Bạn đang xem bài viết ✅ Quyết định 03/2020/QĐ-TTg Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Vào ngày 13/01/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 03/2020/QĐ-TTg, về quy định dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai. Văn bản này, sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/03/2020. Sau đây, chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo nội dung của quyết định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 03/2020/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2020

QUYẾT ĐỊNH 03/2020/QĐ-TTg

QUY ĐỊNH VỀ DỰ BÁO, CẢNH BÁO VÀ TRUYỀN TIN THIÊN TAI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai phục vụ hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai; các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai.

Điều 3. Các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin

1. Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển phía Tây kinh tuyến 120° Đông, phía Bắc vĩ tuyến 05° Bắc và phía Nam vĩ tuyến 23° Bắc (sau đây gọi là Biển Đông, Phụ lục I Quyết định này) và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực Biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới.

3. Mưa lớn xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; lũ trên các sông thuộc lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan (Phụ lục II, Phụ lục III Quyết định này); ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam.

4. Nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn trên lãnh thổ Việt Nam.

5. Động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam.

6. Động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

7. Sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

8. Các thiên tai lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối, sương mù, gió mạnh trên biển, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng không do áp thấp nhiệt đới, bão và các loại thiên tai khác xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xoáy thuận nhiệt đới là vùng gió xoáy (đường kính có thể tới hàng trăm km) hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, áp suất khí quyển (khí áp) trong xoáy thuận nhiệt đới thấp hơn xung quanh, có mưa, đôi khi kèm theo dông, tố, lốc.

2. Tâm xoáy thuận nhiệt đới là vùng có trị số khí áp thấp nhất trong xoáy thuận nhiệt đới, nơi hội tụ của các luồng gió xoáy từ xung quanh thổi vào.

3. Sức gió mạnh nhất trong xoáy thuận nhiệt đới là tốc độ gió trung bình lớn nhất xác định trong thời gian 02 phút quan trắc (tính bằng cấp gió Bô-pho, Phụ lục IV Quyết định này).

4. Gió giật là gió với tốc độ tăng lên tức thời, được xác định trong khoảng hai (02) giây.

5. Gió mạnh trên biển là gió với tốc độ từ cấp 6 trở lên xảy ra trên biển, xác định trung bình trong khoảng thời gian 02 phút quan trắc (tính bằng cấp gió Bô-pho).

6. Áp thấp nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật (Phụ lục IV Quyết định này).

7. Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão (Phụ lục IV Quyết định này).

8. Bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ là khi tâm bão, tâm áp thấp nhiệt đới đã vào đất liền.

9. Bão hoặc áp thấp nhiệt đới tan là bão, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp có sức gió mạnh nhất dưới cấp 6.

10. Vùng gió mạnh do hoàn lưu của bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây nên là vùng có gió xoáy mạnh từ cấp 6 trở lên.

11. Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hoặc áp thấp nhiệt đới là vùng thời tiết xấu, có mưa, có gió mạnh từ cấp 6 trở lên do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây ra.

12. Nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão là hiện tượng nước biển dâng cao hơn mực nước triều bình thường do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão.

13. Sóng lớn do áp thấp nhiệt đới, bão là những con sóng trên biển có độ cao từ 2 mét trở lên do áp thấp nhiệt đới hoặc bão gây ra.

14. Lốc là luồng gió xoáy có sức gió mạnh tương đương với sức gió của bão nhưng được hình thành và tan trong thời gian ngắn, phạm vi hoạt động hẹp từ vài km2 đến vài chục km2.

15. Sét là hiện tượng phóng điện trong đám mây, giữa các đám mây với nhau hoặc giữa đám mây với mặt đất.

16. Mưa đá là mưa dưới dạng cục băng hoặc hạt băng có kích thước, hình dạng khác nhau, xảy ra trong thời gian ngắn, kèm theo mưa rào, đôi khi có gió mạnh.

17. Mưa lớn là hiện tượng mưa với tổng lượng mưa đạt trên 50 mm trong 24 giờ, trong đó mưa với tổng lượng mưa từ trên 50 mm đến 100 mm trong 24 giờ là mưa to, mưa với tổng lượng mưa trên 100 mm trong 24 giờ là mưa rất to.

18. Mưa lớn diện rộng là mưa lớn xảy ra từ một nửa số trạm trở lên trong toàn bộ số trạm quan trắc của khu vực đó.

19. Rét hại là hiện tượng thời tiết khi nhiệt độ không khí trung bình ngày xuống dưới 13 độ C.

20. Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác.

21. Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt trái đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km.

22. Nắng nóng là hiện tượng thời tiết khi nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày vượt quá 35 độ C.

23. Nắng nóng diện rộng là nắng nóng xảy ra từ một nửa số trạm trở lên trong toàn bộ số trạm quan trắc của khu vực đó.

24. Hạn hán là hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài do không có mưa và cạn kiệt nguồn nước.

25. Xâm nhập mặn là hiện tượng nước mặn với nồng độ mặn bằng 4‰ xâm nhập sâu vào nội đồng khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt.

26. Lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống, trong đó:

a) Lũ lịch sử là lũ có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được;

b) Lũ đặc biệt lớn là lũ có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc;

c) Lũ bất thường là lũ xuất hiện trước hoặc sau mùa lũ quy định tại khoản 28 Điều này hoặc lũ được hình thành do mưa lớn xảy ra trong phạm vi nhỏ, hồ chứa xả nước, do vỡ đập, tràn đập, vỡ đê, tràn đê.

27. Lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên sườn dốc và trên các sông suối nhỏ miền núi, dòng chảy xiết, thường kèm theo bùn đá, lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn.

28. Mùa lũ là khoảng thời gian liên tục trong một năm thường xuất hiện lũ, được xác định như sau:

a) Trên các sông thuộc Bắc Bộ, từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 31 tháng 10;

b) Trên các sông từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 30 tháng 11;

c) Trên các sông từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Ninh Thuận, từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 15 tháng 12;

d) Trên các sông thuộc tỉnh Bình Thuận, các tỉnh thuộc Nam Bộ và Tây Nguyên, từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 30 tháng 11.

29. Ngập lụt là hiện tượng mặt đất bị ngập nước do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, triều cường, nước biển dâng.

30. Sạt lở đất là hiện tượng đất, đá bị sạt, trượt, lở do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy.

31. Sụt lún đất do mưa lũ, dòng chảy là hiện tượng đất bị tụt xuống thấp hơn so với khu vực xung quanh.

32. Rủi ro thiên tai là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sông và hoạt động kinh tế – xã hội.

33. Cấp độ rủi ro thiên tai là sự phân định mức độ thiệt hại do thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế – xã hội.

34. Tình trạng khẩn cấp về thiên tai là tình huống khi các loại thiên tai quy định tại Điều 3 Quyết định này ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 5, có khả năng gây thảm họa, thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng, môi trường sinh thái.

35. Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.

36. Chấn tiêu là vị trí nguồn phát sinh ra trận động đất.

37. Chấn tâm động đất là hình chiếu theo chiều thẳng đứng của chấn tiêu lên bề mặt trái đất.

38. Độ sâu chấn tiêu là khoảng cách từ chấn tiêu đến chấn tâm.

39. Cường độ chấn động trên bề mặt (ký hiệu I) là đại lượng biểu thị khả năng rung động do một trận động đất gây ra trên mặt đất và được đánh giá qua mức độ tác động của nó đối với nhà cửa, công trình, mặt đất, đồ vật, con người. Trong Quyết định này, cường độ chấn động trên bề mặt được đánh giá theo thang MSK-64 gồm 12 cấp (Phụ lục IX Quyết định này).

Quan hệ giữa độ lớn động đất, loại động đất, cường độ chấn động, tác động và tần suất xuất hiện mỗi năm trên thế giới được nêu tại Phụ lục X. Bản đồ phân vùng động đất trên lãnh thổ Việt Nam và vùng phụ cận thể hiện tại Phụ lục XI Quyết định này.

40. Độ lớn động đất (ký hiệu M) là đại lượng đặc trưng cho mức năng lượng mà trận động đất phát và truyền ra không gian xung quanh dưới dạng sóng đàn hồi. Trong Quyết định này, độ lớn động đất sử dụng thang độ moment. Động đất được phân thành các loại: Vi động đất (M<2,0), động đất yếu (2,0≤M≤3,9), động đất nhẹ (4,0≤M≤4,9), động đất trung bình (5,0≤M≤5,9), động đất mạnh (6,0≤M≤6,9), động đất rất mạnh (7,0≤M≤7,9) và động đất hủy diệt (M≥8,0).

41. Sóng thần là chuỗi sóng biển chu kỳ dài (từ vài phút tới hàng giờ), lan truyền với vận tốc lớn. Tùy theo độ sâu đáy biển, vận tốc lan truyền sóng thần có thể đạt từ 720 km/giờ trở lên.

Động đất, núi lửa phun trào và các vụ nổ dưới đáy biển (kể cả các vụ thử hạt nhân dưới nước), trượt lở đất, va chạm của các thiên thạch,… xảy ra trên biển đều có khả năng gây ra sóng thần. Bản đồ các vùng nguồn phát sinh động đất có khả năng gây sóng thần ảnh hưởng tới Việt Nam thể hiện tại Phụ lục XII Quyết định này.

Tham khảo thêm:   Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT Hướng dẫn định mức cho hoạt động quy hoạch

42. Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần là vùng biển nông ven bờ và vùng đất nằm trong phạm vi sóng thần có thể lan truyền tới. Tùy thuộc vào độ cao địa hình, sóng thần có thể ảnh hưởng trực tiếp sâu vào đất liền hàng ki-lô-mét tính từ bờ biển.

Điều 5. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo các loại thiên tai quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 8 Điều 3 Quyết định này trên phạm vi cả nước, trong đó bản tin dự báo, cảnh báo lũ trên các sông quy định tại Phụ lục II;

b) Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo các loại thiên tai quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 8 Điều 3 Quyết định này trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, trong đó bản tin dự báo, cảnh báo lũ trên các sông quy định tại Phụ lục III; thực hiện chi tiết hóa các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho phù hợp với yêu cầu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương.

2. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trách nhiệm ban hành các bản tin động đất, cảnh báo sóng thần quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 3 Quyết định này.

3. Bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai do các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này ban hành là bản tin chính thức, được sử dụng trong chỉ đạo điều hành hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ở Việt Nam.

Điều 6. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai

1. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam.

2. Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan báo chí.

3. Các cơ quan quản lý hệ thống truyền tin về thiên tai.

Chương II

DỰ BÁO, CẢNH BÁO THIÊN TAI

Mục 1. DỰ BÁO, CẢNH BÁO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO, SÓNG LỚN, NƯỚC DÂNG DO ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI, BÃO

Điều 7. Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới

1. Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông

Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông được ban hành khi áp thấp nhiệt đới hoạt động ở ngoài Biển Đông và có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong 24 giờ đến 48 giờ tới.

2. Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông được ban hành khi áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, có vị trí tâm cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 300 km trở lên và chưa có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 24 giờ tới.

3. Tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp

Tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam dưới 300 km;

b) Áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 24 giờ tới.

4. Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền

Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Tâm áp thấp nhiệt đới đã đổ bộ vào đất liền;

b) Bão đã đổ bộ vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

5. Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới

Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp;

b) Áp thấp nhiệt đới đã đổ bộ vào nước khác hoặc ra khỏi lãnh thổ, không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam;

c) Áp thấp nhiệt đới đã di chuyển ra ngoài Biển Đông và không có khả năng quay trở lại Biển Đông.

6. Tin sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới

Tin dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới được ban hành ngay khi phát tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp.

Điều 8. Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo bão, sóng lớn, nước dâng do bão

1. Tin bão gần Biển Đông

Tin bão gần Biển Đông được ban hành khi bão hoạt động ở ngoài Biển Đông và có khả năng di chuyển vào Biển Đông trong 48 giờ tới.

2. Tin bão trên Biển Đông

Tin bão trên Biển Đông được ban hành khi bão hoạt động trên Biển Đông, có vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam từ 300 km trở lên và chưa có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.

3. Tin bão khẩn cấp

Tin bão khẩn cấp được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam dưới 300 km;

b) Bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.

4. Tin bão trên đất liền

Tin bão trên đất liền được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Tâm bão đã đi vào đất liền Việt Nam và sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên;

b) Tâm bão đã đổ bộ vào nước khác, nhưng sức gió mạnh nhất vẫn còn từ cấp 8 trở lên và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong 24 giờ đến 48 giờ tới.

5. Tin cuối cùng về cơn bão

Tin cuối cùng về cơn bão được ban hành khi có một trong các điều kiện sau:

a) Bão đã suy yếu thành một vùng áp thấp;

b) Bão đã đổ bộ vào nước khác hoặc ra khỏi lãnh thổ, không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam;

c) Bão đã di chuyển ra ngoài Biển Đông và không có khả năng quay trở lại Biển Đông.

6. Tin sóng lớn, nước dâng do bão

Tin dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do bão được ban hành ngay khi phát tin bão khẩn cấp.

Điều 9. Nội dung tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới

1. Tiêu đề tin áp thấp nhiệt đới: Được ghi tương ứng theo tên từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 7 Quyết định này.

2. Thông tin tóm tắt về thực hạng áp thấp nhiệt đới tại thời điểm gần nhất

a) Thời gian: Theo giờ tròn, giờ Hà Nội;

b) Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới: Xác định theo tọa độ kinh, vĩ với mức độ chính xác đến 1/10 độ; trường hợp không xác định được vị trí tâm áp thấp nhiệt đới tại một điểm tọa độ thì xác định vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trong ô vuông, mỗi cạnh bằng một (01) độ kinh, vĩ;

c) Khoảng cách gần nhất từ vị trí tâm áp thấp nhiệt đới đến một trong các địa điểm: Đảo hoặc quần đảo trên Biển Đông; một địa danh cụ thể trên đất liền Việt Nam hoặc nước lân cận;

d) Cường độ áp thấp nhiệt đới: Báo bằng cấp gió Bô-pho đối với gió mạnh nhất và gió giật trong áp thấp nhiệt đới;

đ) Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới: Xác định theo 1 trong 16 hướng Bắc, Bắc Đông Bắc, Đông Bắc, Đông Đông Bắc, Đông, Đông Đông Nam, Đông Nam, Nam Đông Nam, Nam, Nam Tây Nam, Tây Nam, Tây Tây Nam, Tây, Tây Tây Bắc, Tây Bắc, Bắc Tây Bắc;

e) Tốc độ di chuyển: Tính bằng km/giờ;

g) Khi áp thấp nhiệt đới đã trực tiếp ảnh hưởng đến các đảo, đất liền cần thông tin về số liệu đã quan trắc được tại các trạm trong khu vực ảnh hưởng.

3. Dự báo diễn biến của áp thấp nhiệt đới

a) Dự báo diễn biến của áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ đến 48 giờ tới với các yếu tố quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Cảnh báo về hướng, tốc độ di chuyển và cường độ của áp thấp nhiệt đới trong khoảng thời gian từ 48 giờ đến 72 giờ tới;

c) Bản đồ dự báo quỹ đạo của áp thấp nhiệt đới, bán kính gió mạnh và vòng tròn xác suất 70% tâm áp thấp nhiệt đới có thể đi vào.

4. Dự báo về ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới

a) Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông: Dự báo thời gian tâm áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đến các vùng biển, đảo hoặc quần đảo; khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn;

b) Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông: Dự báo ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đến vùng biển, đảo hoặc quần đảo; khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn;

c) Tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp và Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền: Dự báo khu vực ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới; dự kiến thời điểm và khu vực đổ bộ của áp thấp nhiệt đới; phạm vi ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6, cấp 7; mưa lớn và các loại thiên tai khác trong 12 giờ, 24 giờ tới;

d) Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới: Dự báo khả năng mưa lớn và các loại thiên tai khác.

5. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Thời gian ban hành bản tin và thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

7. Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

Điều 10. Nội dung tin dự báo, cảnh báo bão

1. Tiêu đề tin bão: Được ghi tương ứng theo tên từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 8 Quyết định này kèm theo số hiệu cơn bão được xác định theo thứ tự các cơn bão hoạt động trên Biển Đông trong năm; không đặt số hiệu cho những cơn bão gần Biển Đông.

2. Thông tin tóm tắt về thực trạng bão tại thời điểm gần nhất

a) Thời gian: Theo giờ tròn, giờ Hà Nội;

b) Vị trí tâm bão: Xác định theo tọa độ kinh, vĩ với mức độ chính xác đến 1/10 độ;

c) Khoảng cách gần nhất từ vị trí tâm bão đến một trong các địa điểm: Đảo hoặc quần đảo trên Biển Đông; một địa danh cụ thể trên đất liền Việt Nam hoặc nước lân cận;

d) Cường độ bão: Tính bằng cấp gió Bô-pho đối với gió mạnh nhất và gió giật trong bão;

đ) Hướng di chuyển của bão: Xác định theo 1 trong 16 hướng Bắc, Bắc Đông Bắc, Đông Bắc, Đông Đông Bắc, Đông, Đông Đông Nam, Đông Nam, Nam Đông Nam, Nam, Nam Tây Nam, Tây Nam, Tây Tây Nam, Tây, Tây Tây Bắc, Tây Bắc, Bắc Tây Bắc;

e) Tốc độ di chuyển: Báo bằng km/giờ;

g) Khi bão đã trực tiếp ảnh hưởng đến các đảo, đất liền cần thông tin về số liệu đã quan trắc được tại các trạm trong khu vực ảnh hưởng.

3. Dự báo diễn biến của bão

a) Dự báo diễn biến của bão trong 24 giờ, đến 48 giờ và đến 72 giờ tới với các yếu tố quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Cảnh báo về hướng, tốc độ di chuyển và cường độ của bão trong khoảng thời gian từ 72 giờ đến 120 giờ tới;

c) Bản đồ dự báo quỹ đạo của bão, bán kính gió mạnh và vòng tròn xác suất 70% tâm bão có thể đi vào.

4. Dự báo về ảnh hưởng của bão

a) Tin bão gần Biển Đông: Dự báo thời gian tâm bão đi vào Biển Đông và ảnh hưởng của hoàn lưu bão đến các vùng biển, đảo hoặc quần đảo; khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn;

b) Tin bão trên Biển Đông: Dự báo ảnh hưởng của hoàn lưu bão đến vùng biển, đảo hoặc quần đảo; khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn; cụ thể thông tin về phạm vi ảnh hưởng của gió bão mạnh, sóng lớn, tình trạng biển trong 24 giờ, 48 giờ và đến 72 giờ tới; cảnh báo đến 120 giờ tới;

Tham khảo thêm:   Phương pháp xử lí bài toán hình học tọa độ phẳng Tài liệu ôn tập môn Toán lớp 10

c) Tin bão khẩn cấp: Dự báo ảnh hưởng của hoàn lưu bão đến vùng biển, đảo hoặc quần đảo; dự báo thời điểm và khu vực đổ bộ của bão; phạm vi ảnh hưởng của gió bão mạnh, mưa lớn và các loại thiên tai khác trong 12 giờ, 24 giờ, 48 giờ;

d) Tin bão trên đất liền và Tin cuối cùng về cơn bão: Dự báo khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão; dự báo, cảnh báo mưa lớn và các loại thiên tai khác do ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

5. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Thời gian ban hành bản tin và thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

7. Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

Điều 11. Nội dung bản tin dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão

1. Nội dung tin dự báo, cảnh báo sóng lớn do áp thấp nhiệt đới, bão

a) Tiêu đề Tin dự báo, cảnh báo sóng lớn do áp thấp nhiệt đới, bão kèm theo tên vùng biển bị ảnh hưởng;

b) Thông tin độ cao sóng lớn nhất, hướng sóng thịnh hành và khu vực sóng lớn trong 24 giờ qua;

c) Dự báo độ cao sóng lớn nhất, hướng sóng thịnh hành và cảnh báo khu vực sóng lớn trong 24 giờ, 48 giờ;

d) Thời gian ban hành bản tin và thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

đ) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

2. Nội dung tin dự báo, cảnh báo nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão

a) Tiêu đề Tin dự báo, cảnh báo nước dâng do bão, áp thấp nhiệt đới kèm theo tên khu vực bị ảnh hưởng;

b) Thông tin về nước dâng tại khu vực bão ảnh hưởng trong 24 giờ qua (nếu có);

c) Dự báo độ cao và thời điểm xuất hiện nước dâng lớn nhất, mực nước tổng cộng lớn nhất, phân bố nước dâng lớn nhất quanh khu vực bão ảnh hưởng và nhận định về nguy cơ ngập lụt ven bờ do nước dâng kết hợp với thủy triều;

d) Thời gian ban hành bản tin và thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

đ) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nước dâng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

e) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

Điều 12. Tần suất và thời gian ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão

1. Tin bão gần Biển Đông, Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

a) Mỗi ngày ban hành 4 bản tin chính vào 2 giờ 30, 9 giờ 00, 14 giờ 30 và 21 giờ 00;

b) Trường hợp áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp, ngoài 4 bản tin chính, cần ban hành một số bản tin bổ sung xen kẽ giữa các bản tin chính.

2. Tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp, Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, Tin bão trên Biển Đông, Tin bão khẩn cấp, Tin bão trên đất liền

a) Mỗi ngày ban hành 8 bản tin chính vào 2 giờ 30, 5 giờ 00, 9 giờ 00, 11 giờ 00, 14 giờ 30, 17 giờ 00, 21 giờ 00 và 23 giờ 00;

b) Trong thời gian có tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp, tin bão khẩn cấp và những trường hợp áp thấp nhiệt đới, bão diễn biến phức tạp, ngoài 8 bản tin chính, cần ban hành một số bản tin bổ sung xen kẽ giữa các bản tin chính.

3. Tin dự báo, cảnh báo sóng lớn, nước dâng do áp thấp nhiệt đới, bão được ban hành cùng tần suất và thời gian với bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão trong trường hợp khẩn cấp được quy định tại khoản 2 Điều này hoặc lồng ghép trong các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão khẩn cấp.

Mục 2. DỰ BÁO, CẢNH BÁO MƯA LỚN, LŨ, NGẬP LỤT, LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT DO MƯA LŨ HOẶC DÒNG CHẢY

Điều 13. Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

1. Tin cảnh báo, dự báo mưa lớn

a) Tin cảnh báo mưa lớn được ban hành khi phát hiện mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng trước 48 giờ;

b) Tin dự báo mưa lớn được ban hành khi phát hiện mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng trước 24 giờ.

2. Tin cảnh báo lũ

Tin cảnh báo lũ được ban hành khi phát hiện mực nước trong sông có khả năng lên mức báo động I và còn tiếp tục lên hoặc xuất hiện lũ bất thường.

3. Tin lũ

Tin lũ được ban hành khi mực nước trong sông đạt mức báo động II và còn tiếp tục lên hoặc khi mực nước trong sông đã xuống, nhưng vẫn còn cao hơn hoặc ở mức báo động II.

4. Tin lũ khẩn cấp

Tin lũ khẩn cấp được ban hành khi mực nước trong sông đạt mức báo động III và còn tiếp tục lên, hoặc khi mực nước trong sông đã xuống, nhưng vẫn còn cao hơn hoặc ở mức báo động III.

5. Tin cảnh báo ngập lụt

Tin cảnh báo ngập lụt được ban hành khi phát hiện mưa lớn, lũ, triều cường hoặc nước biển dâng có khả năng gây ngập lụt cho khu vực bị ảnh hưởng; tin cảnh báo ngập lụt có thể được ban hành thành bản tin độc lập hoặc lồng ghép trong tin cảnh báo lũ, tin lũ, lũ khẩn cấp.

6. Tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được ban hành khi:

a) Phát hiện mưa lớn có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất trên khu vực cảnh báo;

b) Phát hiện các hiện tượng bất thường khác như nguy cơ cao vỡ đê, vỡ đập, vỡ hồ chứa, xả lũ… có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất trên khu vực cảnh báo.

Điều 14. Nội dung dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

1. Tin cảnh báo mưa lớn

a) Tiêu đề Tin cảnh báo mưa lớn diện rộng kèm theo tên khu vực bị ảnh hưởng;

b) Cảnh báo khả năng xảy ra mưa lớn: thời gian mưa, tổng lượng mưa, khu vực ảnh hưởng;

c) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

d) Thời gian ban hành bản tin;

đ) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

2. Tin dự báo mưa lớn

a) Tiêu đề Tin dự báo mưa lớn diện rộng kèm theo tên khu vực bị ảnh hưởng;

b) Diễn biến mưa đã qua: thời gian mưa, khu vực mưa, cấp mưa, tổng lượng mưa trong 24 giờ qua;

c) Dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 giờ đến 48 giờ tới: thời gian mưa, khu vực mưa, cấp mưa, tổng lượng mưa phổ biến;

d) Cảnh báo khả năng diễn biến mưa lớn từ 48 giờ đến 72 giờ tới;

đ) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

e) Thời gian ban hành bản tin và thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

g) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

3. Tin cảnh báo lũ

a) Tiêu đề Tin cảnh báo lũ kèm theo tên khu vực, tên tỉnh hoặc tên sông báo tin lũ;

b) Hiện trạng mưa, mực nước trên lưu vực;

c) Cảnh báo: khu vực có khả năng xảy ra lũ, cấp báo động lũ có thể xảy ra; khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm (nếu có);

d) Thời gian ban hành tin và thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

đ) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

4. Tin lũ và tin lũ khẩn cấp

a) Tiêu đề Tin lũ và tin lũ khẩn cấp kèm theo tên khu vực, tên tỉnh hoặc tên sông báo tin lũ;

b) Hiện trạng diễn biến mưa sinh lũ, lũ trong 12 giờ qua và số liệu thực đo về mực nước tại thời điểm gần nhất;

c) Dự báo: khả năng diễn biến của lũ trong thời hạn dự báo; mực nước lũ dự báo và so sánh với mực nước tương ứng với các cấp báo động hoặc với mực nước đỉnh lũ trong các trận lũ đặc biệt lớn, lũ lịch sử;

d) Cảnh báo khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm (nếu có);

đ) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

e) Thời gian ban hành bản tin và thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

g) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

5. Tin cảnh báo ngập lụt

a) Tiêu đề Tin cảnh báo ngập lụt kèm theo tên khu vực, địa điểm báo tin ngập lụt;

b) Hiện trạng mưa, mực nước hoặc triều cường, nước biển dâng trên khu vực;

c) Cảnh báo các đặc trưng ngập lụt: phạm vi, thời gian, độ sâu ngập lụt lớn nhất;

d) Thời gian ban hành tin;

đ) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

6. Tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

a) Tiêu đề Tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất kèm theo tên khu vực, địa điểm báo tin;

b) Tình hình mưa trên lưu vực trong 6 giờ qua;

c) Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo;

d) Cảnh báo các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy;

đ) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

e) Thời gian ban hành bản tin;

g) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

Điều 15. Tần suất và thời gian ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

1. Tin dự báo, cảnh báo mưa lớn

a) Tin cảnh báo mưa lớn đầu tiên được ban hành khi phát hiện khả năng xuất hiện mưa lớn trong khu vực cảnh báo; các tin cảnh báo mưa lớn tiếp theo được ban hành mỗi ngày 02 bản tin vào lúc 9 giờ 30 và 15 giờ 30;

b) Tin dự báo mưa lớn mỗi ngày ban hành 4 bản tin vào 3 giờ 30, 9 giờ 30, 15 giờ 30 và 21 giờ 30; trong trường hợp xảy ra mưa đặc biệt lớn hoặc rất nguy hiểm, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính.

2. Tin cảnh báo lũ

a) Tin cảnh báo lũ đầu tiên được ban hành khi phát hiện mực nước trong sông có khả năng lên mức báo động I và còn tiếp tục lên hoặc xuất hiện lũ bất thường;

b) Các tin cảnh báo lũ tiếp theo được ban hành mỗi ngày 01 bản tin vào lúc 9 giờ 30.

3. Tin lũ

a) Lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình, mỗi ngày ban hành 02 bản tin vào 9 giờ 30, 15 giờ 30; trường hợp lũ diễn biến phức tạp, cần ban hành bổ sung thêm 01 bản tin vào 21 giờ 30;

b) Lũ trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, 03 ngày ban hành 01 bản tin vào 9 giờ 30; trường hợp lũ diễn biến phức tạp, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính;

c) Lũ trên các sông khác, mỗi ngày ban hành 03 bản tin vào 9 giờ 30, 15 giờ 30 và 21 giờ 30; trường hợp lũ diễn biến phức tạp, cần ban hành bổ sung thêm 01 bản tin vào 3 giờ 30.

4. Tin lũ khẩn cấp

a) Lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình, mỗi ngày ban hành 03 bản tin chính vào 9 giờ 30, 15 giờ 30 và 21 giờ 30; trường hợp lũ diễn biến phức tạp, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính;

b) Lũ trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, 02 ngày ban hành 01 bản tin vào 9 giờ 30; trường hợp lũ diễn biến phức tạp, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính;

c) Lũ trên các sông khác, mỗi ngày ban hành 4 bản tin chính vào 3 giờ 30, 9 giờ 30, 15 giờ 30 và 21 giờ 30; trường hợp lũ diễn biến phức tạp, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính.

5. Tin cảnh báo ngập lụt

Tin cảnh báo ngập lụt ban hành khi phát hiện mưa lớn, lũ, triều cường hoặc nước biển dâng có khả năng gây ngập lụt, ngập úng cho khu vực bị ảnh hưởng hoặc theo tần suất của tin cảnh báo lũ, tin lũ và tin lũ khẩn cấp.

Tham khảo thêm:   Lời bài hát Ta cảm ơn

6. Tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

Tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được ban hành ngay sau khi phát hiện khả năng xuất hiện các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất trên khu vực cảnh báo.

7. Đối với các sông ở địa phương không được quy định trong phụ lục II và phụ lục III, các cơ quan ban hành bản tin dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định này căn cứ yêu cầu của hoạt động phòng, chống lũ và đặc điểm từng sông hoặc hệ thống sông để quyết định về thời gian và tần suất ban hành bản tin dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt.

Mục 3. DỰ BÁO, CẢNH BÁO NẮNG NÓNG, HẠN HÁN VÀ XÂM NHẬP MẶN

Điều 16. Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn

1. Tin dự báo, cảnh báo nắng nóng

a) Tin cảnh báo nắng nóng được ban hành khi phát hiện nắng nóng có khả năng xảy ra trên diện rộng trước 48 giờ;

b) Tin dự báo nắng nóng được ban hành khi phát hiện nắng nóng có khả năng xảy ra trên diện rộng trước 24 giờ.

2. Tin dự báo, cảnh báo hạn hán

Tin dự báo, cảnh báo hạn hán được ban hành khi phát hiện nguy cơ xảy ra hạn hán trong khu vực dự báo.

3. Tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

a) Tin cảnh báo xâm nhập mặn được ban hành khi phát hiện có khả năng xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn trong khu vực cảnh báo;

b) Tin dự báo xâm nhập mặn được ban hành khi xuất hiện hiện tượng xâm nhập mặn trong khu vực dự báo.

Điều 17. Nội dung tin dự báo, cảnh báo nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn

1. Tin cảnh báo nắng nóng

a) Tiêu đề Tin cảnh báo nắng nóng diện rộng trên khu vực cụ thể;

b) Cảnh báo khả năng nắng nóng: thời gian xảy ra nắng nóng, khu vực ảnh hưởng, nhiệt độ cao nhất;

c) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

d) Thời gian ban hành bản tin;

đ) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

2. Tin dự báo nắng nóng

a) Tiêu đề Tin dự báo nắng nóng diện rộng trên khu vực cụ thể;

b) Hiện trạng nắng nóng trong 24 giờ qua: khu vực ảnh hưởng, nhiệt độ cao nhất, độ ẩm tương đối thấp nhất;

c) Dự báo diễn biến nắng nóng trong 24 giờ đến 48 giờ tới: khu vực ảnh hưởng, nhiệt độ cao nhất, độ ẩm tương đối thấp nhất, thời gian nắng nóng trong ngày;

d) Cảnh báo khả năng tiếp diễn, khả năng kết thúc nắng nóng từ 48 giờ đến 72 giờ tới;

đ) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

e) Thời gian ban hành bản tin và thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

g) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

3. Tin dự báo, cảnh báo hạn hán

a) Tiêu đề Tin dự báo, cảnh báo hạn hán kèm theo tên khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn hán;

b) Hiện trạng diễn biến tổng lượng mưa, tổng lượng nước trên lưu vực, khu vực dự báo; tỷ lệ phần trăm (%) thiếu hụt tổng lượng mưa, tổng lượng nước trên khu vực so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ và giá trị trung bình cùng thời kỳ năm trước đó;

c) Dự báo, cảnh báo diễn biến tổng lượng mưa, tổng lượng nước trên khu vực dự báo trong thời hạn dự báo; tỷ lệ phần trăm (%) thiếu hụt tổng lượng mưa, tổng lượng nước dự báo trên khu vực trong thời hạn dự báo so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ;

d) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

đ) Thời gian ban hành bản tin và thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

e) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

4. Tin cảnh báo xâm nhập mặn

a) Tiêu đề Tin cảnh báo xâm nhập mặn kèm theo tên lưu vực sông hay khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn;

b) Hiện trạng nguồn nước và diễn biến thủy triều trên lưu vực được cảnh báo;

c) Cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra xâm nhập mặn với độ mặn 4‰ trở lên sâu trong nội đồng;

d) Thời gian ban hành bản tin;

đ) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

5. Tin dự báo xâm nhập mặn

a) Tiêu đề Tin dự báo xâm nhập mặn kèm theo tên lưu vực sông hay khu vực chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn;

b) Hiện trạng nguồn nước, diễn biến thủy triều và xâm nhập mặn trên lưu vực được dự báo: độ mặn cao nhất tại các vị trí dự báo, khoảng cách chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn với độ mặn 4‰ trở lên tính từ cửa sông chính;

c) Dự báo: độ mặn cao nhất, thời gian xuất hiện tại các vị trí, phạm vi, thời gian chịu ảnh hưởng của độ mặn 4‰ trở lên, khoảng cách chịu ảnh hưởng của độ mặn 4‰ trở lên tính từ cửa sông chính;

d) Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

đ) Thời gian ban hành bản tin và thời gian ban hành bản tin tiếp theo;

e) Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

Điều 18. Tần suất và thời gian ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn

1. Tin dự báo, cảnh báo nắng nóng

a) Tin cảnh báo nắng nóng đầu tiên được ban hành khi phát hiện khả năng xuất hiện nắng nóng trong khu vực cảnh báo; các tin cảnh báo nắng nóng tiếp theo được ban hành mỗi ngày 01 bản tin vào lúc 15 giờ 30.

b) Tin dự báo nắng nóng mỗi ngày ban hành 02 bản tin vào 9 giờ 30 và 15 giờ 30; trong trường hợp xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt và khả năng kéo dài, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính.

2. Tin dự báo, cảnh báo hạn hán

a) Tin dự báo, cảnh báo hạn hán đầu tiên được ban hành khi phát hiện nguy cơ có khả năng xuất hiện hạn hán trong khu vực cảnh báo, dự báo;

b) Tin dự báo, cảnh báo hạn hán tiếp theo được ban hành 10 ngày 01 bản tin sau khi ban hành bản tin đầu tiên vào các ngày 10, 20 và ngày cuối tháng; trong trường hợp hạn hán diễn biến phức tạp, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính.

3. Tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn

a) Tin cảnh báo xâm nhập mặn được ban hành khi phát hiện có khả năng xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn trong khu vực cảnh báo.

b) Tin dự báo xâm nhập mặn đầu tiên được ban hành khi xuất hiện hiện tượng xâm nhập mặn trong khu vực dự báo.

Các tin dự báo xâm nhập mặn tiếp theo được ban hành 10 ngày 01 bản tin sau khi ban hành bản tin đầu tiên vào các ngày 10, 20 và ngày cuối tháng; trong trường hợp xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, cần bổ sung một số bản tin xen kẽ giữa các bản tin chính.

Mục 4. BÁO TIN ĐỘNG ĐẤT, CẢNH BÁO SÓNG THẦN

Điều 19. Ban hành tin động đất

Tin động đất được ban hành khi:

1. Xảy ra những trận động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) có ảnh hưởng đến Việt Nam.

2. Những trận động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

Điều 20. Nội dung tin động đất

1. Tiêu đề tin động đất.

2. Thời gian xảy ra động đất: Báo theo giờ GMT và giờ Hà Nội.

3. Địa điểm xảy ra động đất: Tên địa phương, tọa độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu.

4. Độ lớn động đất, cường độ chấn động ở khu vực chấn tâm và các địa phương lân cận: Báo theo thang MSK-64.

5. Hậu quả có thể xảy ra do động đất.

6. Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 21. Ban hành tin cảnh báo sóng thần

Tin cảnh báo sóng thần được ban hành khi:

1. Những trận động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

2. Những trận sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

Điều 22. Các loại tin cảnh báo sóng thần

1. Tin cảnh báo sóng thần được báo theo 3 mức:

a) Tin cảnh báo sóng thần mức 1: được ban hành khi phát hiện động đất mạnh, có khả năng gây sóng thần, khuyến cáo sẵn sàng sơ tán;

b) Tin cảnh báo sóng thần mức 2: được ban hành khi đã phát hiện sóng thần không có sức hủy diệt, nhưng cần đề phòng sóng lớn gây thiệt hại ở vùng ven biển, khuyến cáo sẵn sàng sơ tán;

c) Tin cảnh báo sóng thần mức 3: được ban hành khi đã phát hiện sóng thần có sức hủy diệt, phải sơ tán ngay lập tức.

2. Tin hủy cảnh báo sóng thần

Tin hủy cảnh báo sóng thần được ban hành khi sóng thần không xảy ra như đã cảnh báo.

3. Tin cuối cùng về sóng thần

Tin cuối cùng về sóng thần được ban hành khi sóng thần kết thúc hoàn toàn.

Điều 23. Nội dung tin cảnh báo sóng thần

1. Tiêu đề tin cảnh báo sóng thần, quy định tại khoản 1 Điều 22 Quyết định này.

2. Nhận định về sóng thần

a) Vị trí, thời gian, độ lớn, tọa độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu của động đất;

b) Khả năng xảy ra sóng thần, mức độ nguy hiểm và khu vực có thể bị ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần;

c) Độ cao sóng thần tại bờ biển và thời gian sẽ ảnh hưởng.

3. Yêu cầu sơ tán tùy theo mức tin cảnh báo.

4. Cấp độ rủi ro thiên tai do sóng thần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

5. Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.

Mục 5. DỰ BÁO, CẢNH BÁO CÁC LOẠI THIÊN TAI LIÊN QUAN ĐẾN KHÍ TƯỢNG, THỦY VĂN, HẢI VĂN KHÁC

Điều 24. Dự báo, cảnh báo các loại thiên tai khí tượng, thủy văn, hải văn khác

1. Ban hành bản tin dự báo đối với các loại thiên tai khí tượng, thủy văn, hải văn khác có thể xác định được cường độ, mức độ nguy hiểm, phạm vi, thời điểm có thể xảy ra và cấp độ rủi ro thiên tai, bao gồm rét hại, sương muối, sương mù, gió mạnh trên biển.

2. Ban hành bản tin cảnh báo đối với các loại thiên tai khí tượng, thủy văn khác có thể xác định được cường độ, mức độ nguy hiểm, cấp độ rủi ro thiên tai, nhưng không thể xác định chính xác phạm vi và thời điểm có thể xảy ra, bao gồm lốc, sét, mưa đá, nước dâng không do áp thấp nhiệt đới, bão.

3. Tin dự báo, cảnh báo các loại thiên tai khí tượng, thủy văn, hải văn khác có thể được biên soạn thành bản tin độc lập hoặc lồng ghép trong các bản tin dự báo thời tiết, tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.

Điều 25. Nội dung, hình thức, thời gian và tần suất ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo các loại thiên tai khí tượng, thủy văn, hải văn khác

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng loại thiên tai quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24 Quyết định này, cơ quan dự báo, cảnh báo thiên tai ban hành bản tin với nội dung, hình thức, thời gian và tần suất phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

………….

Mời các bạn tải file dưới đây để khảo nội dung chi tiết của quyết định!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 03/2020/QĐ-TTg Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *