Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 43/2018/TT-BQP Mức chi bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Kể từ ngày 05/05/2018, Thông tư 43/2018/TT-BQP do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành ngày 20/03/2018 chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định về nội dung chi, mức chi bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ thi hành án, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

BỘ QUỐC PHÒNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 43/2018/TT-BQP

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2018

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH NỘI DUNG CHI, MỨC CHI BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ THI HÀNH ÁN, KINH PHÍ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Căn cứ Luật thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Thi hành án Bộ Quốc phòng,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định nội dung chi, mức chi bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ thi hành án, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định nội dung chi, mức chi; việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ thi hành án và kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội.

2. Thông tư này áp dụng đối với Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, Phòng Thi hành án cấp quân khu, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc chi bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ thi hành án và kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội.

Điều 2. Nguyên tắc

1. Các nghiệp vụ tài chính phát sinh liên quan đến việc sử dụng kinh phí nghiệp vụ thi hành án dân sự đều phải có chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

2. Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa và là cơ sở cho việc thanh, quyết toán với cơ quan tài chính. Thủ trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, Phòng Thi hành án cấp quân khu căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, kinh phí được phân cấp để quyết định mức chi phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định chi tiêu.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nguồn kinh phí

1. Kinh phí chi bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ của Ngành Thi hành án Quân đội được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; phí thi hành án và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Kinh phí chi bảo đảm cho hoạt động cưỡng chế thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự (sau đây viết gọn là Thông tư số 200/2016/TT-BTC).

Điều 4. Nội dung chi, mức chi bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự

1. Chi trả phụ cấp đặc thù đối với các chức danh Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án; mức chi theo quy định tại Quyết định số 42/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội.

2. Chi thanh toán dịch vụ công cộng, mua vật tư, văn phòng phẩm

a) Trả tiền điện, nước, dịch vụ vệ sinh môi trường; mua xăng, dầu ô tô, xe máy phục vụ công tác thi hành án dân sự; mức chi theo thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có);

b) Mua vật tư, văn phòng phẩm, trang thiết bị văn phòng phục vụ công tác thi hành án dân sự; mức chi theo thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có).

3. Chi bảo đảm thông tin, tuyên truyền, liên lạc

a) Lắp đặt, thuê bao điện thoại, fax, internet, chuyển phát nhanh tài liệu và các phương tiện thông tin nghe, nhìn khác phục vụ công tác thi hành án dân sự; mức chi theo thực tế phát sinh, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có). Hỗ trợ tiền cước điện thoại cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án, cán bộ, nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ thi hành án dân sự; mức chi theo thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

Tham khảo thêm:   Bài thơ Nắng mới Tác giải Lưu Trọng Lư

b) Mua sách báo, tài liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị tủ sách pháp luật và một số nội dung thông tin tuyên truyền khác có liên quan đến hoạt động của Ngành Thi hành án Quân đội; mức chi theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC- BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và Thông tư số 42/2016/TT-ngày 30/3/2016 của Bộ Quốc phòng quy định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ Quốc phòng.

c) Xây dựng, sản xuất, in ấn, phát hành các ấn phẩm, tài liệu, quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình phục vụ công tác tuyên truyền về thi hành án dân sự thực hiện mức chi theo thực tế phát sinh, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có);

4. Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết, hội thảo khoa học về công tác thi hành án dân sự áp dụng mức chi tại Điều 12 Thông tư số 259/2017/TT-BQP ngày 17/10/2017 của Bộ Quốc phòng quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội (sau đây viết gọn là Thông tư số 259/2017/TT-BQP).

5. Chi tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, thẩm tra, đoàn đi công tác, khảo sát, học tập kinh nghiệm về thi hành án dân sự

a) Các đoàn đi trong nước: Thực hiện mức chi quy định tại Điều 2 Thông tư số 259/2017/TT-BQP;

b) Các đoàn đi nước ngoài: Thực hiện mức chi quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.

6. Chi nghiên cứu xây dựng dự án, đề án, đề tài khoa học phục vụ công tác thi hành án dân sự áp dụng mức chi tại Thông tư số 87/2016/TT-BQP ngày 23/6/2016 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong Quân đội.

7. Chi xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật áp dụng mức chi tại Điều 5 Thông tư số 302/2017/TT-BQP ngày 16/12/2017 của Bộ Quốc phòng quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong Bộ Quốc phòng.

8. Chi in ấn sổ sách, mẫu biểu phục vụ công tác thi hành án dân sự; mức chi theo thực tế phát sinh, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có).

9. Chi quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự

a) Chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào quá trình xác minh điều kiện thi hành án, thông báo thi hành án; áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án; mức chi theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư số 200/2016/TT-BTC;

b) Chi họp chỉ đạo, giải quyết, tổ chức thi hành các vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp, trọng điểm; bồi dưỡng các thành viên tham gia khảo sát nắm tình hình; thẩm tra, kiểm tra, thanh tra hoạt động thi hành án dân sự; soạn thảo văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, họp rút kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ; mức chi theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Thông tư số 200/2016/TT-BTC;

c) Chi bồi dưỡng cho cán bộ thi hành án trực tiếp lập hồ sơ, tham gia xét miễn, giảm thi hành án, đặc xá; các thành viên tham gia giao tài sản theo bản án tuyên, giao tài sản sau khi tổ chức bán đấu giá mà người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản; mức chi theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư số 200/2016/TT-BTC;

d) Thuê phiên dịch tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài; thuê người cung cấp thông tin liên quan về người, tài sản phải thi hành án, người dẫn đường trong quá trình kiểm tra, thẩm tra, xác minh thi hành án; mức chi theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 13 Thông tư số 200/2016/TT-BTC;

Tham khảo thêm:   Lạc đà trong Minecraft: Mọi điều bạn cần biết

đ) Mua vật tư và các vật dụng cần thiết phục vụ công tác xác minh, thi hành án dân sự; thuê phương tiện vận chuyển, thiết bị bảo vệ, chi phí phòng chống cháy nổ, y tế; thuê nhà kho, bến bãi, máy móc thiết bị phá dỡ, vận chuyển, lưu giữ vật chứng, tài sản thi hành án; bảo quản tài sản, vật chứng, chăn nuôi súc vật, cây trồng là tài sản bảo đảm thi hành án; thuê địa điểm, phương tiện phục vụ bán tài sản, hàng hóa khác; thuê bán đấu giá tài sản thi hành án; mức chi theo thực tế phát sinh, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có);

e) Chi thực hiện công tác tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật; mức chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự;

g) Chi tiền tàu xe đi lại, ăn uống, thuê chỗ nghỉ cho những người không hưởng lương ngân sách nhà nước tham gia công tác xác minh, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan thi hành án mức chi theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có);

h) Chi đăng tải công khai thông tin của người phải thi hành án, thông báo về thi hành án dân sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí gửi bưu điện, bưu phẩm, thông báo trực tiếp; mức chi theo thực tế phát sinh, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có);

i) Chi bồi thường thiệt hại vật chất do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra được thực hiện theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

k) Chi thuê chuyên gia tư vấn đối với vụ án phức tạp: Mức chi áp dụng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 13 Thông tư số 200/2016/TT-BTC.

10. Chi bảo đảm công tác xác minh, định giá tài sản

a) Chi thuê địa điểm, phương tiện định giá tài sản; mức chi theo thực tế phát sinh, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có);

b) Chi trả phí giám định, bồi dưỡng giám định, xác minh định giá tài sản, các chi phí khác để phục vụ công tác giám định, định giá tài sản theo quy định về phí và lệ phí thuộc lĩnh vực giám định, định giá tài sản;

c) Chi cho các thành phần tham gia xác định giá, bán đấu giá tài sản; mức chi theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 13 Thông tư số 200/2016/TT-BTC;

d) Chi bồi dưỡng cho người trực tiếp kê biên, tạm giữ khẩn cấp tài sản theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời theo yêu cầu của Tòa án; áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; mức chi theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 13 Thông tư số 200/2016/TT-BTC;

đ) Chi bồi dưỡng các thành viên tham gia họp định giá tài sản (không bao gồm định giá tài sản cưỡng chế thi hành án dân sự); mức chi theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Thông tư số 200/2016/TT-BTC.

11. Chi gửi giữ, bảo quản, tiêu hủy vật chứng, tài sản

a) Chi thuê chuyên gia, tổ chức để thực hiện việc gửi giữ, bảo quản, tiêu hủy vật chứng, tài sản đối với trường hợp vật chứng là các loại hóa chất độc hại hoặc các vật chứng, tài sản khác mà cần thiết phải có các trang thiết bị chuyên dùng để thực hiện việc gửi giữ, bảo quản, tiêu hủy đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến môi trường tại nơi gửi giữ, bảo quản, tiêu hủy theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; mức chi theo thực tế phát sinh, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có);

b) Chi thuê vận chuyển vật chứng, tài sản đến nơi tiêu hủy; thuê địa điểm tiêu hủy, mua nhiên liệu, các khoản chi khác phục vụ cho việc tiêu hủy; mức chi theo thực tế phát sinh, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có).

c) Chi bồi dưỡng các đối tượng tham gia tiêu hủy vật chứng, tài sản; mức chi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 13 Thông tư số 200/2016/TT-BTC;

12. Chi trả phụ cấp độc hại, phụ cấp trách nhiệm đối với nhân viên lưu trữ hồ sơ, thủ kho vật chứng, thủ quỹ thi hành án dân sự; mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức.

13. Chi tiếp công dân, tiếp khách, xử lý đơn thư về thi hành án

a) Tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; mức chi theo quy định tại Thông tư 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các quy định khác của Nhà nước, Bộ Quốc phòng;

Tham khảo thêm:   KHTN Lớp 6 Bài 13: Từ tế bào đến cơ thể Giải sách Khoa học tự nhiên lớp 6 Cánh diều trang 76

b) Mua trà, nước tiếp công dân, chi tiếp khách; mức chi theo thực tế phát sinh trong quá trình thực hiện, tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có).

14. Chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Ngành Thi hành án Quân đội áp dụng mức chi theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

15. Chi công tác thi đua, khen thưởng Ngành Thi hành án Quân đội thực hiện theo quy định tại Thông tư số 160/2014/TT-BQP ngày 09/11/2014 của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi đua khen thưởng trong QĐNDVN, Thông tư số 14/2015/TT-BTP ngày 14/10/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp.

16. Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn tài sản cố định, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự. Mức chi thực hiện theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Tiền chi trả theo hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc hợp đồng (nếu có).

17. Việc quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.

18. Các khoản chi nghiệp vụ khác theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Điều 5. Quản lý, sử dụng kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự

1. Tạm ứng kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự

a) Cơ quan thi hành án khi ra quyết định cưỡng chế thi hành án được tạm ứng kinh phí từ Phòng Tài chính cấp quân khu để tổ chức cưỡng chế. Ngay sau khi xử lý tài sản cưỡng chế thu được tiền, cơ quan thi hành án hoàn trả số tiền đã tạm ứng về Phòng Tài chính cấp quân khu;

b) Hồ sơ và biểu mẫu tạm ứng, hoàn tạm ứng thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.

2. Việc nộp, nội dung chi, mức chi kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Thông tư số 200/2016/TT-BTC.

Điều 6. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí

Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ thi hành án, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự của Ngành Thi hành án Quân đội thực hiện theo Luật ngân sách nhà nước, Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 5 năm 2018 và thay thế Thông tư số 43/2014/TT-BQP ngày 09/6/2014 của Bộ Quốc phòng quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự và Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp trong Quân đội lâm vào tình trạng phá sản; Thông tư số 07/2015/TT-BQP ngày 23/01/2015 của Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư số 43/2014/TT-BQP ngày 09/6/2014 của Bộ Quốc phòng quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự và Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp trong Quân đội lâm vào tình trạng phá sản.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Tài chính Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này

Nơi nhận:
– Bộ trưởng (để báo cáo);
– BTTM, TCCT;
– QK 1,2,3,4,5,7,9, QCHQ;
– Vụ Pháp chế/BQP;
– Văn phòng Chính phủ;
– Cục Tài chính/BQP;
– Cục Thi hành án/BQP;
– Cổng Thông tin điện tử/BQP;
– Công báo;
– Lưu: VT, THBĐ. Ch20.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Lê Chiêm

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 43/2018/TT-BQP Mức chi bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *