Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 13/2017/TT-BLĐTBXH Quy định về thành phần hồ sơ vụ tai nạn lao động hàng hải ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 13/2017/TT-BLĐTBXH quy định về khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải. Theo đó, quy định hồ sơ của một vụ tai nạn lao động hàng hải gồm các thành phần sau:

  • Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có);
  • Sơ đồ và ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân;
  • Bản sao Biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích (trừ trường hợp mất tích theo tuyên bố của Tòa án);
  • Bản sao Biên bản giám định kỹ thuật, pháp y và kết luận giám định tư pháp (nếu có);
  • Biên bản lấy lời khai của nạn nhân (theo mẫu Phụ lục V), người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động;
  • Biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải và Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra;

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 13/2017/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2017

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ KHAI BÁO, ĐIỀU TRA, THỐNG KÊ VÀ BÁO CÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG HÀNG HẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 121/2014/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển;

Căn cứ Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động,

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Thông tư này quy định về việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Thông tư này áp dụng đối với:

a) Tàu biển Việt Nam, chủ tàu, thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam;

b) Tàu biển nước ngoài, chủ tàu, thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài hoạt động tại cảng biển Việt Nam;

c) Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan.

2. Thông tư này không áp dụng đối với chủ tàu và thuyền viên làm việc trên các loại tàu dưới đây:

a) Tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá;

b) Tàu biển Việt Nam không hoạt động tuyến quốc tế.

Điều 3. Giải thích từ ngữ.

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thuyền viên Việt Nam là công dân Việt Nam được tuyển dụng hoặc thuê làm việc trên tàu biển đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và đảm nhiệm chức danh theo quy định của pháp luật.

2. Thời gian đi tàu là thời gian kể từ ngày thuyền viên bắt đầu nhận nhiệm vụ đến ngày hồi hương.

3. Người sử dụng lao động được hiểu là tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác tàu biển; tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp thuyền viên; hoặc người được tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác tàu biển, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp thuyền viên ủy quyền trực tiếp quản lý thuyền viên.

Điều 4. Tai nạn lao động hàng hải.

1. Tai nạn lao động hàng hải là tai nạn xảy ra trong thời gian đi tàu gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho thuyền viên trong khi thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo phân công của chủ tàu hoặc người được chủ tàu ủy quyền.

2. Những trường hợp tai nạn đối với thuyền viên xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý cũng được khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo theo quy định tại Thông tư này, bao gồm: Tai nạn xảy ra đối với thuyền viên khi đi từ nơi cư trú đến tàu biển, từ tàu biển về nơi cư trú.

Điều 5. Phân loại tai nạn lao động hàng hải.

1. Tai nạn lao động hàng hải chết người là tai nạn mà thuyền viên bị nạn chết ngay tại nơi xảy ra tai nạn hoặc chết trên đường đi cấp cứu; chết trong thời gian cấp cứu; chết trong thời gian đang điều trị; chết do tái phát của chính vết thương do tai nạn lao động hàng hải gây ra (theo kết luận tại biên bản giám định pháp y hoặc kết luận của cơ quan y tế); được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.

2. Tai nạn lao động hàng hải làm thuyền viên bị thương nặng (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động hàng hải nặng) là tai nạn lao động làm thuyền viên bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tai nạn lao động hàng hải làm thuyền viên bị thương nhẹ (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động hàng hải nhẹ) là tai nạn lao động mà thuyền viên bị nạn không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Tham khảo thêm:   Đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió Trích Đôn Ki-hô-tê, Xéc-van-tét

Điều 6. Mục đích, yêu cầu điều tra tai nạn lao động hàng hải.

1. Xác định nguyên nhân hay những khả năng có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn lao động hàng hải để có những biện pháp hữu hiệu phòng tránh và hạn chế tai nạn tương tự.

2. Hỗ trợ giải quyết chế độ lao động cho thuyền viên Việt Nam.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ KHAI BÁO, ĐIỀU TRA, THỐNG KÊ VÀ BÁO CÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG HÀNG HẢI

Điều 7. Khai báo tai nạn lao động hàng hải.

1. Khi xảy ra tai nạn đối với thuyền viên trên tàu biển hoặc thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người sử dụng lao động thì thuyền viên bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải thông báo ngay cho người sử dụng lao động.

2. Trường hợp tai nạn lao động hàng hải làm thuyền viên chết hoặc hai thuyền viên bị thương nặng xảy ra trong lãnh thổ và vùng biển Việt Nam thì người sử dụng lao động bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) phải gửi Bản khai báo tai nạn lao động hàng hải đến Cảng vụ hàng hải gần nhất, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và cơ quan Công an cấp huyện nơi xảy ra tai nạn lao động hàng hải.

3. Trường hợp tai nạn lao động hàng hải làm thuyền viên chết hoặc hai thuyền viên bị thương nặng xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì người sử dụng lao động phải gửi Bản khai báo tai nạn lao động hàng hải (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, thư điện tử) tới cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài (nơi tàu biển ghé vào), Cục Hàng hải Việt Nam và Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

4. Nội dung bản khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải.

1. Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp cơ sở

Khi nhận được tin báo có tai nạn xảy ra tại đối với thuyền viên của mình, người sử dụng lao động phải thành lập ngay Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra vụ tai nạn đó. Thành phần Đoàn điều tra, quyền hạn, nhiệm vụ và quy trình Đoàn điều tra tuân thủ theo các quy định pháp luật về lao động, trừ các trường hợp được điều tra theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

2. Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp tỉnh

Ngay khi nhận được tin báo tai nạn lao động hàng hải có thuyền viên chết hoặc làm hai thuyền viên bị tai nạn nặng trở lên xảy ra, Cảng vụ hàng hải khu vực chủ trì quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp tỉnh theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan tại địa phương thực hiện việc điều tra, lập biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp tỉnh bao gồm:

a) Đại diện Cảng vụ hàng hải, trưởng đoàn;

b) Đại diện Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thành viên;

c) Đại diện Sở Y tế, thành viên;

d) Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh, thành viên;

đ) Mời một số thành viên khác (nếu xét thấy cần thiết).

3. Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp trung ương

Ngay khi nhận được tin báo tai nạn lao động hàng hải có thuyền viên chết hoặc làm hai thuyền viên bị tai nạn nặng trở lên xảy ra tại nước ngoài hoặc các trường hợp tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có tính chất phức tạp nếu xét thấy cần thiết, Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp trung ương theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan thực hiện việc điều tra, lập biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải. Trong trường hợp việc di chuyển đến nơi xảy ra tai nạn lao động hàng hải tại nước ngoài khó khăn thì Đoàn điều tra có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ, cung cấp hồ sơ để điều tra.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải cấp trung ương bao gồm:

a) Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, trưởng đoàn;

b) Đại diện Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thành viên;

c) Đại diện Bộ Y tế, thành viên;

d) Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên;

đ) Mời một số thành viên khác (nếu xét thấy cần thiết).

4. Nhiệm vụ của Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải

Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp các tài liệu, hồ sơ, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn và phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tiến hành lấy lời khai theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này và điều tra dựa trên các chứng cứ thu thập được có liên quan đến vụ tai nạn.

5. Trưởng Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải có nhiệm vụ:

a) Quyết định tiến hành điều tra để bảo đảm việc điều tra được kịp thời, trong trường hợp đại diện của một trong các cơ quan có liên quan nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Thông tư này vắng mặt;

b) Phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong Đoàn điều tra;

c) Khi các thành viên trong Đoàn điều tra còn có những vấn đề chưa thống nhất thì Trưởng đoàn tổ chức thảo luận trong Đoàn để đi đến sự thống nhất chung. Nếu không đạt được sự thống nhất chung thì Trưởng đoàn quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

Tham khảo thêm:   Thông báo về việc không chấp thuận cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá đối với Ngân hàng Biểu mẫu Tín dụng

d) Công bố biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải.

6. Các thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải có nhiệm vụ:

a) Thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công và tham gia vào hoạt động chung của Đoàn điều tra;

b) Có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo lãnh đạo cơ quan trực tiếp quản lý mình;

c) Không được tiết lộ các thông tin, tài liệu trong quá trình điều tra khi chưa công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải.

Điều 9. Quy trình điều tra tai nạn lao động hàng hải.

1. Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải tiến hành làm việc với người sử dụng lao động để yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp các tài liệu, hồ sơ, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động hàng hải chết người hoặc tai nạn lao động hàng hải làm 02 thuyền viên bị thương nặng trở lên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền cung cấp; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong nước và nước ngoài có liên quan để thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn.

2. Trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập được, tiến hành xử lý, phân tích để xác định các nội dung cơ bản sau:

a) Diễn biến của vụ tai nạn lao động hàng hải;

b) Nguyên nhân gây ra tai nạn lao động hàng hải;

c) Kết luận về vụ tai nạn lao động hàng hải (trong đó, phải ghi rõ vụ tai nạn đó là tai nạn lao động hàng hải hay là trường hợp tai nạn được coi là tai nạn lao động hàng hải hoặc không phải là tai nạn lao động hàng hải);

d) Các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động hàng hải tương tự hoặc tái diễn.

3. Lập biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Tổ chức cuộc họp và lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này, ngay sau khi hoàn thành điều tra. Thành phần cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải gồm:

a) Trưởng đoàn điều tra hoặc đại diện Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải do Trưởng đoàn ủy quyền (Chủ trì cuộc họp);

b) Đại diện thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải;

c) Người sử dụng lao động;

d) Thuyền viên bị nạn hoặc đại diện thân nhân thuyền viên bị nạn, người biết sự việc, người có liên quan đến vụ tai nạn lao động hàng hải;

đ) Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

5. Các thành viên tham gia dự họp có ý kiến chưa nhất trí với nội dung biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải thì được ghi ý kiến và ký tên vào biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải; người sử dụng lao động phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải và thực hiện các kiến nghị của Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải, Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải phải gửi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải tới các cơ quan có thành viên trong Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Thanh tra Bộ và Cục An toàn lao động), trụ sở của người sử dụng lao động có thuyền viên xảy ra tai nạn lao động hàng hải và các nạn nhân hoặc thân nhân thuyền viên bị nạn.

Điều 10. Hồ sơ vụ tai nạn lao động hàng hải.

1. Hồ sơ vụ tai nạn lao động hàng hải bao gồm:

a) Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có);

b) Sơ đồ hiện trường;

c) Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân;

d) Bản sao Biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích, trừ trường hợp mất tích theo tuyên bố của Tòa án;

đ) Bản sao Biên bản giám định kỹ thuật, giám định pháp y, kết luận giám định tư pháp (nếu có);

e) Biên bản lấy lời khai của nạn nhân (theo mẫu tại Phụ lục V), người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động;

g) Biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải;

h) Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải;

i) Giấy chứng thương của cơ sở y tế được điều trị (nếu có);

k) Giấy ra viện của cơ sở y tế được điều trị (nếu có);

l) Bản sao có chứng thực các giấy tờ nêu ở các điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều này nếu tai nạn lao động hàng hải xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam (nếu có).

2. Đối với trường hợp mất tích thì hồ sơ bao gồm:

a) Biên bản lấy lời khai của người biết sự việc (theo mẫu tại Phụ lục V) hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động;

b) Quyết định tuyên bố một người mất tích của Tòa án;

c) Biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải;

Tham khảo thêm:   Lịch sử 10 Bài 6: Văn minh Ai Cập cổ đại Soạn Sử 10 trang 27 sách Chân trời sáng tạo

d) Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động hàng hải.

3. Trong một vụ tai nạn lao động hàng hải, nếu có nhiều người bị tai nạn lao động thì mỗi người bị tai nạn lao động phải có một bộ hồ sơ riêng.

Điều 11. Trách nhiệm của thuyền viên bị nạn, người biết sự việc và người có liên quan đến vụ tai nạn lao động hàng hải.

1. Khai báo trung thực, đầy đủ tất cả những tình tiết mà mình biết về những sự việc có liên quan đến vụ tai nạn lao động hàng hải theo yêu cầu của Đoàn điều tra tai nạn lao động hàng hải và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều đã khai báo của mình.

2. Lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động hàng hải được viết theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 12. Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.

2. Khai báo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

3. Giữ nguyên hiện trường những vụ tai nạn chết người, tai nạn nặng theo nguyên tắc sau:

a) Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì cơ sở phải vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);

b) Chỉ được xóa bỏ hiện trường sau khi đã hoàn thành các bước điều tra theo quy định của Thông tư này và được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Công an hoặc Đoàn điều tra tai nạn lao động.

4. Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.

5. Tạo điều kiện cho người có liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông tin cho Đoàn điều tra tai nạn lao động khi được yêu cầu.

6. Tổ chức điều tra các vụ tai nạn lao động theo quy định tại khoản 1, Điều 8 của Thông tư này.

7. Thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động thuộc cơ sở của mình.

8. Thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động kể cả việc điều tra lại tai nạn lao động, bao gồm:

a) Dựng lại hiện trường;

b) Chụp, in, phóng ảnh hiện trường và nạn nhân;

c) Trưng cầu giám định kỹ thuật, giám định pháp y (khi cần thiết);

d) Khám nghiệm tử thi;

đ) In ấn các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn lao động;

e) Phương tiện đi lại phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động;

g) Tổ chức cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động;

h) Các khoản chi phí nêu trên được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh của cơ sở và là chi phí hợp lý khi tính thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở, theo quy định hiện hành của pháp luật về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

9. Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong Biên bản điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động.

Điều 13. Thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải.

1. Các Cảng vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam thống kê theo dõi tai nạn lao động hàng hải theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Các Cảng vụ hàng hải tổng hợp tình hình tai nạn lao động hàng hải xảy ra trong 6 tháng đầu năm và một năm trên địa bàn và gửi Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động hàng hải theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này về Cục Hàng hải Việt Nam trước ngày 10 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo một năm.

3. Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp tình hình tai nạn lao động hàng hải xảy ra trong 6 tháng đầu năm và một năm trên toàn quốc và gửi Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động hàng hải theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này về Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 15 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 25 tháng 01 năm sau đối với báo cáo một năm.

Điều 14. Chi phí điều tra tai nạn lao động hàng hải.

Chi phí điều tra các vụ tai nạn lao động hàng hải, trừ các khoản chi phí đã dược người sử dụng lao động thanh toán theo quy định tại Khoản 8 Điều 12 Thông tư này được sử dụng từ nguồn chi không thường xuyên của Cảng vụ hàng hải.

Điều 15. Khiếu nại, tố cáo

Khiếu nại, tố cáo (nếu có) liên quan đến việc điều tra tai nạn lao động hàng hải sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 13/2017/TT-BLĐTBXH Quy định về thành phần hồ sơ vụ tai nạn lao động hàng hải của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *