Bạn đang xem bài viết ✅ Hướng dẫn 27-HD/BTCTW Hướng dẫn kiểm điểm đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng đảng viên ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Nhằm kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên nhằm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có cơ sở đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 27-HD/BTCTW năm 2014 về kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm. Nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài viết tại đây.

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TỔ CHỨC
——-

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
—————

Số: 27-HD/BTCTW

Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2014

HƯỚNG DẪN

KIỂM ĐIỂM TẬP THỂ, CÁ NHÂN VÀ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CHẤT LƯỢNG TỔ CHỨCCƠ SỞ ĐẢNG, ĐẢNG VIÊN HẰNG NĂM

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn kiểm điểm tự phê bình, phê bình đối với tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên nhằm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có cơ sở đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; làm căn cứ để thực hiện các nội dung công tác cán bộ, đảng viên.

2. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể. Cấp ủy và lãnh đạo cấp trên cần tăng cường lãnh đạo, kiểm tra việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại đối với tập thể và cá nhân bảo đảm khách quan, thực chất.

II. NỘI DUNG

A. KIỂM ĐIỂM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

1. Đối tượng và nơi kiểm điểm

1.1. Đối tượng

a) Tập thể: Các cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở, cụ thể là:

– Cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở: Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; ban thường vụ huyện ủy và tương đương; đảng ủy và chi ủy cơ sở.

– Các tổ chức đảng ở Trung ương: Đảng đoàn: Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp trực thuộc Trung ương. Ban Cán sự đảng: Chính phủ và các bộ, ngành của Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

– Các tập thể lãnh đạo trực thuộc Trung ương: Tập thể lãnh đạo các ban đảng và cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương; Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; các đơn vị sự nghiệp ở Trung ương (Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nạm, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tập thể lãnh đạo ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở do tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương quy định.

b) Cá nhân: Đảng viên trong toàn Đảng, trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng.

1.2. Nơi kiểm điểm

– Tất cả đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở chi bộ nơi sinh hoạt;

– Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài kiểm điểm ở chi bộ, phải kiểm điểm ở cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cao nhất (có tổ chức kiểm điểm) mà mình tham gia, cụ thể như sau:

+ Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng kiểm điểm trước tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trước tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị mà mình là thành viên lãnh đạo.

+ Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (cả Ủy viên Trung ương dự khuyết) kiểm điểm trước ban thường vụ cấp ủy hoặc tập thể ban cán sự đảng, đảng đoàn/lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi công tác.

+ Các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị ở Trung ương kiểm điểm trước tập thể ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi công tác.

+ Các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương kiểm điểm trước tập thể ban thường vụ cùng cấp; trước tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị mà mình là thành viên lãnh đạo. Các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi công tác.

+ Các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy cơ sở (bí thư, phó bí thư ở nơi không lập ban thường vụ) kiểm điểm trước tập thể ban chấp hành cùng cấp và kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo nơi mình là thành viên lãnh đạo. Các đồng chí cấp ủy viên cơ sở kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi mình là thành viên lãnh đạo.

Đối tượng và nơi kiểm điểm của cán bộ lãnh đạo, quản lý khác ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở do tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương quy định.

Tham khảo thêm:   Nghị định 49/2019/NĐ-CP Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan CAND

2. Nội dung kiểm điểm

2.1. Đối với tập thể

– Kết quả lãnh đạo quán triệt, xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch theo chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị được giao.

– Kết quả lãnh đạo học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Các giải pháp đấu tranh, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

– Làm rõ trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; các quy định, quy chế làm việc; công tác tổ chức, cán bộ; quản lý và phát triển đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo; các biện pháp đấu tranh, phòng, chống tham nhũng; kết quả xử lý sai phạm đối với tập thể, cá nhân.

– Công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng và kỷ luật đảng.

2.2. Đối với cá nhân

a) Đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

– Tư tưởng chính trị: Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; chấp hành, tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; ý thức, trách nhiệm và thái độ trong đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị; việc học tập nâng cao trình độ chính trị, năng lực công tác của bản thân.

– Phẩm chất đạo đức, lối sống: Kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giữ gìn đạo đức, lối sống, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên và quan hệ mật thiết với nhân dân. Tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu sửa chữa khuyết điểm và đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lối sống thực dụng, nói không đi đối với làm. Tính trung thực, khách quan, chân thành trong tự phê bình, phê bình và xây dựng đoàn kết nội bộ.

– Thực hiện chức trách, nhiệm vụ: Tinh thần trách nhiệm, kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; ý thức tham gia xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

– Ý thức tổ chức kỷ luật: Việc chấp hành phân công của tổ chức, Quy định về những điều đảng viên không được làm và các nội quy, quy chế của địa phương, cơ quan, đơn vị; thực hiện chế độ sinh hoạt đảng, đóng đảng phí theo quy định; giữ mối liên hệ với cấp ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.

Đối với đảng viên là cán bộ, công chức: Khi kiểm điểm về thực hiện chức trách, nhiệm vụ cần đi sâu làm rõ về khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao; ý thức, thái độ phục vụ nhân dân và giữ gìn đoàn kết nội bộ.

b) Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Ngoài những nội dung nêu tại khoản a), còn phải kiểm điểm sâu sắc các nội dung sau:

– Kết quả lãnh đạo, quản lý, tổ chức, điều hành; việc quy tụ, đoàn kết; thái độ công tâm, khách quan và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng.

– Tham gia cùng tập thể trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị; làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể.

– Ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tu dưỡng đạo đức, lối sống, ý thức nêu gương của bản thân và gia đình.

3. Các bước tiến hành

3.1. Chuẩn bị kiểm điểm

– Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể và gửi trước cho các thành viên ít nhất 3 ngày.

– Đảng viên chuẩn bị bản kiểm điểm (theo mẫu); thực hiện lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy cơ sở nơi cư trú.

– Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cấp trên gợi ý kiểm điểm bằng văn bản đối với tập thể, cá nhân thuộc cấp mình quản lý (nếu thấy cần).

– Báo cáo kiểm điểm tập thể và bản kiểm điểm cá nhân phải chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân; giải trình những nội dung gợi ý kiểm điểm, ý kiến đóng góp (nếu có).

3.2. Tổ chức kiểm điểm

– Kiểm điểm tập thể trước, cá nhân sau; cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên sau. Có thể kết hợp kiểm điểm tập thể ban cán sự đảng, đảng đoàn với tập thể lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan, đơn vị (nơi lập ban cán sự đảng, đảng đoàn). Những chi bộ trên 30 đảng viên, có tổ đảng thì đảng viên kiểm điểm ở tổ đảng, sau đó tổ đảng báo cáo kết quả với chi bộ.

– Người đứng đầu định hướng các nội dung cần tập trung thảo luận và tiếp thu các ý kiến đóng góp để kết luận và hoàn thiện báo cáo kiểm điểm của tập thể.

– Đảng viên trình bày bản tự kiểm điểm, tập thể đóng góp ý kiến, cá nhân tiếp thu, người chủ trì kết luận (khi kiểm điểm người đứng đầu thì phân công một đồng chí cấp phó chủ trì). Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở nơi nào thì kiểm điểm sâu việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ở nơi đó; ở chi bộ thì báo cáo tóm tắt kết quả đã kiểm điểm trước khi kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên.

– Trong quá trình kiểm điểm, nếu có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa đủ cơ sở kết luận thì báo cáo cấp có thẩm quyền xác minh, làm rõ.

B. ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CHẤT LƯỢNG

Đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm được tiến hành vào dịp cuối năm, gắn với tổng kết công tác năm của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trước, đảng viên sau; chính quyền (cơ quan, đơn vị), Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội (nếu có) trước, tổ chức đảng cùng cấp sau.

1. Tổ chức cơ sở đảng

Việc đánh giá, phân loại phải căn cứ chủ yếu vào kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng theo quy định của Ban Bí thư và nhiệm vụ được cấp ủy cấp trên giao.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong truyện ngắn Nghề của mẹ Nghề của mẹ - Võ Thành An

1.1. Đối tượng

Đảng bộ, chi bộ cơ sở (bao gồm cả đảng bộ cơ sở mà đảng ủy được giao một số quyền cấp trên cơ sở); đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc đảng ủy.

1.2. Nội dung

– Thực hiện nhiệm vụ chính trị (40 điểm): Việc triển khai, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và nhiệm vụ được cấp ủy cấp trên giao; kết quả thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

– Công tác chính trị tư tưởng (20 điểm): Tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đấu tranh với những biểu hiện, hành vi sai trái; tuyên truyền, học tập và làm theo báo, tạp chí của Đảng. Xây dựng và thực hiện các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, định kỳ đánh giá kết quả và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

– Công tác tổ chức, cán bộ và xây dựng đảng bộ, chi bộ (15 điểm): Kết quả thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ. Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; quy chế làm việc của cấp ủy; đổi mới phương thức lãnh đạo; nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên và bí thư chi bộ; quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên và kết nạp đảng viên mới; giới thiệu đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú; thực hiện cải cách hành chính và công tác thi đua, khen thưởng.

– Lãnh đạo xây dựng chính quyền (cơ quan, đơn vị). Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội (15 điểm): Xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cùng cấp, xem xét, giải quyết những vấn đề nẩy sinh ở cơ sở; củng cố mối quan hệ giữa các tổ chức và khối đại đoàn kết toàn dân; kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

– Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng (10 điểm): Kết quả thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra và công tác tự kiểm tra, giám sát của đảng bộ, chi bộ. Công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; phát hiện, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

1.3. Phân loại chất lượng

a). Đảng bộ (chi bộ) trong sạch, vững mạnh: Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và đạt được từ 90 điểm trở lên và đảm bảo các điều kiện:

– Tập thể ban thường vụ, cấp ủy đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

– Chi bộ, đảng bộ sinh hoạt đúng quy định; chi bộ có 100% đảng viên đạt mức “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên, đảng bộ có 100% số tổ chức đảng trực thuộc đạt mức “Hoàn thành nhiệm vụ” trở lên;

– Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cùng cấp phân loại chất lượng đạt mức cao nhất.

Số tổ chức cơ sở đảng được phân loại “Trong sạch, vững mạnh” không nên vượt quá 50% tổng số tổ chức cơ sở đảng của tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, cấp ủy cấp trên xem xét, lựa chọn một số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng; số tổ chức cơ sở đảng được khen thưởng tối đa không vượt quá 20% tổng số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh.

b) Đảng bộ (chi bộ) hoàn thành tốt nhiệm vụ: Hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đạt từ 70 đến dưới 90 điểm hoặc đạt từ 90 điểm trở lên nhưng chưa đạt mức “Trong sạch, vững mạnh” và đảm bảo các điều kiện:

– Tập thể ban thường vụ, cấp ủy đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ; không có cấp ủy viên, cán bộ là cấp trưởng, cấp phó của các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng cấp bị xử lý kỷ luật (trừ những trường hợp bị kỷ luật do tổ chức đảng chủ động phát hiện và tích cực đấu tranh, xử lý);

– Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cùng cấp phân loại chất lượng đạt mức cao thứ hai trở lên.

c) Đảng bộ (chi bộ) hoàn thành nhiệm vụ: Cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt từ 50 đến dưới 70 điểm hoặc đạt từ 70 điểm trở lên nhưng chưa đạt mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

d) Đảng bộ (chi bộ) yếu kém: Không hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao, đạt dưới 50 điểm hoặc đạt từ 50 điểm trở lên và có một trong các khuyết điểm, hạn chế sau:

– Nội bộ cấp ủy hoặc ban thường vụ mất đoàn kết.

– Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đến mức có đảng viên phải kỷ luật.

– Chính quyền cùng cấp phân loại chất lượng mức thấp nhất.

– Có từ 02 tổ chức (Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội) cùng cấp phân loại chất lượng mức thấp nhất.

– Đảng bộ có trên 1/3 số tổ chức đảng trực thuộc xếp loại “Yếu kém”; chi bộ có trên 1/2 số đảng viên xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ”.

e) Một số điểm lưu ý trong đánh giá, phân loại tổ chức đảng:

– Căn cứ mức độ hoàn thành nhiệm vụ, tổng số điểm tự chấm, ban thường vụ đảng ủy (bí thư, phó bí thư nơi không lập ban thường vụ), chi ủy dự kiến mức phân loại; hội nghị đảng ủy, đảng viên (đối với chi bộ) thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín và báo cáo cấp ủy cấp trên. Ban tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp tổng hợp kết quả phân loại của tổ chức đảng cấp dưới; lấy ý kiến các ban, ngành, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội cùng cấp có liên quan; thẩm định, tham mưu, trình ban thường vụ xem xét, quyết định.

– Tổ chức đảng đã được công nhận phân loại chất lượng, nhưng sau đó phát hiện có khuyết điểm hoặc không đảm bảo điều kiện của mức phân loại thì hủy bỏ kết quả và phân loại chất lượng lại.

– Không tổ chức đánh giá, phân loại đối với tổ chức đảng mới thành lập chưa đủ 06 tháng.

2. Cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên

Tham khảo thêm:   Soạn bài Tôi có một giấc mơ Cánh diều Ngữ văn lớp 11 trang 125 sách Cánh diều tập 2

2.1. Đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức: Thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2.2. Đánh giá, phân loại đảng viên

Việc đánh giá, phân loại phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng và chức trách, nhiệm vụ được giao.

2.2.1. Đối tượng: Đảng viên trong toàn Đảng, trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng.

2.2.2. Nội dung: Theo nội dung kiểm điểm đảng viên.

2.2.3. Phân loại chất lượng đảng viên

a). Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Là đảng viên phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và phải có trên 2/3 số đảng viên chính thức bỏ phiếu tán thành. Nếu đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác thì phải được phân loại cán bộ, công chức, viên chức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” hoặc được đề nghị đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” hoặc trong năm có thành tích xuất sắc được cấp bộ hoặc cấp tỉnh tặng “Bằng khen”.

Số đảng viên được phân loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 15% số đảng viên được phân loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” và đề nghị cấp trên khen thưởng; đối với chi bộ có dưới 07 đảng viên thì không quá 01 đồng chí; đảng bộ, chi bộ có thành tích đặc biệt xuất sắc thì số đảng viên xuất sắc có thể tăng thêm nhưng không quá 20% số đảng viên được phân loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

b) Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ: Là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng chưa đủ điều kiện đạt mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và phải có trên 1/2 số đảng viên chính thức bỏ phiếu tán thành. Nếu đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác thì phân loại cán bộ, công chức, viên chức phải đạt mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.

c) Đảng viên hoàn thành nhiệm vụ: Là đảng viên cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao và có trên 1/2 số đảng viên chính thức bỏ phiếu tán thành. Nếu đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác thì phân loại cán bộ, công chức, viên chức phải đạt mức “Hoàn thành nhiệm vụ” hoặc “Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” trở lên.

d) Đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ:

Là đảng viên đang chấp hành kỷ luật của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong thời hạn 1 năm hoặc vi phạm một trong các khuyết điểm dưới đây và có trên 1/2 số đảng viên chính thức bỏ phiếu tán thành:

– Đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ chi bộ giao.

– Phân loại cán bộ, công chức, viên chức ở mức “Không hoàn thành nhiệm vụ”.

– Vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm hoặc vi phạm khác ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và vị trí công tác của đảng viên đó.

– Không chấp hành phân công của tổ chức hoặc là nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ.

2.2.4. Một số điểm lưu ý trong đánh giá, phân loại đảng viên:

– Căn cứ các điều kiện, tiêu chuẩn phân loại, cá nhân tự đánh giá, phân loại; chi bộ bỏ phiếu, công bố kết quả phân loại và báo cáo cấp ủy cơ sở xem xét, quyết định.

– Đối với đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm nhiều chức vụ công tác thì đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu ở chức vụ đảm nhiệm chính và cao nhất.

– Đảng viên ở địa phương đi làm ăn xa nơi cư trú, nghỉ ốm từ 3 tháng trở lên không phân loại đạt mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.

– Đảng viên phải hoàn thành việc kiểm điểm mới được đánh giá, phân loại. Những đảng viên vắng mặt hay chưa được đánh giá, phân loại thì chi bộ tổ chức đánh giá, phân loại vào cuộc họp gần nhất khi đảng viên có mặt.

– Đảng viên đã được phân loại chất lượng, nhưng sau đó phát hiện có khuyết điểm hoặc không đảm bảo điều kiện của mức đã phân loại thì hủy bỏ kết quả và phân loại lại.

– Không tổ chức đánh giá, phân loại đối với đảng viên mới kết nạp chưa đủ 06 tháng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Hướng dẫn này, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch kiểm điểm ở cấp mình, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới tổ chức kiểm điểm bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, nội dung và tiến độ đề ra; phân công cán bộ theo dõi việc kiểm điểm của tập thể, cá nhân ở cấp trực thuộc.

2. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cụ thể hóa nội dung đánh giá; xây dựng bảng điểm chi tiết đối với từng loại hình tổ chức đảng ở cơ sở phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, ngành, lĩnh vực; hướng dẫn đánh giá, phân loại chất lượng đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc đảng ủy. Quyết định việc thí điểm đánh giá, phân loại chất lượng đối với đảng bộ cấp huyện và tương đương.

Chỉ đạo chính quyền (cơ quan, đơn vị), Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội thực hiện đánh giá, phân loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm bảo đảm đồng bộ với đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên.

Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm; đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm của tập thể, cá nhân; tập trung củng cố các tổ chức đảng, giúp đỡ đảng viên khắc phục khuyết điểm, yếu kém, tồn tại.

3. Báo cáo kết quả kiểm điểm của tập thể, cá nhân về cấp trên theo phân cấp quản lý cán bộ, đảng viên. Báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và báo cáo kết quả đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm gửi về Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 01/3 năm sau.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW, ngày 04 tháng 11 năm 2013 việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Hướng dẫn số 07-HD/BTCTW, ngày 11 tháng 10 năm 2011 về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Ban Tổ chức Trung ương để nghiên cứu, bổ sung./.

TRƯỞNG BAN

Tô Huy Rứa

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Hướng dẫn 27-HD/BTCTW Hướng dẫn kiểm điểm đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng đảng viên của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *