Thông tư số 71/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 21/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/03/2008, Quyết định số 602/QĐ-TTg ngày 22/05/2008 của Thủ tướng Chính phủ và sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2008/TT-BTC ngày 25/04/2008 của Bộ Tài chính.
BỘ TÀI CHÍNH ———– Số: 71/2008/TT-BTC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2008 |
THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 21/07/2008
của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung
các Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/03/2008, Quyết định số 602/QĐ-TTg ngày 22/05/2008
của Thủ tướng Chính phủ và sửa đổi, bổ sung
Thông tư số 35/2008/TT-BTC ngày 25/04/2008 của Bộ Tài chính
———————–
– Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
– Căn cứ Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân;
– Căn cứ Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 21/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân và Quyết định số 602/QĐ-TTg ngày 22/05/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 19/02/2008 về chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất lúa vụ Đông – Xuân 2007-2008 và chăn nuôi trâu bò bị thiệt hại do ảnh hưởng rét đậm, rét hại năm 2008 và Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/03/2008 về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân (sau đây viết tắt là Quyết định số 965/QĐ-TTg);
Theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các Công văn số 1528/BNN-KTBVNL ngày 02/06/2008 và Công văn số 2059/BNN-KTBVNL ngày 17/07/2008; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 21/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ và sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2008/TT-BTC ngày 25/04/2008 của Bộ Tài chính (sau đây viết tắt là Thông tư số 35/2008/TT-BTC) như sau:
1. Sửa đổi một số cụm từ nêu tại điểm 1đ, 2đ mục I Thông tư số 35/2008/TT-BTC gồm:
– Sửa đổi cụm từ “giấy đăng ký lưu hành phương tiện đánh bắt hải sản” thành cụm từ “Giấy đăng ký tàu cá hoặc Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá (đối với tàu dưới 20 CV)“.
– Sửa đổi cụm từ “giấy đăng kiểm tàu” thành cụm từ “giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hoặc sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá (đối với tàu 20 CV trở lên)“.
– Sửa đổi cụm từ “giấy phép khai thác hải sản” thành cụm từ “giấy phép khai thác thủy sản“.
2. Bổ sung vào gạch đầu dòng thứ hai điểm 1a mục I, Thông tư số 35/2008/TT-BTC quy định về tàu dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản như sau:
“Tàu dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản là các tàu thu mua hải sản, cung ứng vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, cung cấp nước đá, tàu vận chuyển, chế biến hải sản cho các tàu đánh bắt hải sản trên các vùng biển“.
3. Sửa đổi điểm 3 mục I Thông tư số 35/2008/TT-BTC như sau:
“3. Hỗ trợ về kinh phí bảo hiểm thân tàu cho tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản có công suất máy từ 40CV trở lên. Hỗ trợ kinh phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho các thuyền viên trên các tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản.
a) Điều kiện được hỗ trợ:
– Tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản đã hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm, có giấy phép khai thác thuỷ sản.
– Đối với việc hỗ trợ kinh phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chủ tàu mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên theo sổ danh bạ thuyền viên, hoặc danh sách thuyền viên, hoặc hợp đồng lao động với thuyền viên, hoặc theo định biên số thuyền viên trong giấy phép khai thác thủy sản.
b) Mức hỗ trợ:
– Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho các tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 40 CV trở lên.
– Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho các thuyền viên làm việc trên tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản.
c) Thời gian thực hiện hỗ trợ:
– Chủ tàu mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên năm nào thì được hỗ trợ kinh phí năm đó.
– Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ về kinh phí bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên từ năm 2008 – 2010.
d) Hồ sơ hỗ trợ:
– Đối với hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu: chủ tàu lập hồ sơ như sau:
+ Đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về địa chỉ cư trú và có tiến hành hoạt động khai thác hải sản, hoặc dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản trên biển (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
+ Bản sao có công chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về các giấy tờ: giấy đăng ký tàu cá; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hoặc sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá; giấy phép khai thác thủy sản (đối với tàu khai thác hải sản).
+ Bản sao giấy chứng nhận bảo hiểm thân tàu còn hiệu lực đến ngày chủ tàu nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
– Đối với hỗ trợ kinh phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên: chủ tàu lập hồ sơ như sau:
+ Đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên có xác nhận Ủy ban nhân dân cấp xã (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
+ Bản sao giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn thuyền viên còn hiệu lực đến ngày chủ tàu nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
– Việc đề nghị hỗ trợ được tiến hành theo năm, chủ tàu đề nghị hỗ trợ phí bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho năm nào thì lập hồ sơ cho năm đó.“
4. Sửa đổi điểm 4 mục I Thông tư số 35/2008/TT-BTC như sau:
“4. Hỗ trợ về dầu cho ngư dân là chủ sở hữu tàu đánh bắt hải sản hoặc tàu cung ứng dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản.
a) Đối tượng được hỗ trợ, điều kiện được hỗ trợ, thời gian hỗ trợ: thực hiện theo Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 21/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Mức hỗ trợ:
– Đối với tàu có công suất máy từ 90CV trở lên: hỗ trợ 10 triệu đồng cho một chuyến đi đánh bắt hải sản. Hỗ trợ 3 lần/năm.
– Đối với tàu có công suất máy từ 40CV đến dưới 90CV: hỗ trợ 6,5 triệu đồng cho một chuyến đi đánh bắt hải sản. Hỗ trợ 4 lần/năm.
– Đối với tàu có công suất máy dưới 40CV: hỗ trợ 4 triệu đồng/cho một chuyến đi đánh bắt hải sản. Hỗ trợ 5 lần/năm.
Mức hỗ trợ nêu trên được áp dụng cho tất cả các lần hỗ trợ dầu của cả năm 2008. Trường hợp chủ tàu đã nhận tiền hỗ trợ theo mức quy định tại Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì được hỗ trợ bổ sung phần tăng thêm theo mức quy định tại Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 21/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp chủ tàu chưa nhận tiền hỗ trợ thì sẽ nhận tiền hỗ trợ theo mức theo qui định tại Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 21/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Về hồ sơ hỗ trợ:
– Chủ tàu lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ lần đầu trong năm 2008 như sau:
+ Đơn đề nghị hỗ trợ về dầu có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về địa chỉ cư trú và có tiến hành hoạt động khai thác hải sản hoặc có dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản (theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này).
+ Bản sao có công chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 965/QĐ-TTg, cụ thể gồm: giấy đăng ký tàu cá hoặc giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá (đối với tàu dưới 20 CV); giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hoặc sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá (đối với tàu từ 20 CV trở lên); giấy phép khai thác thủy sản (đối với tàu khai thác hải sản).
+ Đối với tàu từ 90 CV trở lên phải có bản sao giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn thuyền viên còn hiệu lực đến ngày chủ tàu lập hồ sơ đề ghị hỗ trợ.
+ Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bộ đội biên phòng (đồn biên phòng hoặc trạm biên phòng) về có tiến hành hoạt động khai thác hải sản hoặc có dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản.
Mẫu giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bộ đội biên phòng do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho các Sở, ban, ngành của tỉnh quy định để áp dụng thống nhất trên địa bàn.
– Đối với hỗ trợ các lần tiếp theo trong năm 2008: Chủ tàu lập giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bộ đội biên phòng (đồn biên phòng hoặc trạm biên phòng) về có tiến hành hoạt động khai thác hải sản hoặc có dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản.“
5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo và áp dụng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện và hỗ trợ cho ngư dân trên địa bàn cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: – Văn phòng TW Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; – Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc CP; – Công báo; – UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển; – Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển; – Kiểm toán Nhà nước; – Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); – Các đơn vị thuộc BTC; – Website CP, Website Bộ Tài chính; – Lưu: VT, Vụ TCNH. |
KT. BỘ TRƯỞNG (Đã ký) Trần Xuân Hà |
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư số 71/2008/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 21/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/03/2008, Quyết định số 602/QĐ-TTg ngày 22/05/2008 của Thủ tướng Chính phủ của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.