Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 7: Phân tích bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 7 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê của Hạ Tri Chương đã khắc họa tình yêu quê hương thắm thiết của một người sống xa quê lâu ngày, nay được trở về quê cũ. Tác phẩm được học trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

Phân tích bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê
Phân tích bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Wikihoc.com sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Phân tích bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê, vô cùng hữu ích.

Dàn ý phân tích bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

I. Mở bài

Giới thiệu về tác giả Hạ Tri Chương, bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”.

II. Thân bài

1. Hai câu đầu: Sự thay đổi của nhân vật trữ tình khi trở về quê hương

– Câu thơ mở đầu nói về một nghịch cảnh: Lúc rời khỏi quê hương vẫn còn trẻ, nhưng khi trở về thì đã có tuổi – đã già rồi. Qua đó người đọc thấy được khoảng thời gian xa quê của nhân vật trữ tình là rất dài. Đồng thời thể hiện sự day dứt, nuối tiếc khi đến gần đến cuối cuộc đời mới có thể trở về quê.

– Sự đối lập: “Giọng quê không thay đổi” nhưng “mái tóc đã điểm bạc”. Suốt nhiều năm bôn ba nơi đất khách quê hương, tuổi tác có thể làm thay đổi vẻ bên ngoài (mái tóc đã bạc trắng) nhưng những gì thuộc về gốc gác quê hương (giọng nói, tấm lòng) vẫn không thể thay đổi. Đó chính là tình cảm thủy chung son sắc của nhà thơ dành cho quê hương.

=> Hai câu đầu đã khái quát được quãng thời gian đằng đẵng xa quê của nhà thơ. Đồng thời bộc lộ nỗi niềm xót xa, nhớ mong của nhân vật trữ tình.

2. Hai câu sau: Sự thay đổi của quê hương sau nhiều năm nhân vật trữ tình trở về quê

– Sau nhiều năm trở về quê hương, đáng lẽ ra nhân vật trữ tình phải nhận được sự chào đón của những người dân quê. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

– Câu hỏi hồn nhiên của đứa trẻ: “Khách tòng hà xứ lai? (Khách ở nơi nao đến?). Thời gian qua đi, giờ đây những bạn bè, người thân cũ không còn tin tức nữa. Khi trở về chỉ có những đứa trẻ ra đón với một câu hỏi vừa ngây thơ vừa chân thật.

– Từ “khách” đã chỉ ra một thực tế xót xa: Một người con của quê hương, sau bao nhiêu năm mới trở về đã trở thành con người xa lạ. Dường như, con người ấy đã trở nên lạc lõng ngay chính trên mảnh đất gắn bó máu thịt của mình.

=> Hai câu cuối đã xây dựng tình cảnh của nhân vật trữ tình đầy hóm hỉnh mà cũng thật xót xa.

III. Kết bài

Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê.

Phân tích bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê – Mẫu 1

Hạ Tri Chương là một thi sĩ lớn đời Đường. Quê hương của ông ở tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc. Ông thi đỗ tiến sĩ năm ba mươi sáu tuổi, là đại quan của triều Đường được nhà Vua và quần thần rất trọng vọng. Thơ ông chan chứa lòng yêu quê hương đất nước. Một trong những bài thơ đặc sắc về chủ đề này được người đời truyền tụng là Hồi hương ngẫu thư:

“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?”

Cũng như Lý Bạch, Hạ Tri Chương xa quê từ lúc còn nhỏ. Quê hương với bao kỉ niệm thân thương, gần gũi với tuổi thơ ấu của mỗi người. Có lẽ chẳng mấy ai muốn xa quê, nơi đã gắn bó thành máu, thành hồn. Mở đầu bài thơ bằng thủ pháp tiểu đối đã nêu lên một cảnh ngộ. Đó là tác giả phải từ biệt gia đình từ lúc ấu thơ, từ nhỏ không được sống ở quê. Nơi đất khách quê người gợi bao buồn khổ. Rồi đến khi tóc đã pha sương mới có dịp được trở về:

“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi”

(Khi đi trẻ, lúc về già)

Xa quê từ ngày còn thơ bé, khi trở lại đã già rồi. Thời gian cách biệt không phải là ba năm, mười lăm năm mà hơn nửa thế kỉ, gần một đời người sao lại không thương nhớ? Cảnh ngộ ấy là bi kịch của vị quan đời Đường trên con đường công danh. Cuộc đời đầy sóng gió, con người ta với một lần sinh ra và một lần vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng. Do vậy cuộc sống của họ luôn cố gắng phấn đấu cho được một chút công danh. Với Hạ Tri Chương công danh đã thành đạt nhưng phải ly gia, xa quê nhà yêu dấu của mình. Có thể nói rằng đây chính là khối sầu, là một nỗi đau của bất cứ ai lâm vào cảnh ngộ này.

Tham khảo thêm:   Hoạt động trải nghiệm 10: Trách nhiệm với gia đình Trải nghiệm hướng nghiệp lớp 10 trang 41 sách Cánh diều

“Hương âm vô cải, mấn mao tồi”

Ở đây tác giả dùng phép tiểu đối để khẳng định tình cảm của tác giả với quê nhà. Quê hương trở thành máu thịt, tâm hồn đối với mỗi con người. Nó trở thành một phần cuộc đời của mỗi con người. Do vậy suốt một đời xa quê, mái tóc đã điểm sương, nhuốm màu của thời gian, gió sương cát bụi phong trần, nhưng hương âm (giọng quê) vẫn không thay đổi. Giọng quê chính là hơi thở, tiếng nói của quê hương. Trong giọng nói ấy mang hơi thở của đất mẹ, của quê cha đất tổ mà dẫu ở phương trời nào cũng không thay đổi. Chi tiết này cho thấy tình cảm của tác giả luôn gắn bó với quê hương, nơi dòng sữa ngọt ngào, tiếng ru, tình thương của mẹ hiền…Chỉ có những kẻ mất gốc thì mới thay đổi giọng quê, mới coi thường tiếng mẹ đẻ.

Trong cái biến đổi sương pha mái đầu thì cái không đổi “giọng quê vẫn thế” thể hiện tấm lòng chung thuỷ, sắt son với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tình cảm ấy thật đẹp, thật đáng tự hào với Hạ Tri Chương. Hơn nửa thế kỷ làm quan phục vụ triều đình tại Kinh đô Tràng An, đứng trên đỉnh cao danh vọng, sống trong nhung lụa vàng son thế mà tình cố hương trong ông vẫn không thay đổi. Đó là điều đáng kính phục.

Trở về nơi mà gần cả cuộc đời đã xa nó, đương nhiên sẽ gặp những nghịch lý:

“Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?”

Khi đi xa nay trở lại nhà đã trở thành khách lạ, khi đi cũng như lũ trẻ bây giờ, lúc này trở lại đã là bác, là ông. Thời gian xa quê đằng đẵng theo năm tháng. Bạn bè tuổi thơ ngày xưa ai còn ai mất? Có lẽ họ cũng đã “sương pha mái đầu” cả rồi. Ngoảnh lại thời gian ôi đã ngót gần hết một đời người. Thời gian trôi đến không ngờ.

“Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?”

Một câu hỏi hồn nhiên ngây thơ của nhi đồng để lại trong lòng tác giả nỗi buồn man mác bâng khuâng. Tuổi già sức yếu mới trở lại cố hương. Tình yêu quê hương của Hạ Tri Trương đẹp đẽ biết bao. Ta còn nhớ Tố Hữu đã từng viết:

“Ngày đi, tóc hãy còn xanh
Mai về, dù bạc tóc anh, cũng về!”

(Nước non ngàn dặm)

Bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” là một bài thơ hay gợi cho ta nhiều xúc động. Tác giả sử dụng tiểu đối thành công, tạo nên những vần thơ hàm súc, gợi cho người đọc bao liên tưởng về nỗi lòng của khách ly hương. Bài thơ là tiếng lòng của Hạ Tri Chương, yêu quê hương tha thiết, thuỷ chung, thấm đẫm trên từng vần thơ.

Phân tích bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê – Mẫu 2

Cùng nói về chủ đề nhớ quê hương, Lý Bạch trong bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” với giọng văn nhẹ nhàng mà thấm thía cho người đọc thấy tình cảm của người con thấy trăng mà nhớ về quê hương. Còn trong bài “Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương” lại đem đến cho người đọc những cảm xúc, tình cảm mới mẻ, đặc sắc riêng.

Tác phẩm được ông viết sau hơn năm mươi năm xa cách quê hương, cho đến những ngày cuối đời, ông từ quan trở về quê nhà. Tác phẩm không chỉ thể hiện tình yêu quê hương tha thiết mà còn thể hiện nỗi xót xa, ngậm ngùi khi trở về quê nhà.

Hai câu thơ đầu nêu lên hoàn cảnh về quê: “Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi/ Hương âm vô cải mấn mao tồi”. Câu thơ là kể mà thực chất là để bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng: Khi đi tuổi trẻ, cống hiến hết sức mình cho đất nước, khi trở về đã là ông lão râu tóc bạc trắng. Nghệ thuật đối lập: “thiếu tiểu – lão đại”, “li gia – hồi” càng khiến nỗi xót xa trở nên đậm nét hơn. Nửa đời người ông đã xa quê hương, nay trở về thời gian được sống, được gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn còn lại vô cùng ngắn ngủi. Bởi vậy câu thơ vang lên như một lời thở than đầy ngậm ngùi. Câu thơ thứ hai thể hiện rõ nhất tình yêu quê hương của ông. Câu thơ này ông tiếp tục sử dụng nghệ thuật đối: “hương âm – mấm mao”, “vô cải – tồi”. Bao trùm lên toàn bộ câu thơ là sự tương phản, đối lập giữa cái đổi thay và cái không đổi thay. Thời gian có thể làm thay đổi ngoại hình, diện mạo, sức khỏe, tuổi tác của một con người nhưng không thể làm mất đi hồn cốt quê hương trong con người ấy. Hạ Tri Chương cũng như vậy, dù nửa đời người phải xa cách quê hương, mái tóc đã pha sương nhưng có một thứ duy nhất không thay đổi, chính là giọng quê. Tác giả đã lấy cái thay đổi để làm nổi bật lên cái không thay đổi, từ đó khẳng định tình cảm gắn bó máu thịt, bền chặt của mình với quê hương.

Hai câu thơ cuối tạo ra tình huống bi hài:

“Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai”

Xa quê đã lâu ngày, trẻ con nhìn thấy không chào cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dù thế, rơi vào tình huống đó lòng ông cũng không khỏi ngậm ngùi, chua xót. Câu thơ phảng phất nỗi buồn sau nụ cười đùa vui, hóm hỉnh.

Tham khảo thêm:   Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn bằng hình thức phạt cảnh cáo Ban hành theo Thông tư số 10/2014/TT-BTC về hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

Ta có thể thấy sự chuyển đổi giọng điệu giữa hai câu đầu và hai câu sau khá rõ nét. Nếu như hai câu đầu chủ yếu mang giọng khách quan, cái ngậm ngùi chỉ được thể hiện ngầm ẩn. Dấu ấn thời gian in đậm nét trong các câu thơ, mọi thứ đều thay đổi duy chỉ có giọng quê là vẫn giữa nguyên. Trong hai câu sau hoàn cảnh trở nên ngang trái, trớ trêu: nhà thơ trở thành khách trên chính quê hương của mình. Sự tươi tỉnh, hồn nhiên, cùng câu hỏi của bọn trẻ đã làm rõ hơn sự thay đổi của con người, của quê hương. Như vậy, ẩn sau giọng điệu bi hài, hóm hỉnh là cảm giác buồn bã, ngậm ngùi của một người con luôn tha thiết yêu quê hương.

Bài thơ có kết cấu độc đáo, giữa hai phần tự nhiên, hợp lý, gây được bất ngờ cho người đọc. Tác giả vận dụng nghệ thuật đối tài tình cho thấy sự đổi thay của nhiều yếu tố song chỉ có tình yêu quê hương của tác giả là không đổi. Ngôn ngữ dồn nén, giàu sức biểu cảm.

Với lớp ngôn từ vừa đùa vui, hóm hỉnh vừa ngậm ngùi, buồn bã đã cho thấy tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của tác giả. Qua tác phẩm này ta cũng thấy được tình yêu quê hương là một tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng.

Phân tích bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê – Mẫu 3

Hạ Tri Chương được đánh giá là người có tâm và có tầm. Sớm xa quê hương từ khi còn rất nhỏ. Đến khi về già mới trở về nơi chôn rau cắt rốn sau năm mươi năm xa cách đã khiến tác giả viết bài thơ Hồi hương ngẫu thư – Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê thể hiện nỗi nhớ quê hương sâu nặng và cả sự buồn bã, tâm trạng đau thương của một người con xa xứ.

Hai câu thơ đầu, tác giả kể lại câu chuyện hồi hương sau năm mươi năm xa cách:

“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi”

Tác giả sử dụng hàng loạt tính từ đối lập: “thiếu tiểu – lão đại”, “li gia – hồi”. Cả một đời người, khi đi chỉ là cậu thiếu niên, đến khi trở về, mái tóc đã bạc phơ, thân đã là một “lão đại” dạn dày sương gió. Người đọc còn nhận thấy cả chút tự trách, tự vấn lương tâm rằng tại sao bản thân không về thăm nhà lấy một lần trong ngần ấy năm. Câu thơ tuy không có lời nào thể hiện hàm ý buồn thương, nhưng cách viết nhấn mạnh sự đối lập khoảng thời gian cho người đọc thấy được nỗi tự trách, bận rộn một đời cho đến tận khi không còn nơi để đi mới ngậm ngùi trở về. Đến câu thơ thứ hai, dòng xúc cảm nồng nàn với quê hương được bộc lộ một cách cảm động, chân thực:

“Hương âm vô cải, mấn mao tồi”

Một lần nữa, nghệ thuật đối lập được sử dụng liên tiếp “hương âm – mấn mao”, “vô cải – tồi”. “Hương âm” được dịch là “giọng quê”, giọng nói đặc trưng của quê hương qua năm tháng dãi dầu, bôn ba vẫn không hề phai nhạt. Thời gian có thể bào mòn con người, ngoại hình có thể cằn cỗi, tư tưởng có thể chuyển dời, nhưng cái chất thôn quê thuần túy không bao giờ có thể đổi thay. “Mấn mao tồi”, cái thay đổi ở đây chính là bản thân nhà thơ, thay đổi về hình dáng, về tuổi tác. Tuy vẫn là người con của quê hương, nhưng mái đầu xanh nay đã bạc, tuổi tác nay đã già, sức khỏe cũng đã suy yếu. Hai hình ảnh đối lập trong cùng câu thơ cốt để khẳng định rằng, dù cho có phải xa cách về thời gian hay địa lý, bản chất quê hương trong máu thịt vẫn không bao giờ thay đổi, khẳng định sự gắn kết, bền bỉ và tình yêu quê lớn lao, da diết.

Hai câu thơ vỏn vẹn mười bốn tiếng nhưng đã bao quát lại cả một đời người với bao thăng trầm sóng gió, nhưng dù vật đổi sao dời, tuổi đời có xế chiều, chức vị có thay đổi thì quê hương vẫn là nơi ta sinh ra và trở về, vẫn dang rộng vòng tay chào đón. Cả đời người xa quê hương xứ sở, tuổi già trở về an hưởng thái bình, vui thú điền viên là mong ước.

Trong dòng cảm xúc bùi ngùi thương nhớ làng quê, tác giả lại gặp phải tình huống dở khóc dở cười khiến bản thân trằn trọc, suy tư. Xa quê lâu ngày, khi trở về, không còn ai nhận ra Hạ Tri Chương ngày nào. Đặt mình vào hoàn cảnh éo le, tác giả vừa bộc lộ cảm xúc, vừa đưa ra bài học triết lý sâu sắc:

“Nhi đồng tương kiến bất tương thức”

(Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai)

Lựa chọn nhân vật là “nhi đồng”, “trẻ con”, để cho đám trẻ cùng quê không nhận ra mình, không biết mình là ai nhằm nhấn mạnh sự xa cách về mặt thời gian. Rời quê từ khi còn nhỏ tuổi, nay trở về gặp đám trẻ cũng trạc tuổi mình hồi ấy, nhưng chúng chẳng nhận ra, chẳng biết mình là ai khiến thi sĩ không khỏi chạnh lòng. Cùng đồng hương đấy, cùng độ tuổi đấy, nhưng mọi thứ đều bị chia cắt bởi thời gian. Bản thân trở thành kẻ xa lạ từ đâu tới ngay trên chính mảnh đất quê hương. Để cho trẻ con lên tiếng, tác giả muốn tự trách mình đã vì cá nhân, vì thỏa chí tang bồng mà quên đi mất nguồn cội. Con nít hồn nhiên lại làm đau lòng người lớn, ẩn sau câu hỏi của lũ trẻ là bài học quý báu về tình cảm quê hương, nhớ về nguồn cội, gốc gác. Tác giả đã nêu ra một triết lý sống sâu sắc rằng, dù có đi đâu, làm gì, dù có quyền cao chức trọng đến mấy, quan trọng nhất vẫn là giữ trọn được nguồn gốc của mình, không bị lai tạp, mất gốc, không quên nơi chôn rau cắt rốn.

Tham khảo thêm:   Đáp án trắc nghiệm tập huấn môn Âm nhạc 7 sách Cánh diều Tập huấn sách giáo khoa lớp 7 Cánh diều năm 2022 - 2023

Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt phổ biến thời Đường, ngôn từ ngắn gọn, hàm ý với nghệ thuật đối lập tương phản, bài thơ gói gọn những hỉ nộ ái ố của tác giả khi về quê an hưởng tuổi già. Trong niềm vui được đoàn tụ là nỗi buồn man mác vì cô đơn, buồn tủi, cuối cùng là tự vấn, tự trách bản thân đã lãng quên nơi sinh thành. Với ngôn từ nhẹ nhàng mà sâu sắc, Hạ Tri Chương đã bộc lộ tình cảm sâu nặng từ tận tâm can đối với quê hương xứ sở cùng dòng cảm xúc buồn vui xen lẫn, để lại cho bạn đọc nỗi băn khoăn, khắc khoải với chính bản thân mình.

Phân tích bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê – Mẫu 4

Hạ Tri Chương là một nhà thơ nổi tiếng của thời nhà Đường của Trung Quốc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là bài “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”. Bài thơ được viết với tâm trạng đau xót khi về quê cũ mà lại bị người ở quê coi là “khách xa xứ” do đã lâu không về quê. Đồng thời nhà thơ cũng bộc lộ tình yêu quê hương tha thiết, sâu đậm:

“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?”

Bài thơ được Hạ Tri Chương sáng tác nhân lúc về thăm quê cũ ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc). Trước hết, ngay từ nhan đề bài thơ đã có sự độc đáo: “Hồi hương ngẫu thư” – Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê. Ở đây, cụm từ “ngẫu nhiên viết” cho thấy không hoàn toàn chủ định viết mà nhân buổi trở về quê hương, đối mặt với sự đổi thay mà viết thành bài thơ bộc lộ tâm tư tình cảm của mình. Qua đó, tác giả bộc lộ tình yêu quê hương tha thiết.

Hai câu thơ đầu, Hạ Tri Chương đã khắc hoạ sự thay đổi của nhân vật trữ tình khi trở về quê hương. Một nghịch cảnh xảy ra đối với nhân vật trữ tình đó là khi rời khỏi quê hương vẫn còn trẻ, nhưng khi trở về thì đã có tuổi – đã già rồi. Qua đó người đọc thấy được khoảng thời gian xa quê của nhân vật trữ tình là rất dài. Đồng thời thể hiện sự day dứt, nuối tiếc khi đến gần đến cuối cuộc đời mới có thể trở về quê. Suốt nhiều năm bôn ba nơi đất khách quê hương, tuổi tác có thể làm thay đổi vẻ bên ngoài (mái tóc đã bạc trắng) nhưng những gì thuộc về gốc gác quê hương (giọng nói, tấm lòng) vẫn không thể thay đổi. Đó chính là tình cảm thủy chung son sắc của nhà thơ dành cho quê hương. Tác giả đã sử dụng phép đối giữa “thiếu tiểu” – “lão đại” (trẻ – già) và “li gia” – “đại hồi” (đi – về) và phép đối giữa giọng quê không đổi (cái không đổi) – tóc đã điểm bạc (cái đã thay đổi). Từ đó ý muốn nhấn mạnh vào sự thay đổi qua thời gian cũng như khẳng định tấm lòng son sắc với quê hương. Như vậy, hai câu đầu đã khái quát được quãng thời gian đằng đẵng xa quê của nhà thơ. Đồng thời bộc lộ nỗi niềm xót xa, nhớ mong của nhân vật trữ tình.

Tiếp đến, nhà thơ khắc họa sự thay đổi của quê hương sau nhiều năm nhân vật trữ tình trở về quê. Nhiều năm sau trở về quê hương, đáng lẽ ra nhân vật trữ tình phải nhận được sự chào đón của những người dân quê. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Câu hỏi hồn nhiên của đứa trẻ: “Khách tòng hà xứ lai? (Khách ở nơi nào đến?) đã cho thấy điều đó. Thời gian qua đi, giờ đây những bạn bè, người thân cũ không còn tin tức nữa. Khi trở về chỉ có những đứa trẻ ra đón với một câu hỏi vừa ngây thơ vừa chân thật. Từ “khách” đã chỉ ra một thực tế xót xa, một người con của quê hương, sau bao nhiêu năm mới trở về đã trở thành con người xa lạ. Dường như, con người ấy đã trở nên lạc lõng ngay chính trên mảnh đất gắn bó máu thịt của mình. Ở hai câu cuối đã xây dựng tình cảnh của nhân vật trữ tình đầy hóm hỉnh mà cũng thật xót xa.

Tóm lại, bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” đã thể hiện tình yêu sâu sắc của một người con xa quê lâu ngày nay được trở về quê.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Phân tích bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê Dàn ý & 4 bài văn mẫu lớp 7 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *