Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 7: Chứng minh Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên Dàn ý & 3 bài văn mẫu lớp 7 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Sông núi nước Nam được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên. Tác phẩm được tìm hiểu trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

Chứng minh Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên
Chứng minh Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên

Wikihoc.com sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Chứng minh Sông núi nước nam là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Mời các bạn học sinh cùng tham khảo dưới đây.

Chứng minh Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn Độc lập

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về bài thơ Sông núi nước Nam.

2. Thân bài

a. Tuyên ngôn Độc lập là gì?

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử được biên soạn với mục đích tuyên bố độc lập của một quốc gia. Văn kiện này thường được viết sau khi giành lại chủ quyền lãnh thổ của quốc gia từ tay của ngoại bang. Đây là một văn bản có tính pháp lý cao trên trường quốc tế.

b. Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên

– Trước đó, chưa có tác phẩm nào có tính khẳng định độc lập chủ quyền như Sông núi nước Nam.

– Nội dung:

  • Hai câu đầu: Khẳng định độc lập chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.
  • Hai câu sau: Lời khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đó.

– Nghệ thuật: Giọng văn hùng hồn, đanh thép…

– Sau sông núi nước Nam, còn có Bình ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh).

3. Kết bài

Cảm nhận, đánh giá về giá trị của Sông núi nước Nam.

Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên – Mẫu 1

Tính đến thời điểm này, ngoài bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc (2 tháng 9 năm 1945) tại Quảng trường Ba Đình lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thì lịch sử Việt Nam còn ghi nhận có tới hai văn bản khác được coi là bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Bao gồm: “Nam quốc sơn hà” (tương truyền của Lý Thường) và “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi). Vậy một tác phẩm văn học như: “Nam quốc sơn hà” với bốn câu thơ ngắn ngủi có xứng đáng được coi là Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam?

Như chúng ta đã biết, Tuyên ngôn độc lập là văn bản chính luận được viết ra với mục đích tuyên bố với đồng bào trong nước và toàn thể nhân dân thế giới về nền độc lập và về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cần được tôn trọng. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta trước hết vì bài thơ là lời tuyên bố hùng hồn về nền độc lập chủ quyền của đất nước:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”

Nước Nam ta là một đất nước độc lập, có chủ quyền riêng và vua chính là đại diện tối cao cho dân tộc. Ranh giới bờ cõi của nước Nam không chỉ được ghi nhận qua những trang sử hào hùng của dân tộc mà còn được ghi rõ ràng ở sách trời “tại thiên thư”. Đó là một chân lý hiển nhiên: Sông núi nước Nam là của vua Nam, là của người dân nước Nam, một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi . Trong lời tuyên bố về chủ quyền , tác giả còn thể hiện sâu sắc thái độ tự hào, tự tôn dân tộc khi coi nước Nam là một nước ngang hàng với nước Bắc, vua Nam bằng vai với hoàng đế Trung Quốc, qua việc sử dụng từ “đế” mà không dùng từ “vương” (chữ “đế” và chữ “vương” đều có nghĩa là vua, người đứng đầu 1 đất nước, đại diện cho nhân dân, nhưng trong các triều đại phong kiến Trung Quốc xưa, vua Trung Quốc tự xưng là “đế”( có thể hiểu là ông vua lớn) còn các ông vua đứng đầu ở các nước láng giềng thần phục chỉ phong “vương” (có thể hiểu là ông vua nhỏ). Với cách sử dụng ngôn từ sắc sảo như vậy, rõ ràng địa vị và tầm vóc của nước Nam ta đã được nâng lên một tầm cao mới.

Tham khảo thêm:   Internet Cafe Simulator 2: Cách mua và bán Bitcoin

Trong bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên ấy, cha ông ta không chỉ khẳng định nền độc lập và chủ quyền của dân tộc mà còn thể hiện rõ ý chí quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập, chủ quyền ấy:

“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Lý Thường Kiệt coi quân xâm lược là “nghịch lỗ” (kẻ đi ngược lại với lẽ phải, với đạo trời), bài thơ “Nam quốc sơn hà” đã đưa ra lời cảnh cáo đanh thép: Chúng mày dám sang xâm phạm vào bờ cõi và chủ quyền thiêng liêng của nước Nam, thì tự chúng mày sẽ chuốc lấy bại vong thảm hại! Đó là cái kết cục xứng đáng cho những kẻ phạm vào sách trời, phạm vào đấng linh thiêng, coi thường chân lý, lẽ phải! Câu thơ vừa là một đòn tấn công mạnh mẽ dành cho kẻ thù xâm lược vừa có ý nghĩa khích lệ tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của nhân dân với Tổ quốc…

Có thể nói không cần phải sử dụng quá nhiều ngôn từ, nhưng “Nam quốc sơn hà” vẫn làm rõ được những vấn đề mang tính trọng đại, lớn lao của quốc gia, dân tộc. Đó là lời tuyên bố đanh thép khẳng định chủ quyền về cương vực lãnh thổ và nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ toàn vẹn nền độc lập dân tộc, quyết đánh tan mọi kẻ thù xâm lược. Với ý nghĩa sâu sắc ấy, “Nam quốc sơn hà” hoàn toàn xứng đáng là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt nam ta.

Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên – Mẫu 2

Trong tiến trình lịch sử oanh liệt đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc đã xuất hiện những bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, mà Nam quốc sơn hà là bản mở đầu.

Đại Việt ta khởi đầu sự nghiệp của mình bằng sự tạo lập nhà nước Văn Lang của các vua Hùng bên bờ sông Hồng. Mười tám đời cha truyền con nối, tổ tiên ta vẫn khẳng định được vị thế của mình. Từ Văn Lang phát triển thành Âu Lạc, núi sông bờ cõi đã được mở mang. Nhưng rồi chỉ một phút mất cảnh giác của An Dương Vương mà sự nghiệp mấy trăm năm tổ tiên gây dựng tan thành mây khói. Mất nước là mất tất cả, vẫn sống ở đất mình mà thành kẻ nô lệ. Gông cùm xiềng xích đè nặng cả ngàn năm. Suốt đêm trường tối tăm ngột ngạt của kiếp nô lệ lầm than mà sức sống Đại Việt vẫn rất tiềm tàng. Bản lĩnh ngoan cường đã giúp cha ông ta bảo tồn được nòi giống, giữ gìn được bản sắc và giành lại được chủ quyền dân tộc vào đầu thế kỉ X.

Từ thế kỉ X, quốc gia phong kiến Đại Việt độc lập đã được xây dựng. Các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê rồi Lý kế tiếp nhau trị vì đất nước đến nay đã hơn trăm năm. Nhưng bọn phong kiến phương Bắc, với tư tưởng bá quyền nước lớn, muốn thống trị toàn thiên hạ vẫn ngông cuồng xâm lược Đại Việt, những tưởng có thế lại biến nước ta thành quận huyện của chúng như xưa. Đã đến lúc dân tộc ta phải đĩnh đạc lên tiếng khẳng định lại chủ quyền của mình! Và bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên đã ra đời:

Tham khảo thêm:   Soạn bài Những kinh nghiệm dân gian về lao động sản xuất - Chân trời sáng tạo 7 Ngữ văn lớp 7 trang 31 sách Chân trời sáng tạo tập 2

“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng bay nhất định phải tan vỡ.”

Sông núi nước Nam là của người Nam. Đó là chân lí độc lập bất hủ! Song, dễ hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng trong lời tuyên ngôn này, cần nhìn từ góc độ nguyên tác chữ Hán của bài thơ:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

Câu mở đầu của bài thơ thật hùng hồn và đanh thép: “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Ý thức tự tôn dân tộc được bộc lộ mạnh mẽ qua hai từ Nam quốc và Nam đế đầy ẩn ý.

Trong Hán tự, quốc là chữ dùng để chỉ nước lớn, nước thiên tứ thống trị toàn thiên hạ (còn “bang” là nước nhỏ, nước chư hầu); đế là chữ dùng để chỉ vua của nước lớn, nước thiên tử (còn “vương” là vua nước nhỏ, nước chư hầu; tước do “hoàng đế” phong cho). Trong tư tưởng bá quyền của bọn phong kiến Trung Hoa, chưa bao giờ chúng chịu thừa nhận nước khác là quốc và vua của nước khác là đế.

Từ thế kỉ VI, người anh hùng Lý Bí của Đại Việt sau khi khởi nghĩa chống ách nô dịch thắng lợi đã tự xưng là Lý Nam Đế. Một thái độ phủ nhận uy quyền nước lớn.

Thái độ ấy, một lần nữa được nhắc lại trong Sông núi nước Nam. Khẳng định nước Nam (Nam quốc) là của người Nam (Nam đế) là sự ý thức sâu xa về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc. Hơn nữa, thái độ ấy là tư thế của một dân tộc dám kiêu hãnh đứng thẳng làm người, giơ một quả đấm thép giáng thẳng vào bộ mặt kiêu căng ngạo mạn của bọn phong kiến Trung Quốc coi nước khác chỉ là chư hầu của chúng, coi dân tộc khác chỉ là nô lệ của chúng.

Sông núi nước Nam là của người Nam. Đó là “lẽ phải”, là “sự thật” hiển nhiên, bởi giang sơn bờ cõi này là do tự bàn tay dân tộc ta đã gây dựng. Nó đã tồn tại từ mấy ngàn năm nay.

Ngay đến cả đấng thần linh tối cao là “Trời” cũng phải thừa nhận và ghi rõ trong “sách trời”: “ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Thêm một lần nữa, bài thơ nhấn mạnh tính chất tất yếu của quyền độc lập tự chủ và khát vọng chính đáng của một dân tộc.

Càng khát khao độc lập tự chủ, dân tộc ta càng kiên quyết đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập. Ý chí ấy được khẳng định ở hai câu kết của bài thơ:

“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm.
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

Lời tuyên bố thật đanh thép: kẻ thù chớ có xâm phạm. Nếu chúng bay dám coi thường cả đấng tối cao là “Trời”, phạm vào “sách trời”; coi thường cả một dân tộc, phạm vào lòng tự tôn dân tộc, xâm phạm đến sông núi nước Nam thì sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại, nhơ nhuốc đến ngàn đời.

Có thể nói, Sông núi nước Nam là lời tuyên bố đanh thép và hùng hồn nhất từ trước đến nay về chủ quyền đất nước. Với ý nghĩa ấy, Sông núi nước Nam xứng đáng là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.

Bản tuyên ngôn ấy kết tinh tất cả tư tưởng và tình cảm, khát vọng và ý chí của cả dân tộc Đại Việt suốt mấy ngàn năm dựng nước giữ nước và toả sáng đến muôn đời.

Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên – Mẫu 3

“Sông núi nước Nam” được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta. Điều đó được thể hiện qua lời khẳng định đanh thép chủ quyền lãnh thổ của quốc gia dân tộc cũng như nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đặng hành khang thủ bại hư”

Trước hết, cần hiểu được rằng Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử được biên soạn với mục đích tuyên bố độc lập của một quốc gia. Văn kiện này thường được viết sau khi giành lại chủ quyền lãnh thổ của quốc gia từ tay của ngoại bang. Đây là một văn bản có tính pháp lý cao trên trường quốc tế. Sông núi nước Nam tương truyền được ra đời vào năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy sang xâm lược nước ta. Vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Bỗng một đêm, quan sĩ nghe từ trong đền thờ hai anh em trương Hống và Trương Hát – hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục được tôn là thần sông Như Nguyệt – có giọng ngâm bài thơ này. Đây là một văn bản đầu tiên được sáng tác nhằm mục đích khẳng định độc lập chủ quyền lãnh thổ dân tộc.

Tham khảo thêm:   Phiếu đánh giá sách giáo khoa lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo Đánh giá SGK lớp 11 năm 2023 - 2024 theo các tiêu chí

Mở đầu bài thơ khẳng định sông núi – có nghĩa là lãnh thổ của đất nước Nam thuộc về vua nước Nam. Đất nước này do một tay vua Nam dựng lên, giang sơn này do một tay vua Nam gìn giữ. Chủ quyền lãnh thổ được ghi chép rõ ràng tại “sách trời” – “Rành rành phân định tại sách trời”. Việc mà bọn chúng xâm phạm đến lãnh thổ nước ta chính làm làm trái lại thiên ý, trái với những gì mà sách trời đã ghi nên. Bởi vậy mà hành động đó là phi nghĩa, trái lại với ý trời.

Nói “Sông núi nước Nam” chính là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc quả là đúng đắn. Bởi chỉ với bốn câu thơ, hai mươi tám từ mà chủ quyền quốc gia đã được khẳng định một cách hào hùng, các triều đại lịch sử được hiện lên một cách đầy uy nghi.

Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với thể thơ hùng hồn, đanh thép, “Sông núi nước Nam” khẳng định chủ quyền một cách đanh thép cùng với tinh thần bất khuất, ý chí sắt đá không thể lay chuyển nổi của quân dân ta. Không chỉ là lời khẳng định đanh thép về độc lập chủ quyền, mà “Sông núi nước Nam” còn là lời khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền đó. Hai câu cuối của bài thơ thể hiện tinh thần sắt thép của hàng triệu nhân dân Việt Nam trường tồn qua biết bao thế hệ. Đó là thứ tinh thần vững chắc không có gì lay chuyển được tồn tại trong dòng máu của mỗi con người Việt Nam. Kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm, sẵn sàng đứng lên theo tiếng gọi Tổ Quốc. Ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền khỏi tay mọi giặc thù được thể hiện trong mỗi linh hồn Việt Nam từ già, trẻ, lớn, bé ai cũng sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc lâm nguy. Câu hỏi tu từ “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?” giống như một lời răn đe, cảnh cáo cho những kẻ xâm lược đi xâm lược lãnh thổ là đang làm trái ý trời. Và từ đó, câu thơ cuối cùng vang lên đầy đanh thép. Những kẻ đi xâm lược, cướp nước của dân tộc khác sẽ không có được kết thúc tốt đẹp. Giọng thơ dõng dạc, hùng hồn, đanh thép nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Sau “Sông núi nước Nam” còn có “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Bản tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh được xem là những áng văn chính trị có giá trị dân tộc sâu sắc. Cả ba tác phẩm đều đã khẳng định được chủ quyền lãnh thổ là một vấn đề quan trọng đối với quốc gia dân tộc.

Như vậy, có thể khẳng định “Sông núi nước Nam” là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên. Lời thơ hùng hồn, giọng điệu đanh thép xứng đáng là bài thơ thần của dân tộc.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Chứng minh Sông núi nước Nam là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên Dàn ý & 3 bài văn mẫu lớp 7 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *