Bạn đang xem bài viết ✅ Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2022 – 2023 Ôn tập môn Văn lớp 9 học kỳ 2 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Đề cương ôn tập Văn 9 học kì 2 năm 2022 – 2023 là tài liệu hữu ích mà Wikihoc.com giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn học sinh lớp 9 tham khảo.

Đề cương ôn thi cuối kì 2 Ngữ văn 9 gồm giới hạn kiến thức kèm theo các dạng bài tập trọng tâm. Qua đề cương Ngữ văn 9 học kì 2 giúp các bạn làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 2 lớp 9 sắp tới. Vậy sau đây đề cương ôn thi học kì 2 Văn 9 mời các bạn cùng tải tại đây. Bên cạnh đó các em tham khảo thêm: đề cương ôn tập học kì 2 Vật lí 9, đề cương ôn tập học kì 2 tiếng Anh 9.

Đề cương ôn tập Văn 9 học kì 2 năm 2022 – 2023

TRƯỜNG THCS ……………

Tổ Văn- Sử

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ II

NĂM HỌC 2022 – 2023

MÔN: NGỮ VĂN 9

Phần I: Văn bản

1. Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải

2. Đồng chí – Chính Hữu

3. Bài thơ về tiểu đội xe không kính- Phạm Tiến Duật

Yêu cầu:

– Nắm chắc những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả.

– Nắm được hoàn cảnh sáng, mạch cảm xúc (thơ), tóm tắt, ngôi kể, ( văn xuôi)… nội dung, nghệ thuật của các bài thơ.

– Chỉ ra và nêu được tác dụng của các biện pháp nghệ thuật trong các bài thơ, tình huống truyện trong tác phẩm văn xuôi

Phần II: Tiếng Việt

+ Các phép liên kết câu (Phép nối, phép lặp, phép thế, phép liên tưởng)

+ Các kiểu câu chia theo cấu tạo (Câu đơn, câu ghép, câu đặc biệt, câu rút gọn, câu mở rộng cụm C- V) và câu chia theo mục đích nói, (Câu cầu khiến, câu cảm thán, câu trần thuật, câu nghi vấn) các thành phần câu (Thành phần chính, thành phần phụ, thành phần biệt lập)

+ Các biện pháp tu từ

Lưu ý: Phần I và II thuộc về lí thuyết và kiến thức cơ bản, HS tự làm đề cương ôn tập

Phần III: Tập làm văn: Ôn tập văn nghị luận.

A. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

1. Nghị luận về một sự việc, hiện tượng:

+Học sinh không có thói quen nói lời cảm ơn hoặc xin lỗi

Gợi ý:

* Đặt vđ: Hiện nay nhiều học sinh không có thói quen sử dụng hai chữ xin lỗi khi làm người khác phật ý, khi mắc lỗi, hoặc đem lại buồn phiền cho người xung quanh. Nhiều học sinh không biết nói lời cảm ơn khi ai đó mang lại cho mình niềm vui, sự thoải mái hoặc một sự giúp đỡ.

* Khái niệm

– Cảm ơn” là lời bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước lời nói, hành động hay sự giúp đỡ của một ai đó đối với những người giúp mình.

– “Xin lỗi” là lời bày tỏ thái độ ân hận, hối lỗi trước những sai lầm mình đã gây ra cho những người khác. Tùy theo hậu quả xảy ra mà lời xin lỗi có được tha thứ.

*Nguyên nhân

– Do đời sống xã hội ngày càng phát triển, lối sống vô cảm khiến người ta bớt quan tâm đến nhau, tính toán nhiều hơn.- >thế hệ trẻ ngày nay ít nhiều bị ảnh hưởng.

– Một số gia đình, phụ huynh chưa kiên trì hay chưa dành nhiều thời gian dạy dỗ con trẻ cách cư xử đúng mực

*Hậu quả

– Hành động này tạo ra những con người chai lỳ, vô cảm, khiến cho xã hội mất đi sự gắn kết.

– Những đứa trẻ không biết cảm ơn, xin lỗi khi lớn lên sẽ trở thành những người vô ơn, bất nghĩa.

* Bàn bạc mở rộng vấn đề (Khen, chê)….

* Bài học (Nhận thức, hành động)

– Hãy biết nói lời cảm ơn khi được nhận ơn và biết nói lời xin lỗi một cách chân thành.

khi mắc sai lầm, đó là phép lịch sự tối thiểu nhất, cũng là thước đo nhân cách của mỗi người

2. Nghị luận về tư tưởng đạo lí:

+ Lòng hiếu thảo

Gợi ý:.

* ĐVĐ Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam ta luôn sống với đạo lí lấy chữ Hiếu làm đầu. Chữ hiếu có vai trò quan trọng trong đời sống con người dù ở thời đại nào đi nữa.

*Hiếu thảo: là tình cảm yêu thương, kính trọng của con cái đối với ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia đình; đối xử tốt với các thành viên và có hành động đền ơn đáp nghĩa, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà lúc về già.

→ Đây là một đức tính tốt đẹp trở thành truyền thống của con người Việt Nam ta mà ai cũng cần có.

*Biểu hiện lòng hiểu thảo

– Người có lòng hiếu thảo là người luôn biết yêu kính ông bà, cha mẹ; biết vâng lời và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an vui

– Trong cuộc sống, lòng hiếu thảo là hành vi cư xử tốt không chỉ đối với cha mẹ mà còn ở bên ngoài nhà để mang lại danh tiếng tốt cho cha mẹ và tổ tiên.

*Tác dụng/ ý nghĩa của lòng hiểu thảo

– Hiếu thảo còn là một lối sống tốt đẹp đã trở thành chuẩn mực trong truyền thống văn hóa Việt Nam.

– Sống có lòng hiếu thảo là lối sống cao đẹp, biết quý trọng công ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ, thể hiện niềm tri ân sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Lòng hiếu thảo thể hiện sự bao dung, sống có trách nhiệm.

– Người có lòng hiếu thảo luôn được mọi người yêu mến, trân trọng.

– Lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình, sống trong môi trường tràn ngập lòng yêu thương, sự kính trọng lòng biết ơn. Lòng hiếu thảo xóa bỏ sự đố kị, ích kỷ cá nhân và lối sống thờ ơ, vô cảm.

– Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ khiến con cái trưởng thành hơn.

*Bàn luận mở rộng.

+ Khen:Những tấm gương hiếu thảo

+ Chê:Trong xã hội có nhiều người sống bất hiếu, vô lễ, đánh đập đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ già. Họ thể hiện một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi. những người như thế thật đáng chê trách.

*Bài học nhận thức và hành động:

+ Nhận thức: Hiếu thảo là một lối sống tốt đẹp đã trở thành chuẩn mực trong truyền thống văn hóa Việt Nam, cần phát huy lối sống này…

+ Hành động: Mỗi chúng ta cần thể hiện lòng hiểu thảo bằng hành động cụ thể:…..

+ “Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình” Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?

Gợi ý:

* Dẫn dắt vấn đề cần bàn luận:”Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình”

* Giải thích từ và cụm từ trong nhận định

– “Ganh tị” là con người cảm thấy khó chịu trong lòng với 1 ai đó, từ đó nảy sinh ra sự ghét bỏ người đó khi thấy người đó có những điểm tốt đẹp hơn mình

– Cơ hội: Là những điều kiện thuận lợi, thời điểm hội tụ những điều thích hợp cho chúng ta tận dụng và tạo ra những thành công cho bản thân. Cơ hội mang cho ta niểm tin, niềm hi vọng để ta đạt được mục đích

– “ thành công” là: Đạt được mục tiêu mà đã đặt ra cho mình. Thành công là làm được những gì mà mình dự định

– Câu nói thể hiện nhận thức sâu sắc cách sống đố kị, là thói xấu cần lên án, phê phán

* Phân tích chứng minh

+ Tại sao đố kị lại mất cơ hội thành công

– Ganh tỵ sẽ không còn tâm trí phát triển bản thân, họ chỉ chăm chăm đạt được những gì cho giống người khác- > Làm mất đi năng lượng bản thân

– Làm thui chột những tình cảm tốt đẹp, nhiều mối quan hệ thiêng liêng, con người trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, độc ác, ích kỉ, ……

– Kìm hãm tài năng cản trở phát triển của xã hội…..

+Chứng minh: Lấy dẫn chứng

* Đánh giá bàn luận, mở rộng

– Câu nói là một lời nhận định đúng: “Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình”

– Trong thực tế, nhiều người còn hay ghen tỵ, khó chịu với thành công và tài năng của người khác…

– Cũng có những người biết nhìn nhận khả năng của bản thân, cố gắng rèn luyện, học hỏi để tiến bộ, tránh xa tính ganh tỵ…

* Bài học

– Nhận thức: Xem nói là phương châm nhắc nhở, động viên bản thân trong quá trình học tập.

– Hành động: Rèn ý thức vươn lên trong học tập và cuộc sống, tu dưỡng bản thân để có lối sống tốt đep…phê phán những biểu hiện của sự ganh tỵ…

Tham khảo thêm:   Mẫu giấy xác nhận quan hệ nhân thân Giấy xác nhận mối quan hệ

B. NGHỊ LUẬN VĂN CHƯƠNG

Kiến thức cần đạt:

ĐỒNG CHÍ – Chính Hữu

1.Nội dung:

– Bài thơ ra đời đầu năm 1948 sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc của quân và dân ta đánh thắng cuộc tấn công quy mô lớn của Pháp cuối 1947 lên chiến khu Việt Bắc.

– Bài thơ”Đồng chí” ra đời đã mở ra một khuynh hướng sáng tác míi: cảm hứng thơ viết về chất thực của đời sống kháng chiến, khai thác cái đẹp và chất thơ trong cái bình dị, bình thường. Cả bài thơ tập trung thể hiện vẻ đẹp và sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội của những người nông dân mặc áo lính

– Ý nghĩa nhan đề: Đồng chí là chỉ những con ngừời cùng chung lý tưởng, chí hướng, tình đồng đội cùng đồng cam cộng khổ, đồng sức đồng lòng chiến đấu bảo vệ tổ quốc

2. Nghệ thuật:

– Nhiều hình ảnh sóng đôi cùng nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, ngôn ngữ thơ hàm súc, mộc mạc……

– Vận dụng tục ngữ, thành ngữ linh hoạt, tạo nên chất thơ dung dị, hồn nhiên, đậm đà, sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn….

3. Nội dung cụ thể :

3.1

+Bảy dòng đầu nhà thơ đã lí giải những cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính cách mạng: tình đồng chí trước hết bắt nguồn từ sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó, nảy nở từ sự cùng chung nhiệm vụ sát cánh bên nhau trong chiến đấu..

– Hai câu đầu với cấu trúc sóng đôi cùng cách xưng hô “anh – tôi” thân mật gần gũi, giọng điệu thủ thỉ, tâm tình như lời kể chuyện, sự tương đồng về hoàn cảnh của những người lính. Họ đều là con em của những vùng quê nghèo khó, cách nói hoán dụ: “nước mặn đồng chua” chỉ vùng chiêm trũng Bắc bộ,“đất cày lên sỏi đá” chỉ vùng trung du đất đai cằn cỗi bạc màu . – >cơ sở cho tình đồng chí, đồng đội của người lính.

– Cụm từ “tự phương trời” – >họ về đây không phải do cái nghèo xô đẩy, mà họ về đây đứng trong cùng đội ngũ do họ có một lí tưởng chung, cùng một mục đích cao cả: chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc.

– Hình ảnh sóng đôi : “Anh – tôi” đã thể hiện sự gắn bó tương đồng của họ trong nhiệm vụ và lí tưởng chiến đấu:“Súng bên súng đầu sát bên đầu”

– “Súng” và “đầu” là hình ảnh đẹp, là ẩn dụ, mang ý nghĩa tượng trưng cho nhiệm vụ chiến đấu và lý tưởng cao đẹp. Điệp từ “súng” và “đầu” nhấn mạnh tình cảm gắn bó trong chiến đấu của người đồng chí.

*Tình đồng chí nảy nở bền chặt trong sự chan hoà, chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui.

“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.

– Chính trong những ngày thiếu thốn, khó khăn ấy từ “xa lạ” họ đã trở thành “tri kỉ” của nhau. “Vất vả nguy nan đã gắn kết những người đồng chí khiến họ trở thành người bạn tâm giao gắn bó.

– Khép lại đoạn thơ đầu là dòng thơ chỉ với một từ “Đồng chí với dấu chấm than như một nốt nhấn đặc biệt nhấn mạnh sự thiêng liêng cao cả trong tình cảm mới mẻ này.

3.2* 10 câu tiếp theo là những biểu tượng đẹp của tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng sâu nặng này.

*Trước hết, đồng chí là sự thấu hiểu và chia sẻ những tâm tư, nỗi lòng của nhau. Các anh đều là những người lính tạm gác tình riêng, để nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, dũng cảm ra đi vì nghĩa lớn để lại sau lưng mảnh trời quê hương

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

– Gian nhà không không chỉ gợi cái nghèo mà còn diễn tả nỗi trống trải của lòng người ở lại. Từ “mặc kệ” không phải là vô tâm, vô trách nhiệm. Mặc kệ là ý chí quyết tâm của họ khi đi theo cách mạng, làm rắn lòng mình để khỏi mềm lòng khi bước vào trận chiến, là sự lựa chọn dứt khoát.

– Ba câu thơ với các hình ảnh: ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa, hình ảnh nào cũng thân thương, cũng ăm ắp một tình quê, một nỗi nhớ thương vơi đầy. Tâm tư ấy, nỗi nhớ nhung ấy của “anh” và cũng là của “tôi”, là đồng chí họ thấu hiểu và chia sẻ cùng nhau. Tình đồng chí đã được tiếp thêm sức mạnh bởi tình yêu quê hương đất nước ấy.

*Tình đồng chí còn là sự đồng cam cộng khổ, sự sẻ chia những gian lao thiếu thốn của cuộc đời người lính:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày”

– Hình ảnh tả thực, các câu thơ có cấu trúc sóng đôi: áo anh, rách vai, quần tôi, mảnh vá, miệng cười buốt giá, chân không giày- > tác giả đã tái hiện chân thực những khó khăn thiếu thốn trong buổi đầu kháng chiến: thiếu lương thực, thiếu vũ khí, quân trang, thiếu thuốc men…

– Người lính phải chịu “từng cơn ớn lạnh”, những cơn sốt rét rừng hành hạ như cơm bữa.

– Họ đã đồng cam cộng khổ, chia ngot sẻ bùi trong khó khăn gian khổ. Tất cả những khó khăn gian khổ được tái hiện bằng những chi tiết hết sức thật, không một chút tô vẽ.
– Không dừng lại ở đó người lính ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, bộ đội ta thiếu thốn đủ đường. Nhưng trên hết họ vẫn lạc quan, yêu đời “Miệng cười buốt giá”giữa chiến trường bom rơi đạn lửa.

– Là niềm yêu thương gắn bó sâu nặng dành cho nhau (Sức mạnh của tình đoàn kết)

– “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Hình ảnh “tay nắm lấy bàn tay” là hình ảnh giàu sức gợi. Trong cái buốt giá gian lao, những bàn tay tìm đến với nhau để siết chặt đội ngũ; để động viên, cảm thông, chia sẻ mọi khó khăn; để hứa hẹn lập công.

3. Hình ảnh người lính và tình đồng chí của họ đã kết tinh, tỏa sáng trong khổ thơ cuối của bài:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”

– Động từ “chờ” cho thấy được tư thế chủ động và hết sức đề cao cảnh giác của người lính trong khi làm nhiệm vụ.

– Hình ảnh “súng”- “trăng” được đặt bên nhau khiến người đọc có nhiều liên tưởng giữa thực tại- mơ mộng, chiến tranh- hòa bình, chiến sĩ- thi sĩ. Sự đan cài giữa hiện thực và lãng mạn ấy vừa cho thấy được hiện thực chiến tranh khó khăn, vất vả; lại vừa toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính

Khái quát Như vậy tình đồng chí trong bài thơ là tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của những con người gắn bó keo sơn trong cuộc chiến đấu vĩ đại vì một lý tưởng chung. Tình cảm ấy được hình thành trên cơ sở tình yêu Tổ Quốc, cùng chung lí tưởng và mục đích chiến đấu, vượt lên mọi gian nguy để đi tới và làm nên thắng trận để viết lên những bản anh hùng ca tô thắm thêm trang sử vàng chống Pháp hào hùng của dân tộc.

– Bài thơ “Đồng chí” là một bài thơ hay, độc đáo viết về người lính cụ Hồ. Qua bài thơ, người đọc thấy được vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí sâu sắc, cao cả, thiêng liêng của người lính cách mạng.

MÙA XUÂN NHO NHỎ –Thanh Hải

1. Nội dung:

– Mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ chính là tiếng lòng tha thiết, yêu mến, gắn bó với đất nước với cuộc đời ; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ mong muốn góp một mùa xuân nho nhỏ của riêng mình, ước nguyện dâng hiến của tác giả vào mùa xuân lớn của dân tộc.

2. Nghệ thuật : Thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang. Ngôn ngữ thơ trong sáng và biểu cảm, hàm súc và hình tượng. Các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, song hành đối xứng, các điệp ngữ… được vận dụng sắc sảo, tài hoa.

* Ý nghĩa nhan đề

– “Mùa xuân nho nhỏ” mang ẩn dụ sáng tạo, giàu ý nghĩa góp phần thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm, cùng ước nguyện chân thành của nhà thơ Thanh Hải dành cho cuộc đời.

+ Mùa xuân: mang nghĩa thực, chỉ mùa khởi đầu của năm, đây là mùa của sự sinh sôi, phát triển.

+ Mùa xuân còn mang ý nghĩa ẩn dụ khi chỉ những thứ đẹp, tinh túy nhất của sự sống và cuộc đời mỗi người, tuổi trẻ, trí tuệ và nhiệt huyết, thể hiện sự khiêm nhường, chân thành trong nguyện ước giản dị và tha thiết được cống hiến sức của mình vào những điều tốt đẹp của đất nước.

* Mạch cảm xúc : Mạch cảm xúc: được khơi nguồn, nảy nở từ sức sống, vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mở rộng ra với mùa xuân đất nước, cách mạng, nhà thơ muốn nhập vào bản hoà ca vĩ đại của cuộc đời bằng một nốt trầm xao xuyến của riêng mình, góp vào mùa xuân chung lớn lao “một mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ khép lại với những cảm xúc thiết tha, tự hào về quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.

Tham khảo thêm:   Giáo án chuyên đề học tập Toán 11 sách Kết nối tri thức với cuộc sống Kế hoạch bài dạy chuyên đề Toán 11 (Cả năm)

* Nội dung cụ thể:

Khổ 1: Bài thơ được bắt đầu bằng những xúc cảm trong trẻo, hồn nhiên của nhà thơ trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên xứ Huế:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chim mà vang trời”

– Nghệ thuật đảo ngữ đưa động từ “mọc” lên ở phía đầu câu như một cách để nhấn mạnh vẻ đẹp tràn đầy sức sống của mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân của đất trời.

– Màu xanh của nước hài hoà với màu tím biếc của bông hoa tạo nên một nét chấm phá nhẹ nhàng mà sống động, đem lại một vẻ đẹp tự nhiên, một màu sắc đặc trưng của xứ Huế.

– Tiếng hót của chim chiền chiện mở ra một không gian cao vời, trong trẻo. Và cũng bởi tiếng chim lảnh lót đó vang lên làm xao động cả đất trời

– Thán từ “Ơi” và lời hỏi “hót chi”, diễn tả cảm xúc vui say đến ngỡ ngàng trước một mùa xuân tươi đẹp

– Say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp giản dị mà nên thơ của mùa xuân, nhà thơ bỗng bồi hồi, xúc động:

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng” – >phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

– Bức tranh mùa xuân thiên nhiên có ba nét phác hoạ. Tất cả không gian đều rạo rực, xao động trước làn âm thanh tươi vui ấy.

Khổ 2 Từ mùa xuân đất trời rất tự nhiên nhà thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân đất nước:

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”

– Các điệp ngữ “mùa xuân”, “ lộc”, “người” như trải rộng khung cảnh hiện thực khi gắn với cuộc sống lao động, chiến đấu của nhân dân.

– Hình ảnh sóng đôi đẹp như hai vế của câu đối mừng xuân để nói về hai lực lượng chủ yếu của cách mạng, hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Đó là người chiến sĩ và người lao động – bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, quê hương.

– Từ “lộc” được dùng với hai lớp nghĩa : tả thực chồi non, nhành biếc và ẩn dụ cho sức sống, thế vươn lên, sức phát triển mới, thành quả tốt đẹp là mùa xuân. “Lộc” trên cành lá ngụy trang theo bước chân người cầm súng ra trận,“lộc” trải dài trên những nương mạ theo bàn tay người ra đồng. Và họ đã làm nên cái giai điệu chính của bản hợp xướng mùa xuân, tạo nhịp điệu hối hả, hào hùng:

Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”

– Phép so sánh “tất cả như”, từ láy “hối hả” “xôn xao” mang tính gợi hình cao, nó gợi lên hình ảnh mọi người đang say sưa, khẩn thương, tấp nập trong công việc, trong tư thế làm chủ đất nước của con người.

*Khổ thơ 3: Những suy tư của nhà thơ về đất nước và nhân dân:

“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”

– Chặng đường lịch sử của đất nước với bốn nghìn năm trường tồn, lúc suy vong, lúc hưng thịnh với bao thử thách “vất vả và gian lao”.

– Câu thơ “Đất nước như vì sao” là một hình ảnh so sánh đẹp và đầy ý nghĩa. “Sao” là nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp bầu trời, vĩnh hằng trong không gian, và thời gian. So sánh đất nước với vì sao là biểu lộ niềm tự hào đối với đất nước Việt Nam anh hùng, giàu đẹp.

Khổ 4: Sau lời suy tư là điều tâm niệm của Thanh Hải, khát vọng hòa nhập, tự nguyện mang niềm vui đến cho cuộc đời.Trước hết là lời nguyện cầu được hóa thân:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.”

– Điệp từ “ta làm” được lặp lại hai lần kết hợp với biện pháp lặp cấu trúc ngữ pháp khiến cho nhịp thơ vừa uyển chuyển, nhịp nhàng vừa mạnh mẽ diễn tả rõ nét khát khao cống hiến mãnh liệt.

– Tác giả muốn hóa thân thành “con chim” để góp tiếng ca cho đời, để đem lại niềm vui cho mọi người; muốn hóa thân thành “cành hoa” để tô điểm, tô sắc cho vườn hoa mùa xuân muôn hương muôn sắc của đất nước và muốn “nhập vào hòa ca” để góp một tiếng nhạc hay cho mai sau ; mong muốn trở thành “ một nốt trầm » không ồn ào, mà lặng lẽ “nhập” vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về.

– Đại từ “ta” dùng để khẳng định đó không chỉ là tâm niệm riêng của cá nhân nhà thơ mà còn là khát vọng chung cho mọi người, cho dân tộc, cho đất nước.

Khổ 5: Khát vọng, ước nguyện đó đã được đẩy lên cao thành một lẽ sống cao đẹp, không chỉ cho riêng nhà thơ mà cho tất cả mọi người, cho thời đại của chúng ta. Đó là lẽ sống cống hiến cho đời lặng lẽ, khiếm tốn, không kể gì đến tuổi tác:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

– Lời thơ như tâm tình thiết tha. Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” là ẩn dụ cho cuộc đời mỗi con người, mỗi sự cống hiến.

– Từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc.

– Lời thơ rắn rỏi . Lời ước nguyện thật thuỷ chung, son sắt. Hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi”, và “khi tóc bạc” là ầm thầm cống hiến bất kể khi tuổi trẻ hay lúc về già.

– Điệp ngữ “dù là” nhắc lại hai lần như tiếng lòng tự dặn mình đinh ninh: dẫu có ở giai đoạn nào của cuộc đời, tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ, hay khi đã già, bệnh tật thì vẫn phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước.

Khổ 6 Những câu thơ cuối cùng mang đậm dấu ấn của những làn điệu dân ca trữ tình xứ Huế. Nó như tiếng tâm tình, thủ thỉ, như tiếng lòng sâu lắng thiết tha, nồng đậm nghĩa tình:

“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”.

– “Nam ai” và “Nam bình” là hai điệu dân ca Huế rất nổi tiếng mấy trăm năm nay. Phách tiền là một nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục. Câu thơ “Mùa xuân ta xin hát” diễn tả niềm khao khát bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về. Đó là “ngàn dặm mình”, “ngàn dặm tình” đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương!

– Có lẽ trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Thanh Hải muốn hát lại hai làn điệu dân ca quen thuộc của quê hương xứ Huế. Bởi lẽ trong những ngày tháng nằm trên giường bệnh, khi bị tử thần rình rập, nhà thơ lại thấy quê hương của mình đẹp hơn. Đây cũng là cách để nhà thơ thể hiện tình yêu quê hương, nguồn cội.

– Có thể nói, Thanh Hải đã góp cho vườn thơ Việt một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang. Ngôn ngữ thơ trong sáng và biểu cảm, hàm súc và hình tượng. Các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ song hành đối xứng, các điệp ngữ… được vận dụng sắc sảo, tài hoa. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động.

Kết bài

– Có thể nói, đã có rất nhiều thi nhân Việt Nam bộc lộ xúc cảm trước mùa xuân, nhưng “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải vẫn mang nét độc đáo, riêng biệt.

– Bài thơ đã để lại cho đời một ý nghĩa thật lớn lao. Nó đã tái hiện thành công vẻ đẹp của mùa xuân đất nước tươi sáng, tràn đầy nhựa sống.Nhưng đằng sau những câu thơ ấy còn cho thấy lẽ sống đẹp đẽ, cao cả của nhà thơ: nguyện cống hiến tất cả cuộc đời mình cho đất nước, quê hương. Tấm lòng, tình cảm ấy thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng.

BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH – PHẠM TIẾN DUẬT

a. Nội dung: Bài thơ đã khắc hoạ hình tượng người chiến sĩ lái xe thật đẹp, thật dí dỏm, thật lính. Đó là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ – một thế hệ anh hùng, sống đẹp và giàu lí tưởng.

b. NT: Hình ảnh người lính lái xe không kính đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa bằng chất liệu hiện thực sống động của cuộc sống chiến trường. Ngôn ngữ và giọng điệu thơ tự nhiên, khỏe khoắn, mang cái ngang tàng của những người trẻ.

Tham khảo thêm:   Lời bài hát Để Mị nói cho mà nghe

* Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác năm 1969 – giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Tác phẩm nằm trong chùm thơ Phạm Tiến Duật, được tặng giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969 và được đưa vào tập thơ “Vầng trăng quầng lửa”

* Mạch cảm xúc: Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh người lính lái xe trẻ trung, tinh nghịch, hiên ngang dũng cảm, yêu nước và tác giả cũng tập trung khắc họa hình ảnh những chiếc xe không kính do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh.

* nhan đề. Nhan đề bài thơ khá dài tưởng như có chỗ thừa nhưng lại thu hút người đọc bởi cái vẻ đẹp khác lạ của nó. Nhan đề đã làm nổi bật hình ảnh toàn bài : những chiếc xe không kính.

* Nội dung cụ thể

* Khổ 1,2

– Không mĩ lệ hóa, không dùng hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ để so sánh, không trau chuốt, không bóng bẩy, hình ảnh chiếc xe trong thơ Phạm Tiến Duật rất trần trụi, bình dị, không nguyên vẹn:

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

– Nghệ thuật kiệt kê, điệp từ “không có”, giọng điệu thản nhiên đã khắc họa hình ảnh những chiếc xe trần trụi, xây xước, móp méo, không kính, không đèn mà vẫn băng băng trên đường ra tiền tuyến,là hình ảnh thực và thường gặp trong những năm tháng chống Mĩ gian lao và hào hùng.

– Xe không có kính vì bom giật, bom rung. Giọng điệu ngang tàng, lí sự với cấu trúc “không có…không phải vì không có…”. Giọng này phù hợp với tính cách ngang tàng dũng cảm, đầy nghị lực, tính tếu nhộn của những lái xe Trường Sơn.
– Những người lính lái xe điều khiển những chiếc xe không kính kì lạ trong tư thế ung dung, hiên ngang, bình tĩnh, tự tin. Những cảm giác ấy được nhà thơ ghi nhận tinh tế sống động qua những hình ảnh thơ :

“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

– Thủ pháp đảo ngữ, đưa từ “ung dung” lên đầu câu đã gợi lên sự bình thản, điềm nhiên đến kì lạ của những người lính.

– Liệt kê “nhìn đất”, “nhìn trời”, “nhìn thẳng” đã cho thấy tư thế vững vàng, bình thản, dũng cảm của những người lính lái xe.

– >Họ không trốn tránh, không sợ hãi mà luôn sẵn sàng, bình thản, dũng cảm nhìn thẳng vào con đường đầy khó khăn, gian khổ phía trước để vượt qua.

– Tư thế ung dung, hiên ngang của người lính xe ra trận được khắc họa đậm nét hơn qua những hình ảnh hòa nhập vào thiên nhiên:

“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”.

– Điệp từ “nhìn thấy” được nhấn đi nhấn lại thể hiện sự tập trung cao độ của người lính, thể hiện được phong thái ung dung, tự tin thật đáng khâm phục.

Nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “xoa mắt đắng”, ” ”con đường chạy thẳng vào tim”, tạo ấn tượng độc đáo, gợi liên tưởng đến những chiếc xe phóng với tốc độ nhanh như bay. – > Tác giả đã thể hiện một cách rõ nét tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ của người lính lái xe.

– So sánh “như sa, như ùa vào buồng lái” đã giúp chúng ta cảm nhận được tốc độ nhanh chóng, phi thường của tiểu đội xe không kính khi ra trận.

– Hai khổ thơ mở đầu bài thơ, tác giả đã xây dựng thành công hình tượng những người lính với tư thế ung dung, tràn đầy bản lĩnh trước những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy

Khổ thơ 3,4 Những người lính trong bài thơ còn là những con người luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, bất chấp mọi hiểm nguy, coi thường mọi gian khổ

– – Trong kháng chiến, những người lính luôn phải đối diện với muôn ngàn khó khăn, thử thách, hiểm nguy, thế nhưng, những người lính ấy vẫn luôn tràn đầy tinh thần lạc quan để vượt lên trên tất cả, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược:

Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi”.

– Tác giả đã sử dụng hàng loạt các hình ảnh như “bụi”, “mưa” để diễn tả những khó khăn, gian khổ mà những người lính phải trải qua,sử dụng cấu trúc lặp “không có … ừ thì…” cùng kết cấu phủ định “chưa có …”. So sánh độc đáo “bụi phun tóc trắng như người già”, “mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời” không những cho thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà hơn thế nữa nó còn thể hiện sự ngang tàng, phơi phới, lạc quan của những người lính.

– Hình ảnh “phì phèo châm điếu thuốc”, “lái trăm cây số nữa” đã thêm một lần nữa cho chúng ta thấy tinh thần lạc quan, thái độ coi thường mọi hiểm nguy, thử thách phía trước.

Khổ 5,6 Những người lính luôn tràn đầy tình đồng chí, đồng đội cao đẹp

– Sau những chặng đường dài hiểm nguy trong mưa bom bão đạn và cả sự khắc nghiệt của thời tiết, những người lính ấy gặp lại nhau, trao cho nhau những cái bắt tay thật độc đáo và tràn đầy ý nghĩa

“Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”.

– Hình ảnh “bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi” – >độc đáo và giàu sức gợi. Cái bắt tay ấy vừa thể hiện sự đồng cảm từ tận sâu trái tim, tấm lòng của những người lính dành cho nhau, vừa là những lời động viên ngắn ngủi mà chân thành, ấm áp và đồng thời.

– Đồng thời, những cuộc gặp gỡ, trú quân ngắn ngủi với bữa cơm dã chiến đã làm cho những người lính xích lại gần nhau thêm nữa:

“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh trên đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”.

– Với những người lính, những người cùng “chung bát đũa” đấy là một gia đình, họ gắn bó và san sẻ cùng nhau.- >là một cách định nghĩa về gia đình thật tếu táo, đậm chất lính nhưng cũng thật tình cảm của Phạm Tiến Duật.

– Chính những giây phút ấy đã tiếp thêm cho họ niềm tin, ý chí, sức mạnh để rồi họ “lại đi, lại đi”, lại tiếp tục cuộc hành trình của mình vì màu xanh hi vọng, màu xanh hòa bình, màu xanh cho một ngày mai chiến thắng của quê hương, đất nước.

Khổ 7 Trong khổ thơ kết thúc bài thơ, tác giả đã cho thấy ý chí chiến đấu, tinh thần yêu nước và lí tưởng cao đẹp của những người lính:

Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim”

– Điệp ngữ “không có” đã làm nên âm điệu nhanh, mạnh, khỏe khoắn, dồn dập cho cả đoạn thơ. – > khí thế khẩn trương, hối hả của những đoàn xe ra trận và cả sự ác liệt trong cuộc chiến, nghệ thuật liệt kê “không có ….”, đồng nghĩa với sự chồng chất những mất mát, hi sinh của người lính. Xe không chỉ “không có kính”, mà còn “không có đèn”, “không có mui xe”

– Tưởng chừng xe không thể chạy được, nhưng thật kì diệu “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”. “Chỉ cần” có nghĩa là yếu tố duy nhất để xe vẫn cứ chạy chính là trái tim người lính. Chỉ có trái tim quả cảm, giàu lòng yêu nước của người chiến sĩ lái xe thì có mọi khó khăn đã lùi lại phía sau. Ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của người lính Trường Sơn đến đây đã ngời sáng.
– Hình ảnh người lính lái xe không kính đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa bằng chất liệu hiện thực sống động của cuộc sống chiến trường.

– Tác giả đã khắc họa thành công chân dung người lính lái xe với nhiều phẩm chất cao quý:tư thế hiên ngang, dũng cảm, là thái độ bất chấp, coi thường nguy hiểm, là vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội và lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng, ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

– >Với những phẩm chất cao đẹp ấy, người lính lãi xe trong bài thơ đã trở thành biểu tượng đẹp cho tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2022 – 2023 Ôn tập môn Văn lớp 9 học kỳ 2 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *