Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 9: Phân tích tình huống truyện độc đáo trong Chiếc lược ngà 2 Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

TOP 4 bài Phân tích tình huống truyện độc đáo trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng hay, đặc sắc nhất, giúp em bạn học sinh lớp 9 có thêm nhiều thông tin bổ ích, thấy được tình huống truyện đầy hấp dẫn, kịch tính.

Tình huống truyện là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sự thành công cho truyện tự sự. Vậy mời các em cùng tham khảo 4 bài phân tích tình huống truyện Chiếc lược ngà để thấy được tài năng của Nguyễn Quang Sáng trong việc xây dựng cốt truyện, để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Dàn ý tình huống truyện độc đáo trong Chiếc lược ngà

Dàn ý chi tiết tình huống truyện Chiếc lược ngà

I. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

  • Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam.
  • “Chiếc lược ngà” là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông. Truyện viết về tình cảm gia đình, tình cảm cha con trong chiến tranh thật cảm động mà sâu sắc.

II. Thân bài: Phân tích

1. Tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí:

– Truyện xoay quanh hai nhân vật: ông Sáu và bé Thu. Tham gia kháng chiến, ông Sáu bị thương, vết thương để lại trên khuôn mặt ông một vết thẹo lớn. Vì vết thẹo ấy, trong lần về thăm nhà ông Sáu đã phải chịu nỗi đau tinh thần: đứa con gái ông hằng thương nhớ, khát khao gặp mặt suốt bảy năm đằng đẵng lại vì vết thẹo mà không chịu nhận cha mặc dù lần gặp con này là cơ hội gần gũi, yêu thương duy nhất của ông vì ông chuẩn bị tập kết ra Bắc, không biết khi nào quay lại.

– Đó là một tình huống bất ngờ, éo le mà tự nhiên, hợp lí:

  • Bé Thu đã lâu ngày không gặp cha. Hình ảnh của người cha trong tâm trí nó chỉ được khắc ghi qua tấm ảnh đã cũ rồi. Người cha trong nó hiền lành lắm! Còn ông Sáu, với vết thẹo dữ dằn kia, khác người đàn ông trong ảnh quá!
  • Điều này gây bất ngờ với bé Thu vì gương mặt ông Sáu giờ đã quá xa lạ. Và phản ứng không nhận cha của Thu cũng gây bất ngờ cho ông Sáu bới nó hoàn toàn trái ngược với những mong muốn và tưởng tượng của ông Sáu về cuộc đoàn tụ gia đình sau nhiều năm xa cách. Nhưng nó cũng rất tự nhiên, hợp với tâm lí, tình cảm của một đứa trẻ thơ.
  • Tình huống càng trở nên éo le, khiến người đọc phải hồi hộp theo dõi từng trang truyện vì thời gian ông Sáu ở nhà không nhiều và dù chỉ còn một ngày nữa, đứa bé vẫn quyết không nhận cha.

– Có thể coi đó là tình huống thử thách, thử thách để con nhận cha, cha chứng minh với con. Qua tình huống này, tình cha con sâu nặng và cao đẹp càng được thể hiện rõ nét hơn.

* Tác dụng của tình huống truyện

Tình huống truyện giúp nhà văn thể hiện rõ nét tình thương con sâu sắc của anh Sáu và nét tính cách đặc biệt của bé Thu:

  • Trong phút đầu gặp lại con sau nhiều năm xa cách, anh Sáu đã không kìm được nỗi vui mừng nhưng trớ trêu, đáp lại sự vồ vập của anh, bé Thu lại tỏ ra ngờ vực, lảng tránh.
  • Trong ba ngày ngắn ngủi, anh Sáu càng muốn được gần con, khao khát được nghe con gọi tiếng “ba” thì bé Thu càng tỏ ra lạnh nhạt, xa cách và kiên quyết không gọi anh là ba.
  • Cách ứng xử của bé Thu với anh Sáu như vậy chứng tỏ em có cá tính mạnh mẽ, em chỉ yêu ba khi tin chắc đó đúng là ba. Trong giờ phút chia tay, tình cảm sâu sắc của bé Thu đối với người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu, bùng ra thật mạnh mẽ, hối hả, cuống quýt.
  • Tình cảm của anh Sáu đối với bé Thu được biểu hiện tập trung và sâu sắc lúc anh ở khu căn cứ. Lời dặn của con đã thúc đẩy anh nghĩ đến việc làm chiếc lược ngà cho con. Có chiếc lược, anh nguôi ngoai nỗi nhớ con và càng mong sớm gặp lại con. Nhưng anh đã hi sinh khi chưa kịp trao tận tay món quà ấy cho con gái.

2. Tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ chiến tranh:

Tình cảm cha con được thể hiện qua cả 2 nhân vật, đặc biệt là nhân vật ông Sáu. Tác giả không chú ý đến khắc họa phần anh hùng trong cuộc đời ông Sáu mà chỉ chú trọng khắc họa chân dung người cha với những tình cảm sâu sắc, cao đẹp và những nỗi đau, bất hạnh trong cuộc đời ông.

a) Nhân vật bé Thu:

  • Ban đầu, khi ông Sáu mới về, bé Thu không chịu thừa nhận cha: không chịu vâng lời ông Sáu nói, không gọi “ba”, nói trống không, hất miếng trứng cá mà ông Sáu gắp cho nó ra khỏi bát, bỏ sang nhà ngoại khi giận ông Sáu…
  • Sau khi được bà ngoại giải thích cặn kẽ, bé Thu mới hiểu ra đó là ba mình. Tiếng thét của bé Thu “Ba…a…a…ba!” chứa đựng tất cả tình yêu thương, nỗi nhớ và sự ân hận. Cô bé nhất định “không cho ba đi nữa”,“hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”…
  • Lớn lên, Thu trở thành một cô giao liên dũng cảm, cùng tham gia kháng chiến, tiếp bước con đường của cha cô, để lí tưởng của cha còn sáng mãi. Hai cha con quả “đã thành đồng chí chung câu quân hành”.
Tham khảo thêm:   Tổng hợp bài tập Toán lớp 3 Bài tập toán lớp 3 hay nhất

b) Nhân vật ông Sáu:

* Người cha những ngày ở nhà:

  • Tâm trạng háo hức, niềm xúc động khi được gặp con: cái thẹo trên má anh đỏ ửng lên, giần giật; giọng run run.
  • Nỗi đau khổ khi bị con gái cự tuyệt: mặt sầm lại trông rất đáng thương, hai tay buông xuống như bị gãy.
  • Cố gắng tìm mọi cách để chuyện trò, vỗ về con: gắp trứng cá cho con.
  • Cơn giận và việc đánh con cũng xuất phát từ nỗi đau khổ của một người cha bị con cự tuyệt.
  • Phút chia tay, niềm hạnh phúc khi được bé Thu gọi “ba” khiến anh bật khóc.

* Người cha ở chiến khu:

  • Bao nhiêu tình cảm yêu thương, nhớ nhung ông dồn vào việc làm chiếc lược ngà, món quà kỉ niệm ông đã hứa tặng con gái ngày ra đi: “Lúc rảnh rỗi anh ngồi cưa từng chiếc răng lược cho đến khi hoàn thành, những đêm nhớ con anh lấy cây lược ra ngắm ngía”.
  • Chiếc lược ngà đối với ông là vật kỉ niệm, vật mang tâm hồn, chứa đựng biết bao tình thương, nỗi nhớ của ông đối với con gái yêu. Chiếc lược là niềm an ủi, động viên ông trong những ngày tháng gian khổ. Có thể nói, chiếc lược ngà là biểu tượng tình cảm cha con – một tình cảm thiêng liêng, sâu nặng và bất diệt.
  • Bị thương nặng, chỉ đến khi gửi lại chiếc lược ngà lại cho bạn với lời nhắn nhủ sẽ trao tận tay bé Thu, ông mới yên lòng nhắm mắt.

III. Kết bài

– Tác giả đã tạo được hai tình huống truyện khá bất ngờ, nhưng tự nhiên, hợp lí, thể hiện được chủ đề tác phẩm: Ca ngợi tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh đầy éo le, mất mát.

– Khẳng định tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để mỗi con người vượt lên những khó khăn, trở ngại của cuộc sống.

Dàn ý tình huống truyện Chiếc lược ngà

1. Tình huống truyện là gì?

Tình huống truyện hay còn gọi tình thế câu chuyện là ngữ cảnh, tình tiết mang tính xung đột, mâu thuẫn dẫn đến việc phát triển cốt truyện và qua đó giúp các nhân vật trong truyện dễ dàng bộc lộ tính cách của mình. Cũng thông qua cách giải quyết mâu thuẫn/ xung đột trong tình huống truyện, ta sẽ hiểu hơn về nội dung tư tưởng tác phẩm cũng như dụng ý nghệ thuật của nhà văn trong việc xây dựng các tình huống truyện như vậy.

2. Tình huống truyện Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

– Vì chiến tranh, hai cha con ông Sáu phải xa cách nhau trong 8 năm trời, chỉ được nhìn thấy nhau qua những bức hình.

– Được nghỉ phép về thăm nhà có mấy ngày, ông Sáu vui mừng, khao khát phút giây nghe con gọi “ba”, vậy nhưng chỉ bởi vết thẹo dài trên má ông mà bé Thu nhất quyết không nhận cha mình, điều này khiến ông Sáu rất buồn lòng.

– Sau khi nghe bà giải thích, bé Thu đã hiểu ra nhưng đến lúc ngộ ra và bày tỏ tình cảm với cha thì ông Sáu phải lên đường đi chiến đấu.

– Ở chiến khu, ông Sáu dồn toàn bộ tình yêu thương cho con qua việc làm chiếc lược ngà nhưng chưa kịp trao tận tay cho đứa con thì đã hi sinh.

* Ý nghĩa tình huống truyện Chiếc lược ngà

– Nút thắt của câu chuyện: Vết thẹo trên mặt ông Sáu là nguyên nhân khiến cho bé Thu nhất quyết không nhận cha => Tình huống đầy éo le, bất ngờ nhưng cũng rất đỗi hợp lí, tự nhiên theo tâm lí của trẻ nhỏ khi nhìn cha hiện tại khác hoàn toàn với người cha trong bức ảnh. Đó cũng là thử thách lớn nhất để hai cha con phải vượt qua và khi đã vượt qua thử thách lớn này, càng tô đậm tình phụ tử sâu nặng, thiêng liêng.

– Tình huống truyện cũng góp phần bộc lộ tính cách của các nhân vật:

  • Ông Sáu: Là người cha hiền lành, mẫu mực, dành trọn cho đứa con gái bé bỏng của mình tình cảm yêu thương, ông khao khát tiếng con gọi cha từng ngày và tranh thủ từng phút giây nghỉ phép ngắn ngủi để thể hiện tình cảm của mình đối với đứa con, và đau buồn thậm chí nổi giận khi đứa con mình mong mỏi bấy lâu nay không nhận cha.
  • Bé Thu: Là cô bé có cá tính mạnh mẽ, bướng bỉnh, ương bướng ngay cả khi bị cha đánh cũng nhất quyết không khóc, tuy nhiên là một cô bé rất yêu kính cha mình khi không nhận người không giống cha trong bức ảnh; chỉ đến khi hiểu ra vấn đề, em mới bộc lộ toàn bộ nỗi niềm nhớ nhung, tình cảm của mình đối với người cha thân yêu.

– Qua đây, tác giả Nguyễn Quang Sáng ca ngợi tình phụ tử thiêng liêng, sâu sắc cũng như kín đáo lên án, tố cáo chiến tranh phi nghĩa.

Phân tích tình huống truyện Chiếc lược ngà

Tình huống truyện là hoàn cảnh, sự kiện riêng của câu chuyện. Nhờ vào đó, nhà văn dễ dàng để cho các nhân vật trong câu chuyện của mình bộc lộ tính cách, tình cảm một cách rõ nét nhất. Trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng có hai tình huống truyện tiếp diễn gây bất ngờ cho người đọc. Tình huống thứ nhất là cuộc gặp gỡ của hai cha con ông Sáu – bé Thu sau nhiều năm xa cách. Thế nhưng trái ngược với sự vui mừng của ông Sáu, bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo dài trên mặt. Đến lúc em nhận ra thì ông Sáu lại phải quay lại chiến trường. Cuộc chia li giữa hai cha con diễn ra đầy cảm động. Tình huống thứ hai diễn ra ở khu căn cứ. Ông Sáu đã tự tay làm một chiếc lược ngà để tặng con. Ông đã dồn hết tình yêu và sự thương nhớ con để làm ra món quà đó. Thế nhưng, ông Sáu hi sinh khi chưa kịp trao lại chiếc lược ngà cho bé Thu. Nếu ở tình huống thứ nhất, tình cảm của bé Thu dành cho ba được bộc lộ mãnh liệt thì tình huống hai đã thể hiện tình cảm sâu sắc, thắm thiết của ông Sáu đối với con. Tình huống truyện trong tác phẩm này mang mang đầy kịch tính và chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ. Đó là những sự ngẫu nhiên, song lại khá phổ biến, éo le mà ta thường gặp trong chiến tranh. Từ đó, tác giả muốn khẳng định và ngợi ca tình cảm cha con thiêng.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 8 năm 2023 - 2024 sách Kết nối tri thức với cuộc sống 6 Đề thi cuối kì 1 Văn 8 (Có đáp án, ma trận)

Tình huống truyện độc đáo trong Chiếc lược ngà – Mẫu 1

Truyện ngắn Chiếc lược ngà là một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, được sáng tác ngay sau khi ông trở lại miền Nam công tác. Truyện đã thể hiện một cách chân thành và cảm động tình cha con sâu nặng của cha con ông Sáu trong hai tình huống đặc sắc:

Tình huống thứ nhất: Ông Sáu trở về nhà thăm con sau tám năm xa cách. Nhưng thật trớ trêu là bé Thu không nhận ông Sáu là çha khiến ông vô cùng hụt hẫng và đau khổ. Đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì cũng là lúc ông Sáu phải trở lại chiến khu. Đây là tình huống cơ bản của truyện, khẳng định tình cảm cha con thắm thiết

Tình huống thứ hai: Nếu tình huống thứ nhất bộc lộ tình cảm mãnh liệt của bé Thu với cha thì tình huống thứ hai lại biểu lộ tình cảm sâu sắc của người cha với đứa con. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà để tăng con. Nhưng thật không may, ông Sáu đã hy sinh trong một trận càn ác liệt địch khi chưa kịp trao món quà ý nghĩa ấy cho con gái. Bác Ba, người đồng đội thân thiết của ông Sáu hứa sẽ tận tay trao lại cho bé Thu.

Tình huống thứ hai khẳng định tình cảm cha con thiêng liêng, bất diệt trong chiến tranh. Chiến tranh có thể ngăn cách họ nhưng không thể nào giết chết được tình yêu thương trong họ.

Tình huống truyện độc đáo trong Chiếc lược ngà – Mẫu 2

Một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng là nhà văn đã tạo được một tình huống khá bất ngờ nhưng lại rất hợp lí và tự nhiên. Bằng việc xây dựng tình huống ấy, truyện thể hiện được tình cảm cha con vô cùng thiêng liêng và sâu nặng.

Tác giả xây dựng được một tình huống truyện khá bất ngờ. Nhân vật tôi ông ba người đồng chí của ông Sáu có lần đi xuồng tôm. Chỗ ấy đi xuồng thì phải đối đầu với trực thăng Mỹ, đi bộ thì sẽ gặp biệt kích. Ông hơi lo lắng nhưng gặp người con gái lái thuyền tôm xong vừa nhanh nhẹn, anh dũng lại vừa dịu dàng nên ông cũng bớt lo. Ông cùng với những anh em chiến sĩ trải qua biết bao nhiêu đoạn chạy giặc, ông lo lắng cho người con gái kia nhưng cô bình an vô sự, một mình đối đầu với tên địch. Trong quá khứ ông đã từng được chứng kiến một tình cảm cha con khiến ông xúc động và hiện giờ ông đang cầm di vật là chiếc lược ngà để trao tận tay cho đứa con gái thân thương của đồng đội đã mất. Thật tình cờ chính cô giao liên dũng cảm ấy lại là bé Thu con của ông Sáu. Chẳng biết trời xui khiến gì mà nhân vật tôi lại gặp được cô bé sau bao nhiêu năm không biết tin tức gì. Và cuối chủ nhân của chiếc lược mang tên tình cha con ấy đã nhận lấy được món quà từ người cha quá cố của mình.

Tình huống truyện khá bất ngờ bởi cuộc gặp gỡ không hẹn trước ấy nhưng nó vô cùng tự nhiên và hợp lí. Sau bao nhiêu năm, với tính cách cá tính của mình cô bé Thu ngày nào trở thành một người giao liên mà nghe đâu cô là trưởng nhóm thì phải. Cô đã bao nhiêu lần khiến cho những tên địch phải khốn đốn vì mắc mưu, không làm gì được ngoài việc chửi rủa trong bóng tối. Chiến trường miền Nam tuy rộng lớn nhưng tình cảm cha con đã mang cuộc gặp gỡ tình cờ ấy diễn ra để chiếc lược ngà trở về với chủ nhân của nó. Người làm ra nó sẽ mỉm cười nơi chín suối.

Như vậy, nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện khá hấp dẫn. Nó có tính bất ngờ lại có tính tình cờ tự nhiên và hấp dẫn. Nó không giống như một cuộc sắp đặt trước. Nhân vật tôi phải mất cả một chuyến đi mới nhận ra cô bé Thu ngày nào. Phải chăng chính tình huống truyện là một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Chiếc lược ngà.

Tình huống truyện độc đáo trong Chiếc lược ngà – Mẫu 3

Nghệ thuật viết văn nói theo nhà văn Nga Sê-khốp đúng là “nghệ thuật của những chi tiết”. Sự lựa chọn chi tiết “đắt giá” có khả năng “nói” được nhiều về tính cách nhân vật, thể hiện tài quan sát, tài kể chuyện của người viết. Trong Chiếc lược ngà người đọc có thể tìm thấy rất nhiều những chi tiết như thế.

Có hai tình tiết cơ bản tạo nên tình huống truyện trong đoạn trích này. Tình tiết thứ nhất kể người cha đi kháng chiến về thăm nhà sau gần bảy năm đi vắng, não nức được gặp cô con gái bé bỏng – đứa con duy nhất – chưa đầy một tuổi khi anh ra đi, nhưng đến giây phút thiêng liêng mà người cha hằng chờ đợi ấy, bé Thu lại không chịu nhận cha. Để rồi, cuối cùng nhận ra cha mình và biểu lộ tình cảm với cha thì người cha cũng đã hết ngày phép phải ra đi. Tình huống thứ hai là sau khi ông Sáu đi vào khu căn cứ, ông dành tất cả những tình cảm và tình yêu thương, nỗi nhớ bé Thu bằng việc làm chiếc lược ngà tặng con, nhưng khi chưa kịp tặng thì ông đã hi sinh.

Truyện viết về tình cảm cha con, nhưng là tình cảm cha con được thể hiện trong chiến tranh. Người cha là anh Sáu, “thoát li đi kháng chiến từ đầu năm 1946”. Con gái anh là bé Thu “đứa con gái đầu lòng – và cũng là đứa con duy nhất của anh”, lúc anh đi bé Thu “chưa đầy một tuổi”. Biền biệt sáu, bảy năm trời hai cha con không được gặp nhau. Anh Sáu chỉ thấy con qua “tấm ảnh nhỏ”. Vì thế, nay được về thăm nhà mấy hôm, “cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”. Và mong muốn tha thiết nhất của anh là được đứa con gọi mình một tiếng “ba”. Tình huống truyện thật tự nhiên, hợp lí: còn gì tự nhiên hơn tình cảm cha con; chiến tranh, người cha đi đánh giặc phải xa con; vậy mà cũng thật bất ngờ và không kém phần gay cấn: khi người cha có dịp về thăm con thì đứa con nhất định không chịu gọi cha mặc dù anh cố gắng làm mọi cách. Khoảng thời gian về phép thăm nhà lại chỉ vẻn vẹn gói gọn có ba ngày ngắn ngủi, tạo thêm sự dồn nén cho câu chuyện.

Tham khảo thêm:   PlayerUnknown’s Battlegrounds: Cách bắn AKM chuẩn như súng ngắm

Cái mong ước của người cha được nghe con mình gọi “ba” tưởng đơn giản nhưng mà thực ra lại vô cùng khó khăn. Ngay từ khi mới trông thấy con từ xa, anh Sáu đã không thể kìm được tình cảm của mình: “không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên vội vã bước những bước dài, rồi đứng lại kêu to: “Thu ! Con” anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh”. Nhưng, những phản ứng của bé Thu, con anh, lại hoàn toàn trái ngược với những gì anh nghĩ: “nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng”. Và khi thấy anh vẫn tiếp tục tiến về phía nó, thì “mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “Má ! Má!”. Những hành động cảm xúc của anh Sáu lẫn bé Thu đều rất đúng với tâm lí của mỗi người, ngẫm kĩ thì khó mà khác được. Đó chính là cái tài của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Nguyên cớ của tình huống này là vết thẹo trên mặt người cha – dấu ấn của chiến tranh – đã khiến cho em bé thấy khác với tấm hình ba chụp chung với mẹ mà em vẫn coi. Thế nên, trong mấy ngày ba về phép, Thu đã không chịu gọi ba lấy một tiếng. Ngay cả khi mẹ nó cố tình đặt nó vào những tình huống bắt buộc phải gọi đến ba nó, thì Thu cũng chỉ gọi trống không: “Vô ăn cơm !”, “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái”, “Cơm sôi rồi, nhão bây giờ”. Cả hai cha con thi gan với nhau, không ai chịu ai và những lần này phần thắng thuộc về bé Thu.

Và cao trào của tình huống này là chi tiết trước sự bướng bỉnh của bé Thu, anh Sáu đã không giữ được bình tĩnh “vung tay đánh vào mông nó và hét lên” khi nó hất cái trứng anh gắp cho nó. Bé Thu phản ứng lại bằng cách bỏ sang nhà bà ngoại. Và đến đây, nhà văn đã tạo ra chi tiết để “cởi nút” truyện. Bà ngoại đã giải thích cho bé Thu hiểu về vết thẹo mà ba em có, vi vậy, Thu đã chấp nhận người ba của mình. Thế nhưng, éo le thay, đây cũng là lúc mà anh Sáu phải quay lại căn cứ. Đoạn văn miêu tả cuộc chia tay của hai cha con đã bộc lộ tình yêu thương mãnh liệt của con đối với cha.

Khác với lúc về, lần này anh Sáu cố gắng kìm nén tình cảm của mình, “anh chỉ dám đứng nhìn nó”. Bé Thu, sau một ngày ở bên nhà bà ngoại, lúc này đã biết được nhiều điều về ba nó. “Vẻ mặt của nó có gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi, sâu xa”. Và cái giây phút bùng nổ tình cảm của bé Thu là giây phút mà Thu gọi ba, không phải là một tiếng gọi thầm mà là một tiếng kêu thét kéo dài.

Tình huống thứ nhất kết thúc, mở ra tình huống thứ hai. Nỗi nhớ con, sự dằn vặt vì đã đánh con khiến anh Sáu ngày đêm làm chiếc lược ngà cho con – đúng theo lời dặn của bé lúc chia tay cha “Ba về ! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!”.

Một buổi chiều, anh Sáu hớt hải chạy từ rừng về như trẻ con bắt được quà, thì ra anh đã tìm được một khúc ngà voi. Sau đó ngày đêm anh lấy vỏ đạn cưa nhỏ khúc ngà voi thành từng miếng nhỏ, tỉ mẩn làm từng chiếc răng lược. Dường như, trong khi làm cây lược từ ngà voi ấy, người cha được đối diện cùng con, tâm sự, trò chuyện với con, vì thế, những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược kì công như “người thợ bạc”. Người cha còn cẩn thận khắc lên lược dòng chữ để tặng con gái của mình: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Vậy mà, thật đáng buồn vì anh đã không chờ được đến lúc trao tận tay con gái mình chiếc lược mà anh đã kì công làm cùng với tất cả những yêu thương của cha dành cho con. Giây phút cuối cùng khi chuẩn bị lìa xa cuộc đời, không còn đủ sức để trăn trối điều gì, nhưng tình cha con là không thể chết được, anh đưa cho người bạn chiến đấu của mình cây lược. Đó chính là tâm nguyện cuối cùng của anh, tâm nguyện muốn gửi gắm cây lược để trao nó lại cho bé Thu.

Bằng các tình huống truyện khá bất ngờ, nhưng tự nhiên, hợp lí, Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện được chủ đề tác phẩm, ca ngợi tình cha con, cao cả thiêng liêng. Chính tình cảm này đã góp phần làm nên sức mạnh cho những người lính nơi chiến trường, và cả cho những người thân nơi hậu phương.

Ngoài ra các bạn tham khảo thêm: cảm nhận truyện ngắn Chiếc lược ngà, đóng vai bé Thu kể lại câu chuyện Chiếc lược ngà. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 9: Phân tích tình huống truyện độc đáo trong Chiếc lược ngà 2 Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *