Bạn đang xem bài viết ✅ Tham luận về nâng cao chất lượng dạy và học hay nhất Những bài tham luận hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Tham luận về nâng cao chất lượng dạy và học mang đến 2 mẫu tham luận siêu hay, ấn tượng nhất. Thông qua bản tham luận về nâng cao chất lượng dạy và học các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, nhanh chóng biết cách viết tham luận hay cho riêng mình.

Bài tham luận về nâng cao chất lượng dạy và học dưới đây sẽ giúp các bạn biết cách xây dựng bài tham luận hay hoàn chỉnh bố cục và nội dung, để lại ấn tượng sâu sắc đối với người nghe. Nội dung trong bài tham luận cần trình bày những quan điểm của người viết về các thực trạng giáo dục, từ đó đưa ra phương hướng nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra các bạn xem thêm tham luận về công tác xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, tham luận ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Tham luận về nâng cao chất lượng dạy và học ngắn gọn

Kính thưa đoàn Chủ Tịch!

Kính thưa các quý vị đại biểu tham dự đại hội!

Thưa các thầy giáo, cô giáo và nhân viên trong nhà trường kính mến!

Đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nói chung trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 29 – NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó thực hiện một số giải pháp:

+ Thứ nhất: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục.

+ Thứ hai: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

+ Thứ ba: Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý giáo dục.

+Thứ tư: Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo.

+ Thứ năm: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục đào tạo.

Còn đối với trường Tiểu học Tràng Cát nói riêng trong năm học này để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh chúng ta cần thực hiện các giải pháp phù hợp với điều kiện giáo dục của nhà trường, của lớp. Nhà trường cần làm tốt việc sau:

1. Làm tốt công tác tuyên truyền cho phụ huynh

Nhà trường và Gv phải tuyên truyền cho phụ huynh qua trao đổi về cách dạy con em mình, hiểu được mục đích, ý nghĩa chương trình sách giáo khoa, hiểu được chủ chương giáo dục theo quan điểm cải cách đổi mới trong các cuộc họp phụ huynh. Khi sinh hoạt ngoại khóa mời phụ huynh cùng tham gia trải nghiệm, cùng theo dõi giờ học của con ở lớp, giúp phụ huynh nhận thức được sâu sắc hơn về công tác GD. Từ đó cha mẹ học sinh tham gia một cách tự nguyện trong việc đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động giáo dục cụ thể như trang trí lớp học, chỉnh trang trường lớp nơi con em mình học tập.

2. Làm tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giáo viên

Nhà trường thường xuyên tổ chức trao đổi về việc đổi mới phương pháp và thực hiện chương trình mới. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, bố trí các tiết dạy minh họa để tìm ra được cách thức tổ chức dạy học phù hợp nhất với thực tế của trường, tìm tòi các biện pháp để khắc phục những vấn đề còn vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả dạy học. Bên cạnh đó còn trao đổi về kinh nghiệm trong tổ chức lớp học, trang trí không gian lớp học, cách vận động phụ huynh tham gia phối hợp trong công tác giáo dục học sinh.

3. Làm tốt công tác quản lí và tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Cán bộ quản lí tiếp tục nâng cao năng lực quản lí phù hợp với yêu cầu chung hiện nay và tham mưu với chính quyền địa phương để bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phù hợp điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

Còn đối với cán bộ giáo viên, nhân viên thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo đúng quy chế chuyên môn. Mỗi giáo viên phải đổi mới vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, áp dụng hiệu quả thiết bị dạy học và đồ dùng tự làm nhất là đồ dùng công nghệ thông tin hỗ trợ rất hiệu quả trong quá trình giảng dạy tiết thu bài học cho học sinh.

Giáo viên phải tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm ở đồng nghiệp, thực hiện tốt việc dạy học lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc tiếp thu, lĩnh hội, vận dụng kiến thức bài học.

Trên đây là một số tham góp của tôi về nội dung “ Các giải pháp về việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh”. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe.

Tham luận về nâng cao chất lượng dạy và học hay nhất

Kính thưa quí vị đại biểu! thưa các đồng chí Đoàn viên thanh niên!

Nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục bao thời. Đây cũng là vấn đề có tính thời sự trong thời điểm hiện nay mà để bàn về nó các cấp của ngành giáo dục sẽ còn tốn rất nhiều tâm trí và bút mực để có thể đưa ra được những giải pháp tích cực, hữu hiệu nhất khi công cuộc đổi mới nền giáo dục của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Trong khuôn khổ một bản tham luận và với tầm nhận thức hạn chế của một giáo viên, tôi không có tham vọng đưa ra những giải pháp lớn lao, những câu trả lời thật rõ ràng; chỉ xin chia sẻ cùng các đồng chí một vài điều băn khoăn, trăn trở của mình từ những gì mình có thể thấy, có thể cảm nhận – không ở giới hạn bộ môn mà ở góc nhìn rộng hơn. Có thể đúng, có thể sai nhưng xin được thẳng thắn và chân thành nói ra để chúng ta cùng suy ngẫm.

Kính thưa các đồng chí!

Để nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy, chủ trương “Mỗi thầy giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” là vấn đề cần được chúng ta lưu tâm nhiều, bởi tính đúng đắn của nó không phải chỉ có tính nhất thời. Đó là chân lý của muôn đời. Đối với bất cứ ai, học là phải “học nữa, học mãi”, học suốt đời. Đối với những người làm công tác giảng dạy và giáo dục như chúng ta lại càng cần phải như thế. Bởi, đối tượng giáo dục của chúng ta thuộc nhiều thế hệ mà mỗi một năm qua đi cuộc sống đã có nhiều đổi khác. Tâm – trí – đức của con người cũng vậy. Nếu không luôn luôn tự học, làm sao những nhà giáo dục chúng ta có thể có đủ kiến thức và phương pháp để theo kịp đặc điểm, yêu cầu của các đối tượng giáo dục trong mỗi thời? hãy luôn nghiên cứu, suy ngẫm, tìm tòi, sáng tạo; thử nghiệm trong thực tiễn và đúc rút kinh nghiệm để chất lượng giáo dục, giảng dạy ngày càng cao hơn.

Tham khảo thêm:   Bài tập Đoạn văn và văn bản Thực hành tiếng Việt 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Thứ hai, để nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy không thể thiếu tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng và niềm đam mê của mỗi người thầy. Lòng tự trọng sẽ giúp chúng ta điều chỉnh mọi suy nghĩ, hành động, lời nói, tác phong, thái độ của mình sao cho đúng chuẩn mực của một nhà giáo. Tinh thần trách nhiệm sẽ giúp ta có ý thức cố gắng, phấn đấu trong công tác để có thể tự tin, không phải hổ thẹn với chính mình, với học sinh, với mọi người; để có thể tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong công việc – dẫu nhọc nhằn, vất vả. Cần có niềm đam mê trong công việc. Ai đó từng nói rằng: “niềm đam mê là những chuyến du lịch của trái tim”. Có niềm đam mê thật là may mắn, bởi nếu có niềm đam mê, ta có thể làm nên được những điều ngoài sức tưởng tượng. Mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn bởi khi ta có niềm đam mê, ta không cần phải gắng sức, không cần phải đấu tranh tâm lí quá nhiều; nó giúp ta giải phóng sức ỳ và sản sinh ra nhiều nguồn năng lượng sống, năng lượng lao động và sáng tạo. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được niềm đam mê bẩm sinh và ta cũng không thể ngồi yên chờ niềm đam mê đến với mình. Niềm đam mê ta có thể tự trau dồi, hun đúc cho mình qua mỗi lần ta quyết tâm, cố gắng, ta gặt hái được kết quả tốt trong công việc, ta tìm thấy niềm vui thực sự mỗi khi đến trường và thoải mái mỗi khi trở về ngôi nhà của mình.

Thứ ba, để có thể nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy, để có thể vui thực sự mỗi khi đến trường không thể không nói tới vai trò quan trọng của không khí đoàn kết, vui vẻ, của sự cảm thông, chia sẻ giữa những người đồng nghiệp với nhau, và giữa Ban giám hiệu nhà trường với tập thể giáo viên và cán bộ, nhân viên trong nhà trường. Cuộc sống có mấy ai được nhàn nhã, sung sướng trọn vẹn – nếu không phải là: tự mình cho mình nhàn nhã? Người xưa nói: “Đời là bể khổ”. Cuộc đời có bao điều lo toan, có bao nhiêu trách nhiệm và nghĩa vụ chúng ta phải gánh vác – kể từ khi ta lớn lên, trưởng thành. Những vất vả, nhọc nhằn trong đời tư, những áp lực từ công việc ở trường và cả những áp lực từ những trách nhiệm trong gia đình, các quan hệ ngoài xã hội, v..v.. Có được sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với nhau, những vất vả có thể không giảm đi nhưng áp lực về mặt tâm lí sẽ được giảm bớt và ta có thể vui vẻ, tươi tỉnh hơn khi đến trường mỗi ngày. Điều đó cũng giúp ta có thêm nguồn năng lượng lao động, sáng tạo để có thể nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy.

Kính thưa quí vị đại biểu! Thưa các Đoàn viên thanh niên!

Tuổi trẻ cần có những lý tưởng sống cao đẹp, bởi, chúng sẽ dẫn đường cho chúng ta đi tới những thành công, thắng lợi đầy ý nghĩa – không chỉ cho mình mà còn cho cả xã hội. Xã hội luôn trông chờ những người trẻ tuổi biết mơ những giấc mơ cao đẹp và biết biến những giấc mơ đó thành hiện thực. Những điều vừa bàn ở trên cũng là những phương hướng, những lý tưởng, lẽ sống đúng đắn, cao đẹp không phải chỉ tuổi trẻ trong ngành giáo dục mà tuổi trẻ ở nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhiều lĩnh vực khác nhau cần phải quan tâm đến. Thế nhưng, nếu chỉ đề cập đến những điều đó thôi thì đúng là chúng ta đang đơn thuần thuyết lí – mà “lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”, cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng. Bàn về lý tưởng sống và cống hiến mà không bàn tới những điều kiện, nhu cầu, những mâu thuẫn, tồn tại của đời sống thực tiễn thì thật là: duy ý chí. Nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy không thể duy ý chí, mà phải nhìn thẳng vào thực tiễn, giải quyết những vấn đề của thực tiễn nhằm mở đường, khai đất cho những ước mơ, lý tưởng hạ cánh rồi ươm mầm, nở hoa và kết trái.

Việc nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy hiện nay đang gặp phải không ít khó khăn, không chỉ đối với giáo viên mà đối với cả những người làm công tác quản lí trong ngành giáo dục. Ví dụ như: làm thế nào có thể phân công lao động một cách hợp lí để phát huy được tối đa năng lực làm việc, cống hiến của giáo viên, nhân viên nhằm nâng cao chất lượng, để có thể vươn lên tốp đầu trong phong trào thi đua mà lại vẫn đảm bảo được tính nhân đạo, nhân văn trong văn hóa ngành nghề một khi đa số giáo viên trong trường lại là nữ giới, phần đông lại đang ở lứa tuổi sinh đẻ, nuôi con mọn. Đây là một trong những vấn đề đáng lưu tâm trong công cuộc đổi mới, cải cách giáo dục hiện nay. Tình trạng “âm thịnh dương suy” trong cơ cấu lao động không chỉ ở riêng trường chúng ta mà còn là thực trạng chung của ngành giáo dục hiện nay. Đành rằng giải pháp là khó khăn nhưng quan trọng hơn là ở chỗ: chúng ta có quan tâm tới vấn đề này hay không.

Tham khảo thêm:   Công văn 1181/BXD-KTXD Về việc hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình

Kính thưa quí vị, thưa các đồng chí!

Nếu được phép đặt ra một giả sử – và chỉ là giả sử, vui đùa thôi – dành cho Bộ trưởng Bộ GD ĐT, tôi sẽ giả sử rằng: Nếu Bộ trưởng là một nữ giáo viên, Bộ trưởng sẽ xử lí như thế nào cho trọn vẹn, ổn thoả mọi việc trong vòng quay một tuần 7 ngày và mỗi ngày 24 tiếng với tất cả những mục tiêu, nhiệm vụ mà nhà trường, gia đình và xã hội đã đề ra?

Giả sử như Bộ trưởng (BT) đã biết nhưng trước khi BT trả lời, tôi cũng sẽ nhắc BT rằng: để nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy, trong 24 tiếng, 7 ngày, BT phải đầu tư nhiều thời gian cho công tác chuyên môn, cho nghề nghiệp. BT phải nghiên cứu, tìm tòi thật sâu, kĩ các kiến thức và phương pháp để soạn giáo án đại trà, giáo án định hướng, giáo án tự chọn, giáo án bồi dưỡng HSG,… Giáo án phải sạch đẹp, rõ ràng, đạt yêu cầu về kiến thức và phương pháp, phải có đầy đủ các mục: kiến thức, kĩ năng, thái độ,…. Khi lên lớp, Bộ trưởng cần phải thăng hoa, nhiệt huyết; kết quả giảng dạy phải cao; bồi dưỡng HSG nên đạt thứ hạng tốp đầu, v..v..

Chưa hết, nếu được tín nhiệm giao công tác chủ nhiệm, BT cần phải quan tâm tới từng hoàn cảnh, tâm sinh lý, tính cách của học sinh; cần phải gần gũi, thân thiện để hiểu mà giáo dục, cảm hoá học sinh, đặc biệt là những học sinh cá biệt. Phải nhắc nhở, giáo dục học sinh biết đóng cửa, khoá xe, tắt điện, bảo vệ cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường v..v.. Những điều tưởng nhỏ nhặt thế nhưng cũng rất cần bởi: người thầy được tôn vinh trong quan niệm xưa nay không chỉ là người “khai trí, khai tâm” mà còn là người “rèn đức” cho thế hệ trẻ. Và nữa, mỗi tuần 3 lần, BT hãy tranh thủ thời gian đến tham gia sinh hoat 15 phút với học sinh – bởi: quản lí những hoạt động ngoài giờ học cũng là nhằm ổn định nề nếp đạo đức, góp phần rèn luyện ý thức cho hs, tạo điều kiện thúc đẩy cho phong trào học tập đi lên.

Mặt khác, BT cũng không thể quên mình là một người phụ nữ đã có gia đình, cần phải dành thời gian để chăm lo cho việc ăn, ngủ, học hành của con cái – trẻ em không chỉ là tài sản quý báu của mỗi gia đình, trẻ em còn là tương lai của đất nước. Vì thế, BT cần phải làm sao để có thể chăm con khỏe, con lớn – bởi bây giờ không phải là thời đại của những người tí hon, ốm yếu. Bộ trưởng cần phải dạy con ngoan, bởi nếu không thiên hạ sẽ bảo rằng: “con hư tại mẹ”. BT cần phải kèm con học khá, học giỏi, bởi nếu không người ta sẽ bảo rằng: con cô giáo mà lại học dốt, học kém. BT còn phải nhớ rằng: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, không thể quên những vai trò, nghĩa vụ của một người vợ đối với chồng.

Ngoài ra, là nữ giới, BT nhớ dành thời gian để chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ, ông bà; nhớ thăm hỏi, chúc mừng bà con lối xóm; nhớ quan tâm chuyện trò, chia sẻ buồn vui với bạn bè, đồng nghiệp. Và dĩ nhiên, là phụ nữ, BT không thể không quan tâm tới sức khỏe và vẻ đẹp của mình, v..v..

Vậy, BT sẽ nhận gánh vác tất cả hay sẽ chối từ một vài nhiệm vụ? Và trong tình thế “bất khả kháng”, nếu buộc phải lựa chọn, BT sẽ chối bỏ nhiệm vụ nào?

Thưa quí vị, thưa các đồng chí!

– Giả sử, BT bảo rằng: cần phải chống chủ nghĩa cá nhân, vị kỉ; là người giáo viên không thể chối bỏ nghề và nghĩa vụ cao quý của mình, một người thợ tồi không ảnh hưởng gì mấy nhưng một người giáo viên tồi sẽ làm hỏng nhiều thế hệ con người. Và dĩ nhiên, là một nhà giáo dục, ta không thể không quan tâm tới ông bà, cha mẹ, tới bà con lối xóm, tới bạn bè đồng nghiệp,… Bởi cha ông đã dạy: “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”, “nghĩa tử là nghĩa tận”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”,… Công cụ lao động chủ yếu của người thầy đâu chỉ là lời nói, viên phấn mà phải là cả nhân cách con người của thầy.

Thật là chí lý! Tôi sẽ không thể không đồng ý với BT, nhưng, tôi sẽ nhỏ nhẹ nói với BT rằng: “với đàn ông, sự nghiệp là tình yêu” còn “với phụ nữ, tình yêu là sự nghiệp”. Nếu chối từ yêu cầu, đề nghị của gia đình, ta có thể là một cô giáo giỏi giang, tận tình, mẫu mực nhưng ta sẽ là một người phụ nữ tồi, bởi: ta đã chối từ thiên chức, quyền năng, nghĩa vụ và cả quyền lợi của một người phụ nữ. “Gia đình là tế bào xã hội”, gia đình chính là tình yêu và cũng là sự nghiệp cần sự quan tâm ưu tiên của người phụ nữ. Là phụ nữ, khi đời sống riêng, cuộc sống gia đình chưa ổn thỏa, liệu BT có thể chuyên tâm vào công tác như nam giới được không, có thể luôn luôn vui vẻ đến trường, hoà nhã với mọi người hay không?

Kính thưa quý vị!

– Giả sử, BT bảo: hãy hi sinh bản thân, “hoa có thì, xuân có độ”, sắc đẹp rồi sẽ tàn theo năm tháng.

Tôi sẽ dè dặt nói với BT rằng: Làm đẹp cho mình cũng là làm đẹp cho xã hội; người đời thường bảo rằng: “không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp cho mình”

Nếu BT bảo: Vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ ở vẻ ngoài, vẻ đẹp đáng quý là ở tâm hồn, ở trí tuệ.

Thật đúng thế. Nhưng nếu vậy người nữ giáo viên không thể chỉ cắm cúi vào sách vở, giáo án. Người phụ nữ cần có thời gian đọc sách báo, tìm hiểu các kiến thức đời sống xã hội, thưởng thức các hoạt động văn hoá nghệ thuật để làm đẹp thêm cho tâm hồn, trí tuệ của mình, cần có thời gian để thử nghiệm những năng khiếu riêng, v..v.. – rất có thể một ngày nào đó chúng lại có thể ứng dụng vào nghề để nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy. Muốn giáo dục học sinh hoàn thiện nhân cách, lẽ nào người giáo viên không phấn đấu hoàn thiện nhân cách của mình?

Tham khảo thêm:   Thể lệ cuộc thi Tìm hiểu Quân khu 3 - 75 năm đồng hành cùng dân tộc Cuộc thi viết tìm hiểu Quân khu 3

– Giả sử, BT nói: Vậy thì, hãy gánh vác tất cả, khó khăn thử thách sẽ giúp ta sớm trưởng thành, hoàn thiện nhân cách của mình. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”

Các đồng chí sẽ nói gì với BT?

Tôi sẽ im lặng. Hẳn các đồng chí cũng thế.

Nhưng không thể không ái ngại rằng: Thời gian đâu để BT nghiên cứu, tìm tòi kiến thức sách vở? Thời gian đâu để BT mở mang kiến thức đời sống? Nếu không biết nghỉ ngơi thì một ngày nào đó, gần thôi, liệu BT có thể chối từ… lời mời của bác sĩ? Và khi ấy, liệu BT có thể tái sản xuất sức lao động để rồi tiếp tục lao động và cống hiến? Có một danh nhân đã nói rằng: Con người không chỉ cần học cách làm việc mà còn cần phải học cả cách nghỉ ngơi.

Kính thưa quí vị đại biểu, thưa các đồng chí!

Đó chỉ là giả sử đặt ra để chúng ta thêm một lần cùng nghiền ngẫm và chia sẻ cái nghiệp của nghề và những trăn trở, ái ngại không dễ gì nói ra của những người giáo viên là nữ – chiếm đa số trong các trường học hiện nay. Đó cũng là khó khăn của những người làm công tác quản lý giáo dục. Để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc đó, không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực của từng cá nhân hay từng trường học cụ thể bởi những sự ràng buộc có tính hệ thống trong toàn ngành. Thiết nghĩ, để giải quyết được vấn đề trên lại cần có sự đổi mới, cải cách đồng bộ và có tính hệ thống ở phạm vi rộng hơn một trường học, rộng hơn một địa phương. Bởi nó liên quan tới cả một hệ thống cơ chế, chính sách, hình thức quản lí và đánh giá chất lượng giáo dục; quản lí và đánh giá năng lực, hiệu quả lao động của giáo viên,… được truyền từ những cấp trên xuống từng trường; liên quan tới những căn bệnh trầm kha khó chữa của ngành giáo dục; liên quan đến điều kiện kinh tế – xã hội; v..v..

Ví như: nếu được phép trao đổi, trò chuyện một cách hồn nhiên và dân chủ nhất với Bộ trưởng Bộ GD ĐT, các đồng chí sẽ hỏi gì, nói gì?

Liệu có nên giãi bày băn khoăn, thắc mắc rằng:

– Tại sao không cần nhìn tới các nước tiên tiến xa xôi, chỉ cần nhìn trong khu vực, ta đã có thể học hỏi những nền giáo dục hiện đại, tiến bộ của một số nước xung quanh, và, người Việt Nam vốn không thiếu những người thông minh, trí tuệ, vậy mà sao ta khó thu được những kết quả đổi mới trong nền giáo dục? Và, đến bao giờ ta mới đổi mới cơ bản và toàn diện?

– Tại sao ta không lựa chọn được những vấn đề căn bản nhất để đổi mới?

– Tại sao nhiều nơi ưa thành tích, trọng hình thức mà chỉ có một sự kiện Đồi Ngô? Giáo viên biết, học sinh biết, phụ huynh biết mà sao BT và các cấp có thẩm quyền lại không biết hay giả vờ không biết?

– Tại sao ta quá nặng về dạy kiến thức sách vở, chưa đầu tư đúng mức vào kiến thức đời sống?

– Tại sao ta thiên về ôn thi, luyện thi mà chưa quan tâm nhiều tới việc rèn kĩ năng đọc, năng lực suy nghĩ và giải quyết các vấn đề của đời sống thực tiễn?

– Phải chăng ta thiên về dạy chữ chứ chưa thực sự quan tâm tới việc dạy người? Đến bao giờ, ta mới thực sự giáo dục để phát triển toàn diện con người? Phải chăng con người không còn là nhân tố có ý nghĩa hàng đầu đối với sự phát triển và ổn định kinh tế – chính trị – văn hoá – xã hội?

– Tại sao đánh giá giáo viên và học sinh, ta không chú trọng ở năng lực, chất lượng thực sự mà lại quá nhiều thủ tục rườm rà, lãng phí thời gian, tiền của và cả công sức?

– Tại sao, khi trường đã xây, thầy còn thừa mà mỗi lớp vẫn cứ 45 học sinh? Giáo viên chủ nhiệm quản lý khó, không thể quan tâm hết; giáo viên bộ môn giảng bài phải “căng hơi rướn họng”, chấm trả bài vất vả, không thể chấm kĩ thì cấy điểm, mà muốn kĩ phải mất nhiều thời gian; việc rèn luyện các kĩ năng cho hoc sinh trong giờ học cũng chẳng dễ dàng gì;… Nếu giảm số học sinh trong mỗi lớp, liệu chất lượng giáo dục và giảng dạy có cao hơn hay không?

– V..v..

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí Đoàn viên thanh niên!

Sẽ còn nhiều câu hỏi nữa, không chỉ của giáo viên chúng ta mà còn của học sinh, của phụ huynh và của cả xã hội. Dẫu biết rằng: đặt câu hỏi nghĩa là hoài nghi; càng nhiều hoài nghi càng không toàn tâm toàn chí với nghề nghiệp, và tất yếu sẽ nảy sinh nhiều cách thức đối phó hoặc buông xuôi, bỏ mặc. Thế nhưng, sống không thể không đặt ra những câu hỏi, không thể hoài nghi – bởi: cần phải hoài nghi để tìm ra chân lý. Và, sống cần cho ra sống, sống thật chính đáng, thật ý nghĩa.

Hi vọng rằng, một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ không phải buông lời than thở, cảm thương cho chúng ta – như nhà thơ Huy Cận đã viết lời cảm thương cha ông khi chiêm ngưỡng tượng các vị La Hán chùa Tây Phương – rằng:

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau

Hi vọng rằng, dù khó khăn thế nào, chúng ta vẫn có thể tìm ra được những phương cách chính đáng để tháo gỡ khó khăn, biến những ước mơ, lý tưởng thành hiện thực để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, nhân văn hơn!

Kính chúc quý vị đại biểu, các đồng chí luôn có người đỡ đần, chia sẻ công việc; luôn có đủ thời gian, sức khoẻ và tâm huyết, trí tuệ để luôn vui vẻ, sảng khoái mỗi khi đến trường!

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Tham luận về nâng cao chất lượng dạy và học hay nhất Những bài tham luận hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *