Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định 11/2013/QĐ-UBND của tỉnh Hà Tĩnh Quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Quyết định 11/2013/QĐ-UBND sửa đổi Quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015 kèm theo Quyết định 24/2011/QĐ-UBND.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————————

Số: 11/2013/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 14 tháng 03 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2011 – 2015 BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 24/2011/QĐ-UBND NGÀY 09/8/2011 CỦA UBND TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Theo đề nghị của liên ngành Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tại Văn bản số 220/LN/STC-SKHCN-NN&PTNT ngày 29/01/2013; của liên ngành Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 4044/TTr-STC-SNNPTNT ngày 25/12/2012 và của Sở Tài chính tại Văn bản số 42/STC-NSHX ngày 05/01/2013 kèm theo Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 13/BC-STP ngày 05/01/2013;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Văn bản số 77/HĐND ngày 12/3/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 09/8/2011 của UBND tỉnh như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 7 như sau:

“a) Ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí lập hồ sơ địa chính (đo vẽ bản đồ địa chính, phí, lệ phí) để cấp giấy chứng nhận trang trại nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/trang trại.”

2. Bổ sung thêm Điều 10a sau Điều 10 như sau:

“Điều 10a. Sản xuất nấm

1. Hỗ trợ kinh phí mua giống nấm: Hỗ trợ một lần chi phí mua giống sản xuất cho tổ chức, cá nhân đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất nấm, với quy mô tối thiểu 5.000 bịch nấm/lứa hoặc 200m2; mức hỗ trợ bằng 100% tiền giống tương ứng 20% tiền bịch giống (đối với giống nấm đóng bịch) hoặc 30 kg giống/100m2 (đối với nấm giống không đóng bịch).

2. Hỗ trợ kinh phí làm lán trại sản xuất nấm:

a) Đối với hộ gia đình sản xuất nấm có quy mô 200m2 lán trại tập trung trở lên được hỗ trợ một lần bằng 20% chi phí làm lán trại tương ứng 35.000 đồng/01 m2 diện tích lán trại cố định, mức tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ;

Tham khảo thêm:   Thông tư số 31/2011/TT-BNNPTNT ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành

b) Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất nấm tập trung có quy mô 1.000m2 lán trại trở lên và sản xuất được tối thiểu 20 tấn nấm tươi các loại/năm được hỗ trợ một lần với mức 30 triệu đồng cho một đơn vị sản xuất.

Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quy định cụ thể về quy cách lán trại sản xuất nấm, trong đó thời gian sử dụng tối thiểu 7 năm.

3. Hỗ trợ kinh phí mua máy móc thiết bị sản xuất giống; chế biến nấm.

a) Các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, máy móc để sản xuất nấm giống có công suất đóng bịch bình quân từ 1.000 bịch giống/ngày hoặc từ 200kg giống sản xuất bình quân/ngày trở lên thì được hỗ trợ một lần bằng 30% chi phí mua máy móc thiết bị nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng cho một cơ sở. Trường hợp quy mô trên 2.000 bịch giống/ngày hoặc 400 kg giống bình quân/ngày được hỗ trợ một lần nhưng tối đa không quá 60 triệu đồng cho một cơ sở;

b) Các tổ chức, cá nhân đầu tư mua máy móc, thiết bị để chế biến nấm có công suất chế biến từ 50 tấn đến dưới 75 tấn nấm tươi/năm thì được hỗ trợ một lần bằng 30% chi phí mua máy móc thiết bị nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng cho một cơ sở. Trường hợp công suất chế biến trên 75 tấn nấm tươi/năm được hỗ trợ một lần tối đa không quá 60 triệu đồng, cho một cơ sở.”

3. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 15 như sau:

“b) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào và chuồng trại (hỗ trợ một lần/cơ sở, sau khi dự án hoàn thành đưa vào hoạt động) được hỗ trợ 200 triệu đồng/cơ sở (chi hỗ trợ một lần), trong đó: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào và chuồng trại 150 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng hệ thống công trình xử lý môi trường là 50 triệu đồng.

Trường hợp cơ sở chăn nuôi mở rộng quy mô trang trại đạt 500 con trở lên thì được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào và chuồng trại (hỗ trợ một lần/cơ sở, sau khi hoàn thành việc mở rộng đưa vào hoạt động) được hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/cơ sở nâng cấp, trong đó: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào và chuồng trại 50 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng hệ thống công trình xử lý môi trường là 50 triệu đồng.”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 15 như sau:

“4. Hỗ trợ chăn nuôi lợn cho các hộ như sau:

a) Hộ chăn nuôi lợn tại vùng tái định cư, vùng khó khăn (theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ) có quy mô từ 15 đến 20 con được hỗ trợ như sau:

– Phần chênh lệch lãi suất cho người chăn nuôi vay vốn tại các Ngân hàng để được hưởng mức mức lãi suất ưu đãi (0,65%/tháng), thời gian hỗ trợ không quá 02 năm, với định mức tiền vay tối đa 40 triệu đồng/hộ, để xây dựng chuồng trại, mua giống lợn và thức ăn chăn nuôi.

Tham khảo thêm:   Bài học lịch sử nào được Nguyễn Trãi nêu lên trong Đại cáo bình Ngô Soạn bài Đại cáo bình Ngô - Cánh diều 10

– Hỗ trợ một lần với mức 03 triệu đồng/hộ để xây bể biogas xử lý chất thải.

b) Hộ chăn nuôi lợn tại các vùng không thuộc vùng tái định cư, vùng khó khăn được quy định tại điểm a, khoản 4 Điều này có quy mô từ 15 đến 20 con được hỗ trợ: Hộ, gia đình nghèo được hỗ trợ 02 triệu đồng/hộ để xây bể biogas xử lý chất thải; hộ, gia đình cận nghèo được hỗ trợ 01 triệu đồng/hộ để xây bể biogas xử lý chất thải.”

5. Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 17 như sau:

“a) Đối với xã, phường thị trấn 60 triệu đồng/địa phương (hỗ trợ 1 lần) để mua sắm tủ thuốc thú y, xét nghiệm, chỉ đạo, quản lý và thẩm định (đối với các xã, phường, thị trấn có tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm trên 40% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp).”

6. Bổ sung khoản 2 Điều 17 như sau:

“2. Hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Xây dựng mới cơ sở giết mổ tập trung có công suất từ 70 con gia súc (hoặc 1.500 con gia cầm) trên ngày đêm trở lên, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo vệ sinh môi trường thì được hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở. Khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn có công suất từ 500 con gia súc (hoặc 10.000 con gia cầm) trên ngày đêm trở lên được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo vệ sinh môi trường, mức hỗ trợ 500 triệu đồng/cơ sở; trong đó: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giết mổ tập trung 400 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng hệ thống công trình xử lý môi trường giết mổ tập trung 100 triệu đồng.”

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 22 như sau:

“5. Đối với các vùng nuôi trồng thủy sản:

Vùng nuôi trồng thủy sản công nghiệp theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có diện tích từ 3,0 ha trở lên và vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh (tập trung) theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có diện tích từ 7,0 ha trở lên được ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí mua hóa chất để xử lý dập địch đối với các bệnh thủy sản nguy hiểm ở thời điểm ngăn chặn không để dịch lây lan diện rộng (danh mục các bệnh thủy sản nguy hiểm được quy định tại Thông tư số 38/2012/TT-BNNPTNT ngày 02/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)”

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 22 như sau:

“6. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản bằng lồng có quy mô thể tích 90 m3 trở lên (thể tích mỗi lồng ít nhất là 15m3) được hỗ trợ 1 lần cụ thể: Nếu nuôi trên sông (đập, hồ lớn) hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ, cơ sở; nếu nuôi trên biển hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ, cơ sở. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn quy mô, kết cấu, thiết kế lồng theo đúng quy định.”

Tham khảo thêm:   Công nghệ 6 Bài 1: Khái quát về nhà ở Giải Công nghệ lớp 6 Bài 1 trang 8 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

9. Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 23 như sau:

“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất < 90CV sang tàu có công suất ≥ 90 CV, được ngân sách hỗ trợ 0,5 triệu đồng cho 01 CV tăng thêm.

2. Đầu tư đối với đóng mới tàu cá:

a) Đóng mới tàu cá công suất từ 250 CV/chiếc trở lên được ngân sách hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm.

b) Đóng mới tàu cá công suất từ 90CV/chiếc đến dưới 250 CV/chiếc được ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm.”

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 24 như sau:

“3. Khi giá muối sụt giảm bằng hoặc thấp hơn 80% giá năm trước liền kề (đã tính trượt giá theo chỉ số tiêu dùng Nhà nước công bố), hộ diêm dân sản xuất muối sạch được tỉnh hỗ trợ phần giá trị sụt giảm, tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ/năm.”

Điều 2. Điều khoản thi hành:

1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.

2. Bãi bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10; điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 15 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 09/8/2011 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Liên minh Hợp tác xã; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Website Chính phủ;
– Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
– Bộ Nông nghiệp và PTNT;
– Vụ Pháp chế – Bộ Nông nghiệp và PTNT;
– TTr. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
– Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
– UBMT Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh;
– Các sở: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông;
– Trung tâm Công báo – Tin học tỉnh;
– Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh;
– Các PVP/UBND tỉnh;
– Các phòng chuyên môn VP UBND tỉnh;
– Trung tâm CB-TH tỉnh;
– Lưu VT, NL1, TNL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Lê Đình Sơn

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 11/2013/QĐ-UBND của tỉnh Hà Tĩnh Quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *