Văn mẫu lớp 8: Phân tích người mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ gồm dàn ý chi tiết, cùng 2 bài văn mẫu. Qua đó,giúp các em học sinh lớp 8 hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của người đàn bà đáng thương, vì những định kiến nghiệt ngã mà phải xa con, tha phương nơi đất khách quê người.
Mặc dù nhân vật người mẹ chỉ xuất hiện chớp nhoáng ở đoạn cuối đoạn trích, qua lời nói của bà cô, trong suy nghĩ của bé Hồng. Thế nhưng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com:
Dàn ý phân tích người mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyên Hồng (đặc điểm con người, các sáng tác tiêu biểu, đặc điểm sáng tác,…).
- Giới thiệu khái quát về đoạn trích Trong lòng mẹ (xuất xứ, khái quát về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)
- Nêu vấn đề: Nhân vật người mẹ trong đoạn trích.
2. Thân bài
– Người mẹ là một người phụ nữ bất hạnh, sống cuộc sống không có hạnh phúc và phải chịu những định kiến, dèm pha của xã hội.
- Mẹ bé Hồng là người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, có khát khao yêu thương và hạnh phúc mãnh liệt nhưng rồi người phụ nữ ấy đã phải chôn vùi tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc của mình “bên người chồng nghiện ngập”, “trong một cuộc hôn nhân miễn cưỡng” không tình yêu.
- Sống trong sự ích kỉ, những hủ tục, định kiến của nhà chồng, đặc biệt là sau khi chồng bà chết.
– Tuy nhiên, ở người phụ nữ ấy ta cũng nhận thấy một cá tính mạnh mẽ, muốn vượt thoát, bước ra khỏi những định kiến, lề lối, hủ tục lạc hậu.
– Người mẹ trong đoạn trích còn là người phụ nữ hết mực yêu thương, quan tâm và lo lắng cho con.
- Người mẹ ấy xa con, phải đi “tha hương cầu thực” nhưng tận sâu trong trái tim, trong nỗi lòng mình lúc nào bà cũng nghĩ về con, lo lắng con sống với gia đình nhà chồng sẽ bị bơ vơ, ghẻ lạnh, hắt hủi.
- Vì yêu con hơn tất thảy mọi thứ, bà đã bất chấp những lời gièm pha, những định kiến mọi người dành cho mình để về thăm con trong ngày giỗ đầu của chồng.
- Tình yêu thương của mẹ được thể hiện một cách rõ nét và chân thực hơn cả qua cảm nhận của bé Hồng khi cậu sà mình vào vòng tay yêu thương ấm nồng của mẹ
3. Kết bài
- Khái quát về nhân vật người mẹ trong đoạn trích và nêu cảm nghĩ của bản thân.
Phân tích người mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ
Nguyên Hồng là một trong số những nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại với nhiều tác phẩm xuất sắc, có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc. Ngay từ những tác phẩm đầu tay của mình, ông đã hướng ngòi bút tới những người có số phận bất hạnh, cùng khổ mà ông dành tình yêu thương thắm thiết. Và có thể nói, tập hồi kí “Những ngày thơ ấu” nói riêng, đoạn trích “Trong lòng mẹ” nói riêng đã thể hiện rõ điều đó. Đọc đoạn trích “Trong lòng mẹ”, người đọc không chỉ không thể nào quên được những tháng ngày tuổi thơ bất hạnh, tủi cực của cậu bé Hồng mà còn sẽ nhớ mãi hình ảnh của người mẹ – một hình ảnh phụ nữ bất hạnh nhưng tràn đầy lòng yêu thương con.
Trước hết, người mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ hiện lên là một người phụ nữ bất hạnh, sống cuộc sống không có hạnh phúc và phải chịu những định kiến, gièm pha của xã hội. Như chúng ta đã biết, mẹ bé Hồng là người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, có khát khao yêu thương và hạnh phúc mãnh liệt nhưng rồi đến cuối cùng, bà đã không có quyền được làm chủ cuộc sống, làm chủ tình yêu của mình, người phụ nữ với trái tim khao khát yêu thương ấy đã phải chôn vùi tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc của mình “bên người chồng nghiện ngập”, “trong một cuộc hôn nhân miễn cưỡng” không tình yêu. Không dừng lại ở đó, bà còn phải sống trong sự ích kỉ, những hủ tục, định kiến của nhà chồng, đặc biệt là sau khi chồng bà chết. Người mẹ ấy vì nợ nần, vì quá túng quẫn mà phải gửi con đi tha hương cầu thực. Và đặc biệt, khi bà xuất giá lần nữa, cả nhà chồng coi đó là điều nhục nhã và rồi dành cho bà mọi lời cay nghiệt, thậm chí gieo rắc và bé Hồng những suy nghĩ không tốt về mẹ mình. Như vậy, người mẹ trong tác phẩm xét đến cùng là người phụ nữ điển hình trong xã hội xưa: chấp nhận nghe theo lời của bố mẹ trong cuộc hôn nhân không tình yêu và sống theo những lề lối cũ. Tuy nhiên, ở người phụ nữ ấy ta cũng nhận thấy một cá tính mạnh mẽ, muốn vượt thoát, bước ra khỏi những định kiến, lề lối, hủ tục lạc hậu. Điều đó thể hiện rõ nét qua việc khi chồng mất, bà quyết định đi thêm bước nữa để tự cởi trói cho bản thân mình.
Thêm vào đó, người mẹ trong đoạn trích còn là người phụ nữ hết mực yêu thương, quan tâm và lo lắng cho con. Người mẹ ấy xa con, phải đi “tha hương cầu thực” nhưng tận sâu trong trái tim, trong nỗi lòng mình lúc nào bà cũng nghĩ về con, lo lắng con sống với gia đình nhà chồng sẽ bị bơ vơ, ghẻ lạnh, hắt hủi. Và có lẽ, chính vì yêu con hơn tất thảy mọi thứ, bà đã bất chấp những lời dèm pha, những định kiến mọi người dành cho mình để về thăm con trong ngày giỗ đầu của chồng “Đến ngày giỗ đầu thầy tôi, tôi không viết thư gọi mẹ tôi cũng về. Mẹ tôi về một mình mang theo rất nhiều quà bánh cho tôi và em Quế tôi.” Và có lẽ, tình yêu thương của mẹ được thể hiện một cách rõ nét và chân thực hơn cả qua cảm nhận của bé Hồng khi cậu sà mình vào vòng tay yêu thương ấm nồng của mẹ “Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường. Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người miệng, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.”
Tóm lại, đọc đoạn trích Trong lòng mẹ, người đọc sẽ cảm nhận được sâu sắc về người mẹ và tình mẫu tử thiêng liêng giữa mẹ và bé Hồng. Đồng thời, qua đó cũng cho chúng ta thật nhiều suy nghĩ về mẹ và tình mẫu tử.
Phân tích nhân vật người mẹ trong tác phẩm Trong lòng mẹ
Sinh ra trên đời, ai cũng có một người mẹ để yêu thương. Người mẹ ấy không chỉ cho ta sự sống mà còn nuôi dưỡng, chở che, bao bọc cho ta. Dù trên đường đời có bao gian khó thì khi quay đầu lại, ta vẫn thấy bóng mẹ lặng thầm dõi theo, có lẽ đó chính là sự cao cả, thiêng liêng của tình mẫu tử. Cũng vì lẽ đó mà tình mẫu tử đã trở thành một đề tài lớn, một nguồn cảm hứng bất tận của thơ văn. Thể hiện một cách xúc động về tình cảm dành cho người mẹ của mình, nhà văn Nguyên Hồng trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã khiến người đọc xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng.
Đoạn trích “Trong lòng mẹ” chủ yếu nói về tình cảm của cậu bé Hồng dành cho người mẹ của mình. Hình ảnh người mẹ chỉ xuất hiện thoáng qua trong câu chuyện của bé Hồng với bà cô lạnh lùng, vô tình. Và khi kết thúc đoạn trích cũng chỉ xuất hiện thoáng qua với vài nét mô tả của Nguyên Hồng song người đọc vẫn cảm nhận được con người cũng như tình cảm bao la của người mẹ ấy dành cho những đứa con của mình.
Trước hết, người mẹ ấy hiện lên với vẻ cam chịu, sống thầm lặng hi sinh vì con cái. Vì hoàn cảnh mà người mẹ trẻ của Nguyên Hồng phải chấp nhận lấy một người đàn ông lớn tuổi. Cuộc sống vợ chồng cũng không mấy thuận lợi, người mẹ trẻ này luôn phải sống nhẫn nhịn, chịu đựng vì người chồng hay rượu chè, cờ bạc. Tuy nhiên, cuộc sống đầy bất hạnh bên người chồng vũ phu, “nhiều tật” ấy không được mọi người trong gia đình chồng thông cảm, sẻ chia, mà ngược lại, mẹ của bé Hồng thường xuyên bị đả kích bởi những lời bóng gió, những ghen ghét, đố kị của bà cô chồng.
Khi người chồng chết đi, người mẹ trẻ ấy đã đi bước nữa và bỏ con mà đi tha phương nơi đất khách. Bởi người mẹ ấy không thể chịu đựng được sự ghẻ lạnh, khinh miệt tàn nhẫn của nhà chồng. Ta cũng thấy được sự bất công trong đối xử với người mẹ ấy. Cuộc sống hôn nhân với bố Hồng đã vô cùng đau khổ, nhưng ngay cả khi chồng chết, chị ta cũng không có cho mình cái quyền được mưu cầu hạnh phúc, ngược lại còn phải chịu những hắt hủi, những lời nói độc địa của nhà chồng. Vì quá sức chịu đựng, không còn cách nào khác mà phải đi đến con đường tha phương. Dứt ruột mà bỏ những đứa con thơ mà đi, trong lòng người mẹ ấy cũng rất đau đớn, chưa một phút giây nào thôi nhớ về những đứa con của mình.
Dù đã ra đi nhưng người mẹ trẻ ấy vẫn bị bủa vây bởi những lời nói độc địa mà bà cô chồng cố gieo rắc vào đầu bé Hồng – Những đứa con đáng thương của người mẹ ấy. Người cô chồng cũng chỉ là một đại diện cho những định kiến xã hội nghiệt ngã dành cho người mẹ ấy. Trong cái định kiến xã hội tàn nhẫn ấy, người mẹ này không có quyền được hạnh phúc, khi chồng chết, dù có bị nhà chồng đày đọa, ghẻ lạnh thế nào thì cũng không được quyền phản kháng mà phải ở vậy nuôi con.
Tuy nhiên, người mẹ ấy cũng rất mạnh mẽ, chị ta không mãi cam chịu cuộc sống “tù đầy” nơi nhà chồng đầy khắc nghiệt nữa, chị ta đã dũng cảm tìm hạnh phúc cho riêng mình, biết đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc ấy. Biết là phải đối mặt với những gian nan, với những định kiến nghiệt ngã nhưng người mẹ trẻ ấy vẫn quyết đối mặt, mù phải sống cuộc đời bươn chải, vất vả nhưng vẫn sẵn sàng đánh đổi để được tự do. Nghị lực ấy, sức sống ấy ở người mẹ trẻ khiến ta thật cảm phục.
Người mẹ trẻ ấy cũng có những người con thật tuyệt vời. Lòng thương mẹ của bé Hồng sâu nặng đến mức những lời nói độc ác, tàn nhẫn có chủ tâm của người cô không thể tác động, xâm phạm đến tình thương mà cậu bé dành cho mẹ. Người mẹ tuyệt vời này đã sinh ra những đứa con tuyệt vời. Tuy chỉ được miêu tả thoáng qua, hình ảnh người mẹ ở trong tác phẩm thật mờ nhạt bởi những nét phác thảo mơ hồ nhưng lại để lại dấu ấn vô cùng sâu đậm trong lòng người đọc.
Người mẹ ấy luôn nhớ về những đứa con của mình, ở nơi đất khách nhưng chưa phút giây nào nỗi nhớ ấy khuây khỏa trong lòng. Người mẹ ấy cũng là người có tình, có nghĩa. Dù sống bên bố của Hồng là một cuộc hôn nhân không có hạnh phúc nhưng khi đến ngày giỗ của ông ta, mẹ của bé Hồng vẫn quay về. Hình ảnh người mẹ hiền dịu, ôm ấp bé Hồng trong lòng thật khiến cho người ta cảm động. Chỉ qua vài động tác vuốt ve đầu bé hồng, rồi gãi nhẹ ở sống lưng Hồng thôi ta cũng cảm nhận được bao tình cảm yêu thương từ người mẹ ấy. Vậy là, niềm tin của bé Hồng nơi mẹ không hề uổng công vô ích, bởi người mẹ ấy dù cho không thể ở bên những đứa con của tình thì tình cảm ấy không hề đổi thay.
Như vậy, chỉ bằng vài nét phác thảo thôi, nhưng chân dung người mẹ của bé Hồng cũng hiện lên rõ nét, in đậm được vào tâm trí của người đọc với bao phẩm chất đáng quý, cùng với đó là tình thương vô bờ bến mà chị ta dành cho những đứa con của mình.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 8: Phân tích người mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 8 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.