ỦY BAN THƯỜNG VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14 |
Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT 580/2018/UBTVQH14
VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM HỢP NHẤT VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả;
Xét đề nghị của Văn phòng Quốc hội tại Tờ trình số 2312/TTr-VPQH ngày 07 tháng 9 năm 2018 và Báo cáo thẩm tra số 1686/BC-UBPL14 ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang.
Khuyến khích các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác chủ động thực hiện thí điểm theo quy định tại Nghị quyết này.
2. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.
Trường hợp đến hết ngày 31/12/2019 mà các luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa có hiệu lực pháp luật thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở những nơi thực hiện thí điểm tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi các luật sửa đổi, bổ sung các luật trên có hiệu lực thi hành.
Điều 2. Vị trí, chức năng của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
1. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước tương đương cấp Sở, thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Về tổ chức, biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
1. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các đơn vị trực thuộc.
Số lượng Phó Chánh Văn phòng không vượt quá số lượng Lãnh đạo Văn phòng hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất. Các địa phương xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng Phó Chánh Văn phòng theo quy định chung.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc thành lập các đơn vị trực thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo phương án sau đây:
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có không quá 11 đơn vị, bao gồm: Phòng Công tác đại biểu Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Kinh tế – Tài chính, Phòng Văn hóa – Xã hội, Phòng Nội chính – Pháp chế, Phòng Thư ký – Tổng hợp, Phòng Hành chính – Tổ chức, Phòng Quản trị – Tài vụ, Ban Tiếp công dân và các đơn vị khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định thành lập theo yêu cầu của địa phương.
Nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc do Chánh Văn phòng quyết định sau khi xin ý kiến của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Đơn vị trực thuộc Văn phòng có Trưởng phòng và tương đương, các Phó trưởng phòng và tương đương. Số lượng Phó trưởng phòng và tương đương không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của các đơn vị trực thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất. Các địa phương xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng Phó trưởng phòng và tương đương theo quy định chung.
Chánh Văn phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng và tương đương sau khi xin ý kiến của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chánh Văn phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Trưởng phòng và tương đương.
4. Biên chế công chức của Văn phòng nằm trong tổng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước của địa phương và không vượt quá tổng biên chế hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất.
Biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, được xác định theo vị trí việc làm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị. Biên chế công chức của Văn phòng không bao gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 5. Phương thức hoạt động
1. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo lĩnh vực được phân công.
2. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân điều hành công việc của Văn phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng.
Các Phó Chánh Văn phòng giúp Chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chánh Văn phòng.
3. Chánh Văn phòng ban hành Quy chế làm việc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Điều 6. Mối quan hệ công tác
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng cấp ủy, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương trong việc phối hợp phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 7. Trụ sở làm việc và kinh phí hoạt động
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định việc bố trí trụ sở của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, bảo đảm sử dụng cơ sở vật chất hiện có phù hợp và hiệu quả.
2. Kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân do Chánh Văn phòng làm chủ tài khoản, bao gồm: kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ngân sách địa phương bảo đảm theo phân bổ dự toán do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
3. Việc quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động của Văn phòng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở những địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất và các cơ quan, tổ chức hữu quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề vướng mắc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện thí điểm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để hướng dẫn.
Trường hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại chủ động thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo quy định của Nghị quyết này thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện.
4. Văn phòng Quốc hội chuyển giao cơ sở vật chất, kinh phí và biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội cho các địa phương thực hiện thí điểm theo quy định của pháp luật.
5. Các địa phương thực hiện thí điểm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trước ngày 01 tháng 01 năm 2020.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14 Thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng ở 10 tỉnh, thành phố của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.