Nghị định 94/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 94/2013/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2013 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT DỰ TRỮ QUỐC GIA
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật dự trữ quốc gia ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia; Danh mục hàng dự trữ quốc gia và phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia; chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm công tác dự trữ quốc gia; xuất hàng dự trữ quốc gia khi thanh lý, loại khỏi Danh mục hàng dự trữ quốc gia, tiêu hủy và xử lý hàng dự trữ quốc gia đối với số lượng hàng khi kiểm kê thực tế lớn hơn so với sổ kế toán.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hình thành, tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia.
Chương 2.
CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ DỰ TRỮ QUỐC GIA
Điều 3. Chính sách huy động nguồn lực cho dự trữ quốc gia
1. Nhà nước khuyến khích đồng thời ghi nhận bằng văn bản việc các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp tài sản để sử dụng cho dự trữ quốc gia.
Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia khi tiếp nhận tài sản tự nguyện đóng góp để sử dụng cho dự trữ quốc gia có trách nhiệm quản lý sử dụng đúng mục đích và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đóng góp tài sản cho các tổ chức, cá nhân.
2. Trong tình huống đột xuất, cấp bách, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng, phục vụ quốc phòng, an ninh cần được giải quyết ngay Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương huy động tài sản, hàng hóa, vật tư, thiết bị của các tổ chức, cá nhân cho dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
3. Người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này quyết định huy động, quản lý sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả; thanh toán, bồi thường thiệt hại đối với tài sản, hàng hóa, vật tư, thiết bị huy động, phục vụ dự trữ quốc gia cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
Điều 4. Chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho dự trữ quốc gia
1. Nhà nước khuyến khích đồng thời ghi nhận bằng văn bản việc các tổ chức, cá nhân tự nguyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho dự trữ quốc gia.
Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm quản lý sử dụng kho do các tổ chức, cá nhân tự nguyện đầu tư xây dựng kho trong quy hoạch mạng lưới kho dự trữ quốc gia để cho dự trữ quốc gia thuê hoặc nhận thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia đúng mục đích; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đã tự nguyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng kho trong quy hoạch mạng lưới kho dự trữ quốc gia để nhận thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia được bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ, hướng dẫn về công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học – công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin về dự trữ quốc gia
1. Nhà nước khuyến khích đồng thời ghi nhận bằng văn bản việc các tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ bảo quản, công nghệ thông tin miễn phí phục vụ quản lý và bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
2. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm quản lý sử dụng giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ bảo quản, công nghệ thông tin miễn phí phục vụ quản lý và bảo quản hàng dự trữ quốc gia được tổ chức, cá nhân cung cấp đúng mục đích; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đó.
Điều 6. Chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân cống hiến những thành tựu nghiên cứu khoa học áp dụng có hiệu quả trong ngành dự trữ quốc gia
1. Nhà nước khuyến khích đồng thời ghi nhận bằng văn bản việc tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp những phát minh, sáng chế áp dụng có hiệu quả trong quản lý và bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia khi tiếp nhận những phát minh, sáng chế có trách nhiệm quản lý sử dụng đúng mục đích và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đóng góp phát minh, sáng chế cho các tổ chức, cá nhân.
2. Tổ chức, cá nhân được đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học, áp dụng và đổi mới thiết bị công nghệ với bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách để giải quyết những vấn đề cơ bản và cấp thiết của công tác quản lý và bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Chương 3.
DANH MỤC CHI TIẾT HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA VÀ PHÂN CÔNG CƠ QUAN QUẢN LÝ
Điều 7. Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia, phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia
1. Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia và phân công bộ, ngành quản lý được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Trường hợp cần điều chỉnh bổ sung Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ quyết định điều chỉnh bổ sung Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia.
Điều 8. Thực hiện Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia, Danh mục hàng dự trữ quốc gia
1. Hằng năm cùng với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia rà soát, cân đối, tổng hợp trình Chính phủ quyết định Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia để giao cho các bộ, ngành triển khai thực hiện trong năm kế hoạch.
2. Trong trường hợp cần điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chương 4.
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC DỰ TRỮ QUỐC GIA
Điều 9. Điều kiện, thời gian tính hưởng và thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên
1. Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:
a) Công chức, viên chức, có thời gian công tác tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên;
b) Quân nhân, công an nhân dân có thời gian làm công tác dự trữ quốc gia đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
2. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên
a) Thời gian làm việc tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách, làm công tác dự trữ quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
b) Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại Điểm a Khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm: Thời gian phục vụ trong quân đội, công an được hưởng phụ cấp thâm niên, thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, cơ yếu, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và nhà giáo (nếu có);
c) Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
3. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên
a) Thời gian tập sự hoặc thời gian hợp đồng làm việc có thời hạn;
b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
đ) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Điều 10. Mức phụ cấp thâm niên
1. Người làm công tác dự trữ quốc gia theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này có thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
2. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 11. Điều kiện hưởng phụ cấp ưu đãi nghề
1. Người trực tiếp làm nhiệm vụ dự trữ quốc gia tại các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách.
2. Người trực tiếp làm công tác dự trữ quốc gia tại các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Điều 12. Mức phụ cấp ưu đãi nghề
1. Mức phụ cấp ưu đãi được quy định như sau:
a) Mức phụ cấp ưu đãi bằng 25% áp dụng đối với công chức thuộc các ngạch chuyên ngành dự trữ quốc gia;
b) Mức phụ cấp ưu đãi bằng 15% áp dụng đối với công chức thuộc các ngạch khác trực tiếp làm nhiệm vụ tại Chi cục dự trữ Nhà nước, văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thuộc cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách; người trực tiếp làm công tác dự trữ quốc gia tại các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
2. Các mức phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại Điều này được tính theo mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 13. Nguyên tắc áp dụng, nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên ngành, phụ cấp ưu đãi nghề dự trữ quốc gia
1. Người làm công tác dự trữ quốc gia theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 và Điều 11 Nghị định này nếu đang hưởng nhiều phụ cấp cùng loại thì chỉ được hưởng một phụ cấp có mức phụ cấp cao nhất.
2. Nguồn kinh phí để chi trả chế độ phụ cấp thâm niên ngành, phụ cấp ưu đãi nghề dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
Chương 5.
THANH LÝ, XUẤT LOẠI KHỎI DANH MỤC HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA, TIÊU HỦY VÀ XỬ LÝ HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA DÔI THỪA, THIẾU HỤT; TRÍCH THƯỞNG GIẢM HAO HỤT SO VỚI ĐỊNH MỨC TRONG BẢO QUẢN HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA
Điều 14. Thanh lý hàng dự trữ quốc gia
1. Hàng dự trữ quốc gia bị hư hỏng, giảm phẩm chất so với quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng vẫn còn giá trị sử dụng và được phép lưu thông trên thị trường được thanh lý trong các trường hợp sau đây:
a) Hàng dự trữ quốc gia bị hư hỏng đã gia công tái chế, sửa chữa hoặc xét thấy việc gia công tái chế, sửa chữa không có hiệu quả, không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Hàng dự trữ quốc gia hết giá trị sử dụng theo đúng tính năng của hàng hóa nhưng có thể chuyển sang mục đích sử dụng khác.
2. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định thanh lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật. Phương thức, trình tự, thủ tục, tổ chức thanh lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
3. Số tiền thu được từ thanh lý hàng dự trữ quốc gia, sau khi trừ chi phí hợp lý phục vụ cho công tác thanh lý theo quy định của pháp luật được nộp vào ngân sách nhà nước.
Điều 15. Xuất loại khỏi Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia
1. Hàng dự trữ quốc gia không thuộc Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia quy định tại Nghị định này thì Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất bán loại khỏi Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia; phương thức xuất bán theo quy định của Luật dự trữ quốc gia.
Hàng dự trữ quốc gia phục vụ quốc phòng, an ninh xuất loại khỏi Danh mục chỉ được xuất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
2. Số tiền thu được từ xuất bán hàng dự trữ quốc gia tại Khoản 1 Điều này được nộp vào ngân sách nhà nước.
Điều 16. Tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia
1. Hàng dự trữ quốc gia quá niên hạn sử dụng bị giảm phẩm chất không còn sử dụng được và không được phép lưu hành trên thị trường phải tiêu hủy.
2. Hàng dự trữ quốc gia tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật.
3. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia.
4. Kinh phí tiêu hủy hàng dự trữ quốc gia do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 94/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.