Bạn đang xem bài viết ✅ Chỉ thị 14/CT-BCT Giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu thị trường Tết 2018 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 07/11/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Chỉ thị 14/CT-BCT về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo đó, yêu cầu các đơn vị sản xuất hàng hóa phục vụ Tết thực hiện các công việc sau:

+ Bảo đảm tiến độ sản xuất, cung ứng; thực hiện nghiêm quy định về dự trữ quốc gia nhằm cung ứng nguồn hàng đầy đủ và kịp thời cho thị trường, hạn chế tối đa việc dừng sản xuất khi gần Tết.

+ Nâng cao chất lượng đa dạng mẫu mã, kiểm soát yếu tố đầu vào nhằm giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

BỘ CÔNG THƯƠNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 14/CT-BCT

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2017

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM CÂN ĐỐI CUNG CẦU, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2017 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TUẤT 2018

Nền kinh tế cả nước nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng đang trong giai đoạn phục hồi với nhiều tín hiệu khả quan. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41% (cao hơn mức 5,99% cùng kỳ năm trước) là tín hiệu tích cực để đạt được mức tăng trưởng mục tiêu cả năm là 6,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 10 tháng đầu năm tăng 10,71%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá con số này là 9,4% là mức tăng khá trong một số năm trở lại đây; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3,71% (đang nằm trong giới hạn mục tiêu Quốc hội giao). Những kết quả này cho thấy các nỗ lực trong điều hành nền kinh tế của Chính phủ, các Bộ, ngành đang đúng hướng và có hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình thời tiết, dịch bệnh đang có nhiều diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân và nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng sẽ tác động đến giá hàng hóa dịch vụ trong nước. Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2018 của Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng cần chủ động có các giải pháp trong điều hành sản xuất, kinh doanh một cách đồng bộ và linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, đồng thời nghiêm túc thực hiện các công việc sau:

1. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

– Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn quản lý dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.

– Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

– Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, Ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm đã được chứng nhận áp dụng thực hành sản xuất tốt, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch; phối hợp với các địa phương khác trên cả nước tổ chức hoặc tham gia các Chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ Tết.

– Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết cho các địa bàn dân cư nhất là vùng sâu, vùng xa.

Tham khảo thêm:   Bài tập bất đẳng thức và bất phương trình (Có đáp án) Tài liệu ôn tập môn Toán lớp 10

– Kết hợp với các Chương trình bình ổn thị trường và Chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ thời gian vừa qua với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.

– Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, có chính sách hỗ trợ, ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo…nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

– Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện đúng Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 255/TB-VPCT ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 chỉ kinh doanh mặt hàng xăng E5 RON92, xăng khoáng RON 95; đồng thời, bảo đảm nguồn cung xăng E5 RON92, xăng khoáng RON 95 phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn trong mọi tình huống.

– Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.

– Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

– Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chu đáo, an toàn các Hội chợ Xuân, các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh tiết kiệm trên địa bàn.

– Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.

2. Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết

a) Đối với các đơn vị sản xuất (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam…):

– Bảo đảm tiến độ sản xuất, cung ứng, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

– Có kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, nhất là trong các dịp tiêu dùng cao điểm,

– Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

– Nâng cao chất lượng đa dạng mẫu mã, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào nhằm tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

b) Tập đoàn Điện lực Việt Nam: thực hiện nghiêm túc kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng, trong đó có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện trong dịp Tết; đề xuất phương án tăng giá điện phù hợp vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017 và 2018.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Lịch sử lớp 7 năm 2022 - 2023 2 Đề kiểm tra chất lượng đầu năm lớp 7 môn Sử

c) Đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh…):

– Tăng cường hợp tác, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, tham gia tích cực các Chương trình Bộ Công Thương và Sở Công Thương tổ chức về kết nối tiêu thụ hàng nông, thủy sản cho vùng sản xuất lớn, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm an toàn đã được các cơ quan chức năng chứng nhận.

– Chủ động tham gia triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân các tỉnh vừa bị bão, lũ thời gian vừa qua.

d) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, có kế hoạch nhập khẩu sớm nguồn hàng đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt dịp trước, trong và sau Tết; kiểm soát chất lượng, đo lường, tránh gian lận trong kinh doanh và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.

đ) Các đơn vị sản xuất kinh doanh các mặt hàng chính sách, theo nhiệm vụ được giao, triển khai nghiêm túc việc cung ứng các mặt hàng chính sách cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo một cách đầy đủ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu của nhân dân vùng khó khăn.

3. Các Hiệp hội ngành hàng

– Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để chủ động đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết.

– Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường, đặc biệt trong các dịp cao điểm Lễ, Tết, mùa vụ.

– Phản ánh kịp thời với Bộ Công Thương về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên để Bộ có hướng phối hợp, xử lý; tiếp tục đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp.

4. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương

a) Vụ Kế hoạch

– Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 2 năm 2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2017 định hướng năm 2020 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

– Đôn đốc các đơn vị trong Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thực hiện các nhiệm vụ được giao và là đầu mối tổng hợp tình hình triển khai Chỉ thị này.

b) Vụ Thị trường trong nước

– Theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp thiết yếu trong giai đoạn cuối năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.

– Phối hợp với các Bộ, ngành địa phương trong công tác điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý để bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2017 và bước đầu thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018.

– Phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối bám sát diễn biến thị trường và chính sách điều hành của nhà nước; bảo đảm đủ nguồn hàng, tổ chức tốt việc cung ứng xăng dầu, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 10: Phân tích giá trị nhân đạo trong đoạn trích Nỗi thương mình Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 10

– Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính đôn đốc, tạo điều kiện cho các địa phương, các doanh nghiệp triển khai các Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; kết hợp triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp, các hoạt động kết nối cung cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm thúc đẩy tiêu thụ và tạo nguồn hàng bình ổn phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

– Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan đôn đốc Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp các địa phương tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ các nguồn hàng nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm (đã được xác nhận) vào các kênh phân phối bán lẻ và tổ chức các Hội chợ hàng nông sản thực phẩm sạch.

– Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị Tết tại các địa phương lớn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết; đôn đốc, giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

c) Các Vụ, Cục: Công nghiệp, Điện lực và năng lượng tái tạo, Hóa chất

Tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý duy trì hoạt động sản xuất các mặt hàng cần thiết (thực phẩm chế biến, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh kẹo, xăng dầu, điện, phân bón…) đảm bảo cung ứng đủ cho sản xuất và đời sống nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ, bảo đảm sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, hiệu quả, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

d) Cục Xuất nhập khẩu

Tiếp tục thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn cuối năm; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước.

d) Cục Quản lý thị trường

Phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.

e) Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng

Tăng cường hoạt động giám sát, tập trung vào các vấn đề bảo đảm chất lượng hàng hóa, liên kết độc quyền tăng giá bất hợp lý, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh không đúng quy định của pháp luật gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

g) Vụ Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường chỉ đạo, rà soát việc chấp hành các quy định về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, chú trọng các mặt hàng phục vụ Tết như rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo.

h) Cục Xúc tiến thương mại

– Bám sát hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.

– Đầu mối chỉ đạo, phối hợp và tổ chức các Hội chợ Xuân, các Chương trình xúc tiến thương mại nội địa, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

i) Văn phòng Bộ

– Đầu mối tổng hợp báo cáo tình hình chuẩn bị Tết và phục vụ Tết gửi Thủ tướng Chính phủ.

– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí thuộc Bộ thông tin chính xác, kịp thời về công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm thông tin trung thực, khách quan, tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Chỉ thị 14/CT-BCT Giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu thị trường Tết 2018 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *