Nghị định 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công với các quy định về phân loại chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư từ chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, nhóm B và nhóm C; điều chỉnh dự án, chương trình đầu tư công. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải nội dung Nghị định tại đây.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 136/2015/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015 |
NGHỊ ĐỊNH
HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Nghị định này hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công về:
1. Phân loại chương trình, dự án đầu tư công.
2. Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, nhóm B và nhóm C.
3. Lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, nhóm B và nhóm C.
4. Điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công.
5. Quản lý dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Điều 3. Giải thích từ ngữ.
1. Dự án đầu tư tổng thể là dự án có quy mô lớn, nội dung đầu tư có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực hoặc đầu tư ở nhiều địa phương khác nhau. Dự án đầu tư tổng thể bao gồm các dự án thành phần ở các ngành, lĩnh vực hoặc các địa phương khác nhau.
2. Hạng mục dự án là một phần trong cơ cấu dự án đầu tư được phân chia theo ngành, lĩnh vực hoặc mục đích đầu tư của dự án.
3. Dự án do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các cơ quan trung ương khác (sau đây gọi tắt là Bộ, ngành trung ương), Ủy ban nhân dân các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư công quản lý: là dự án do Bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp chính quyền địa phương quyết định đầu tư theo quy định tại Điều 39 của Luật Đầu tư công và dự án do doanh nghiệp quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật.
4. Dự án khẩn cấp là dự án đầu tư có yêu cầu triển khai ngay nhằm các mục tiêu: bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh quốc gia; tránh gây thảm họa trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng; khắc phục hoặc ứng cứu kịp thời, hoặc ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do sự cố bất khả kháng, sự cố hoặc ứng phó sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng.
5. Thẩm định nội bộ là thẩm định sơ bộ để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo trước khi gửi cơ quan có thẩm quyền hoặc Hội đồng thẩm định để thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn làm căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Thẩm định nội bộ bao gồm thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Cơ quan chủ trì thẩm định nội bộ các chương trình, dự án của Bộ, ngành trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp được giao quản lý do Người đứng đầu Bộ, ngành trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp quyết định.
Điều 4. Phân loại chương trình đầu tư công.
1. Chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công sử dụng vốn đầu tư công và các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác (nếu có).
2. Chương trình mục tiêu sử dụng vốn ngân sách trung ương là chương trình sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ngân sách trung ương để đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ của:
a) Riêng Bộ, ngành trung ương;
b) Cả Bộ, ngành trung ương và địa phương;
c) Riêng địa phương.
3. Chương trình đầu tư sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương là chương trình mục tiêu của các cấp chính quyền địa phương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của địa phương.
4. Chương trình mục tiêu sử dụng vốn công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ là chương trình để thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong phạm vi cả nước.
5. Chương trình đầu tư sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là một tập hợp các hoạt động, các dự án có liên quan đến một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều vùng, lãnh thổ, nhiều Bộ, ngành trung ương và địa phương để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
6. Chương trình tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, gồm các chương trình tín dụng đầu tư và chương trình tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện để đầu tư các dự án thuộc đối tượng vay vốn của chương trình này theo quy định của Chính phủ.
7. Chương trình đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của Bộ, ngành trung ương là chương trình thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể do Quốc hội, Chính phủ quyết định theo từng nguồn thu cụ thể.
Điều 5. Phân loại dự án đầu tư công.
1. Phân loại dự án đầu tư công theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư công.
2. Tiêu chí phân loại dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C theo quy định tại các Điều 8, 9 và 10 của Luật Đầu tư công và quy định chi tiết tại Phụ lục số I kèm theo Nghị định này.
Dự án có nhiều hạng mục đầu tư thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, thì việc phân loại dự án theo ngành, lĩnh vực sẽ căn cứ vào cấu phần đầu tư theo ngành, lĩnh vực chiếm tỷ lệ vốn lớn nhất.
3. Tiêu chí xác định dự án trọng điểm nhóm C của địa phương:
a) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tiêu chí dự án trọng điểm nhóm C do địa phương quản lý cho từng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, phù hợp với mục tiêu, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương;
b) Tiêu chí chủ yếu xác định dự án trọng điểm nhóm C, gồm: ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong từng giai đoạn; quy mô dự án theo ngành, lĩnh vực; tính lan tỏa của dự án đến phát triển ngành, lĩnh vực và vùng lãnh thổ; hiệu quả kinh tế, xã hội và hiệu quả tài chính (nếu có).
Điều 6. Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công.
1. Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công theo quy định tại Điều 11 của Luật Đầu tư công. Riêng về chỉ số giá, việc điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư được xem xét khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng trên 30% so với năm 2015 trong lần điều chỉnh đầu tiên; các lần điều chỉnh tiếp theo được xem xét khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng trên 30% so với năm điều chỉnh tiêu chí trước đó.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Tổng hợp báo cáo Chính phủ cho ý kiến việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công theo quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Tiếp thu ý kiến của Chính phủ tại Điểm a Khoản này, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công nhóm A, nhóm B, nhóm C và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Điều 7. Chi phí lập, thẩm định chương trình, dự án đầu tư công.
1. Chi phí lập, thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình đầu tư công sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp của cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ này và theo các quy định về chi sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành, gồm:
a) Chi phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và Báo cáo nghiên cứu khả thi (trường hợp thuê tư vấn);
b) Chi phí thẩm định;
c) Trường hợp chương trình không được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư, các chi phí tại Điểm a và Điểm b khoản này vẫn được hạch toán và quyết toán vào chi sự nghiệp của cơ quan được giao lập, thẩm định chương trình đầu tư công.
2. Chi phí lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A:
a) Chi phí lập (trường hợp thuê tư vấn), thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A có cấu phần xây dựng, trong đó xác định sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư công và quy định của pháp luật về xây dựng;
b) Chi phí lập (trường hợp thuê tư vấn), thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A không có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định đối với dự án có cấu phần xây dựng quy định tại Điểm a Khoản này, trừ các nội dung liên quan đến thiết kế xây dựng.
3. Chi phí lập (trường hợp thuê tư vấn), thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm B (bao gồm dự án có cấu phần xây dựng và không có cấu phần xây dựng), trong đó xác định sơ bộ tổng mức đầu tư thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư công và quy định cụ thể sau:
a) Dự án có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng đến dưới 2.300 tỷ đồng được chi tối đa không quá 60% chi phí lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Dự án có tổng mức đầu tư dưới 800 tỷ đồng được chi tối đa không quá 30% chi phí lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Chi phí lập (trường hợp thuê tư vấn), thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm C (bao gồm dự án có cấu phần xây dựng và không có cấu phần xây dựng) thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư công và tối đa không quá 50% chi phí lập, thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm B có tổng mức đầu tư dưới 800 tỷ đồng quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này.
5. Chi phí lập (trường hợp thuê tư vấn), thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và quy định của pháp luật về xây dựng, trừ các nội dung liên quan đến thiết kế xây dựng.
6. Chi phí lập (trường hợp thuê tư vấn), thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này được tính trong vốn chuẩn bị đầu tư dự án. Trường hợp dự án không được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, các khoản chi phí đã chi cho công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi được hạch toán và quyết toán vào chi phí chuẩn bị đầu tư trong chi đầu tư phát triển của Bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương quản lý dự án.
Chương II
LẬP, THẨM ĐỊNH, QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG
Điều 8. Thẩm quyền, điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án.
1. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo quy định tại Điều 17 của Luật Đầu tư công. Đối với dự án nhóm B, nhóm C đầu tư từ các nguồn vốn đầu tư công khác nhau:
a) Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án do Bộ, cơ quan trung ương quản lý thuộc thẩm quyền quy định tại Khoản 4 Điều 17 của Luật Đầu tư công;
b) Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án do địa phương quản lý thuộc thẩm quyền quy định tại Điểm b Khoản 5 và Khoản 6 Điều 17 của Luật Đầu tư công.
2. Điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo quy định tại Điều 18 của Luật Đầu tư công.
Điều 9. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công.
1. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 19 và Điều 21 của Luật Đầu tư công.
2. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo quy định tại Điều 22 của Luật Đầu tư công.
3. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư theo quy định tại Điều 28 của Luật Đầu tư công.
Điều 10. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A.
Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu dự án nhóm A (bao gồm cả các dự án khẩn cấp và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 33 của Luật Đầu tư công) thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật Đầu tư công.
Điều 11. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo quy định tại Điều 24 của Luật Đầu tư công và Nghị định của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Điều 12. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C, trừ dự án nhóm C quy mô nhỏ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia quy định tại Điều 13 của Nghị định này.
1. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do Cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan, tổ chức khác quản lý theo quy định tại Điều 25 của Luật Đầu tư công.
2. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C của Bộ, cơ quan trung ương theo quy định tại Điều 26 của Luật Đầu tư công.
3. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ do địa phương quản lý theo quy định tại Điều 27 của Luật Đầu tư công. Riêng đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 23 của Luật Đầu tư công hoặc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định nội bộ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
4. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư theo quy định tại các Điều 29, 30 và 31 của Luật Đầu tư công.
Điều 13. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư theo quy trình rút gọn đối với dự án nhóm C quy mô nhỏ của các chương trình mục tiêu quốc gia có kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần, phần còn lại do nhân dân đóng góp
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí dự án nhóm C quy mô nhỏ của các chương trình mục tiêu quốc gia có kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần, phần còn lại do nhân dân đóng góp (dưới đây gọi tắt là dự án nhóm C quy mô nhỏ) được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này.
2. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương:
a) Giao đơn vị trực thuộc lập và tổ chức thẩm định nội bộ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư danh mục dự án nhóm C quy mô nhỏ thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này (không lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư từng dự án) và dự kiến tổng mức đầu tư của toàn bộ danh mục dự án, trong đó làm rõ cơ cấu các nguồn vốn đầu tư công và huy động các nguồn vốn khác; hoàn chỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và chủ chương trình mục tiêu quốc gia để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ;
b) Quyết định chủ trương đầu tư toàn bộ danh mục dự án, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư toàn bộ danh mục dự án, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, tiến độ triển khai thực hiện trên cơ sở tiếp thu báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Điểm a Khoản này.
3. Người đứng đầu Cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan, tổ chức khác:
a) Giao đơn vị trực thuộc lập và tổ chức thẩm định nội bộ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư toàn bộ danh mục dự án nhóm C quy mô nhỏ thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này (không lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư từng dự án) và dự kiến tổng mức đầu tư của toàn bộ danh mục dự án, trong đó làm rõ cơ cấu các nguồn vốn đầu tư công và huy động các nguồn vốn khác; hoàn chỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và chủ chương trình mục tiêu quốc gia để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn;
b) Căn cứ báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Điểm a Khoản này, hoàn chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư toàn bộ danh mục dự án, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư toàn bộ danh mục dự án, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, tiến độ triển khai thực hiện.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Giao cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư toàn bộ danh mục dự án nhóm C quy mô nhỏ thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này (không lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư từng dự án) và dự kiến tổng mức đầu tư toàn bộ danh mục dự án, trong đó làm rõ cơ cấu các nguồn vốn đầu tư công và huy động các nguồn vốn khác trình cấp có thẩm quyền;
b) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư toàn bộ danh mục dự án nhóm C quy mô nhỏ, không thẩm định chi tiết từng dự án;
c) Chỉ đạo đơn vị quy định tại Điểm a Khoản này hoàn chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo báo cáo thẩm định quy định tại Điểm b Khoản này gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho ý kiến hoàn chỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ chủ chương trình mục tiêu quốc gia để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ;
d) Căn cứ báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư toàn bộ danh mục dự án, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư toàn bộ danh mục dự án, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, tiến độ triển khai thực hiện dự án.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan được phân công thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư công chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan thẩm định toàn bộ danh mục dự án nhóm C quy mô nhỏ (không thẩm định chi tiết từng dự án cụ thể) gửi Bộ, ngành trung ương và địa phương để hoàn chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 136/2015/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.