Quyết định 557/2013/QĐ-TCHQ về Quy tắc ứng xử của công, viên chức, người hợp đồng lao động ngành Hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành.
BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN ———- Số: 557/QĐ-TCHQ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ——————— Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG NGÀNH HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14/6/2005;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 33/QĐ-BTC ngày 08/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Ban hành quy định về quy tắc, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong thi hành công vụ và quan hệ xã hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người hợp đồng lao động ngành Hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2489/QĐ-TCHQ ngày 24/12/2007 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Hải quan.
Điều 3. Chánh Văn phòng Tổng cục, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phổ biến, triển khai, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Quy định về quy tắc ứng xử ban hành kèm theo Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TỔNG CỤC TRƯỞNG (Đã ký) Nguyễn Ngọc Túc |
QUY TẮC ỨNG XỬ
CỦA CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 557/QĐ-TCHQ ngày 18 tháng 02 năm 2013)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
1. Quy tắc ứng xử của ngành Hải quan (sau đây gọi chung là Quy tắc ứng xử) quy định về chuẩn mực ứng xử, giúp cán bộ, công chức, viên chức, người hợp đồng lao động trong ngành Hải quan (sau đây gọi chung là công chức hải quan) định hướng và tìm ra cách thức đúng đắn nhất khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, quan hệ với doanh nghiệp và người dân.
2. Công chức hải quan ngoài việc thực hiện Quy tắc ứng xử của ngành Hải quan tại văn bản này còn phải thực hiện nghiêm túc Quy chế văn hóa công sở của các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Điều 15,16,17 Luật cán bộ, công chức; Quyết định 33/QĐ-BCT ngày 08/1/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy định về quy tắc, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tài chính; Tuyên ngôn phục vụ khách hàng được ban hành kèm theo Quyết định 225/QĐ-TCHQ ngày 09/2/2011 của Tổng cục Hải quan.
Điều 2. Quy tắc ứng xử của công chức hải quan bao gồm:
1. Trách nhiệm cá nhân;
2. Tuân thủ pháp luật;
3. Chuẩn mực ứng xử trong cơ quan, đơn vị;
4. Chuẩn mực ứng xử với các cơ quan, doanh nghiệp và người dân;
5. Chuẩn mực ứng xử tại nơi cư trú;
6. Môi trường làm việc;
7. Sử dụng các tài sản và dịch vụ công.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Trách nhiệm cá nhân:
1. Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Tuân thủ các nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị, trong đó có Quy tắc ứng xử;
2. Không ngừng phấn đấu, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ động, sáng tạo và có ý thức phối hợp trong công tác để hoàn thành tốt công việc được giao;
3. Thường xuyên tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, có ý thức xây dựng và giữ gìn đoàn kết nội bộ, có trách nhiệm bảo vệ và phát huy truyền thống, uy tín của Ngành;
4. Chấp hành sự điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định về nghiệp vụ;
5. Bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước và của ngành Hải quan theo đúng quy định của pháp luật; Không lợi dụng thông tin có được khi thi hành nhiệm vụ để làm những việc không chính đáng; Không làm hư hỏng, mất mát, sai lệch hồ sơ, tài liệu liên quan đến tổ chức và cá nhân khi được giao nhiệm vụ giải quyết;
6. Không lợi dụng vị trí công tác để tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà sách nhiễu, mang lại lợi ích không chính đáng cho bản thân, gia đình và các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác;
7. Không tham gia các tệ nạn xã hội dưới mọi hình thức;
8. Rèn luyện tác phong làm việc mẫn cán, trung thực, chuyên nghiệp. Trong giao tiếp phải có thái độ văn minh, lịch sự, đúng mực;
9. Khi đi ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật và không làm gì gây ảnh hưởng đến hình ảnh, danh tiếng của đất nước Việt Nam;
10. Thực hiện nghiêm chỉnh việc mang, mặc trang chế phục Ngành, đeo thẻ công chức theo đúng quy định.
Điều 4. Tuân thủ pháp luật:
1. Công chức hải quan phải chấp hành đúng quy định của pháp luật trong thực thi công vụ. Những công chức hải quan có hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu các hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật;
2. Công chức hải quan phải báo cáo với lãnh đạo cấp trên ngay sau khi họ trở thành đối tượng hình sự của các thủ tục tố tụng hình sự. Sau khi nhận được những thông tin này, lãnh đạo cấp trên có thẩm quyền sẽ phải quyết định về việc công chức đó có được tiếp tục nhiệm vụ hay bị chuyển sang những vị trí khác, hoặc tạm thời bị đình chỉ công tác;
3. Công chức thừa hành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Cán bộ lãnh đạo còn phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ của công chức thuộc quyền theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 5. Chuẩn mực ứng xử trong cơ quan, đơn vị:
1. Chuẩn mực ứng xử với cấp trên:
a. Nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo, phân công của cấp trên; Thực hiện tốt chế độ báo cáo công việc với cấp trên theo đúng quy định;
b. Tôn trọng, đúng mực trong cư xử đối với cấp trên;
c. Trung thực trong báo cáo công việc và cung cấp thông tin, hay các ý kiến phản ánh với cấp trên;
d. Chủ động đóng góp ý kiến, kiến nghị, đề xuất các giải pháp cải tiến trong công việc, cách thức quản lý, điều hành của cấp trên nhằm nâng cao hiệu quả công việc chung;
đ. Trong trường hợp thấy quyết định của cấp trên trái với quy định của pháp luật thì báo cáo ngay với người ra quyết định, nếu vẫn phải chấp hành quyết định đó thì được bảo lưu ý kiến của mình, và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thực hiện quyết định đó gây ra;
e. Trong giao tiếp công việc, hội họp tại cơ quan, công sở, cấp dưới xưng hô với cấp trên theo chức vụ, không xưng theo thứ bậc tuổi tác (bác, chú, anh, chị, em…).
2. Chuẩn mực ứng xử với cấp dưới:
a. Công chức lãnh đạo có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức thuộc thẩm quyền và xử lý vi phạm của công chức, viên chức theo phân cấp quản lý cán bộ;
b. Hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho công chức, viên chức thuộc quyền;
c. Phân công nhiệm vụ cho cấp dưới rõ ràng, đúng người đúng việc;
d. Công tâm trong đánh giá và điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cấp dưới. Khuyến khích, phát huy năng lực, sở trường của cấp dưới;
đ. Tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn của cấp dưới;
e. Gương mẫu trong lối sống, trong công việc, giữ gìn đạo đức, văn hóa công vụ trong cơ quan, đơn vị, xây dựng và giữ gìn đoàn kết nội bộ.
3. Chuẩn mực ứng xử với đồng nghiệp:
a. Tôn trọng, chân thành, thân ái trong cư xử;
b. Đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp trong mọi lĩnh vực;
c. Cầu thị, học hỏi, tiếp thu ý kiến đúng đắn của đồng nghiệp;
d. Thẳng thắn phê bình, đóng góp ý kiến đối với những biểu hiện sai trái của đồng nghiệp;
đ. Công bằng, trung thực trong nhận xét, đánh giá và có thái độ tích cực đối với sự phát triển của đồng nghiệp.
4. Chuẩn mực ứng xử trong hội họp, sinh hoạt tập thể:
a. Phải chuẩn bị nội dung và ý kiến phát biểu theo yêu cầu của cuộc họp, hội thảo, hội nghị;
b. Có mặt đúng giờ, tham gia đầy đủ cuộc họp, hội nghị, hội thảo. Phát biểu ý kiến theo sự chỉ định hoặc cho phép của chủ tọa;
c. Tắt điện thoại di động hoặc để ở chế độ rung;
d. Triển khai hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai các kết luận tại cuộc họp, hội nghị, hội thảo.
5. Chuẩn mực ứng xử trong sử dụng hệ thống thông tin (bao gồm các nội dung liên quan đến e-mail, hệ thống mạng nội bộ, phần mềm, telephone, truy cập internet, fax, máy tính cá nhân và các thiết bị thông tin, lưu trữ khác):
a. Sử dụng hệ thống thông tin thích hợp để đảm bảo các thông tin được tiếp nhận kịp thời; có trách nhiệm bảo vệ các hệ thống thông tin và dữ liệu, tránh truy cập không chính đáng;
b. Truy cập và xử lý thông tin theo đúng thẩm quyền và phù hợp với công việc được giao;
c. Không được tiết lộ các thông tin bảo mật qua hệ thống thông tin;
d. Không sử dụng hệ thống thông tin vào việc riêng;
đ. Không truy cập các website, lưu trữ, phát tán các tập tin, chương trình có nội dung vi phạm pháp luật, hoặc thông tin sai lệch khi chưa được cấp cơ quan có thẩm quyền kiểm chứng.
e. Ngôn ngữ giao tiếp trong khi sử dụng hệ thống thông tin phải văn minh, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu.
Điều 6. Chuẩn mực ứng xử với các cơ quan, doanh nghiệp và người dân:
1. Nắm vững quy định của pháp luật để xử lý công việc đúng với quy trình, quy định của pháp luật; Có trách nhiệm giúp cơ quan, doanh nghiệp và người dân hoàn thành các nghĩa vụ và hưởng các quyền theo luật định;
2. Nhiệt tình, tận tụy, khách quan trong giải quyết công việc; Không trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc với các cơ quan, doanh nghiệp và người dân;
3. Tích cực hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích rõ ràng, tận tình, cụ thể về các quy định để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật;
4. Khi tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân phải mặc chế phục, đeo thẻ công chức theo đúng quy định của ngành. Có thái độ văn minh, lịch sự, đúng mực trong giao tiếp và ứng xử;
5. Tiếp nhận đầy đủ, phản hồi nhanh chóng, giải quyết khẩn trương các ý kiến đóng góp, khiếu nại từ phía các cơ quan, doanh nghiệp và người dân;
6. Không nhận tiền, tài sản, lợi ích bất hợp pháp từ phía các cơ quan, doanh nghiệp và người dân dưới mọi hình thức;
7. Khi bị tấn công hoặc bị cản trở công việc bất hợp pháp công chức Hải quan cần tìm kiếm ngay sự trợ giúp của các lực lượng chức năng và kịp thời báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền.
Điều 7: Chuẩn mực ứng xử với nhân dân nơi cư trú:
1. Tham gia đầy đủ các hoạt động nơi cư trú và chịu sự giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nơi cư trú;
2. Chấp hành và tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định tại nơi cư trú;
3. Thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa và các quy định về đạo đức công dân đã được pháp luật quy định hoặc cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện.
Điều 8. Môi trường làm việc:
1. Đảm bảo môi trường làm việc an ninh, an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng và tôn trọng sự khác nhau giữa các cá nhân, sự đa dạng về văn hóa, vùng miền, phong tục tập quán;
2. Công chức hải quan được cung cấp điều kiện làm việc đầy đủ, thuận lợi để có cơ hội phát huy năng lực của bản thân, đóng góp vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị;
3. Xây dựng, bảo vệ và giữ gìn môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, khoa học;
4. Đảm bảo văn minh, văn hóa công sở. Không tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các chất ma túy. Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn làm ảnh hưởng đến nơi làm việc.
Điều 9. Sử dụng tài sản và dịch vụ công:
1. Học tập, nghiên cứu để sử dụng thành thạo các thiết bị kỹ thuật được trang bị phục vụ công việc;
2. Giữ gìn, bảo vệ và sử dụng tài sản, trang thiết bị công tiết kiệm, hiệu quả; Đối với các tài sản sở hữu trí tuệ của cơ quan, đơn vị công chức phải bảo vệ theo quy định bảo mật của nhà nước hoặc của ngành.
3. Không sử dụng tài sản, trang thiết bị công sai mục đích hoặc vào mục đích cá nhân dưới mọi hình thức;
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Tổ chức thực hiện:
1. Thủ trưởng các đơn vị phối hợp với các cấp ủy Đảng, đoàn thể (Công đoàn, Thanh niên, Nữ công…) để tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người hợp đồng lao động thực hiện tốt Quy tắc ứng xử; có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử tại đơn vị mình; thực hiện sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng các cá nhân thực hiện tốt và phát hiện các trường hợp vi phạm để chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
2. Trường Hải quan Việt Nam đưa nội dung Quy tắc ứng xử vào giáo trình giảng dạy cho cán bộ, công chức hải quan.
3. Báo Hải quan, Bản tin Nghiên cứu Hải quan, Website Tổng cục Hải quan đăng tin, bài tuyên truyền về nội dung Quy tắc ứng xử trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền của Ngành.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục ý kiến bằng văn bản gửi về Tổng cục (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp trình Tổng cục trưởng xem xét, quyết định./.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 557/2013/QĐ-TCHQ Quy tắc ứng xử của công, viên chức, người hợp đồng lao động ngành Hải quan của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.