi nghe rất nhiều những câu chuyện thú vị rồi mẹ cũng hát ru tôi bằng giọng ngọt ngào, trìu mến, thân thương. Qua lời ru của mẹ tôi cũng cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến mẹ dành cho ta.
Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, tình cảm ấy đã nuôi ta khôn lớn trưởng thành và chính mẹ là người đã mang đến cho con thứ tình cảm đáng kính trọng. Mẹ như là nguồn động lực dõi theo bước chân ta trên chặng đường dài. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt để mẹ vui lòng.
Bài văn tả mẹ – Mẫu 7
“Xa mẹ mười năm đi khắp nước
Trăm quê chưa dễ thực quê nhà
Sáng nay mới thực về quê nhỉ
Bóng mẹ già ai giống mẹ ta?”
Cuộc đời của mỗi con người không có gì đáng quý hơn tình yêu thương của mẹ. Mẹ là người có công sinh thành, nuôi dưỡng ta thành người. Tôi cũng có một người mẹ, người quan trọng nhất trên đời.
” Hạnh phúc của con là được nhìn thấy nụ cười của mẹ mỗi ngày” . Có lẽ vậy, là một người con tôi luôn mong muốn mẹ tôi được hạnh phúc và vui vẻ vì một đời mẹ đã vì tôi mà vất vả gian lao. Năm nay mẹ tôi đã ngoài 40 tuổi, không xinh đẹp, trẻ trung nhưng ở mẹ tôi cảm nhận được sự dịu dàng, đảm đang của một người phụ nữ vì gia đình. Mẹ tôi có nước da khá trắng, mái tóc đen uốn xoăn sóng ở phần đuôi trông rất bồng bềnh và ưa nhìn. Mái tóc đen phủ duyên dáng xuống khuôn mặt tròn phúc hậu, lưa thưa vài lọn tóc trên trán cao của mẹ. Đôi mắt mẹ rất đen, đen lấp lánh như vì tinh tú tuy đuôi mắt đã xuất hiện những dấu vết của tháng năm khó nhọc nhưng nó không hề che lấp đi sự thông minh và nhanh nhẹn của mẹ. Mẹ tôi khéo léo lắm, từ bé tôi được nghe bà kể về tuổi thơ của mẹ, thời còn đói nghèo, mẹ tôi vừa đi học vừa đi làm phụ giúp bà ngoại tôi trang trải cuộc sống. Mẹ hay thêu những tấm khăn để bày bán ngoài chợ, pha vài ấm trà giúp ngoại bán nước. Năm tháng khó nhọc gian truân ấy vậy đã khiến mẹ tôi trưởng thành và chín chắn hơn. Cha mẹ có tôi, và nuôi tôi khôn lớn nhường này.
Tôi biết những gì mình có được ngày hôm nay là nhờ những giọt mồ hôi của cha, những khó nhọc của mẹ. Mẹ tôi là giáo viên dạy cấp 2, thường rất bận rộn với những bài giảng trên lớp, những trang giáo án dở dang nhưng không vì thế mà mẹ không chăm sóc cho tôi chu đáo. Ngày ngày dù bận đến mấy mẹ vẫn dạy tôi học bài mỗi tối. Tôi rất thích nghe mẹ tôi kể về những câu truyện thời kháng chiến chống Mỹ, Pháp, thời của các cô, các anh thanh niên ra tiền tuyến anh dũng và đáng tự hào biết bao. Mẹ kể cho tôi về câu chuyện cổ nước mình, đậm đà mà sâu sa, kể cho tôi về những cánh cò bay lả bay la, bay khắp giải đất Việt Nam thân thương. Mẹ cũng là người nuôi dưỡng tâm hồn đam mê văn chương của tôi, cho tôi những cảm xúc, những trải nghiệm mà tôi chưa từng có. Mẹ chịu bao vất vả mỗi đêm khi tôi đã chìm vào giấc ngủ, đèn bàn làm việc của mẹ tôi lại sáng, mẹ miệt mài với những trang giáo án cho bài giảng hay và cuốn hút học sinh. Tôi biết mẹ đang cố gắng hết mình để làm tròn bổn phận của một người phụ nữ gia đình, vừa hoàn thành tốt vai trò của một nhà giáo tận tuỵ nên tôi thương mẹ và yêu mẹ nhiều lắm.
Năm tháng cứ qua đi, tôi ngày một trưởng thành và chững chạc hơn bởi sự dạy dỗ của mẹ. Cũng có nhiều khi tôi phạm phải những sai lầm trong cuộc sống. Lúc ấy tôi lo lắng và tự trách bản thân mình lắm nhưng mẹ luôn cười hiền từ và bảo tôi rằng: “Trên đời không có thứ gì là viên mãn và hoàn hảo, đến bức tượng của vị thần Hy Lạp được tạc tinh xảo còn có những vết rạn nữa là chúng ta, những con người bình thường. Con còn nhỏ, cuộc đời cho phép con phạm sai lầm và cho con cơ hội sửa sai”. Lúc ấy, tôi như có thêm động lực để phấn đấu, vươn lên.
Mẹ là người quan trọng nhất đối với tôi cho dù hiện tại hay tương lai, dù tôi có trưởng thành thì với mẹ, tôi luôn là đứa trẻ cần đôi cánh chở che.
Các em học sinh có thể theo dõi và tham khảo Các bài văn mẫu tả người lớp 5 có các bài văn mẫu hay và chọn lọc nhất
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 6: Tả mẹ của em (Dàn ý + 6 mẫu) Bài văn tả mẹ lớp 6 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.