Download.comvn xin giới thiệu đến các bạn mẫu Bài dự thi tìm hiểu 70 năm truyền thống ngành vận tải Quân sự được chúng tôi tổng hợp và đăng tải ngay sau đây.
Tài liệu bao gồm 11 trang tổng hợp các câu hỏi có đáp án đi kèm. Hy vọng với tài liệu này bạn đọc có thêm nhiều tư liệu tham khảo để hoàn thiện bài dự thi cho riêng mình. Nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải tại đây.
Bài dự thi tìm hiểu 70 năm truyền thống ngành vận tải Quân sự
Câu 1: Cục Vận tải thành lập ngày, tháng, năm nào? Lúc đầu có bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ? Ai là Cục trưởng đầu tiên? Cục Vận tải được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang năm nào? Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bộ đội Vận tải đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang như thế nào?
Trả lời:
– Cục Vận tải thành lập ngày 18/6/1949 theo Sắc lệnh số 50/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.
– Cục trưởng đầu tiên là đồng chí Đinh Đức Thiện, các đồng chí Vũ Văn Đôn, Nguyễn Văn Nhạn được bổ nhiệm làm phó Cục trưởng Cục Vận tải theo Quyết định số 47/QĐ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày 25/01/1950, được sắc lệnh số 27/SL ngày 15/02/1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phê chuẩn, bổ nhiệm.
– Ngày 30/10/1978 Cục Vận tải được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
– Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bộ đội Vận tải đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang:
1. Liên tục tiến công, liên tục vận chuyển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
2. Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ
3. Đoàn kết hiệp đồng, lập cổng tập thể
4. Tự lực tự cường, xây dựng đơn vị vững mạnh
5. Có tinh thần quốc tế cao cả
Thượng tướng Đinh Đức Thiện (1913 – 1987) nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông được ví như người “anh cả” của ngành Vận tải quân sự, “người thầy” của công tác vận tải trong chiến tranh, là một trong những lãnh đạo chủ chốt đảm nhận việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, là người khai sinh đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam dài hơn 5.000 km, những con đường tiếp tế chiến lược của miền Bắc cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Câu 2: Đồng chí cho biết trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bộ đội vận tải đã có những đóng góp như thế nào để cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm nên những chiến công vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trả lời:
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là chiến thắng to lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là bước phát triển cao nhất của Ngành Hậu cần Quân đội nói chung và lực lượng vận tải nói riêng.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tuyến hậu cần chiến dịch đã sử dụng 628 xe ôtô, 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công và nhiều phương tiện khác như thuyền mảng, xe trâu, ngựa thồ… Khối lượng vật chất do các lực lượng vận chuyển ra mặt trận lên tới 20.229 tấn, bằng 4.450.000 tấn/km, trong đó có 16.829 tấn lương thực, 1.450 tấn đạn, 1.083 tấn xăng… Cục Vận tải là lực lượng chính trên tuyến vận tải phục vụ chiến dịch. Khối lượng do Cục Vận tải thực hiện lên tới 18.655 tấn, sản lượng đạt 3.602.259 tấn/km. Phương thức vận tải cơ giới và thô sơ, các phương tiện vận tải xe ô tô, xe đạp thồ, thuyền mảng, dân công gánh bộ kết hợp chặt chẽ với nhau, bổ sung và hỗ trợ nhau trên các tuyến vận tải chiến lược, vận tải chiến dịch. Trong chiến dịch này, vận tải cơ giới đã trở thành yếu tố chủ yếu, đã thực hiện 97% khối lượng hàng vận tải đến mặt trận.
Tháng 12 năm 1954, trong không khí phấn khởi mừng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Tổng cục Cung cấp tổ chức hội nghị Chiến sĩ thi đua đông xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Hội nghị nhất trí trao cờ “Quyết tâm làm tròn nhiệm vụ”, phần thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Cục Vận tải. Các đại đội xe 200, 202, 203, 206, 207, ban vận tải tiền phương và 51 cán bộ, chiến sĩ được thưởng huân chương Quân công và huy chương Chiến sĩ các loại. Hội nghị đặc biệt tuyên dương 22 Chiến sĩ thi đua tiêu biểu nhất, trong đó có 10 đồng chí thuộc lực lượng vận tải quân sự.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là trận quyết chiến lược lịch sử, kết thúc 30 năm chiến đấu, hy sinh, gian khổ chống kẻ thù xâm lược để giải phóng dân tộc. Thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, là kết quả tổng hợp của quá trình đấu tranh và chuẩn bị về mọi mặt của quân và dân ta trong nhiều năm, trong đó có sự đóng góp tích cực của của bộ đội vận tải. Trong lịch sử phát triển của mình, giai đoạn này, chưa bao giờ bộ đội vận tải vận chuyển khối lượng vật chất to lớn, phức tạp và cơ động một số quân đông như cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Vận chuyển dự trữ 13.500 tấn; vận chuyển bổ sung hơn 10 vạn tấn, cơ động hàng chục vạn bộ đội và binh khí kỹ thuật. Tổng cộng sản lượng vận tải của toàn lực lượng đạt hơn 1 tỷ tấn/km. Bộ đội vận tải đã vượt thời gian, hành động thần tốc, chớp thời cơ lớn, tranh thủ từng phút, từng giờ để cơ động quân và cơ sở vật chất kỹ thuật, hậu cần ra phía trước; triển khai rộng rãi và đồng thời trên tất cả các tuyến giao thông vận tải ở tất cả các hướng; với sự huy động nhiều lực lượng, phương tiện và phương thức vận tải phục vụ chiến dịch, chiến đấu quy mô lớn (Riêng tuyến vận tải chiến lược sử dụng 3.400 xe, 32 tàu biển, 310 toa xe lửa, tương đương 27.000 tấn phương tiện; tuyến chiến dịch sử dụng 6.000 xe tương đương 24.000 tấn phương tiện; trong chiến dịch Hồ Chí Minh tuyến chiến lược sử dụng thêm 3.000 tấn phương tiện biển, 367 xe ô tô, 2.000 tấn phương tiện biển của Hải quân, 700 xe của quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn và 2 chuyến máy bay vận tải). Kết thúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, có 59 đơn vị và 6 cán bộ, chiến sĩ vận tải có thành tích đặc biệt xuất sắc được Nhà nước tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.
Câu 3: Phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, bộ đội vận tải đã khắc phục khó khăn, không ngừng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều tập thể, cá nhân đã được Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Quốc Phòng tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đồng chí cho biết có bao nhiêu đơn vị, cá nhân ngành vận tải quân sự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có bao nhiêu đơn vị được tặng danh hiệu anh hùng trong thời kỳ đổi mới?
Trả lời:
– Các đơn vị, cá nhân ngành vận tải quân sự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: Cục Vận tải; 2 Sư đoàn (f471 và f571); 2 Lữ đoàn vận tải thuỷ (Lữ 125 – 2 lần, Lữ 649); 9 trung đoàn; 21 tiểu đoàn (trong đó tiểu đoàn vận tải miền Đông được tuyên dương 3 lần, Tiểu đoàn 101/f571 tuyên dương 2 lần); 48 đại đội và tương đương; 66 cán bộ, chiến sĩ được vinh dự nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Câu 4: Hạ tuần tháng 3/1951, khi đi công tác ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp kiểm tra việc làm đường và thăm một số cơ sở vận tải, kho tàng của ngành cung cấp. Hai đại đội xe vận tải đầu tiên của Cục Vận tải vinh dự được bác đến thăm, tại địa điểm cạnh đường số 3, cách thị xã Cao Bằng 8 km về phía Nam. Đồng chí cho biết tại đây Bác đã căn dặn cán bộ chiến sỹ 2 đơn vị như thế nào? Ý nghĩa lời dạy của Bác đối với xây dựng đạo đức, lối sống của bộ đội vận tải trong tình hình hiện nay?
Trả lời:
Tháng 3/1951, khi đi công tác ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp kiểm tra việc làm đường và thăm một số cơ sở vận tải, kho hàng của Tổng cục Cung cấp. Hai đội xe vận tải đầu tiên của quân đội vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm đã tập hợp trên một thửa ruộng bậc thang ở bên đường số 3, cách thị xã Cao Bằng 8 km về phía nam, cán bộ, chiến sĩ lái xe Đại đội 200 và 203 vô cùng xúc động nghe những lời dạy bảo ân cần của Bác: “Các chú thu được một số của địch, thế là tốt, vì các chú đã lấy xe của địch, diệt địch, “gậy ông lại đập lưng ông”, đây là cái vốn, các chú phải giữ gìn lấy. Vốn này sẽ phát triển nhiều thêm. Hiện nay nước ta chưa sản xuất được xe, xăng dầu cũng vậy, có rất ít, kháng chiến còn dài, chiến dịch ngày một mở rộng, yêu cầu vận chuyển ngày càng cao. Vì vậy, các chú phải giữ gìn xe, tiết kiệm xăng để phục vụ bộ đội. Xe, xăng là mồ hôi nước mắt, xương máu của nhân dân; các chủ phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”.
Lời dạy của Bác đã chỉ ra những nhân tố tạo nên sức mạnh của bộ đội vận tải “Yêu xe như con, quý xăng như máu” đã trở thành khẩu hiệu hành động và phương châm chỉ đạo nghiệp vụ của bộ đội vận tải trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trong xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của bộ đội vận tải trong tình hình hiện nay là:
1. Kiên định mục tiêu XHCN, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ quân sự quốc phòng, nhiệm vụ công tác hậu cần, vận dụng sáng tạo vào công tác vận tải quân sự.
2. Luôn tận tâm phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân; nêu cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, đoàn kết, hiệp đồng, khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
3. Thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, không ngừng vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật; quản lý khai thác sử dụng phương tiện, nhiên liệu, sở vật chât hậu cân tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
4. Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, biết dựa vào dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; gương mẫu chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội; nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng; chấp hành nghiêm các quy định về quan hệ quốc tế.
Câu 5: Trải qua 13 năm từ năm 2006 đến năm 2019 thực hiện phong trào thi đua “Đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” do Cục Vận tải phát động đã tạo được hiệu ứng và thu được những kết quả hết sức quan trọng, có sức lan tỏa lớn trong ngành Vận tải quân sự. Từ thực tế công tác tại đơn vị đồng chí cho biết những mô hình, sáng kiến, cách làm sáng tạo trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua trên hoặc đề xuất những nội dung để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực?
Trả lời:
Năm 2005 Ngành Vận tải quân sự phát động phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”.
Năm 2006 đã tập trung xây dựng, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra 15 đơn vị vận tải cấp chiến dịch.
Năm 2007, tổ chức thi “Đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” 5 đơn vị vận tải chiến lược.
Năm 2008, tổ chức kiểm tra 11 tiểu đoàn vận tải của các sư đoàn bộ binh đủ quân, 5 đơn vị vận tải thuỷ cấp chiến dịch về “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, huấn luyện giỏi”.
Năm 2009, tổ chức sơ kết 3 năm phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” trong toàn ngành, được Chủ nhiệm TCHC tặng Bằng khen, khen thưởng thành tích cho 33 tập thể và 33 cá nhân.
Năm 2010 tổ chức Hội thi “Đơn vị vận tải chỉnh quy, an toàn, hiệu quả ” của 06 Binh chủng.
Năm 2011 tổ chức kiểm tra các đơn vị vận tải thuỷ và triển khai Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”.
Năm 2012 tổ chức kiểm tra “Đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” của 62 BCHQS tỉnh, thành phố và kiểm tra 15 đơn vị tàu thuyền toàn quân, được Tổng cục và Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Qua kiểm tra đã nâng lên một bước về chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, lái xe, thuyền viên, thợ sửa chữa trong toàn ngành. Đặc biệt, quán triệt Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20/12/2012 của Quân uỷ Trung ương, về việc nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn năm 2013 đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Năm 2013, Cục Vận tải đã chủ động tham mưu xây dựng chương trinh, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QƯTW của QUTW về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, sát với chức năng, nhiệm vụ của Cục.
Năm 2015, giúp Ban Chỉ đạo CVĐ 50/BQP tổ chức tổng kết 5 năm Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” (2011-2015) tại Quân khu 1, khen thưởng 15 tập thể, 46 cá nhân và tổ chức tập huấn nghiệp vụ tàu thuyền quân sự toàn quân. Ngày 27/02/2015, theo Quyết định số 635/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quôc phòng, Trung đoàn 683 được tổ chức lại thành Lữ đoàn 683 thuộc Cục Vận tải.
Năm 2016, tổ chức phúc tra kết quả 10 năm (2006-2016) thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” ở tất cả các đơn vị vận tải trong toàn quân. Tổ chức tốt Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” tại Quân đoàn 4, có 12 tập thể được tặng Cờ của Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”/BQP, gồm:
1. Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần.
2. Trung đoàn VT651, Cục Hậu cần, Quân khu 1.
3. Trung đoàn VT652, Cục Hậu cần, Quân khu 2.
4. Phòng Vận tải, Cục Hậu cần, Quân khu 3.
5. Trung đoàn VT 657, Cục Hậu cần, Quân khu 7.
6. Trung đoàn VT659, Cục Hậu cần, Quân khu 9.
7. Tiểu đoàn VT10, Cục Hậu cần, Binh chủng Pháo binh.
8. Tiểu đoàn VT32, Cục Hậu cần, Quân đoàn 2.
9. Phòng Vận tải, Cục Hậu cần, Quân đoàn 3.
10. Phòng Vận tải, Cục Hậu cần, Quân đoàn 4.
11. Tiểu đoàn VT577, Cục Hậu cần, Quân chủng PK-KQ.
12. Tiểu đoàn VT752, Cục Hậu cần, Quân đoàn 1
17 tập thể được tặng Bằng khen của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”/BQP.
26 cá nhân được Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”/BQP tặng Bằng khen.
13 đơn vị được Thủ trưởng TCHC chứng nhận đạt giỏi trong phúc tra kết quả 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” (2006-2016).
Năm 2017, tổ chức Hội thi “Tiểu đoàn trưởng, chính trị viên vận tải cấp chiến lược”, khen thưởng 04 tập thể, 10 cá nhân.
Năm 2018, Cục xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi “Tiểu đoàn trưởng vận tải cấp chiến dịch” và tiến hành khảo sát điển hình tiên tiến ở các đơn vị vận tải toàn quân.
Công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu huấn luyện của ngành cũng luôn được quan tâm triển khai thực hiện. Từ năm 2006 đến năm 2017, Cục Vận tải và các đơn vị vận tải toàn quân đã tích cực thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong toàn ngành, nhiều sáng kiến, mô hình mới, cách làm hay được áp dụng vào thực tiễn hoạt động của bộ đội vận tải, mang lại hiệu quả cao trong vận chuyển và giữ vững hệ số an toàn phương tiện, an toàn giao thông. Tiêu biểu là mô hình hệ thống phanh khí nén HD 170 của các đồng chí: Trung úy Nguyễn Duy Hòa, Thượng úy Trần Văn Dũng, Thượng úy Nguyễn Minh Tân ở Lữ đoàn 971 (đạt giải nhì trong Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp toàn quân). Mô hình Bảng nhận dạng tín hiệu tàu thuyền trên biển của Đại úy Nguyễn Văn Thủy và Trung úy Trần Văn Vượng ở Lữ đoàn 649 (đạt giải khuyến khích trong Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp toàn quân)…
Tham mưu với cấp trên và các địa phương đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực, thế trận vận tải trong các khu vực phòng thủ; nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng vận tải dự bị động viên; xây dựng cơ chế, chính sách động viên, huy động phương tiện, lực lượng vận tải thuộc các thành phần kinh tế phục vụ cho quốc phòng,… Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đảm bảo kịp thời về vận tải cho toàn quân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Duy trì nghiêm nền nếp chế độ công tác kỹ thuật; đẩy mạnh công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa trang bị, phương tiện vận tải theo phân cấp; chú trọng nâng cao chất lượng sửa chữa tại đơn vị. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giữ xe tốt, lái xe an toàn”, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả” và các hoạt động hội thao, hội thi tàu thuyền, xe máy,.. gắn với thực hiện Cuộc vận động 50, duy trì tốt hệ số kỹ thuật của các loại phương tiện vận tải theo quy định.
Chủ động xây dựng thế trận vận tải nằm trong thế trận hậu cần của khu vực phòng thủ. Kết hợp chặt chẽ với tổ chức giao thông vận tải của Nhà nước và nhân dân, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn vững chắc từ thời bình, sẵn sàng cho thời chiến. Nâng cao chất lượng quản lý, huấn luyện và huy động lực lượng vận tải DBĐV; duy trì thường xuyên công tác quản lý đăng ký theo dõi nguồn; làm tốt việc tổ chức huấn luyện, kiểm tra, luyện tập, diễn tập hàng năm. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, tham mưu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, phương thức quản lý, tổ chức động viên, huy động lực lượng, phương tiện DBĐV đạt được: số lượng lớn – chất lượng cao – nhanh chóng – bí mật – an toàn.
Câu 6: Qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Ngành Vận tải quân sự, bộ đội vận tải luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Được nghe, sưu tầm hoặc trực tiếp chứng kiến những diễn biến trong hoạt động công tác vận tải mà bản thân có ấn tượng sâu sắc, đồng chí hãy viết thành những mẩu chuyện thể hiện rõ nội dung mà mình tâm đắc (có thể là một kỉ niệm đẹp, một tấm gương tiêu biểu, một sự kiện, một bài học đáng nhớ…).
Trả lời:
Trải qua 70 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, bộ đội vận tải luôn phát huy tốt truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân: Liên tục tiến công, liên tục vận chuyển, vừa xây dựng lực lượng, vừa tổ chức vận chuyển; thông qua thực hành vận chuyển để xây dựng lực lượng; khắc phục khó khăn, mở đường mà tiến, đánh địch mà đi; kiên cường bám xe, bám tàu, bám tuyến, bám đường để đảm bảo giao thông thông suốt, đưa hàng tới đích; phát huy sức mạnh tổng hơp của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong thế trận vận tải của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; nêu cao tinh thần đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể; chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường xây dựng Ngành vững mạnh và có tinh thần quốc tế cao cả. Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, bộ đội vận tải đã cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, làm rạng danh Tổ quốc Việt Nam với bạn bè và nhân dân thế giới.
Phát huy truyền thống 70 năm qua, cán bộ, chiến sĩ trong Ngành quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, không ngừng nô lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Ngành Vận tải quân sự vững mạnh, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, xứng đáng với truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước.
Được nghe về Đường Hồ Chí Minh trên biển để vận tải vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam, em mới thấy tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới đây là bài viết em đã tìm hiểu và khái quát lại:
Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay. Với tên gọi “Đoàn tàu Không số”, trong một điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn, với sự sáng tạo tài tình, mưu trí, các chiến sỹ đã vận dụng nhiều cách thức đi biển rất linh hoạt, kết hợp cả các yếu tố vừa công khai vừa bí mật để có thể vận chuyển hàng hóa một cách an toàn mà vô cùng hiệu quả, nhằm chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.
Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30/4/1975), Đoàn tàu Không số đã dệt nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng, đưa hàng trăm ngàn tấn vũ khí, hàng hóa vào các chiến trường xa – nơi mà tuyến vận tải chiến lược đường bộ chưa với tới, với một số lượng vũ khí còn lớn hơn cả số đưa vào bằng đường bộ trong cùng một thời gian.
Tổng cộng, Đoàn tàu Không số đã vận chuyển được hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị và đưa hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Trong các chuyến đi, Đoàn tàu Không số đã phải khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi; chống chọi với nhiều cơn bão; đánh trả hơn 30 lần tàu địch bao vây; chiến đấu với hơn 1.200 lần máy bay địch tập kích; bắn rơi 5 chiếc máy bay và bắn cháy nhiều tàu thuyền của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn từ năm 1962- 1972, các báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ và các chuyên gia quân sự Mỹ về tình hình Việt Nam đã nhiều lần đề cập đến con đường vận chuyển vũ khí trên biển, trong đó, có những ghi nhận, đánh giá về tuyến vận tải quân sự chiến lược huyền thoại này.
Ngày 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mang mật danh: “Phương Đông I” rời Đồ Sơn lên đường vào Nam. Tiếp theo, trong những năm 1963, 1964, các con tàu bé nhỏ, đầy ắp vũ khí liên tục rời Đồ Sơn và một số bến khác (Bính Động, Bãi Cháy), vượt qua hàng ngàn hải lý và hàng rào ngăn chặn phong tỏa gắt gao của máy bay, tàu chiến địch, đưa hàng vào chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ. Có thêm lực lượng, có vũ khí trang bị tốt, quân và dân miền Nam đẩy mạnh hoạt động tác chiến và hoạt động mạnh mẽ ấy khiến cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn càng thêm nghi ngờ về con đường vận chuyển vũ khí của ta trên biển, song chúng vẫn chưa tìm ra manh mối.
Trong giai đoạn này, tuyến chi viện chiến lược – đường Hồ Chí Minh trên bộ (559) đã được mở qua Bình – Trị – Thiên, Khu V, Tây Nguyên. Còn các chiến trường xa như Nam bộ, Trung Nam bộ chỉ có thể dùng đường biển. Với các chiến trường này, một viên đạn, một khẩu súng là rất quý giá. Vài chục tấn vũ khí từ miền Bắc đưa vào có thể trang bị cho một sư đoàn. Như vậy, với hàng ngàn tấn vũ khí được chuyển bằng đường biển đến chiến trường có tầm quan trọng đặc biệt, mang ý nghĩa sống còn đối với cuộc chiến đấu của quân, dân ta ở các chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ. Đặc biệt, sự chi viện kịp thời những loại vũ khí mới, tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội như: Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Bình Giã…
Sau trận Ấp Bắc, báo The Washington post, số ra ngày 7/1/1963 viết: “…Những người Cộng sản coi đây là chiến thắng lớn đầu tiên… Quan trọng hơn, họ đã mới phát triển thành công những kỹ thuật đương đầu được với những công nghệ của Mỹ cung cấp cho miền Nam Việt Nam…”. Từ khi quân ta ở Nam Bộ có tiểu liên AK, súng chống tăng B41, DKZ 57, DKZ 75 cối 81, cối 120… thì việc hạ máy bay, đánh các loại tàu chiến, các loại xe, nhổ đồn bốt diễn ra liên tục, khiến đối phương từ chủ quan, hung hăng đến khiếp sợ, né tránh rồi chùn bước. Báo cáo ngày 15/9/1963 của Nguyễn Thành Hoàng, Tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mau), ghi rõ: “Vũ khí của Việt cộng vượt ra ngoài tất cả các ước tính của chúng ta. Việt cộng đã dùng cối 81, Đại liên 12,7mm, DKZ75… là những thứ mà Quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của chúng rất dồi dào, điều mà trước đây chúng chưa bao giờ làm được” …
Khi phát hiện ra và thu được vũ khí của ta ở Vũng Rô, địch hết sức bất ngờ. Một loạt kế hoạch nhằm đánh phá miền Bắc, ngăn chặn mọi sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, kiểm soát chặt vùng biển lập tức được đối phương thực hiện. Trọng điểm là kế hoạch mang mật danh “Desoto”, đưa Hạm đội 7 vào Biển Đông để đánh phá miền Bắc và ngăn chặn sự thâm nhập của “Bắc Việt” vào Nam bằng đường biển.
Mặc dù Mỹ và chính quyền Sài Gòn đưa ra nhiều phương án, nhiều biện pháp và giả thiết hòng xóa sổ tuyến chi viện bằng đường biển của ta nhưng đều thất bại. Nhiều nhà chiến lược quân sự sừng sỏ của Mỹ vẫn không thể giải thích nổi vì nguyên cớ gì, bằng chiến thuật, bằng kỹ thuật gì, bằng sự màu nhiệm nào mà những con tàu bé nhỏ của đối phương có thể vượt qua bão tố, biển cả, vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của một hạm đội hùng mạnh với kỹ thuật tối tân, trang bị hiện đại, gần như rào kín trên biển, để tới được các bến bờ miền Nam.
Phía đối phương đã mất rất nhiều công sức và tiền bạc để lần tìm con đường trên biển của ta. Họ cho rằng: “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là một hiện tượng kỳ lạ, vượt qua cả sự tưởng tượng thông thường. Trong cuốn sách: “Một số quan điểm chiến lược để bảo vệ duyên hải Việt Nam Cộng hòa”, Phó Đô đốc Hải quân Sài Gòn Nguyễn Hữu Chí viết: “…Trên thực tế, đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển… Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta (Mỹ –ngụy)… giá trị của Hải quân Bắc Việt đã nói lên trước dư luận quốc tế”.
Có thể khẳng định, con đường Hồ Chí Minh trên biển của ta đã được đối phương dày công tìm kiếm, hòng hủy diệt nhưng chúng không thể thắng nổi ta, con đường vẫn vươn ra biển, mang theo những con tàu chở đầy vũ khí trang bị cung cấp cho chiến trường miền Nam đánh to, thắng lớn. Sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những chiến công của lực lượng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chứng minh về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
………..
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài dự thi tìm hiểu 70 năm truyền thống ngành vận tải Quân sự Câu hỏi và đáp án cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành vận tải Quân sự của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.