Công văn 412/SGDĐT-QLT năm 2019 hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2019-2020 do Sở giáo dục và đào tạo thành phố Hà Nội ban hành. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải Công văn tại đây.
UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 412/SGDĐT-QLT |
Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2019 |
Công văn 412/SGDĐT-QLT
Kính gửi: |
– Các phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã; |
Căn cứ Điều lệ trường mầm non; Điều lệ trường tiểu học; Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở GDĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ GDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT; Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ GDĐT tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014; Công văn số 4216/UBND-KGVX ngày 11/9/2018 của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội về việc tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, tuyển sinh lớp 6 chương trình thí điểm đào tạo song bằng và tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020; Công văn số 5169/UBND-KGVX ngày 23/10/2018 của UBND thành phố Hà Nội về công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020,
Sở GDĐT Hà Nội hướng dẫn các phòng GDĐT; các trường mầm non, tiểu học, THCS chuẩn bị và tổ chức triển khai công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2019-2020 như sau:
A. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU
1. Tổ chức tuyển sinh đúng Quy chế, đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập trẻ mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.
2. Điều tra chính xác số trẻ ở từng độ tuổi trên địa bàn, phân tuyến và giao chỉ tiêu hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, tránh tình trạng quá tải ở các trường. Thực hiện công khai kế hoạch tuyển sinh, đảm bảo năm rõ: Tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, phương thức tuyển sinh và trách nhiệm trong công tác tuyển sinh.
3. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp. Tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày.
4. Các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp và thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
5. Cá nhân chịu trách nhiệm với nhiệm vụ được giao trước cấp trên trực tiếp; Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
B. TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG MẦM NON, LỚP 1, LỚP 6
I. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TUYỂN SINH
1. Các trường mầm non, tiểu học và THCS
1.1. Các trường phối hợp với UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức điều tra số trẻ ở từng độ tuổi đi học trên địa bàn được phân công, đảm bảo số liệu chính xác phục vụ cho phân tuyến tuyển sinh.
1.2. Căn cứ vào kết quả điều tra số trẻ trong độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn; căn cứ tình hình thực tế về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên, các trường chủ động xây dựng dự thảo kế hoạch công tác tuyển sinh năm học 2019-2020, báo cáo phòng GDĐT theo quy định.
2. Các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã
2.1. Tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp.
2.2. Tham mưu UBND quận, huyện, thị xã thực hiện luân chuyển cán bộ, giáo viên để nâng cao chất lượng đội ngũ của các trường trên địa bàn.
2.3. Chỉ đạo các trường làm tốt công tác điều tra số trẻ ở từng độ tuổi đi học trên địa bàn được phân công và số liệu tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 do Sở GDĐT cung cấp, xây dựng dự thảo kế hoạch công tác tuyển sinh năm học 2019-2020.
2.4. Xây dựng kế hoạch công tác tuyển sinh năm học 2019-2020 của phòng GDĐT
a) Các căn cứ để xây dựng kế hoạch tuyển sinh:
– Văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020 của Sở GDĐT;
– Dự thảo kế hoạch tuyển sinh của các trường trên địa bàn;
– Số trẻ ở từng độ tuổi trên địa bàn;
– Điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên của từng trường, chỉ tiêu (số lớp, số học sinh/lớp, số lớp được học 2 buổi/ngày) phải phù hợp với số phòng học của trường, trong đó phải dành ưu tiên cho các phòng phục vụ học tập và phòng học 2 buổi/ngày;
– Mức phấn đấu huy động ít nhất 45% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 99% trẻ độ tuổi mẫu giáo đến cơ sở giáo dục mầm non; duy trì 100% trẻ 5 tuổi đến trường và được học đủ 2 buổi/ngày; ít nhất 75% trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được học hòa nhập; 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khoẻ được vào lớp 1; 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào học lớp 6;
– Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia và chương trình kiên cố hoá trường học của Thành phố;
– Đầu tư xây dựng trường đối với các khu đô thị mới; quan tâm tới con của các hộ dân thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, con của công nhân tại các khu công nghiệp; tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số, con em các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào các trường công lập. Đối với các khu đô thị mới chưa có trường, phòng GDĐT báo cáo UBND quận, huyện, thị xã có biện pháp giải quyết chỗ học cho học sinh và thúc đẩy việc xây thêm trường mới theo quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn;
– Việc phân tuyến tuyển sinh và giao chỉ tiêu tuyển sinh phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của từng trường, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh;
– Hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có số lớp quá đông; nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, phòng GDĐT phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã và báo cáo Sở GDĐT, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học.
b) Nội dung kế hoạch tuyển sinh bao gồm:
– Phân chia địa bàn tuyển sinh, giao chỉ tiêu tuyển sinh đối với từng trường;
– Đối tượng tuyển sinh, độ tuổi tuyển sinh;
– Quy định về số học sinh/lớp, số lớp của từng trường;
– Hồ sơ tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, thời gian tuyển sinh;
– Yêu cầu các trường chuẩn bị đội ngũ giáo viên và bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh, thực hiện Quy chế công khai tại các cơ sở giáo dục và chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
– Phân công nhiệm vụ.
II. TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG MẦM NON, LỚP 1, LỚP 6
1. Tuyển sinh vào các trường mầm non, mẫu giáo
1.1. Các trường thông báo công khai chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh trẻ mầm non ở từng độ tuổi và tổ chức tiếp nhận trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn dân cư theo quy định.
1.2. Các trường phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn về công tác tuyển sinh; phối hợp với các đơn vị khác trên địa bàn, dưới sự chỉ đạo của UBND phường, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tổ dân phố, thôn, xóm về công tác tuyển sinh trong đó nêu rõ tuyến tuyển sinh, hình thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh ở từng độ tuổi để cha mẹ của trẻ hiểu rõ, tránh gây áp lực cho công tác tuyển sinh, đưa trẻ đến trường nhập học theo đúng độ tuổi và tuyến tuyển sinh quy định. Trường hợp số trẻ đăng ký học tại trường vượt quá khả năng tiếp nhận, nhà trường phải ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi, trẻ thuộc tuyến tuyển sinh được giao.
1.3. Về số trẻ trong một nhóm, lớp thực hiện theo quy định Điều 13, Điều lệ trường mầm non. Trường hợp do số trẻ trên địa bàn đăng ký học vượt quá quy định tại Điều 13, số trẻ trong mỗi nhóm, lớp có thể tăng thêm nhưng phải đảm bảo được tỷ lệ số giáo viên/trẻ/lớp theo quy định tại điều này và diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em: đảm bảo ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ. Các trường mầm non trực thuộc Sở GDĐT tuyển sinh theo đúng chỉ tiêu và kế hoạch của Sở GDĐT giao.
1.4. Hồ sơ:
– Đơn xin học (theo mẫu) đối với trường hợp tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp;
– Bản sao Giấy khai sinh hợp lệ;
– Bản phôtô sổ hộ khẩu (không cần công chứng, kèm theo bản chính để đối chiếu) hoặc giấy hẹn đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu của công an quận, huyện, thị xã hoặc giấy xác nhận cư trú tại địa bàn của công an cấp phường, xã, thị trấn.
1.5. Các trường mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ.
2. Tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6
2.1. Phương thức tuyển sinh:
a) Thực hiện phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định; tiếp tục sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến trên toàn Thành phố.
b) Đối với các trường THCS được UBND Thành phố công nhận trường chất lượng cao, tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu: Thực hiện theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực (sau đây gọi chung là kiểm tra), căn cứ vào Điểm tuyển sinh (ĐTS) để tuyển sinh:
ĐTS = Điểm xét tuyển + Điểm kiểm tra (tính hệ số 2) |
– Xét tuyển:
Căn cứ theo kết quả rèn luyện và học tập của học sinh ở cấp tiểu học và diện ưu tiên của học sinh, các trường THCS xây dựng phương án xác định Điểm xét tuyển của học sinh. Điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10.
– Kiểm tra, đánh giá năng lực:
+ Các quận, huyện, thị xã quy định bài kiểm tra, đánh giá năng lực. Điểm kiểm tra là tổng điểm các bài kiểm tra, đánh giá năng lực tính theo thang điểm 10;
+ Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GDĐT;
+ Hình thức kiểm tra: Trắc nghiệm khách quan hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, trong đó đảm bảo yêu cầu bốn cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao;
+ Thời gian làm bài: Tối đa 60 phút/bài kiểm tra;
+ Thời gian tổ chức: Các trường lựa chọn thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực hợp lý, báo cáo phòng GDĐT trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.
c) Đối với các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo Đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội”: Thực hiện theo phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực; căn cứ vào ĐTS để tuyển sinh.
* Năm học 2019-2020, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm chương trình đào tạo quốc tế học chương trình THCS Quốc gia Việt Nam và chương trình giáo dục nhận chứng chỉ trung học quốc tế IGCSE tại 07 trường THCS: Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và lớp 6 THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.
* Cách tính ĐTS để làm căn cứ tuyển sinh của các trường trên như sau:
ĐTS = Tổng điểm các bài kiểm tra |
Học sinh phải thực hiện 02 bài kiểm tra, đánh giá năng lực:
– Bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn tiếng Anh, gồm 02 phần:
+ Phần viết: Thời gian làm bài là 45 phút;
+ Phần nghe: Thời gian làm bài là 30 phút.
– Bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Toán bằng tiếng Anh theo chuẩn CAIE; thời gian làm bài là 60 phút.
* Đăng ký nguyện vọng:
– Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên trường nguyện vọng 1 (NV1) và trường nguyện vọng 2 (NV2).
– Học sinh nhận đơn đăng ký nguyện vọng tại cơ sở giáo dục nơi học sinh học lớp 5 tiểu học.
* Công nhận trúng tuyển:
– Quy đổi điểm từng bài kiểm tra của mỗi thí sinh về thang điểm 10.
– Tính ĐTS của mỗi thí sinh là tổng điểm của 02 bài kiểm tra.
– Sắp xếp danh sách thí sinh theo thứ tự ưu tiên: ĐTS; nguyện vọng đăng ký dự tuyển.
– Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, số học sinh dự tuyển, nguyện vọng và ĐTS của thí sinh, Hội đồng tuyển sinh nhà trường xây dựng phương án Điểm chuẩn dự kiến. Trường đề xuất điểm chuẩn, xét duyệt với phòng GDĐT và Sở GDĐT; Sở GDĐT ra quyết định điểm chuẩn tuyển sinh của từng trường. ĐTS do Sở GDĐT công bố là căn cứ duy nhất để xác định điểm chuẩn, các trường không được đưa ra bất cứ một loại điểm hoặc điều kiện nào khác để xét tuyển.
– Học sinh đã trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2.
– Trường hợp hạ điểm chuẩn: Các trường THCS phải niêm yết công khai số lượng học sinh đã tuyển, số còn thiếu so với chỉ tiêu, điểm chuẩn mới và thời hạn nhận hồ sơ. Khi hạ điểm chuẩn nhà trường chỉ nhận học sinh có NV1, không nhận học sinh có NV2.
Danh sách học sinh dự tuyển, ĐTS, điểm chuẩn được công bố công khai tại từng trường THCS.
2.2. Địa bàn tuyển sinh: Theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định cho các trường.
2.3. Đối tượng dự tuyển vào lớp 6: Những học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học.
2.4. Độ tuổi:
a) Lớp 1:
Tuổi của trẻ vào học lớp 1 là 6 tuổi (sinh năm 2013). Trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi từ 7 đến 9 tuổi. Tuyệt đối không được nhận trẻ thiếu tuổi vào lớp 1.
b) Lớp 6:
– Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi (sinh năm 2008);
– Những trường hợp đặc biệt:
+ Những học sinh được học vượt lớp hoặc học sinh được vào học tiểu học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định ở tiểu học thì tuổi vào lớp 6 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm hoàn thành chương trình tiểu học;
+ Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 03 tuổi so với tuổi quy định;
– Học sinh không được lưu ban quá hai lần trong một cấp học.
2.5. Hồ sơ
a) Lớp 1:
– Đơn xin học (theo mẫu) đối với trường hợp tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp;
– Bản sao Giấy khai sinh hợp lệ;
– Bản phôtô sổ hộ khẩu (không cần công chứng, kèm theo bản chính để đối chiếu) hoặc giấy hẹn đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu của công an quận, huyện, thị xã hoặc giấy xác nhận cư trú tại địa bàn của công an cấp phường, xã, thị trấn.
b) Lớp 6:
– Đơn xin dự tuyển vào THCS (theo mẫu) đối với trường hợp tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp;
– Bản chính học bạ cấp tiểu học hoặc các hồ sơ khác có giá trị thay thế học bạ;
– Bản sao Giấy khai sinh hợp lệ;
– Bản phôtô sổ hộ khẩu (không cần công chứng) và kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc giấy hẹn đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu của công an quận, huyện, thị xã hoặc giấy xác nhận cư trú tại địa bàn của công an cấp phường, xã, thị trấn;
– Quyết định cho phép học vượt lớp (nếu có).
2.6. Tuyển sinh vào các trường ngoài công lập:
– Không phân tuyến tuyển sinh. Tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của mỗi trường, nhà trường xây dựng phương thức tuyển sinh hợp lý theo đúng quy định, báo cáo UBND quận, huyện, thị xã;
– Căn cứ vào cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên, phòng GDĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cho trường;
– Các trường phải niêm yết công khai thủ tục nhập học, quyền và nghĩa vụ của học sinh, cha mẹ học sinh trước khi làm thủ tục nhập học cho học sinh. Các trường tuyệt đối không được tuyển sinh trước thời gian quy định của Sở.
3. Tuyển sinh vào các trường trực thuộc Sở GDĐT
a) Các trường mầm non gồm: Trường Mầm non B Hà Nội, Trường Mẫu giáo Việt-Triều hữu nghị.
b) Các trường chuyên biệt:
– Trường Tiểu học Bình Minh: Tuyển vào lớp 1 những học sinh khuyết tật về trí tuệ trên địa bàn Hà Nội;
– Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu: Tuyển vào lớp 1, lớp 6 những học sinh khuyết tật nhìn, bao gồm trẻ mù hoàn toàn, trẻ nhìn kém (thị lực có kính dưới 3/10) trên địa bàn Hà Nội;
– Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn: Tuyển vào mẫu giáo (từ 3 – 5 tuổi), lớp 1 và lớp 6 những học sinh khuyết tật nghe, nói trên địa bàn Hà Nội;
Các trường trên đây thực hiện tuyển sinh theo đúng thời gian và chỉ tiêu của Sở giao. Ngoài học sinh khuyết tật, việc tuyển học sinh hoà nhập phải ưu tiên tuyển học sinh trên địa bàn nơi trường đóng. Các trường phải có kế hoạch và biện pháp tổ chức, tuyên truyền để vận động học sinh khuyết tật đến trường.
c) Tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam:
– Phương thức tuyển sinh: Kết hợp giữa xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực, trong đó:
+ Vòng 1: Tổ chức xét tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ;
+ Vòng 2: Tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực đối với những học sinh đã qua xét tuyển Vòng 1.
– Bài kiểm tra, đánh giá năng lực:
+ Học sinh phải thực hiện 03 bài kiểm tra, đánh giá năng lực: Bài kiểm tra, đánh giá năng lực kiến thức môn Toán (thời gian làm bài là 45 phút), Bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Tiếng Việt (thời gian làm bài là 45 phút), Bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Tiếng Anh (thời gian làm bài là 45 phút);
+ Hình thức: Kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận;
+ Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GDĐT, đảm bảo yêu cầu bốn cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao; bài kiểm tra, đánh giá năng lực tính theo thang điểm 10.
– Tuyển sinh:
+ Điểm tuyển sinh của học sinh là tổng điểm 03 bài kiểm tra, đánh giá năng lực;
+ Tuyển những học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, lấy theo điểm tuyển sinh từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu.
Sở GDĐT sẽ có văn bản riêng để hướng dẫn chi tiết.
4. Thời gian tuyển sinh
4.1. Cấp mã số học sinh: Các trường mầm non, tiểu học, THCS phải hoàn thành việc cấp mã số tuyển sinh (kèm mật khẩu) cho cha mẹ học sinh trước ngày 25/5/2019.
4.2. Thời gian tuyển sinh:
a) Đối với các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo Đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội”:
– Thời gian nộp đơn đăng ký nguyện vọng dự tuyển: Học sinh nộp tại cơ sở giáo dục nơi học sinh học lớp 5 tiểu học chậm nhất vào ngày 24/5/2019; trường tiểu học nộp cho phòng GDĐT chậm nhất vào ngày 28/5/2019; phòng GDĐT tổng hợp, lập danh sách, nộp cho Sở GDĐT vào ngày 31/5/2019.
– Học sinh xem danh sách đăng ký dự kiểm tra, đánh giá năng lực vào ngày 05/6/2019.
– Kiểm tra, đánh giá năng lực ngày 10/6/2019;
– Tuyển sinh từ ngày 18/6/2019 đến hết ngày 20/6/2019. Sau ngày 20/6/2019, những trường tuyển còn thiếu so với chỉ tiêu giao, được tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu từ ngày 22/6/2019 đến ngày 24/6/2019.
b) Đối với các trường THCS được UBND Thành phố công nhận trường chất lượng cao, tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu thực hiện tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực:
– Kiểm tra, đánh giá năng lực: Các trường lựa chọn thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực hợp lý đảm bảo hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/6/2019, báo cáo phòng GDĐT trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt;
– Tuyển sinh từ ngày 18/6/2019 đến hết ngày 24/6/2019.
c) Đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS tuyển sinh theo tuyến:
– Tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến:
+ Tuyển sinh vào lớp 1: Từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 03/7/2019;
+ Tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non: Từ ngày 04/7/2019 đến hết ngày 06/7/2019;
+ Tuyển sinh vào lớp 6: Từ ngày 07/7/2019 đến hết ngày 09/7/2019;
– Tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp: Từ ngày 13/7/2019 đến hết ngày 18/7/2019.
d) Lưu ý:
– Trường hợp tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến: Cha mẹ học sinh có thể đối chiếu hồ sơ tuyển sinh tại trường đăng ký tuyển sinh từ khi nhận được thông báo đăng ký tuyển sinh trực tuyến thành công đến hết ngày 18/7/2019.
– Các trường ngoài công lập tuyển sinh ngay sau khi kết thúc năm học, cụ thể là bắt đầu từ ngày 26/5/2019 đến ngày 12/7/2019; cập nhật danh sách học sinh trúng tuyển vào phần mềm sổ điểm điện tử chậm nhất ngày 23/7/2019. Đối với trường THCS ngoài công lập thực hiện tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực: Lựa chọn thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực hợp lý đảm bảo hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/6/2019.
– Sau ngày 18/7/2019, những trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo phòng GDĐT; căn cứ vào tình hình cụ thể của từng trường, phòng GDĐT cho phép trường được tuyển sinh bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu từ ngày 20/7/2019 đến ngày 22/7/2019.
C. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
I. SỞ GDĐT HÀ NỘI
1. Ban hành văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020;
2. Cung cấp dữ liệu tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 cho các phòng GDĐT; tổ chức Hội nghị hướng dẫn về công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 cho các phòng GDĐT và các trường trực thuộc Sở;
3. Kiểm tra, thông báo công khai và chỉ đạo các phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã thực hiện kế hoạch tuyển sinh và công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp của đơn vị;
4. Phối hợp hoàn thiện và quản trị phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020;
5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh trên địa bàn Thành phố;
6. Chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GDĐT tổ chức công tác tuyển sinh vào lớp 6 của các trường THCS theo Đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội”;
7. Công tác tuyển sinh là một tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại thi đua các trường và các phòng GDĐT.
II. CÁC PHÒNG GDĐT QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ
1. Chỉ đạo và tổ chức việc phối hợp giữa UBND các phường, xã, thị trấn với các trường trong công tác điều tra số trẻ trong độ tuổi tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; phân tuyến tuyển sinh hợp lý để huy động được số trẻ đến trường với tỷ lệ cao nhất, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở các trường trên địa bàn;
2. Phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của các trường, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt và báo cáo Sở GDĐT;
3. Triển khai kế hoạch tuyển sinh, tổ chức hướng dẫn công tác tuyển sinh cho Hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn;
4. Trưởng phòng GDĐT ký ban hành Quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh của các trường trên địa bàn phụ trách;
5. Phối hợp với UBND các phường, xã, thị trấn công bố công khai việc phân tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh; các quy định về độ tuổi, hồ sơ tuyển sinh tại các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn trước khi bắt đầu tuyển sinh 15 ngày để cha mẹ học sinh biết và chuẩn bị nộp hồ sơ nhập học cho học sinh tại các trường;
6. Chỉ đạo các trường trên địa bàn tổ chức tuyển sinh theo đúng kế hoạch và hướng dẫn của Sở GDĐT, không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1. Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến của các trường trên địa bàn, đặc biệt đối với các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao;
7. Chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS cấp mã học sinh cho cha mẹ học sinh, hướng dẫn cha mẹ học sinh truy cập vào trang sổ liên lạc điện tử để theo dõi, kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả học tập, kết quả tuyển sinh của học sinh theo đúng quy định;
8. Tiếp tục nghiên cứu và báo cáo UBND quận, huyện, thị xã về công tác luân chuyển cán bộ, giáo viên, xây dựng thêm trường và phòng học (đối với những địa phương chưa đủ phòng học theo quy định), tăng cường cơ sở vật chất cho những trường khó khăn để đảm bảo chất lượng, nâng cao độ đồng đều giữa các trường. Phòng GDĐT phải có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường;
9. Thành lập Tổ công tác chỉ đạo và hỗ trợ công tác tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020 trên địa bàn;
10. Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tuyển sinh của các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về công tác tuyển sinh;
11. Công tác tuyển sinh là một tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại thi đua các trường.
III. CÁC TRƯỜNG MẦM NON, TIỂU HỌC VÀ THCS
1. Chủ động phối hợp với UBND các phường, xã, thị trấn trong công tác điều tra số trẻ trong độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn được phân công; chủ động xây dựng kế hoạch công tác tuyển sinh năm học 2019-2020 của trường, báo cáo phòng GDĐT.
Tham gia đầy đủ Hội nghị hướng dẫn về công tác tuyển sinh do Sở GDĐT, phòng GDĐT tổ chức hướng dẫn;
2. Thông báo công khai tại trường tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định; chỉ tiêu tuyển sinh và các quy định về độ tuổi, hồ sơ, thời gian tuyển sinh. Thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GDĐT về thực hiện công khai đối với cơ sở GDĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (công khai về cam kết chất lượng GDĐT, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính);
3. Tuyên truyền, hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về tuyển sinh trực tuyến;
4. Chuẩn bị cơ sở vật chất; thành lập Tổ công tác hỗ trợ và triển khai tuyển sinh trực tuyến của trường;
5. Mỗi trường thành lập một Hội đồng tuyển sinh trình Trưởng phòng GDĐT quận, huyện, thị xã ra Quyết định thành lập; thành phần gồm: Chủ tịch là Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch là Phó Hiệu trưởng, Thư ký và một số Ủy viên. Hội đồng tuyển sinh có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác tuyển sinh, đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, đúng chỉ tiêu được giao;
6. Tổ chức cấp mã học sinh cho cha mẹ học sinh, hướng dẫn cha mẹ học sinh truy cập vào trang sổ liên lạc điện tử để theo dõi, kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả học tập, kết quả tuyển sinh của học sinh theo đúng quy định; đảm bảo bảo mật thông tin mã học sinh và mật khẩu; chịu trách nhiệm đảm bảo thông tin cá nhân và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh phải chính xác và thống nhất giữa sổ điểm điện tử với hồ sơ học sinh; bố trí bộ phận thường trực hướng dẫn, giải đáp, hỗ trợ, xử lý những khó khăn của học sinh, cha mẹ học sinh về mã học sinh, sổ liên lạc điện tử và các nội dung khác về tuyển sinh theo quy định;
7. Tổ chức tuyển sinh:
a) Khi tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh của học sinh, cán bộ tuyển sinh phải kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt phải kiểm tra sự trùng khớp của các thông tin về cá nhân học sinh như: Họ tên, ngày sinh, nơi sinh…trong giấy khai sinh, hộ khẩu, học bạ (đối với lớp 6), dữ liệu tuyển sinh trực tuyến (nếu có), nếu thấy trùng khớp cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải ghi vào mặt sau của bản sao giấy khai sinh: “Đã kiểm tra khớp với bản chính khai sinh và hộ khẩu” sau đó ký và ghi rõ họ tên, Hiệu trưởng ký và đóng dấu xác nhận. Bản sao giấy khai sinh có xác nhận này sẽ là căn cứ để ghi vào hồ sơ học tập, cấp văn bằng chứng chỉ cho học sinh sau này. Cán bộ tuyển sinh và Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra và xác nhận trên;
b) Trong thời gian tuyển sinh các trường tuyệt đối không được thu hoặc vận động cha mẹ học sinh đóng góp các khoản ngoài quy định cho nhà trường;
c) Thực hiện nghiêm túc quy định, quy trình tuyển sinh và hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến, đặc biệt đối với các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
8. Lãnh đạo nhà trường phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trực trong thời gian tuyển sinh để hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn thắc mắc, tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh.
9. Kết thúc tuyển sinh các trường lập danh sách học sinh đã tuyển thông qua hệ thống hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến, gửi kết quả tuyển sinh cho UBND phường, xã, thị trấn và báo cáo với phòng GDĐT.
IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Các phòng GDĐT báo cáo về Sở (qua Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục) về công tác tuyển sinh theo lịch sau:
– Ngày 17/5/2019: Nộp Kế hoạch tuyển sinh của quận, huyện, thị xã;
– Ngày 24/7/2019: Nộp Báo cáo nhanh về công tác tuyển sinh;
– Ngày 30/7/2019: Nộp Báo cáo chính thức về công tác tuyển sinh.
Trên đây là hướng dẫn công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020, Sở GDĐT yêu cầu các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã và các trường mầm non, tiểu học, THCS nghiên cứu kỹ văn bản và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn. Trong quá trình thực hiện, khi có những vấn đề vướng mắc, Thủ trưởng các đơn vị cần báo cáo ngay về cơ quan quản lý theo phân cấp để có sự chỉ đạo, giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận: |
KT. GIÁM ĐỐC |
………..
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Công văn 412/SGDĐT-QLT Hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 Hà Nội của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.