Nôn nóng là một trạng tháu của con người khi muốn biết hay làm một gì đó ngay lập tức, khi nôn nóng con người sẽ trở nên mất bình tĩnh và thường không thể quyết định được điều điều gì đúng đắn.
Hôm nay, để giúp cho mọi người có thể bổ sung thêm nhiều kiến thức viết văn nghị luận xã hội lớp 12. Sau đây, chúng tôi xin mời tất cả thầy cô và các bạn cùng tham khảo dàn ý và 5 bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về sự nôn nóng.
Dàn ý nghị luận về sự nôn nóng
I. Mở bài:
– Giới thiệu về vấn đề: Cuộc sống ngày càng phát triển, con người phát triển, điều đó là dẫn tới sự nôn nóng, và đó chính là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và bàn bạc.
II. Thân bài:
– Khái niệm nôn nóng:
+ Trạng thái thiếu bình tĩnh, làm việc nóng vội, quyết định không sáng suốt.
+ Muốn làm luôn những công việc không thể làm, muốn có ngay những thứ không thể có, tới đích mà không phải trải qua một quãng đường nào cả.
– Nguyên nhân, biểu hiện dẫn tới sự nôn nóng
+ Xã hội: Cạnh tranh gay gắt, mọi người tìm cách đưa bản thân mình lên đẩy những người khác xuống dẫn tới mỗi người phải đối mặt với vấn đề mà xã hội đưa ra để nắm bắt tương lai của mình.
+ Bản thân: Nhìn vào thành côn người khác, muốn đốt cháy giai đoạn để có được thứ mình mong muốn.
– Biểu hiện nhanh chán, không chuyên tâm ,chỉ là hứng thú nhất thời.
+ Dẫn chứng cho sự thất bại khi nôn nóng.
+ Dẫn chứng từ dân tộc ta.
+ Cuộc đấu tranh, trường kỳ kháng chiến, không vội vàng bền bỉ kiên nhẫn để tạo cơ hội, nắm bắt cơ hội và đi tới thành công.
+ Trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”.
– Trong học tập:
+ Chỉ học khi kiểm tra, học để chống đối thầy cô, chống đối gia đình.
+ Kiến thức rỗng, học trước quên sau và thất bại trong học tập.
– Cách khắc phục sự nôn nóng
+ Nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều cần có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng, tính đến những thất bại, những rủi ro, những khó khăn.
+ Nhìn nhận lại bản thân, cần biết mình biết người, biết khả năng của mình tới đâu.
+ Giữ cho bản thân tinh thần thoải mái, ý thức khai thác, tiếp thu sáng tạo và đặc biệt là sự kiên trì.
+ Đối với học sinh: Nâng cao rèn luyện bản thân.
III. Kết bài:
– Suy nghĩ về sự nôn nóng: Nôn nóng là đức tính không đáng có của bất kỳ ai, thay đổi bản thân, cố gắng để xứng đáng với công sức bỏ ra, thỏa mãn, hạnh phúc với những gì bản thân đạt được.
Nghị luận về sự nô nón – Mẫu 1
Trong cuộc sống nếu chúng ta hay nôn nóng, thiếu sự bình tĩnh để nhìn nhận vấn để thì khó có thể thành công. Sự nôn nóng, tính nôn nóng là điểm yếu của không ít người. Thường thì sau khi sự việc đã xảy ra không mang lại kết quả như mong muốn, hoặc thất bại, người ta mới nhận ra sự nôn nóng là nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ.
Theo từ điển tiếng Việt nôn nóng nghĩa là sốt ruột, muốn được làm ngay việc chưa thể làm, muốn có ngay cái chưa thể có.Muốn làm bất cứ công việc gì, từ việc nhỏ đến việc lớn, ta cũng cần có sự chuẩn bị, tính toán, phải cân nhắc thận trọng, không thể, không nên nông nổi, nông cạn, hời hợt, thiếu cân nhắc suy nghĩ trước khi hành động.
Với những vấn đề xảy ra hàng ngày trong cuộc sống, trước khi nói về một việc gì, chúng ta phải suy nghĩ phải “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nếu chúng ta chưa hiểu chắc chắn vấn đề mình muốn nói thì không nên nói, tránh tình trạng mắc phải “vạ miệng” vì nôn nóng, bộp chộp, vội vã, vội vàng.
Với những vấn đề chúng ta phải hành động nếu ta không xem xét xem những điều kiện cần thiết thì việc đó khó có thể thành công. Khi điều kiện chủ quan chưa đủ, điều kiện khách quan chưa có, nếu không biết bình tĩnh chờ đợi mà nôn nóng hành động, tất sẽ thất bại. Người xưa có nhắc: “Dục tốc bất đạt” hoặc “Dục tốc bất thành đại sự”. Đó là bài học sâu sắc nhắc mỗi chúng ta không nên, không được nôn nóng.
Tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống đều phải diễn theo tuần tự, phải có trước rồi mới có sau. Chúng ta không thể nôn nóng mà bắt chúng rút ngắn công đoạn theo ý của ta được. Lúa mới cấy đã nôn nóng “kéo lúa lên” như anh thợ cày trong truyện ngụ ngôn thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Người mẹ sinh con cũng phải mang thai “chín tháng mười ngày”. Sĩ tử ngồi trong phòng thi, phải cẩn trọng suy nghĩ, đọc đi đọc lại đề bài, rồi mới hạ bút; nếu nôn nóng, nông nổi, vội vã thì làm văn dễ lạc đề, làm toán dễ sai; cái hậu quả đáng buồn sẽ xảy ra: “Thi không ăn ớt thế mà cay!” (Tú Xương). Vì nôn nóng mới hoàn thành công trình “để chào mừng…!”, mà có không ít chuyện đau lòng đã xảy ra, làm chết người, làm tốn của cải của quốc gia như nhà đổ, sập cầu, đường sá mới làm xong đã hư hỏng.
Đọc hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta mới biết, từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, bổ chỉ huy mặt trận đã thay đổi thành phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Quân ta đã “kéo pháo vào” rồi “kéo pháo ra”, chuẩn bị vũ khí, đạn dược, lương thực, sĩ khí “quyết chiến, quyết thắng” được nâng cao, khi đó, ta mới giáng đòn sấm sét xuống đầu quân xâm lược, sau năm mươi sáu ngày đêm chiến đấu dũng mãnh và quả cảm, đã lập nên nhiều chiến công “chấn động địa cầu”.
Muốn thành công chúng ta phải bình tĩnh, tự chủ, có sáng suốt mới khắc phục được sự nôn nóng. Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ chuyện học, chuyện thi cử, chuyện sản xuất kinh doanh, làm ăn đến chuyện đánh giặc… đều phải sáng suốt, bình tĩnh, không thể nôn nóng, vội vàng.
Chẳng hạn, quốc hội quyết định xếp lại, dừng lại các dự án “đường sắt cao tốc Bắc – Nam”, “di chuyển trung tâm Thủ đô lên vùng núi Ba Vì” tốn hàng trăm tỉ đô la (đi vay nước ngoài) là một quyết định vô cùng sáng suốt, hợp lòng dân. Bởi vì chuyện quốc gia đại sự không nên nôn nóng.
Trong hành động, không nên nôn nóng, nhưng cũng không nên do dự, rụt rè, thiếu quyết tâm, quyết đoán. Việc đáng làm, đã đến lúc cần làm, đủ điều kiện làm mà cứ rụt rè, do dự, thiếu quyết tâm, để thời cơ trôi qua, vượt qua khỏi tầm tay, cũng sẽ hỏng việc, thậm chí chẳng làm nên trò trống gì!
Trong cuộc sống, khi bắt tay làm bất cứ công việc gì, ta nên có “một trái tim lạnh và một cái đầu nóng”. Bình tĩnh, thận trọng, quyết tâm mà không nôn nóng, vội vã. Phải chắc chắn rồi mới quyết định hành động.Một tấm lòng cởi mở, thành thật làm chúng ta ngạc nhiên. Một bài học để hoàn thiện nhân cách mà mỗi chúng ta cần ghi nhớ. Với tuổi trẻ phải biết tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao tinh thần tự chủ, tự làm chủ bản thân, khắc phục sự nôn nóng (nếu có) để thành đạt.
Sự nôn nóng là vật cản rất lớn đối với sự thành công của con người. Trong mỗi con người đều tồn tại sự nôn nóng, điều quan trọng là chúng ta phải biết kiềm chế sự nôn nóng đó để nó thành điểm mạnh, hỗ trợ cho sự thành công của chúng ta. Mỗi con người cần phải rèn luyện tu dưỡng đạo đức thật tốt để luôn có sự sáng suốt trong mọi hành động.
Nghị luận về sự nôn nóng – Mẫu 2
Cuộc sống ngày càng phát triển, để sống được trong môi trường đó con người ngày càng phải hoàn thiện bản thân, nhưng chính vì điều đó đã làm cho nhiều người dẫn tới những sai lầm không đáng có, đó chính là sự nôn nóng, sống một cuộc sống vội vàng gấp gáp, vậy thế nào là nôn nóng?, nôn nóng gây ra những hậu quả như thế nào cho bản thân và xã hội?, cách kiềm chế bản thân sao cho đúng? Là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và bàn bạc.
Trước tiên tìm hiểu về nôn nóng, đó là một trạng thái thiếu bình tĩnh, làm việc một cách nóng vội, đưa ra những quyết định không sáng suốt, muốn làm luôn những công việc không thể làm, muốn có ngay những thứ không thể có, đặc biệt là muốn tới đích mà không phải trải qua một quãng đường nào cả, và đó chính là điểm yếu của không ít người. Nôn nóng tồn tại ở trong bất cứ ai, , nguyên nhân cũng xuất phát từ xã hội, khi xã hội cạnh tranh gay gắt, mọi người tìm cách đưa bản thân mình lên đẩy những người khác xuống dẫn tới mỗi người phải đối mặt với vấn đề mà xã hội đưa ra để nắm bắt tương lai của mình, rồi sự nóng vội còn xuất phát từ chính bản thân mỗi người, khi nhìn vào những người khác trở nên thành công nhanh chóng còn bản thân vẫn đang dậm chân tại chỗ thì đó chính là tác nhân gây ra sự nôn nóng để đạt được những thành công như người khác, muốn đốt cháy giai đoạn để có được thứ mình mong muốn, những người nôn nóng thường là những người nhanh chán, không chuyên tâm vào một vấn đề nhất định, làm việc chỉ là sự hứng thú nhất thời.
Nôn nóng là con đường gần nhất dẫn tới thất bại, có thể là thất bại một cách thảm hại, vừa không đạt được điều mình muốn vừa làm cho bản thân cảm thấy chán nản, thiếu tự tin, sự nôn nóng sẽ đem lại kết quả không tốt cho bất kỳ ai, minh chứng có thể thấy rõ nhất đó chính là dân tộc ta với những cuộc đấu tranh, dân ta trường kỳ kháng chiến, không vội vàng mà dùng sự bền bỉ kiên nhẫn để tạo cơ hội, nắm bắt cơ hội và đi tới thành công. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo của đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã thay đổi từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Hay những minh chứng điển hình rõ ràng nhất là trong học tập, những người nôn nóng để có kết quả cao mà không nắm chắc bản chất vấn đề, chỉ học khi kiểm tra, học để chống đối thầy cô, chống đối gia đình sẽ bị rỗng kiến thức, học trước quên sau và dần dần là sự thất bại trong học tập.
Để không nôn nóng trong bất cứ trường hợp nào cần nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng khác nhau, bất cứ công việc gì dù nhỏ hay lớn cần có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng rồi mới có thể bắt tay vào làm, tính đến những thất bại, những rủi ro, những khó khăn có thể gặp phải để có sự chuẩn bị, không bị bất ngờ, như vậy công việc mới có thể hoàn thành một cách tốt nhất. Cổ nhân cũng đã từng dạy: “Thỏ khôn phải đào ba hang” điều này hoàn toàn đúng đối với những người hay nôn nóng, muốn hoàn thành công việc nhanh chóng mà không suy nghĩ. Để giữ được sự bình tình không phải là việc dễ, những người thường hay nôn nóng cần dành thời gian nhìn nhận lại bản thân, cần biết mình biết người, biết khả năng của mình tới đâu, lấy sự thành công của người khác để nhìn nhận phấn đấu là rất tốt, nhưng lạm dụng để dẫn tới sự nóng vội đạt được thành công đó thì là hoàn toàn sai lầm. Bên cạnh đó để khắc phục sự nôn nóng trong công việc cần biết suy nghĩ, suy nghĩ theo hiện thực, vấn đề xuất phát từ hiện thực, giữ cho bản thân tinh thần thoải mái, ý thức khai thác, tiếp thu sáng tạo và đặc biệt là sự kiên trì. Đặc biệt là một người học sinh cần tự rèn luyện cho bản thân đức tính kiên trì bền bỉ, xem xét kỹ lượng mọi vấn đề, học tập lao động theo một quá trình hợp lý, không được thông minh thì sự cần cù sẽ bù đắp cho vấn đề đó.
Nôn nóng là đức tính không đáng có của bất kỳ ai, chính vì thế chúng ta cần tránh xa sự nôn nóng này, làm gì cũng cần suy nghĩ thấu đáo rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng, mở ra trước mắt một con người dù không dễ dàng nhưng thành công đạt được sẽ xứng đáng với công sức bỏ ra, thỏa mãn, hạnh phúc với những gì bản thân đạt được.
Nghị luận về sự nôn nóng – Mẫu 3
Cùng với vòng quay không ngừng nghỉ của thời gian và nhịp độ phát triển của khoa học – kinh tế – văn hóa, cuộc sống của con người ngày càng diễn ra hối hả, sôi động, vội vã hơn. Đây cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của con người, bởi khi sống nhanh, sống gấp, chúng ta thường để cảm xúc nôn nóng chi phối đến tâm trạng và hành động.
Như chúng ta đã biết, sự nôn nóng là một trạng thái tinh thần mang yếu tố tiêu cực với những biểu hiện như không giữ được bình tĩnh, dễ nổi nóng và đưa ra quyết định, hành động một cách vội vàng, thiếu lý trí. Hiện nay, sự nôn nóng được xem là một căn bệnh xuất hiện ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống của con người. Trong học tập, sự nôn nóng được biểu hiện qua việc học hời hợt để nắm nhanh kiến thức bề nổi, học vẹt để đạt kết quả cao trong kì kiểm tra mà không tìm tòi, nghiên cứu, thực hành để nắm được bản chất của khái niệm. Trong công việc, sự nôn nóng thể hiện qua việc làm việc thiếu cẩn thận, không kiên trì, không chuyên tâm và thường xuyên “đốt cháy giai đoạn” để đạt đến mục tiêu đặt ra.
Thực tế cuộc sống đã chứng minh, sự nôn nóng đang là một căn bệnh tinh thần gây ảnh hưởng tiêu cực đến lý trí và chi phối hành động của con người. Khi thực hiện công việc với sự nôn nóng, con người thường dễ phạm phải sai lầm và thất bại, bởi khi muốn hoàn thành mục tiêu một cách chóng vánh, chúng ta sẽ rơi vào tình huống rối ren và hoảng loạn, thiếu quyết đoán, khiến những việc tưởng chừng như đơn giản trở nên phức tạp. Bàn về vấn đề này, người xưa từng nói “Dục tốc bất đạt” để thể hiện bài học sâu sắc về chân lý “nóng vội thì không thành công”. Ngược lại, khi làm việc cẩn thận, chúng ta có thể chuyên tâm phân tích, xem xét mọi khía cạnh của vấn đề, từ đó đưa ra phương án và cách giải quyết phù hợp. Chiến thắng lẫy lừng của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 chính là minh chứng tiêu biểu thể hiện rõ điều này. Sau khi phân tích, suy xét các yếu tố địch và ta, bộ chỉ huy mặt trận trung ương đã quyết định thay đổi chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và lựa chọn phương châm chiến đấu “đánh chắc, tiến chắc”. Với sự thay đổi này, quân và dân ta đã có thêm thời gian để chuẩn bị vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, vang dội địa cầu” sau “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn” (Trích “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu).
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự nôn nóng trong tinh thần của con người? Như chúng ta đã biết, nguyên nhân khách quan dẫn đến tâm lý nôn nóng là do nhịp độ phát triển nhanh chóng của xã hội của vòng quay “thấm thoắt thoi đưa” của dòng thời gian. Điều này khiến con người sống hối hả, vội vã để bắt nhịp với tốc độ phát triển của khoa học – công nghệ. Đồng thời, sự nôn nóng trong hành động của con người với mong muốn nhanh chóng đạt được mục tiêu cũng chính là nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực trạng này.
Để khắc phục sự nóng vội, thiếu quyết đoán, trước mọi tình huống và công việc, chúng ta cần giữ được sự bình tĩnh cùng trạng thái ôn hòa để xử lý và suy nghĩ thấu đáo. Trước khi hành động, con người nên xem xét toàn diện mọi khía cạnh của vấn đề, phân tích những yếu tố thất bại, khó khăn và rủi ro có thể xảy ra; đồng thời rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại trong công việc.
Như vậy, để đặt chân đến bến bờ của thành công thì một trong những bài học mà con người cần rèn luyện là tiết chế sự nôn nóng, luôn giữ được thái độ bình tĩnh, thận trọng. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần kiên trì vượt qua những khó khăn trên con đường chinh phục tri thức để tránh được sự nôn nóng, “đốt cháy giai đoạn” trong học tập và lao động.
Nghị luận về sự nôn nóng – Mẫu 4
Để sống mà biết dung hòa là một điều khó nhưng sống mà biết mình đang quá nôn nóng và sữa chữa nó lại càng khó hơn. Nôn nóng không chỉ được thể hiện ở hành động của chúng ta muốn hoàn thành mọi thứ một cách nhanh nhất mà còn ở lời nói tư duy và cả lối sống cách thức chúng ta đối diện với vấn đề. Dù ở phương diện nào đi chăng nữa thì nôn nóng không mang lại cho chúng ta những kết quả tốt đẹp.
Như chúng ta đã đọc qua Vội Vàng của nhà thơ Xuân Diệu. với nhịp sống hối hả và một tâm hồn yêu chuộng những nhịp sống của tuổi trẻ, nhà thơ đã không ngừng hối thúc chúng ta nên biết sống vội vàng vì thời gian không chờ đợi một ai. Hơn thế nữa, thời gian là quý báu cho nên phải biết trân trọng nó trân trọng những khoảnh khắc của cuộc sống. đó là một lối sống tích cực, vội vàng nhưng với một cách tích cực.
Ngược lại nôn nóng chính là làm mọi việc với việc chưa suy nghĩ kĩ càng chỉ chăm chăm vào hành động. nếu trong học tập, trong thi cử việc nôn nóng khiến cho chúng ta học hành một cách chểnh mảng, quá nôn nóng sẽ dẫn tới việc làm sai hoặc tính sai. Mọi sự cẩn trọng đều khiến cho chúng ta có những kết quả tốt đẹp. trong kinh doanh, đầu tư và phát triển không dựa trên kế hoạch và hướng đi rõ ràng thì dễ dàng gây ra lỗ cho doanh nghiệp lại chưa nắm bắt được xu hướng của thị trường.
Nôn nóng khiến cho chúng ta không nhận ra được đâu là cái nên và không nên bởi mọi thứ được quyết định trong một thời gian quá ngắn. nôn nóng đôi khi còn khiến cho chúng ta dẫn tới tranh cãi một cách quyết liệt và hơn thế là không biết phân biệt đúng sai. Những người nôn nóng thường có tính cách không ổn định, đánh giá mọi việc thông qua quan sát thông thường dẫn tới việc suy đoán và gây ảnh hưởng xấu tới kết quả của công việc.
Nôn nóng còn là một thói quen không tốt. Một điều được lên kế hoạch được tìm hiểu kĩ bao giờ cũng mang lại kết quả tốt hơn cho người tạo ra nó. chúng ta chưa bao giờ thấy một ai mà có thể viên mãn với những người có thái độ này. Ông bà ta vẫn có câu” chậm mà chắc” tuy nhiên nhiều người cho rằng trong mọi thứ táo bạo vẫn có thể tạo cú lội ngược dòng. Nhưng suy cho cùng thì táo bạo không phải là nôn nóng mà táo bạo chính là bản lĩnh của con người dám nghĩ dám làm, dám đưa ra quyết định và kiên định với quyết định đó tới cùng- người đó ắt sẽ thành công.
Nghị luận về sự nôn nóng – Mẫu 5
Nhà thơ Xuân Diệu từng có những câu thơ nổi tiếng về sự ham sống gấp gáp, sống nhanh như sau: “Nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ” hay “Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm” cho chếnh choáng say mê. Đó là những vần thơ thể hiện sự vội vàng hay chính là sự nôn nóng trước sự thoi đưa của thời gian. Nhà thơ đứng trước những chảy trôi ấy chỉ muốn sống gấp sống vội để tận hưởng hết những thanh sắc của một thời, tuy nhiên đó chưa hẳn đã là tốt. Vậy nôn nóng là gì? Nó biểu hiện như thế nào?
Nôn nóng là một trạng thái gấp gáp không đủ bình tĩnh để đưa ra một quyết định đúng đắn nhất. người nôn nóng lúc nào cũng quyết định một việc gì đó rất vội vàng mà chưa có sự suy nghĩ kỹ lưỡng, đó chính là sự thiếu kiên nhẫn. Nói cách khác đó là trạng thái con người ta cảm thấy rất sốt ruột, nóng ruột bứt rứt không yên và dẫn đến một quyết định không được tốt và dễ gây hỏng việc. sau đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu về biểu hiện và tác hại của nôn nóng.
Trước hết nôn nóng biểu hiện trong học tập, đó là khi những lúc gấp gáp ta không thể bình tĩnh giải quyết vấn đề gây nên những việc làm gây hỏng việc đó. Học tập nhiều khi chúng ta quá nôn nóng đạt điểm cao mà không học theo tuần tự các bài đó là một quyết định sai lầm. Vì có những môn nó được sắp xếp các bài logic với nhau nếu không có bài trước thì không thể làm được bài sau. Nó giống như là mình học chữ phải học từ những chữ cái đầu tiên sau đó mới học ghép chữ được, hay việc học võ thì phải biết đứng tấn cho đúng thì mới có thẻ học những chiêu thức được. Chính vì thế nếu như những người nôn nóng vì mục đích nào đó mà bỏ qua những bước như thế thì sẽ không có kết quả tốt. Quy trình của người ta là phải đi từ cơ bản đến nâng cao thế nhưng lại đi tắt đốt cháy giai đoạn thì không thể thành tài được.
Hay trong công việc hằng ngày cũng vậy, chúng ta ai cũng muốn đạt hiệu quả cao trong công việc nhưng vẫn phải tuân thủ theo các bước trình tự trong làm việc, trước những dự án lớn hay gói thầu to người ta phải có những tính toán kỹ lưỡng để tránh tổn thất về mặt tài chính và sức người nhưng những người nôn nóng thì họ không quyết định được đúng đắn vì tâm lý của họ luôn muốn vội vàng nên sẽ rất dễ hỏng việc. Ví dụ như mỗi một người công nhân viên chức muốn lên những chức cao hơn thì phải trải qua cả một quá trình gian khổ phấn đấu và đóng góp để xứng đáng với chiếc ghế đó thì những người nôn nóng sẽ không thể kiên nhẫn chờ đợi mà họ sẽ làm những việc mạo hiểm đến tài chính để mong thành công ngồi lên chiếc ghế đó một cách nhanh nhất, nhưng rủi ro thì cũng không buông tha họ một cách dễ dàng. Những người kiên nhẫn thường người ta có cái nhìn thấu đáo hơn chứ không vội vàng hấp tấp như những người nôn nóng. Chính vì thế đại đa số những người càng ít nói thì người ta càng nghĩ kĩ thấu đáo hơn trước những lời nói mà họ nói ra. Vậy nên họ không nói thì thôi còn một khi đã nói ra thì không ai có thể nói gì cả. Người nôn nóng cũng giống như người hay nói, nói nhiều đấy nên không có thời gian để suy nghĩ kĩ lời nói của mình nên nhiều lúc dẫn đến tình trạng không hay vì những lời nói thiếu suy nghĩ. Còn người nôn nóng sẽ gây ra tình huống không hay vì thiếu sự kiên nhẫn chờ đợi.
Ví dụ minh chứng điển hình là cuộc chiến tranh phi nghĩa của Pháp và Mỹ tại nước ta vì chúng quá nôn nóng muốn kết thúc chiến tranh sớm với chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh thế cho nên chúng ta phải chịu hậu quả là không những không chiếm được đất nước ta mà còn khiếp sợ một đất nước nhỏ bé nhưng trí tuệ anh hùng.
Tác hại của nôn nóng thì chúng ta đã thấy rõ, nó dẫn đến những hậu quả rất không tốt. chính vì thế mỗi chúng ta phải tránh xa những sự nôn nóng ấy, làm gì cũng phải suy nghĩ thật thấu đáo để rút ra một quyết định đúng đắn và đi đến một cái kết có hậu. Không nên quá gấp gáp, cố nhân ta đã có câu thật đúng “Đi đâu mà vội, mà vàng, mà vấp phải đá, mà quàng phải dây.”
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị luận xã hội về sự nôn nóng (Dàn ý + 5 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.