Công văn 80/2013/BNN-TCCB về báo cáo bổ sung thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 và 50/2010/QH12 về nội dung liên quan đến giáo dục đại học do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ———– Số: 80/BNN-TCCB V/v: Báo cáo bổ sung việc thực hiện các Nghị quyết số 35/2009/QH12 và số 50/2010/QH12 của Quốc hội về các nội dung liên quan đến giáo dục đại học |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 08 tháng 01năm 2013 |
Kính gửi: |
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
Thực hiện Công văn số 480/UBVHGDTTN13 ngày 13/7/2012 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc Chuẩn bị báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 35/2009/QH12 và Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội về các nội dung liên quan đến giáo dục đại học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 3269/BNN-TCCB ngày 26/9/2012 báo cáo các nội dung liên quan đến công tác quản lý các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ.
Sau cuộc họp với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 26/12/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo bổ sung một số vấn đề như sau:
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THUỘC BỘ:
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quản lý một hệ thống giáo dục đại học gồm 3 trường đại học, 10 trường cao đẳng và 7 viện nghiên cứu có đào tạo sau đại học.
– Trường Đại học Thủy lợi được thành lập năm 1959; Trường có trụ sở chính tại 175 – Sơn Tây, quận Đống Đa, Hà Nội và Cơ sở 2 của Trường đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thủy lợi và tài nguyên nước với quy mô đào tạo hiện nay trên 14.500 sinh viên.
– Trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập theo Quyết định số 127/CP ngày 19/8/1964; Trường có trụ sở chính tại Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội và Cơ sở 2 của Trường đặt tại Đồng Nai, Trường đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp và tài nguyên rừng với quy mô đào tạo hiện nay trên 10.700 sinh viên.
– Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Nông Lâm theo Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 20/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Trường có trụ sở tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Trường đào tạo các chuyên ngành chính về nông, lâm nghiệp, quy mô đào tạo hiện nay là 1.950 sinh viên.
– Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm được thành lập trên cơ sở Trường Trung học Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm theo Quyết định số 143/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 08/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trường có trụ sở tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Trường đào tạo các chuyên ngành chính về chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm với quy mô đào tạo hiện nay là 2.500 sinh viên.
– Trường Cao đẳng Thủy sản được thành lập trên cơ sở Trường Trung học Thủy sản 4 theo Quyết định số 6768/QĐ-BGDĐT ngày 15/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; trụ sở chính của Trường đặt tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh Trường đào tạo các chuyên ngành chính về nuôi trồng thủy với quy mô đào tạo hiện nay 1.250 sinh viên.
– Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ được thành lập trên cơ sở Trường Trung học và Dạy nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I theo Quyết định số6458/QĐ-BGDĐT ngày 08/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trụ sở của Trường đặt tại Xuân Mai, Hà Nội, Trường đào tạo các chuyên ngành chính về nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi – thú y với quy mô đào tạo hiện nay 1.550 sinh viên.
– Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc được thành lập trên cơ sở Trường Trung học Lâm nghiệp TW I theo Quyết định số 7191/QĐ-BGDĐT ngày 12/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trụ sở của Trường đặt tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Trường đào tạo các chuyên ngành chính về nông, lâm nghiệp như trồng trọt, lâm sinh, với quy mô đào tạo hiện nay 1.200 sinh viên.
– Trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ được thành lập trên cơ sở Trường Trung học Thủy lợi I theo Quyết định số 413/QĐ-BGDĐT ngày 23/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trụ sở của Trường đặt tại Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Trường đào tạo các chuyên ngành chính về thủy lợi và tài nguyên nước với quy mô đào tạo hiện nay 1.050 sinh viên.
– Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ được thành lập trên cơ sở Trường Trung học và Dạy nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Bộ theo Quyết định số 479/QĐ-BGDĐTngày 22/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trụ sở của Trường đặt tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; Trường đào tạo các chuyên ngành chính về nông nghiệp và thủy lợi với quy mô đào tạo hiện nay 1.100 sinh viên.
– Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ được thành lập trên cơ sở Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Bộ theo Quyết định số 7592/QĐ-BGDĐTngày 12/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trụ sở của Trường đặt tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ; Trường đào tạo các chuyên ngành chính về nông nghiệp và cơ khí nông nghiệp với quy mô đào tạo hiện nay 1.100 sinh viên.
– Trường Cao đẳng Công nghệ – Kinh tế và Thủy lợi Miền Trung được thành lập trên cơ sở Trường Trung học Thủy lợi II theo Quyết định số 291/QĐ-BGDĐT ngày 14/01/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trụ sở của Trường đặt tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Trường đào tạo các chuyên ngành chính về thủy lợi và tài nguyên nước với quy mô đào tạo hiện nay 900 sinh viên.
– Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc được thành lập trên cơ sở Trường Trung học kỹ thuật và Dạy nghề Bảo Lộc theo Quyết định số 3549/QĐ-BGDĐT ngày 19/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trụ sở của Trường đặt tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; Trường đào tạo các chuyên ngành chính về nông nghiệp và cơ khí nông nghiệp với quy mô đào tạo hiện nay 1.200 sinh viên.
– Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Hà Nội được thành lập trên cơ sở Trường Trung học Công nghệ và Kinh tế Hà Nội theo Quyết định số 3828/QĐ-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trụ sở của Trường đặt tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội; Trường đào tạo các chuyên ngành chính về chế biến lương thực thực phẩm và cơ khí nông nghiệp với quy mô đào tạo hiện nay 1.900 sinh viên.
– Các viện nghiên cứu có đào tạo sau đại học bao gồm: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (đào tạo tiến sỹ và thạc sỹ), Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Chăn nuôi, Viện Thú y và Viện nghiên cứu Hải sản. Năm 2012 các viện này đang đào tạo 312 nghiên cứu sinh và 103 học viên cao học.
Nhìn chung, hệ thống các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân bố khá hợp lý theo vùng miền, có cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo tương đối phù hợp với yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần được tiếp tục tăng cường cả về số lượng, loại hình trường và năng lực đào tạo của từng trường.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 35/2009/QH12 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 50/2010/QH12 VỀ CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC:
1. Về việc thành lập trường:
Từ sau khi có Nghị quyết số 35/2009/QH12 và Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập 1 trường đại học là:
– Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Nông Lâm theo Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 20/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc lập Dự án đầu tư thành lập Trường, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên thực hiện đầy đủ theo quy trình được quy định tại Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg ngày 15/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học.
Dự án đầu tư thành lập Trường đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ liên quan và tỉnh Bắc Giang kiểm tra, thẩm định theo đúng quy định trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi thành lập, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã được tiếp tục đầu tư nâng cấp về mọi mặt để đảm bảo chất lượng đào tạo, cụ thể:
– Về cơ cấu tổ chức bộ máy: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số1059/QĐ-BNN-TCCB ngày 20/5/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang và Quyết định số 1631/QĐ-BNN-TCCB ngày 20/7/2011 phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường. Trên cơ sở Điều lệ Trường Đại học (Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ) và các quyết định trên, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã kiện toàn tổ chức của Trường và đi vào hoạt động ổn định.
– Về cán bộ lãnh đạo quản lý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bổ nhiệm 04 cán bộ lãnh đạo thuộc diện Bộ quản lý; Hiệu trưởng Trường thực hiện bổ nhiệm theo phân cấp đã bổ nhiệm 42 cán bộ lãnh đạo các phòng, khoa, bộ môn, trung tâm. Công tác bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng quy trình và thủ tục bổ nhiệm cán bộ theo quy định của Đảng và Nhà nước.
– Về đội ngũ cán bộ, giảng viên: Trường đã thực hiện tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng, xây dựng cơ chế đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên nhằm thu hút nhân tài; quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm bảo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
Trường đã cử nhiều giảng viên đi làm nghiên cứu sinh và học cao học trong và ngoài nước. Sau 2 năm thành lập, số giảng viên của Trường đã tăng từ 131 người lên 182 người, trong đó có 10 tiến sỹ và 85 thạc sỹ. 100% giảng viên được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
– Về cơ sở vật chất: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 671/QĐ-BNN-TCCB ngày 18/3/2010 phê duyệt Quy hoạch mặt bằng tổng thể Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang đến năm 2020 với các tiêu chí quy hoạch cho một trường đại học với tổng vốn đầu tư 664 tỷ đồng. Từ năm 2012 Trường đã bắt đầu triển khai xây dựng khu giảng đường mới với kinh phí 79 tỷ đồng. Các dự án khác sẽ tiếp tục được triển khai vào giai đoạn 2015-2017.
– Về nội dung chương trình đào tạo: Trên cơ sở danh mục ngành đào tạo mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và từ thực tiễn sản xuất nông lâm nghiệp, Trường đã hoàn thiện chương trình đào tạo cho 7 ngành, chuyên ngành đào tạo bậc đại học và 9 ngành, chuyên ngành đào tạo bậc cao đẳng. Trường đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho tất cả các chuyên ngành đào tạo cao đẳng và đang xâydựng, chuẩn bị công bố chuẩn đầu ra cho các ngành, chuyên ngành đào tạo bậc đại học.
Nhìn chung, sau hai năm thành lập và hoạt động theo mô hình mới, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với sự phát triển của giáo dục đại học, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của ngành và củaxã hội.
Về việc thành lập Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ thực phẩm:
– Dự án khả thi đầu tư thành lập Trường đã được Bộ Nông nghiệp và Pháttriển nông thôn, các Vụ, Cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các Bộ liên quan và thành phố Hải Phòng kiểm tra, thẩm định ngày 18/6/2011 theo đúng các quy định, hiện đã hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập.
2. Việc lập, giao và thực hiện kế hoạch đầu tư cho các cơ sở giáo dục đạihọc
2.1. Công tác lập dự án đầu tư
a) Căn cứ đề xuất dự án mới:
–Chỉthịcủa Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinhtế – xã hội và dự toán ngân sách hàng năm.
– Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội hàng năm.
– Văn bản hướng dẫn các cơ sở xây dựng kế hoạch hàng năm.
– Tổng hợp nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thông qua các báo cáo kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc Bộ.
– Dự báo khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư, số lượng dự án hoàn thành, chuyển tiếp…từ đó đề xuất số lượng, tên dự án mới, đảm bảo luôn có 2-3 dự án mới gối đầu cho năm tiếp theo.
– Thứ tự ưu tiên: cơ sở đại học trước cao đẳng; cơ sở nhiều khó khăn trước cơ sở ít khó khăn hơn…
– Quy hoạch mặt bằng đã được phê duyệt.
Từ các căn cứ lựa chọn như trên, hàng năm có từ 2-3 cơ sở giáo dục đại học được đề xuất đưa vào danh mục văn bản kế hoạch đầu tư để báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Bộ. Sau khi hoàn thiện lần cuối, Báo cáo (văn bản) kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước sẽ được Bộ trưởng phê duyệt. Theo danh mục này, chủ trương cho phép cơ sở (chủ đầu tư) lập dự án đầu tư được Vụ Kế hoạch trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.
b) Công việc lập dự án:
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thuê tư vấn xây dựng dự án trên cơ sở đề cương, dự toán chi phí lập dự án được Bộ duyệt, phù hợp với nội dung đã được xác định tại quyết định cho phép lập dự án của Bộ và các quy định hiện hành.
c) Thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình:
Cục Quản lý Xây dựng công trình được giao làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ liên quan tổ chức thẩm định, trình Bộ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình. Công việc thẩm định phê duyệt TKBVTC-TDT, Bộ giao chủ đầu tư phê duyệt (theo Nghị định 12/2009/NĐ-CP).
2.2. Công tác giao kế hoạch vốn đầu tư
Vụ Kế hoạch được giao chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ có liên quan tổnghợp trình lãnh đạo Bộ phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển bao gồm kế hoạch vốn đầu tư phát triển khối giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Trên cơ sở phân bổ vốn của Bộ, Vụ Kế hoạch ký thừa lệnh Bộ thông báo kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư.
Trong giai đoạn 2009 – 2013, hàng năm các trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cấp bình quân 120 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước phục vụ cho đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất.
2.3. Quản lý thực hiện dự án
Theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP Bộ giao các chủ đầu tư quản lý, thực hiện Dự án. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đầu tư theo các quy định của pháp luật, có hiệu quả, đúng mục đích. Trong những năm qua, kế hoạch đầu tư tại các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ được thực hiện đạt kết quả tốt, giá trị giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao hàng năm.
Năm 2011, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ đã có báo cáo rà soát, điều chỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư năm 2011 tại các văn bản số 731/BNN-KH ngày 18/3/2011, số 943/BNN-KH ngày 09/4/2011 và 1812/BNN-KHngày 27/6/2011. Kết quả rà soát khối Giáo dục đại học: trong tổng số 5 dự án đầu tư cơ sở đã được phê duyệt năm 2009-2010, đã đình hoãn khởi công 3 dự án, đề nghị khởi công mới 2 dự án.
Thực hiện chỉ thị số 1792/CT-TTg, ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ đã quán triệt đến các đơn vị trực thuộc Bộ (trong đó có cơ sở giáo dục đại học) với việc ban hành Chỉ thị số 3290/CT-BNN-KH ngày 10/11/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý.
Trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn ngân sách nhà nước tại các cơ sở giáo dục đại học, Bộ yêu cầu các chủ đầu tư không thực hiện vượt quá kế hoạch vốn đã giao (trừ các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA. Do vậy, trong các năm qua, không phát sinh nợ cũng không nợ các nhà thầu
3. Quản lý về tổ chức – nhân sự, tài chính – tài sản, tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ và về bảo đảm chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học thuộc thẩm quyền:
Để giúp các trường có định hướng và mục tiêu phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt chiến lược phát triển trường đến năm 2015và tầm nhìn 2020 của tất cả các trường đại học và cao đẳng trực thuộc, làm cơ sở định hướng và pháp lý để các trường tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu phát triển của trường và của hệ thống đào tạo thuộc Bộ, trong chiến lược phát triển chung của các trường có các chiến lược riêng về đào tạo, về phát triển khoa học công nghệ, phát triển tổ chức nhân sự, về tài chính, tài sản …
3.1. Quản lý về tổ chức – nhân sự:
Việc quản lý về tổ chức – nhân sự các trường đại học, cao đẳng trực thuộc được thực hiện theo Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi năm 2010, Nghị định số75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Điều lệ trường đại học (ban hành kèm theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ), Điều lệ trường cao đẳng (ban hành kèm theo Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT ngày 28/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Sau khi các trường đại học, cao đẳng được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập, Bộ đã có các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các trường này, kèm theo đó, Bộ đã phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của các trường, trong đó quy định khung về cơ cấu tổ chức của trường, trên cơ sở đó hiệu trưởng các trường ra quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc.
Công tác quản lý nhân sự của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ thực hiện theo quy định chung của các văn bản nêu trên và theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể Bộ quản lý trực tiếp các cán bộ lãnh đạo trường và kế toán trưởng đơn vị, các cán bộ khác được phân cấp cho hiệu trưởng trực tiếp quản lý. Hàng năm, Bộ tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác tổ chức, cán bộ của các đơn vị trực thuộc, trong đó có các trường đại học, cao đẳng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn coi phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Trên cơ sở đó Bộ đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trực thuộc tích cực phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên theo hướng tăng cường cả số lượng và chất lượng đội ngũ theo hướng:
– Làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để có nguồn cán bộ đủ phẩm chất và năng lực quản lý, tránh hiện tượng hụt hẫng trong lãnh đạo trường.
– Giao quyền tự chủ theo quy định cho các trường trong việc xây dựng đội ngũ, có cơ chế đãi ngộ thoả đáng để thu hút nguồn tuyển dụng có chất lượng cao, đa ngành cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; tạo điều kiện làm việc cho giáo viên.
– Tăng nguồn ngân sách và huy động nguồn lực của các dự án cho đào tạo giáo viên, đặc biệt là đào tạo sau đại học; đào tạo nghiệp vụ quản lý giáo dục cho đội ngũ cán bộ quản lý.
3.2. Quản lý tài chính – tài sản:
Việc quản lý tài chính – tài sản tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ được thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước như: theo Luật ngân sách, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn sử dụng ngân sách nhà nước.
Hiện các trường đã thực hiện quyền tự chủ về tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CPngày 28/7/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo tiêu chí đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động.
Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của các trường và các nguồn kinh phí được Nhà nước cấp, Bộ phân bổ kinh phí cho các trường theo 2 luồng: kinh phí hoạt động thường xuyên (kinh phí tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP) và kinh phí cấp bổ sung (kinh phí không tự chủ). Từ nguồn kinh phí được giao, các trường lập kế hoạch sử dụng kinh phí của trường, trình Bộ phê duyệt làm căn cứ để thực hiện.
Hiệu trưởng được phân cấp quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về tài chính – tài sản của trường.
Trong các tháng đầu năm, Bộ kiểm tra và phê duyệt quyết toán kinh phí hoạt động của các trường trong năm trước.
Việc kiểm toán các trường thực hiện theo kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước.
3.3. Quản lý hoạt động đào tạo:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc quản lý hoạt động đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc với tư cách là Bộ chủ quản theo quy định tại Nghị định115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm nhà nước về quản lý giáo dục và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc quản lý hoạt động đào tạo được thực hiện thông qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hoạt động đào tạo tại các trường như: công tác lập kế hoạch đào tạo, công tác tuyển sinh, tổ chức các hoạt động đào tạo tại trường, công tác xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, công tác mua sắm trang thiết bị từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu …
3.4. Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ:
Việc thực hiện quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Để định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong các trường, Bộ đã phê duyệt chiến lược phát triển trường, trong đó có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ.
Trong phát triển khoa học và công nghệ lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các trường đại học là các đơn vị có đủ tư cách và tiêu chuẩn tham gia đấu thầu các đề tài khoa học cấp nhà nước và các đề tài quan trọng cấp Bộ. Bên cạnh đó, trên cơ sở xem xét năng lực nghiên cứu khoa học và tính đặc thù của các trường để giao một số đề tài cấp Bộ có tính chuyên biệt.
Việc quản lý, đánh giá các đề tài được Bộ giao tại các trường được thực hiện theo các quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000, Nghị định 81/2002/NĐ-CP ngày 07/10/2002 quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ; Thông tư liên Bộ số 44/2007/TTLB-BTC-BKHCN ngày 07/5/2002 hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
Ngoài các đề tài được Nhà nước và Bộ giao, các trường đại học và cao đẳng thuộc Bộ còn thực hiện nhiều đề tài cấp cơ sở nhằm giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ thực tiễn liên quan đến lĩnh vực đào tạo của các trường.
3.5. Công tác đảm bảo chất lượng đào tạo:
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục. Các phòng này đang hoạt động có hiệu quả, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo tại các trường.
Các trường cũng tham gia tích cực vào công tác đánh giá chất lượng đào tạo: 2 trường đại học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá ngoài; các trường cao đẳng cũng đã tiến hành tự đánh giá. Kết quả đánh giá các trường trên đều đảm bảo chất lượng.
Nhiều trường đã xây dựng chuẩn đầu ra của nhà trường và công bố rộng rãi cho xã hội biết.
4. Trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học theo các quy định tại Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm nhà nước về quản lý giáo dục và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc phối hợp thể hiện trên các hoạt động: xây dựng, phê duyệt kế hoạch đào tạo hàng năm, xâydựng và thực hiện chiến lược phát triển trường, mở ngành đào tạo, tổ chức đào tạo các chương trình tiên tiến, công tác thanh, kiểm tra các hoạt động đào tạo tại cáctrường và công tác tham vấn các vấn đề chung như góp ý cho đề án: Đề án đổimới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020.
III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TRONG VIỆC ĐẦU TƯ VÀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC:
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đầu tư và đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số kiến nghị sau:
– Trên cơ sở thẩm định của Hội đồng liên Bộ ngày 18/6/2011 và các văn bản giải trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định thành lập Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ thực phẩm là Trường chuyên ngành đào tạo cán bộ về ngành muối, một lĩnh vực quan trọng trong nông nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực bậc cao đẳng, đại học.
– Đề nghị Nhà nước có cơ chế ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, trong thu hút cán bộ trình độ cao, trong đó tăng cường đầu tư cho các dự án cung cấp trang thiết bị thực hành, thực tập phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân.
– Có chính sách hỗ trợ sinh viên học các ngành, chuyên ngành trực tiếp liên quan để sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản để tăng cường thu hút người học các ngành, nghề lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực và phần lớn sinh viên theo học các ngành nghề này xuất thân từ vùng nông thôn và các vùng khó khăn trong cả nước.
– Có chính sách ưu tiên cho công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, cao đẳng như lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học, khuyến khích chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho sản xuất.
– Có chính sách thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục đại học; tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập, thực hành tại các cơ sở sản xuất nhằm nâng cao năng lực thực hành, sớm hoà nhập với công việc sau khi ra trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng báo cáo./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG (Đã ký) Bùi Bá Bổng |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Công văn 80/2013/BNN-TCCB Báo cáo bổ sung thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 và 50/2010/QH12 về nội dung liên quan đến giáo dục đại học do của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.