Nghị định số 114/2008/NĐ-CP của Chính phủ: Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác.
CHÍNH PHỦ ————— |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2008 |
NGHỊ ĐỊNH
Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản
đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm,
chứng khoán và tài chính khác
_______
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phá sản ngày 24 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về:
a) Danh mục doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác được áp dụng các quy định về phá sản của Nghị định này.
b) Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác.
Các vấn đề khác liên quan đến việc phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác thực hiện theo quy định của Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm:
a) Các doanh nghiệp được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và thuộc danh mục quy định tại Điều 2 Nghị định này.
b) Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác.
Điều 2. Danh mục doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác
1. Đối với lĩnh vực bảo hiểm: là các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm), ngoại trừ các công ty môi giới bảo hiểm.
2. Đối với lĩnh vực chứng khoán: là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp chứng khoán).
3. Đối với lĩnh vực tài chính khác: là các công ty Xổ số kiến thiết hoạt động kinh doanh xổ số theo quy định của Nghị định số 30/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh xổ số.
Trường hợp phát sinh các mô hình doanh nghiệp mới được thành lập và hoạt động theo giấp phép, quyết định của Bộ Tài chính hoặc hoạt động dưới sự quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính để trực tiếp tham gia cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực tài chính và việc phá sản doanh nghiệp đó có ảnh hưởng lớn tới công chúng, tác động trực tiếp tới sự phát triển an toàn, ổn định của hệ thống tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố bổ sung danh mục doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính khác được áp dụng theo Nghị định này (sau đây gọi chung là doanh nghiệp tài chính khác) sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Thủ tục phá sản
1. Trường hợp doanh nghiệp không được áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán, thủ tục phá sản áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác lâm vào tình trạng phá sản bao gồm:
a) Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản;
b) Phục hồi hoạt động kinh doanh;
c) Thanh lý tài sản, các khoản nợ;
d) Tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
2. Trường hợp doanh nghiệp đã được áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán, nhưng vẫn không khôi phục được, không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu và Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc chủ sở hữu của doanh nghiệp có quyết định chấm dứt áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán, đồng thời không có đủ quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho từ 2/3 (hai phần ba) tổng số nợ không có bảo đảm trở lên đề nghị tổ chức Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán quyết định áp dụng ngay việc thanh lý tài sản, các khoản nợ theo quy định tại điểm c khoản 1 và tuyên bố doanh nghiệp phá sản mà không áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Điều 4. Tổ quản lý, thanh lý tài sản
1. Đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phụ trách việc phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác ra quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
2. Thành phần Tổ quản lý, thanh lý tài sản gồm có:
a) Một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản làm Tổ trưởng;
b) Một cán bộ của Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
c) Một đại diện của chủ nợ là tổ chức, cá nhân có số nợ lớn nhất trong số các chủ nợ. Trường hợp hội nghị chủ nợ xét thấy phải thay người đại diện cho các chủ nợ trong thành phần tổ quản lý, thanh lý tài sản thì hội nghị bầu người thay thế;
d) Một đại diện hợp pháp của doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản;
đ) Một đại diện của Bộ Tài chính khi tiến hành phá sản doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tài chính khác do Bộ Tài chính cấp giấy phép, quyết định thành lập và hoạt động hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi tiến hành phá sản doanh nghiệp chứng khoán hoặc Chủ sở hữu doanh nghiệp khi tiến hành phá sản các doanh nghiệp tài chính khác không do Bộ Tài chính cấp giấy phép, quyết định thành lập và hoạt động;
e) Đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động (nơi không có tổ chức công đoàn) đối với doanh nghiệp có nợ lương hoặc các khoản nợ khác đối với người lao động.
3. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm cử đại diện tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo yêu cầu của Thẩm phán.
4. Việc thành lập, thay đổi thành phần, giải thể, thành lập lại Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại các Điều 16, 17, 18 và 19 của Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Tổ quản lý, thanh lý tài sản
1. Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 10 và 11 của Luật phá sản.
2. Chế độ làm việc của Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 20 và từ Điều 22 đến Điều 33 của Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định số 114/2008/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.