Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 7: Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn Dàn ý & 8 bài văn mẫu lớp 7 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Đọc sách cần có phương pháp đúng đắn để đạt được hiệu quả cao. Hôm nay, Wikihoc.com sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn.

Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn
Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn

Nội dung của tài liệu sẽ bao gồm dàn ý và 8 bài văn mẫu hay nhất, của học sinh lớp 7, sẽ được đăng tải. Hãy cùng theo dõi ngay sau đây.

Dàn ý nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn

I. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Phương pháp đọc sách đúng đắn.

II. Thân bài

1. Sách là gì?

– Sách trước hết là một dạng văn bản được in ra thành quyển, trong cuốn sách đó có chứa đựng những thông tin chính cần đề cập tới, đó là những kiến thức đã được đúc kết qua nghiên cứu, kinh nghiệm, của nhiều tác giả hoặc ý kiến cá nhân tác giả.

– Hiện nay, sách có:

  • Số lượng khổng lồ,
  • Nhiều thể loại khác nhau, nội dung và hình thức phong phú, đa dạng.
  • Được xuất bản và in ấn khá công phu, nhiều cuốn sách còn được phổ biến trên khắp thế giới…

2. Thực trạng đọc sách

  • Khoa học công nghệ phát triển, thói quen đọc sách giảm dần.
  • Nhiều người đọc sách một cách đối phó và hời hợt…

3. Phương pháp đọc sách

– Đọc sách không nên chú ý đến số lượng, mà cần quan tâm đến chất lượng: Đọc ít mà ngẫm nghĩ để hiểu được nội dung, còn hơn là đọc nhiều mà không đọng lại được gì.

– Đọc sách thì cần lựa chọn sách sao cho phù hợp, đọc làm sao cho cẩn thận, thẩm thấu hết được ý nghĩa của cuốn sách đó. Không xét đến việc đọc sách để giải trí, thì khi đọc sách để nghiên cứu và học tập, việc chọn lựa sách phải thực sự tinh tường. Người đọc cần làm rõ mục đích đọc cuốn sách, tìm hiểu kĩ nội dung sách và tác giả cuốn sách đó để lựa chọn những cuốn sách phù hợp và thực sự bổ ích.

– Khi đọc sách cần có sự suy nghĩ và chiêm nghiệm về nội dung cuốn sách đó. Bản thân người đọc khi đọc một cuốn sách có thể kết hợp ghi chép, thống kê lại những nội dung chính và những nhánh nội dung nhỏ theo một hệ thống mà bản thân cảm thấy dễ hiểu nhất.

III. Kết bài

Khẳng định tầm quan trọng của việc có phương pháp đọc sách thật đúng đắn.

Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn – Mẫu 1

Sách là một kho tàng quý giá, lưu trữ nền văn minh của nhân loại. Để đọc sách đạt được hiệu quả, mỗi người cần phải có phương pháp đọc sách phù hợp, đúng đắn.

Sách có nhiều loại, thuộc mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Trước khi đọc sách, người đọc cần xác định mục đích, nhu cầu để lựa chọn ra một cuốn sách phù hợp. Hơn nữa, quỹ thời gian của con người là có hạn, việc đọc một cuốn sách thu được hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn là đọc nhiều sách mà chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Rõ ràng, việc lựa chọn sách trước khi đọc là một điều cần thiết. Ngay cả khi chúng ta chỉ đọc sách để giải trí nhưng cũng cần lựa chọn cuốn sách phù hợp với sở thích, nhu cầu của bản thân.

Khi đọc sách, người đọc cần “đọc cho kĩ”, tức là vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, vừa đọc vừa chiêm nghiệm để hiểu được cuốn sách đó một cách sâu sắc nhất. Đôi khi, những cuốn sách có dung lượng lớn khiến chúng ta quên ngay sau khi đọc. Vì vậy việc đọc sách kết hợp với ghi chép lại nội dung chính, những vấn đề liên quan đến cuốn sách đó theo một hệ thống cũng là một phương pháp hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng cho tinh thần ham đọc sách. Trong suốt những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Người đã học được nhiều thứ tiếng, đọc được nhiều tác phẩm lớn của các nước. Việc đọc sách đã giúp ích cho người trên con đường tìm đến với con đường cách mạng cộng sản, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Với học sinh, việc đọc sách vô cùng cần thiết. Chúng ta cũng cần đọc sách và tìm ra phương pháp đọc đúng đắn cho bản thân.

Sách là người bạn lớn của con người. Vì vậy, chúng ta cần tích cực đọc sách, có phương pháp đọc sách đúng đắn để đạt được hiệu quả cao nhất.

Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn – Mẫu 2

Sách có vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Nhưng cần phải có phương pháp đọc sách đúng đắn mới có thể để đạt được hiệu quả cao nhất.

Trước tiến, đọc sách cần có một hệ thống rõ ràng. Đọc sách có hệ thống có nghĩa là tìm hiểu vấn đề từ gốc, theo một logic mà các tác giả đã đặt ra và lý giải trong một điều kiện khoa học nào đó. Chính trong quá trình tìm tòi, nghiền ngẫm đó con người có được lòng say mê, ham tìm hiểu cặn kẽ vấn đề để rút ra kết luận hay một vấn đề tâm đắc của mình. Đó cũng là một quá trình sáng tạo, đồng thời giúp ta học tập được phong cách làm việc bền bỉ, kiên trì cách đặt vấn đề, lý giải vấn đề, thậm chí là phản bác lại vấn đề mà tác giả, các nhà khoa học đã đặt ra.

Sách không bao giờ cũ, đó là món hàng đặc biệt của nhân loại sẽ còn tồn tại mãi mãi cùng sự phát triển của nhân loại, bởi nó là một trong những điều kiện thúc đẩy sự phát triển của con người và xã hội. Thế hệ đi trước đã dùng sách để thắp lên ngọn lửa trí thức trong mỗi con người. Bằng cách đó, ngọn lửa sẽ không bao giờ tắt. Vì vậy qua việc đọc sách và những yêu cầu trong việc đọc sách ta đã tự rèn luyện những đức tính cần thiết cho bản thân để tự phục vụ không những cho mục đích mai sau mà còn nâng cao được khả năng tiếp nhận thông tin và kiến thức từ sách.

Như vậy đọc sách là một trong những con đường của học vấn. Đó là một con đường quan trọng và cốt yếu của học vấn, vì từ việc đọc sách ta không những rèn luyện được đạo đức, tính sáng tạo và khả năng tư duy, tiếp nhận những giá trị vật chất lẫn tinh thần của cuộc sống mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại.

Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn – Mẫu 3

Sách là kho tàng của kiến thức của nhân loại. Vì thế ta cần phải đọc sách để có thể mở mang tư duy và khả năng sáng tạo cũng như học hỏi được những kinh nghiệm của người khác và nó cũng có thể giúp ta mở rộng thêm tâm hồn của mình để có thể cảm thông nhiều cho người khác.

Tham khảo thêm:   Bài viết số 2 lớp 10 đề 2: Tưởng tượng một kết thúc khác cho truyện Mị Châu - Trọng Thủy Dàn ý & 8 mẫu bài viết số 2 lớp 10 đề 2

Muốn có được tri thức có trong sách nhất định phải có phương pháp đọc sách hiệu quả. Theo tôi, đọc sách là một việc làm rất cần có kế hoạch. Bởi có nhiều người mặt dù mỗi ngày đều đọc sách nhưng họ không thể nào cảm nhận được những gì tác giả muốn gửi đến cho mình. Ngược lại, có nhiều người mặc dù không đọc sách nhiều nhưng mỗi lần đọc là họ đều có thể cảm nhận được những thông điệp mà tác giả muốn gửi đến một cách sâu sắc và có thể vận dụng nó trong cuộc sống.

Đọc sách theo kế hoạch vẫn chưa đủ giúp ta tích lũy tri thức. Các thể loại sách trên thế giới hiện nay là nhiều vô số kể. Ví dụ như: sách khoa học giúp cho ta hiểu hơn về thế giới xung quanh, sách văn học có chỉ ra cho ta thấy những vẻ đẹp bấy lâu nay đã ẩn chứa trong chúng ta và các thể loại sách kỹ năng sống giúp cho ta biết làm thế nào để sống đúng, sống đẹp.

Chính vì có quá nhiều loại sách như vậy nên chúng ta cũng cần tự vạch ra cho mình một kế hoạch và cũng như thời gian phù hợp để có thể đọc được những cuốn sách hay ấy. Theo tôi, thời gian đọc sách của các bạn nên tùy vào từng mục đích. Ví dụ như nếu bạn muốn nhanh chóng hoàn thành một cuốn sách trọn vẹn trong thời gian ngắn nhất thì bạn nên tự đặt ra cho mình một cột móc thời gian bắt bản thân hoàn thành nó tùy vào độ dày và nội dung của quyển sách ấy.

Đối với nhiều người, mỗi địa điểm đọc sách lại cho ta một cung bậc cảm xúc khác nhau khi đọc sách. Nhưng đối với tôi, tất cả mọi địa điểm đều như nhau. Chỉ cần bạn có hứng thú đọc sách thì trong bất kì môi trường nào bạn cũng có thể tạo cho mình một sự tập trung cần thiết cho việc đọc sách của bạn.

Cách bạn đọc sách sẽ quyết định hiệu quả của việc đọc. Mỗi lần tôi đọc sách, tôi không chỉ nhìn vào những con chữ và đọc theo nó. Mà tôi lúc nào cũng cố gắng hóa thân vào chính nhân vật trong câu chuyện đang đọc cũng như tự tạo dựng nên một bối cảnh trong trí tưởng tượng của mình để có thể thấu hiểu được nội dung câu chuyện cũng như những thông điệp mà tác giả muốn gửi đến cho chúng ta.

Sau khi đã hoàn thành xong một quyển sách, điều đầu tiên bạn cần làm là vận dụng những gì bạn đã học được và áp dụng nó vào trong đời sống một cách hiệu quả nhất. Hoặc bạn có thể tìm đến những người đã từng đọc qua hay đang trong quá trình đọc quyển sách mà bạn mới hoàn thành để có thể trao đổi thêm những gì mà bạn chưa hiểu hay muốn hiểu thêm về vấn đề nào đó trong quyển sách mà bạn không thể nào nắm bắt được những ý đồ của tác giả.

Ví dụ khi đọc truyện “Tôi là Bêtô” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, các đọc giả sẽ có thể hiểu rõ hơn về đời sống nội tâm của các chú cún con trong nhà của mình khi tác giả đã khéo léo dựng lên những tình huống vô cùng thú vị nhưng cũng vô cùng thân thuộc với chúng ta. Qua câu chuyện này, Nguyễn Nhật Ánh mặc dù không hề có định hướng giáo dục, ông cũng không phát đi những thông điệp nào cả, mà nó cứ thấm vào lòng trẻ thơ một cách tự nhiên không thể nào từ chối được. Ta có thể nói Nguyễn Nhật Ánh là một người lớn nhưng lại có tâm hồn như một đứa trẻ, Những câu chuyện thường ngày cứ thế trôi, nhưng khi nhìn lại những người đã từng sống trong khoảnh khắc ấy sao nhớ quá.

Đọc sách là cả một nghệ thuật. Hãy đọc sách bằng cả tâm hồn của mình, vừa đọc vừa ngẫm ngợi. Để rồi khi gấp cuốn sách lại thì tôi có thể tưởng tượng đến cái thế giới tràn ngập những tiếng cười cùng với vô vàn những điều hồn nhiên. Cảm ơn Nguyễn Nhật Ánh đã cho tôi những câu truyện cổ tích ngay đời thường giúp cho cuộc sống của bao học sinh cũng như những người trưởng thành trở nên tươi đẹp hơn.

Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn – Mẫu 4

Người ta thường nói, sách là kho tàng tri thức của nhân loại: “Gặp được một quyển sách hay nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần đến nó”. Vậy cần có phương pháp đọc sách như thế nào mới đúng đắn?

Sách là nguồn cung cấp tri thức khổng lồ mà ta sẽ khó có thể khai thác hết. Có rất nhiều các loại sách: sách khoa học, sách văn học, sách kinh doanh… Mỗi loại sách đó sẽ cho ta những kiến thức và hiểu biết khác nhau và phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Doanh nhân sẽ tìm sách kinh doanh để đọc. Bác sĩ sẽ đọc sách về ngành y. Còn học sinh chúng ta nên đọc những loại sách khoa học, văn học và lịch sử để bổ sung kiến thức về các môn học. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại sách có những nội dung không văn minh. Vậy nên, việc chọn sách để đọc là vô cùng quan trọng, bởi những kiến thức trong sách sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và suy nghĩ của chúng ta.

Việc đọc sách không chỉ giúp chúng ta mở rộng hiểu biết về chuyên môn mà sách còn giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Sách dạy ta đạo làm người, cách đối nhân xử thế với cha mẹ và những người xung quanh. Sách dạy ta phải sống lương thiện và sống có ích. Ngoài ra sách còn dạy ta biết yêu thương bản thân mình và yêu thương nhân loại. Sách giúp ta biết khóc khi gặp những cảnh ngộ đáng thương bằng cách đi theo từng diễn biến tâm trạng của những nhân vật trong chuyện. Sách khiến ta biết cười để thấy tâm hồn mình rộng mở và chào đón những điều tốt đẹp sẽ đến với ta.

Để tiếp nhận được những kiến thức trong sách ta phải có phương pháp đọc sách đúng đắn. Đầu tiên, bạn nên đọc lướt để biết được nội dung chính của cuốn sách. Sau đó, bạn đọc kỹ từng câu từng từ để hiểu được một cách kỹ càng của từng chi tiết. Chúng ta không chỉ đọc một lần mà phải đọc đi đọc lại nhiều lần, có như vậy ta mới hiểu được nội dung cuốn sách một cách thấu đáo. Khi đọc sách, bạn nên tập trung chứ không nên vừa làm việc khác vừa đọc sách, vì như vậy bạn sẽ có cái nhìn không tổng thể và khó có thể hiểu được từng nội dung. Nói cách khác, chúng ta cần có cái tâm khi đọc sách, khi đó ta mới có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng mà các tác giả muốn truyền đạt thông qua từng cuốn sách.

Mỗi ngày, bạn nên dành cho mình ít nhất ba mươi phút để đọc sách. Bạn sẽ thấy có rất nhiều điều thú vị và còn rất nhiều thứ chúng ta phải học. Sách sẽ dạy chúng ta tất cả những gì chúng ta muốn học. Hãy chịu khó đọc sách để hoàn thiện kiến thức và kỹ năng cũng như nuôi dưỡng tâm hồn của chính mình.

Việc đọc sách đối với mỗi người là vô cùng quan trọng. Bởi sách là nguồn tri thức quý giá mà nhân loại đã trao tặng cho bạn. Hãy biết trân trọng từng quyển sách.

Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn – Mẫu 5

Đọc sách là công việc vô cùng cần thiết với mọi người, đặc biệt là đối với các bạn học sinh. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, mình đã biết đọc sách đúng cách hay chưa?

Tham khảo thêm:   Cách khắc phục lỗi khi chơi game Ngạo Kiếm Vô Song 2

Khi bạn viết và nói, bạn phải dùng đến tư duy nhiều hơn, còn đọc sách là đọc lại những tư duy của người khác, dẫn đến việc bạn thường bị động và khó tập trung được. Nên nhớ rằng, nếu muốn kiến thức là của mình, thì bạn cũng phải tư duy về nó, phải tập trung thì mới có thể có hiệu quả cao được. Tập trung là tâm thế cần thiết nhất cho bất kì công việc nào, và đọc sách cũng vậy bạn nhé.

Có nhiều người cho rằng đọc chậm rãi và kỹ lưỡng là đúng đắn, nhưng trái lại, điều đó lại chính là hạn chế rất lớn. Hiệu quả nhất là việc biết được chỗ nào nên đọc nhanh, đọc lướt và chỗ nào nên đọc chậm, nghiền ngẫm để hiểu. Nếu như bạn đang cầm trên tay một lượng kiến thức vô cùng lớn, điều cần phải làm không phải là đọc kỹ từng từ một, mà bạn hãy đọc lướt qua để lấy kiến thức, chỉ nên đọc kỹ những câu mang nội dung thông tin cần thiết. Theo tính toán cho thấy, đọc lướt sẽ nhanh hơn gấp ba, bốn lần việc bạn đọc chậm và đọc kỹ từng từ.

Một số bạn có thói quen đọc to thành tiếng, điều đó tưởng chừng như tích cực, nhưng hóa ra nó lại là điều không nên làm. Chúng ta nên đọc bằng não, đọc và suy ngẫm, không nên phát ra thành tiếng vì như vậy tốc độ đọc của bạn sẽ giảm đi một nửa.

Hiểu và nhớ kiến thức là cái đích mà chúng ta hướng đến khi đọc sách, nhưng bạn chớ tham lam mà muốn thuộc hết 100% nội dung cuốn sách. Theo nghiên cứu cho rằng, sau một tuần, khối lượng kiến thức đọng lại trong đầu chỉ còn 30%, và sau một năm nó giảm xuống còn 10%. Bạn chỉ nên đọng lại trong đầu mình những ý chính cô đọng và cần thiết cho mục đích của bạn, chỉ cần như vậy đã là thành công rồi.

Đọc ngược lại và tìm hiểu kỹ vấn đề chưa hiểu rồi mới đọc tiếp – đây là lỗi sai rất thường xuyên xảy ra trong vô thức với các bạn. Có những kiến thức mà đọc mãi không hiểu, dẫn đến việc bạn hay lật dở trở lại xem mình có đọc sót chỗ nào không. Đừng lo lắng và nản chí, bạn hãy cứ đọc tiếp nhé. Sách là một chỉnh thể hoàn chỉnh, có những kiến thức mà chỉ khi bạn đọc đến hết những dòng cuối cùng của sách mới có thể hiểu được.

Quên không ghi chú, gạch chân – đây là một lỗi sai rất nghiêm trọng. Trí nhớ con người là hữu hạn, ta không thể cùng một lúc nắm bắt được tất cả mọi thứ. Những từ in nghiêng, những dòng ghi chú, những chỗ gạch chân là trợ thủ đắc lực trong việc nắm bắt kiến thức. Một ngày nào đó lật giở lại cuốn sách, thay vì việc đọc lại từ đầu, nếu như bạn đã ghi chú và gạch chân những phần cần thiết, bạn sẽ thấy việc đọc chẳng hề khó khăn như mình nghĩ đâu.

Đây là thói quen rất phổ biến của các bạn. Bởi có thể vừa nghỉ ngơi, lại vừa thư giãn đọc sách được, chỉ cần trong tay có một cuốn sách là có thể thực hiện việc đọc của mình. Nhưng nếu muốn đọc sách để lấy kiến thức mà lại nằm đọc và đọc trước khi đi ngủ, thì không những bạn không thu lại được gì mà đó lại chính là liều thuốc ngủ hữu hiệu nhất với bạn đó. Muốn thu lượm được nhiều nhất, bạn nên ngồi ngay ngắn, nghiêm túc và hãy tự cam kết với bản thân mình, phải đọc xong mới được phép đi ngủ nhé.

Chỉ khi bạn thay đổi tư duy về việc mình làm, quyết tâm đối với việc đọc của mình, thì việc đọc sách mới có thể có hiệu quả cao.

Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn – Mẫu 6

Đọc sách là một việc làm cần thiết đối với mỗi người, nhất là các bạn học sinh. Vậy chúng ta phải đọc thế nào cho đúng?

Trước tiên, phải xác định mục đích đọc sách để tìm được một cuốn sách phù hợp. Lựa chọn một cuốn sách cần phải chú ý đến mục lục, nó cần phản ánh dàn ý chung và đơn giản của nội dung, đôi khi còn phản ánh cả dàn ý logic của nó. Bước này giúp bạn giải đáp được câu hỏi: “Cuốn sách có những nội dung gì, theo trật tự nào?”. Xem lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu. Bạn đọc lời giới thiệu hay lời tựa để biết cuốn sách đề cập đến vấn đề gì, đối tượng nào sử dụng cuốn sách có ích hơn cả và phương pháp đọc có hiệu quả. Sách đã và đang tồn tại ở rất nhiều hình thức khác nhau: ký tự khắc trên đá, trên thẻ tre, in trên giấy… nhưng đều với mục đích chung là lưu giữ và phổ biến kiến thức của nhân loại. Khi đọc những sách về chủ đề khoa học, lịch sử, địa lý… chúng ta sẽ biết được thêm nhiều kiến thức mới mẻ về các lĩnh vực trong cuộc sống. Trong thực tế, không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu và nâng cao kiến thức, đọc sách còn bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm tốt đẹp, giúp chúng ta hoàn thiện về mọi mặt. Sách giúp chúng ta rèn luyện khả năng tưởng tượng, liên tưởng và sáng tạo. Ngoài ra, việc đọc sách sẽ giúp chúng ta nâng cao khả năng ngôn ngữ của cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài. Nhờ những cuốn sách, chúng ta có thể viết đúng chính tả, đúng ngữ pháp và nói năng lưu loát hơn. Hơn nữa, sách còn là người thầy hướng dẫn ta cách sống tốt, cách làm người đúng đắn.

Thế nhưng, muốn đạt được những lợi ích đó, mỗi chúng ta phải là những người đọc sáng suốt, biết chọn lựa sách phù hợp với mình và phải biết tránh xa những cuốn sách có nội dung xấu xa, đồi trụy. Tóm lại, việc đọc những cuốn sách hay luôn đem đến cho con người những điều bổ ích và cần thiết trong cuộc sống.

Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn – Mẫu 7

“Sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời”. Đọc sách là vô cùng cần thiết nhưng cần phải có một phương pháp đọc đúng đắn.

Sách là sản phẩm tinh thần của con người; là kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Sách là công cụ ghi chép lại những hiểu biết tri thức của con người về mọi lĩnh vực như cuộc sống, con người, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên. Vậy đọc sách là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích lũy mấy nghìn năm, lời dạy mà biết bao người trong quá khứ đã khổ công tìm kiếm mới thu nhận được. Cho nên: “Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại”.

Trước hết, khi đọc sách cần xác định mục đích rõ ràng. Không có mục đích thì việc đọc là vô ích bởi phương pháp đọc sách phụ thuộc vào mục đích đọc sách. Bạn cần phải biết mình đọc sách để làm gì, tiếp đến là cần đọc những gì và cuối cùng là đọc như thế nào. Có như vậy, bạn mới có động lực đọc sách và không thấy mệt mỏi hay chán nản. Từ đó cần phải lựa chọn sách để đọc. Tất nhiên là lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của mình. Hãy tránh xa những quyển sách xấu. Sách xấu cũng giống như một người bạn xấu, sớm muộn gì cũng lan nhiễm thói xấu đến mình.

Khi đọc một cuốn sách, đầu tiên phải đọc kĩ phần mục lục sách để biết nội dung sơ lược của quyển sách ấy. Việc này rất quan trọng, nó giúp bạn đưa ra quyết định là đọc tiếp hay dừng lại. Nếu bạn quyết định đọc tiếp thì hãy xem lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu: ta đọc giới thiệu hay tựa để biết cuốn sách đề cập đến vấn đề gì, đối tượng nào sử dụng cuốn sách có ích hơn cả và phương pháp đọc có hiệu quả.

Tham khảo thêm:   Những game Roblox giống Squid Game bạn không nên bỏ lỡ

Đừng đọc vội vã, hãy xem lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách. Mục đích của việc xem lời kết luận và tóm tắt của cuốn sách là để thấy rõ nội dung cô đọng nhất, những kết luận chính và sự khẳng định của tác giả đối với những vấn đề đã trình bày. Sau khi đã có được thông tin về nội dung và mục đích cuốn sách, ta sẽ trực tiếp tìm hiểu vào nội dung bằng cách đọc qua một số đoạn, phát hiện những đoạn lí thú, có giá trị.

Để lĩnh hội được những tri thức cần thiết, đạt được mục đích đọc sách, ta cần phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Công việc này đòi hỏi bạn phải có kỹ thuật đọc. Đọc lướt qua nhằm khái quát những khái niệm ban đầu và nội dung của nó trong cuốn sách. Đọc có trọng điểm (hay đọc từng phần): là cách đọc từng đoạn, từng phần đã được lựa chọn từ trước nhằm tập trung sức lực và thời gian cho những nội dung cần thiết, cho một công việc đã được chuẩn bị. Đọc toàn bộ nhằm khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ thể. Đây là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết nhất trong quá trình tự học để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách.

Mỗi cách đọc sách trên đây có thể đáp ứng cho những mục đích đọc và loại sách khác nhau. V. I. Lênin đã khuyên chúng ta: “Sau lần đạc đầu tiên phải ghi lại những chỗ chưa hiểu hoặc chưa rõ ràng để trở lại đọc lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư…”. Nghĩa là cần đọc kĩ, vừa đọc vừa suy ngẫm kỹ càng chứ đừng đọc qua loa, đại khái. Đọc vội vã tuy đọc được nhiều nhưng kiến thức đọng lại chẳng bao nhiêu, chỉ làm tốn thời gian và sức lực mà thôi.

Ngoài ra, ta cần phải tích cực tư duy khi đọc. Đọc có tư duy tích cực là qua đó phải rút ra xem ta học được điều gì từ nội dung cuốn sách, bổ sung hiểu biết gì, kinh nghiệm gì cho bản thân, cần tránh lối đọc một chiều, lười suy nghĩ, lười ghi chép; đọc thụ động, chấp nhận tất cả, học thuộc máy móc.

Việc đọc sách có hiệu quả thể hiện ở kết quả ghi chép. Đọc sách không thể thiếu ghi chép. Ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt. Sách làm cho tâm hồn con người thêm phong phú, tạo khả năng, con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn. “Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ” – Chu Quang Tiềm. Đọc được mười quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc mười quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán/Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay” – hai câu thơ đó đang làm lời răn cho mỗi người đọc sách.

Đọc sách rất quan trọng vì nó mang lại những lợi ích thiết thực và rất to lớn cho con người. Sách giúp cho học sinh chúng ta nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tình cảm, ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích lũy hằng mây nghìn năm để rèn luyện bản thân, để “nên người, học giỏi” đúng như lời nhận định của M. Ancost: “Một cuốn sách tốt mở ra thì gợi niềm hy vọng, khép lại thì đem đến điều hữu ích”.

Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn – Mẫu 8

Có ai đó đã từng nói rằng: “Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được lựa chọn; chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều”. Sách có vai trò quan trọng đối với con người, nhưng đọc sách như thế nào mới đúng đắn và hiệu quả.

Đầu tiên, khi đọc sách không quan trọng là bạn đọc được bao nhiêu cuốn.Trong một ngày, quỹ thời gian của con người là có hạn, là không đủ cho việc học tập, làm việc hay vui chơi. Nhiều người không còn khoảng thời gian cho công việc đọc sách. Mà số lượng những cuốn sách là vô hạn. Nên việc lựa chọn ra những cuốn sách có ích cho bản thân để đọc và tìm hiểu sẽ tiết kiệm thời gian và công việc sẽ đạt được hiệu quả tối ưu. Việc đọc sách không phải là để xem ai đọc được nhiều hơn ai, mà vì đọc sách sẽ đem đến những kiến thức bổ ích cho người đọc. Nếu rơi vào trường hợp đọc quá nhiều nhưng chẳng hiểu được bao nhiêu sẽ dẫn đến tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, không đem lại lợi ích gì.

Chính vì vậy, đọc sách thì cần lựa chọn sách sao cho phù hợp, đọc làm sao cho cẩn thận, thẩm thấu hết được ý nghĩa của cuốn sách đó. Không xét đến việc đọc sách để giải trí, thì khi đọc sách để nghiên cứu và học tập, việc chọn lựa sách phải thực sự tinh tường. Người đọc cần làm rõ mục đích đọc cuốn sách, tìm hiểu kĩ nội dung sách và tác giả cuốn sách đó để lựa chọn những cuốn sách phù hợp và thực sự bổ ích. Các nhà khoa học, họ không thể trở nên uyên bác nếu không đọc sách mỗi ngày. Các nhà văn nhà thơ, họ không thể viết hay nếu như không đọc sách để tìm tòi ra cái hay và sáng tạo ra cái mới. Đọc được bao nhiêu lại tùy thuộc vào tốc độ đọc của mỗi người. Nhưng cách đọc thì phải thực sự có hiệu quả. Đọc sách phải không chỉ là lật giở từng trang, đọc con chữ trong đó. Mà đọc sách cần có sự suy nghĩ và chiêm nghiệm về nội dung cuốn sách đó. Bản thân người đọc khi đọc một cuốn sách có thể kết hợp ghi chép, thống kê lại những nội dung chính và những nhánh nội dung nhỏ theo một hệ thống mà bản thân cảm thấy dễ hiểu nhất. Việc ghi chép lại cũng thực sự hữu ích khi bạn ghi nhớ. Với những người đọc sách để nghiên cứu, việc đọc lại nhiều lần cuốn sách cũng giúp cho người đọc hiểu rõ hơn, mỗi lần đọc là một lần vỡ ra nhiều điều mới mẻ. Nếu như đọc một cuốn sách thực sự hiệu quả, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều bổ ích. Vì mỗi cuốn sách chính là một kho tri thức. Trong lịch sử, chúng ta có thể kể đến nhiều bậc hiền tài như vua Lê Thánh Tông “Trống dời canh còn đọc sách”. Lê Quý Đôn, nhà bác học của Đại Việt trong thế kỉ XVIII, “tay không rời sách, mắt không ngừng xem sách; sách chất đầy quanh giường, quanh tường”. Đó đều là những con người kiệt xuất nhưng vẫn luôn ý thức trau dồi bản thân nhờ đọc sách.

Trong thế giới ngày nay, khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, văn hóa đọc sách đang rơi vào tình trạng đáng báo động, đặc biệt là ở giới trẻ những con người luôn nhanh nhạy trong việc tiếp cận với công nghệ. Đọc sách dường như không còn là sở thích của nhiều người nữa. Chính vì vậy, chúng ta cũng cần phải có biện pháp để nâng cao văn hóa đọc của người dân như tổ chức các buổi giao lưu trao đổi với các nhà văn, xây dựng mô hình cà phê sách, các hội sách diễn ra thường niên… Việc đọc sách đối với học sinh, sinh viên – những chủ nhân của đất nước là vô cùng quan trọng, bởi sách chính là kho tri thức khổng lồ của nhân loại.

Như vậy, một cuốn sách hay thì cần phải có một phương pháp đọc đúng đắn. “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người” – hãy biết trân trọng nó giống như trân trọng người bạn thân của mình.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Nghị luận về phương pháp đọc sách đúng đắn Dàn ý & 8 bài văn mẫu lớp 7 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *