Bạn đang xem bài viết ✅ Nghị định 102/2018/NĐ-CP Mức hỗ trợ người có công với cách mạng định cư ở nước ngoài ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Từ ngày 05/09/2018, Nghị định 102/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 20/07/2018 chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định về chế độ hỗ trợ và chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Theo đó, người tham gia kháng chiến chống Pháp, Mỹ, đang định cư ở nước ngoài được xác định là có công với cách mạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này thì:

  • Từ đủ 02 năm công tác trở xuống, mức hỗ trợ bằng 4.000.000 đồng;
  • Trên 2 năm, từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1.500.000 đồng.
  • Trường hợp đã từ trần trước ngày 05/9/2018 thì thân nhân được hỗ trợ một lần bằng 6.000.000 đồng

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 102/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH 102/2018/NĐ-CP

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ VÀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ KHÁC ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT NAM CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN, CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ ĐANG ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005; Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH 13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; hồ sơ, thẩm quyền, quy trình giải quyết chế độ hỗ trợ, một số chế độ đãi ngộ khác và trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Điều 2. Đối tượng và điều kiện áp dụng

1. Người đã có quyết định công nhận là người có công với cách mạng thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng (bao gồm cả thân nhân của liệt sĩ được hưởng trợ cấp hằng tháng) theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, đang định cư ở nước ngoài nhưng bị dừng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng do hoạch định biên giới Quốc gia.

2. Người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đang định cư ở nước ngoài, gồm:

a) Quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp nhập ngũ hoặc tuyển dụng vào Quân đội trước ngày 20 tháng 7 năm 1954 đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31 tháng 12 năm 1960 trở về trước;

b) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ, tuyển dụng từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 (bao gồm cả đối tượng đi học tập, lao động hợp tác quốc tế đang định cư ở nước ngoài);

c) Dân quân tập trung ở miền Bắc, trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm 1964 đến ngày 27 tháng 01 năm 1973 (đối với dân quân tập trung thuộc các xã giáp ranh bên bờ Bắc sông Bến Hải trên vĩ tuyến 17 và các xã nằm trong khu phi quân sự trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975);

d) Du kích tập trung (bao gồm cả lực lượng mật) tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường B, C, K từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;

đ) Cán bộ dân chính đảng ở miền Nam tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường B, C, K từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;

e) Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1950 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 (bao gồm cả thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 1965 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975).

3. Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài, gồm:

a) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, nhập ngũ, tuyển dụng vào quân đội, công an, cơ yếu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc trong khoảng thời gian từ tháng 02 năm 1979 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988, biên giới Tây Nam từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 07 tháng 01 năm 1979, truy quét Ful rô từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 12 năm 1992, thuộc địa bàn các huyện biên giới, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện tiếp giáp huyện biên giới có xảy ra chiến sự (bao gồm cả các huyện đảo biên giới và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, DK 1); hoặc tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ tháng 01 năm 1979 đến ngày 31 tháng 8 năm 1989, hoặc giúp bạn Lào từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988, đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 hoặc chuyển ngành sau đó thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 (bao gồm cả đối tượng đi học tập, lao động hợp tác quốc tế đang định cư ở nước ngoài);

b) Công nhân, viên chức quốc phòng, công nhân, viên chức công an, công nhân viên chức nhà nước, chuyên gia các ngành; cán bộ xã, phường, thị trấn dân quân tự vệ, công an xã do chính quyền cấp xã tổ chức và quản lý; thanh niên xung phong tập trung sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, có thời gian trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc, Tây Nam, truy quét Ful rô hoặc làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia trong khoảng thời gian và địa bàn như đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

Tham khảo thêm:   Tổng hợp bài tập môn Toán lớp 3 theo từng chủ đề Ôn tập các dạng Toán lớp 3

4. Dân công hỏa tuyến, được Ủy ban hành chính hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung và được giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ tại các chiến trường trong thời gian và địa bàn sau đây, đang định cư ở nước ngoài:

a) Tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 9 năm 1945 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954; chống Mỹ từ sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia;

b) Tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế trong khoảng thời gian và địa bàn như quy định đối với đối tượng tại khoản 3 Điều này.

5. Thân nhân của đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, bao gồm: Bố đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp theo quy định của pháp luật.

6. Thân nhân quy định tại khoản 5 Điều này ở trong nước được đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này ủy quyền lập hồ sơ, nhận chế độ, chính sách (sau đây gọi chung là người được ủy quyền).

Điều 3. Đối tượng và điều kiện không áp dụng

Nghị định này không áp dụng đối với các đối tượng có một trong các điều kiện sau đây:

1. Không đủ điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị định này;

2. Tham gia các hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước ta;

3. Đào ngũ; phản bội; chiêu hồi; đã bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia; bị tước danh hiệu quân nhân, công an nhân dân, buộc thôi việc;

4. Đối tượng quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 2 Nghị định này trước khi định cư ở nước ngoài thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động hằng tháng;

5. Đối tượng đã từ trần nhưng không có hoặc không còn thân nhân quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này.

Điều 4. Chế độ hỗ trợ

1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này:

a) Đối với đối tượng còn sống: Chế độ hỗ trợ được tính từ (tháng, năm) dừng hưởng đến (tháng, năm) có quyết định thực hiện chế độ hỗ trợ của cấp có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định này. Cách tính như sau: A = (B – C) x D.

Trong đó: A là mức hỗ trợ; B là thời điểm (tháng, năm) có quyết định hỗ trợ; C là thời điểm (tháng, năm) đối tượng dừng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng; D là mức trợ cấp, phụ cấp tại tháng liền kề trước tháng dừng hưởng chế độ (được chuyển đổi theo mức hưởng tương ứng tại thời điểm thực hiện chế độ hỗ trợ theo quy định của Chính phủ). A, C, D nêu trên được áp dụng thống nhất trong các công thức tính hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại điểm b, c, d khoản này;

b) Đối với đối tượng đã từ trần: Thân nhân đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này được hưởng chế độ hỗ trợ tính từ thời điểm (tháng, năm) dừng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đến thời điểm (tháng, năm) đối tượng từ trần. Cách tính như sau: A = (G – C) x D; trong đó: G là thời điểm (tháng, năm) đối tượng từ trần;

c) Đối với con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ được hưởng chế độ hỗ trợ tính từ thời điểm (tháng, năm) dừng hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng đến thời điểm tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 18 tuổi. Cách tính như sau: A = (I – C) x D; trong đó: I là thời điểm (tháng, năm) liền kề trước tháng sinh của năm đủ 18 tuổi;

d) Đối tượng đã được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại điểm a khoản này khi từ trần, thân nhân đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định nay được hưởng chế độ hỗ trợ; thời gian tính hưởng chế độ hỗ trợ lần này được tính từ tháng sau liền kề tháng, năm có quyết định hưởng chế độ hỗ trợ lần trước, đến thời điểm (tháng, năm) đối tượng từ trần. Cách tính như sau: A = (G – K) x D; trong đó: K là tháng, năm liền kề sau tháng, năm có quyết định hưởng chế độ hỗ trợ một lần quy định tại điểm a khoản này.

2. Đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này:

a) Được hưởng chế độ hỗ trợ, mức hưởng được tính theo số năm thực tế tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, dân công hỏa tuyến (gọi chung là thời gian công tác). Cụ thể như sau:

– Từ đủ 2 năm công tác trở xuống, mức hỗ trợ bằng 4.000.000 đồng;

– Trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1.500.000 đồng.

Trường hợp đã từ trần trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thân nhân đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này được hỗ trợ một lần bằng 6.000.000 đồng.

b) Thời gian tính hưởng chế độ:

– Đối tượng là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân là tổng thời gian công tác thực tế trong quân đội, công an, cơ yếu (trừ thời gian đi lao động hợp tác quốc tế). Các đối tượng còn lại là thời gian trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian và địa bàn quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này;

– Trường hợp, một người có thời gian tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế và tham gia dân công hỏa tuyến thuộc các nhóm đối tượng khác nhau quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này hoặc có thời gian công tác giai đoạn thì được cộng dồn. Trừ thời gian đã được tính hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hằng tháng theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định của Chính phủ (Phụ lục I kèm theo Nghị định này);

– Thời gian tính hưởng chế độ hỗ trợ một lần nếu có tháng lẻ thì đủ 06 tháng trở lên được tính bằng một năm, dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm.

Tham khảo thêm:   Địa lí 12 Bài 7: Đất nước nhiều đồi núi (Tiếp theo) Soạn Địa 12 trang 35

3. Đối tượng quy định tại khoản 1, đồng thời thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này thì được hưởng cả chế độ hỗ trợ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 5. Một số chế độ đãi ngộ khác

1. Đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này, khi có quyết định hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị định này, được cấp “Giấy chứng nhận” người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế.

Đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này, không được cấp “Giấy chứng nhận” nêu trên.

2. Trường hợp về nước định cư:

Đối tượng đã được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định này, kể từ tháng về nước định cư, được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như đối tượng người có công với cách mạng, cựu chiến binh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; khi từ trần người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

Điều 6. Hồ sơ giải quyết chế độ hỗ trợ

1. Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này, hồ sơ gồm:

a) 01 bản khai của đối tượng theo Mẫu số 1A (bản chính) hoặc bản khai của thân nhân đối tượng (đối với đối tượng từ trần) theo Mẫu số 1B (bản chính) tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy tờ gốc hoặc giấy tờ có liên quan (bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước hoặc ở nước ngoài) chứng minh thuộc đối tượng là người có công với cách mạng hoặc thân nhân liệt sỹ đã hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng nhưng dừng hưởng chế độ;

c) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân của đối tượng;

d) Đối với đối tượng đã từ trần có thêm giấy tờ sau: Giấy chứng tử hoặc giấy tờ chứng minh đối tượng đã từ trần (bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực của Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài).

2. Trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định này, hồ sơ gồm:

a) 01 bản khai của thân nhân đối tượng theo Mẫu số 1C (bản chính) tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Quyết định đã hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này (bản sao có chứng thực của Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài).

3. Đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này, hồ sơ gồm:

a) 01 bản khai của đối tượng theo Mẫu số 2A (bản chính) hoặc bản khai của thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần hoặc thân nhân ở trong nước được đối tượng ủy quyền) theo Mẫu số 2B (bản chính) tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy tờ gốc hoặc giấy tờ có liên quan (bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước hoặc ở nước ngoài) chứng minh là người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế hoặc dân công hỏa tuyến;

c) Trường hợp thân nhân ở trong nước được ủy quyền lập hồ sơ, nhận chế độ, có thêm giấy ủy quyền của đối tượng (bản chính) có xác nhận của Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài;

d) Đối với đối tượng đã từ trần có thêm giấy tờ như đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 7. Thẩm quyền và quy trình, trách nhiệm giải quyết chế độ hỗ trợ

1. Thẩm quyền giải quyết chế độ hỗ trợ:

a) Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh):

Ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2; khoản 3 Điều 4 Nghị định này; tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí; thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ đối với đối tượng hoặc thân nhân đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết.

b) Đối với Bộ Quốc phòng:

Ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ, ký “Giấy chứng nhận” đối với đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này; tổng hợp, đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí; thực hiện chi trả chế độ và cấp “Giấy chứng nhận” đối với đối tượng hoặc thân nhân đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết.

2. Quy trình, trách nhiệm giải quyết chế độ hỗ trợ

a) Đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này không ủy quyền cho thân nhân ở trong nước lập hồ sơ, nhận chế độ hỗ trợ:

Đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng từ trần) nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 6 Nghị định này cho Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài nơi đối tượng cư trú.

Trường hợp, nước sở tại có tổ chức Hội Cựu chiến binh hoặc Hội người Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là tổ chức hội) được Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ghi nhận thì đối tượng hoặc thân nhân đối tượng nộp hồ sơ cho tổ chức hội nêu trên ở nơi cư trú. Tổ chức hội tiếp nhận, tổng hợp chuyển hồ sơ (kèm theo danh sách đối tượng) về Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài;

Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ do đối tượng hoặc thân nhân đối tượng hoặc tổ chức hội chuyển đến, tổ chức rà soát, tổng hợp, chuyển hồ sơ (kèm theo danh sách đối tượng) về Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài;

Tham khảo thêm:   Quyết định 1571/2013/QĐ-TCHQ Quy định việc giám sát hải quan bằng camera tại các khu vực cửa khẩu sân bay quốc tế

Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc quyền tiếp nhận hồ sơ của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng hoặc do Cơ quan đại diện lãnh sự hoặc tổ chức hội chuyển đến (sau đây gọi chung là tổ chức và cá nhân).

Trong thời gian 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức và cá nhân chuyển đến (theo từng đợt), hoàn thành việc tổng hợp, rà soát phân loại hồ sơ đối tượng đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ theo nhóm đối tượng và địa bàn cư trú trước khi đi định cư ở nước ngoài hoặc trước khi hoạch định biên giới Quốc gia; lập danh sách theo Mẫu số 3 hoặc Mẫu số 3A, công văn đề nghị giải quyết chế độ hỗ trợ theo Mẫu số 2 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; chuyển hồ sơ của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (bao gồm cả danh sách và công văn đề nghị) về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trực tiếp quản lý đối tượng trước khi đi định cư ở nước ngoài (qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) hoặc về Bộ Quốc phòng qua Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây được viết tắt là Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị) theo thẩm quyền giải quyết chế độ hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này;

Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền tiếp nhận hồ sơ do Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chuyển đến. Theo từng đợt, trong thời gian 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hoàn thành việc xét duyệt, thẩm định ra quyết định hỗ trợ theo Mẫu số 4 (kèm theo danh sách đối tượng Mẫu 3B hoặc Mẫu 3C) và ký “Giấy chứng nhận” theo Mẫu số 6 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Đối với đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định này ủy quyền cho thân nhân ở trong nước lập hồ sơ, nhận chế độ hỗ trợ:

– Người được ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi người được ủy quyền cư trú;

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc quyền tiếp nhận hồ sơ do người được ủy quyền chuyển đến. Theo từng đợt, trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tổ chức hội nghị xét duyệt; hoàn thiện hồ sơ cho từng đối tượng có đủ điều kiện hưởng chế độ (mỗi đối tượng 02 bộ); lập biên bản hội nghị xét duyệt theo Mẫu số 5, công văn đề nghị theo Mẫu số 2, danh sách đối tượng theo Mẫu số 3C tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) qua Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện;

– Chủ tịch Ủy ban nhân cấp huyện chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự, trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo (theo từng đợt), hoàn thành việc rà soát, đối chiếu, tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ, làm công văn đề nghị theo Mẫu số 2 báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh qua Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh hoặc Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, kèm theo hồ sơ đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ (mỗi đối tượng 02 bộ) và danh sách đối tượng theo Mẫu số 3C tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

– Bộ Tư lệnh các quân khu chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (theo từng đợt) do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện báo cáo, hoàn thành việc xét duyệt, tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ đối tượng, làm công văn đề nghị theo Mẫu số 2, danh sách đối tượng theo Mẫu số 3C tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, kèm theo hồ sơ đối tượng (mỗi đối tượng 01 bộ), báo cáo Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu qua Cục Chính trị quân khu.

Cục Chính trị quân khu, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (theo từng đợt) do Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh báo cáo, hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ trưởng Bộ Tư lệnh ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ, ký “Giấy chứng nhận” đối với các đối tượng sau khi có ý kiến thẩm định của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị; lưu trữ mỗi đối tượng 01 bộ hồ sơ;

– Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Cục Chính trị, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (theo từng đợt) do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện báo cáo, hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ trưởng Bộ Tư lệnh ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ, ký “Giấy chứng nhận” đối với các đối tượng sau khi có ý kiến thẩm định của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị; lưu trữ mỗi đối tượng 01 bộ hồ sơ.

Điều 8. Hồ sơ, quy trình, trách nhiệm cấp thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết trợ cấp mai táng phí

Hồ sơ, quy trình, trách nhiệm cấp thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết trợ cấp mai táng phí đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này, được thực hiện tương tự theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hiện hành đối với người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở trong nước.

…………

Tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 102/2018/NĐ-CP Mức hỗ trợ người có công với cách mạng định cư ở nước ngoài của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *