Ngày 31/08/2017, Bộ Công thương ban hành Thông tư 15/2017/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có hiệu lực kể tư ngày 16/10/2017. Theo đó, quy định về hồ sơ Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp bao gồm:
– Dự thảo Tờ trình của Sở Công Thương đề nghị phê duyệt Quy hoạch;
– Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch;
– Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt Quy hoạch đã hoàn thiện sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan;
– Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các Sở, ngành, Ủy ban nhân cấp huyện, tổ chức, cá nhân liên quan;
– Văn bản góp ý của các Sở, ngành, Ủy ban nhân cấp huyện, tổ chức, cá nhân liên quan;
– Quyết định phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí;
Thông tư 15/2017/TT-BCT – Hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP quản lý phát triển cụm công nghiệp
BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2017/TT-BCT |
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2017 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH, HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2017/NĐ-CP NGÀY 25 THÁNG 5 NĂM 2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương,
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định, hướng dẫn về Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; chế độ báo cáo, cơ sở dữ liệu và các mẫu văn bản, quy chế quản lý về cụm công nghiệp quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
2. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến quản lý, hoạt động của cụm công nghiệp.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP
Điều 3. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp
1. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp được lập trên địa bàn cấp tỉnh (sau đây gọi là Quy hoạch) thuộc nhóm quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng sản xuất; được lập cho mỗi giai đoạn 10 năm, có xét triển vọng 10 năm tiếp theo.
2. Thời hạn xem xét điều chỉnh Quy hoạch thực hiện 5 năm 1 lần; trừ trường hợp cần thiết Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương.
Điều 4. Đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch
1. Đề cương, dự toán kinh phí lập Quy hoạch được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.
2. Sở Công Thương tổ chức lập, thẩm định đề cương, dự toán kinh phí lập Quy hoạch, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Việc thẩm định đề cương, dự toán kinh phí được thực hiện theo hình thức lấy ý kiến các Sở, ngành, cơ quan liên quan.
3. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh đề cương, dự toán kinh phí lập Quy hoạch, Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Điều 5. Lập Quy hoạch
1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện lập Quy hoạch. Sở Công Thương có thể mời chuyên gia, thuê tư vấn để lập Quy hoạch. Trường hợp thuê tư vấn, Sở Công Thương tổ chức lựa chọn cơ quan, tổ chức tư vấn theo quy định của pháp luật đấu thầu.
2. Trong quá trình lập Quy hoạch, Sở Công Thương tổ chức thực hiện các bước báo cáo trung gian, lấy ý kiến của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức, cá nhân có liên quan và hoàn chỉnh Quy hoạch.
Điều 6. Hồ sơ Quy hoạch
Hồ sơ Quy hoạch gồm:
1. Dự thảo Tờ trình của Sở Công Thương đề nghị phê duyệt Quy hoạch;
2. Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch;
3. Báo cáo Quy hoạch đã hoàn thiện sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan (gồm báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt);
4. Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các Sở, ngành, Ủy ban nhân cấp huyện, tổ chức, cá nhân liên quan;
5. Văn bản góp ý của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức, cá nhân liên quan;
6. Quyết định phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí;
7. Các văn bản, tài liệu khác (nếu có).
Điều 7. Thẩm định Quy hoạch
1. Việc thẩm định Hồ sơ Quy hoạch do Hội đồng thẩm định Quy hoạch thực hiện. Hội đồng thẩm định tổ chức họp thẩm định Hồ sơ Quy hoạch, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả thẩm định.
Sau khi hoàn thành Hồ sơ Quy hoạch, Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch. Hội đồng thẩm định gồm: Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 1 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Lãnh đạo Sở Công Thương, 1 Phó Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 1 Thư ký Hội đồng, 2 thành viên phản biện là chuyên gia trong lĩnh vực liên quan và các thành viên khác là đại diện Sở Tài nguyên và môi trường, một số sở, ngành, tổ chức liên quan.
2. Sở Công Thương có trách nhiệm:
a) Gửi Hồ sơ Quy hoạch tới các thành viên Hội đồng trước ngày họp thẩm định ít nhất 5 ngày làm việc;
b) Triển khai thực hiện kết luận của Hội đồng thẩm định;
c) Lập Tờ trình phê duyệt Quy hoạch kèm theo dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan.
Điều 8. Phê duyệt Quy hoạch
1. Sau khi hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định, Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký văn bản đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến thỏa thuận.
2. Trình tự, hồ sơ đề nghị thỏa thuận và phê duyệt Quy hoạch thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 6 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.
Mục 2. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT CỤM CÔNG NGHIỆP
Điều 9. Quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp
1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp thực hiện theo quy định về quy hoạch chi tiết khu chức năng đặc thù tại Luật Xây dựng, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.
2. Việc xác định và quản lý chi phí quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp thực hiện theo Thông tư số 05/2017/TT-BXD ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
3. Lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Điều 10. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp
1. Đối với cụm công nghiệp được quyết định thành lập, mở rộng theo thủ tục, quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP thì dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.
2. Nội dung, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.
3. Khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư tiến hành đồng thời lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Nội dung, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Điều 11. Nhiệm vụ của đơn vị được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP
1. Trường hợp trên địa bàn cấp huyện không có Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và không thành lập Ban Quản lý cụm công nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đơn vị sự nghiệp công lập hiện có trực thuộc Sở Công Thương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
2. Nhiệm vụ của đơn vị được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP gồm:
a) Tham gia điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; tổ chức lập, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp;
b) Tổ chức triển khai, quản lý, đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy định;
c) Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và đảm bảo hoạt động thường xuyên của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung và tổ chức cung cấp các dịch vụ, tiện ích trong cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật;
d) Xúc tiến đầu tư, hướng dẫn thủ tục triển khai các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất di dời vào cụm công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp;
đ) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền giao và theo quy định của pháp luật.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 15/2017/TT-BCT Quy định về hồ sơ Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.