Bạn đang xem bài viết ✅ Nghị định 20/2017/NĐ-CP Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 24/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Nghị định bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2017. Theo đó, quy định các bên có mối quan hệ liên kết là:

  • Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia; Hoặc
  • Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 20/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2017

NGHỊ ĐỊNH 20/2017/NĐ-CP

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CÓ
GIAO DỊCH LIÊN KẾT

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

2. Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi chung là người nộp thuế) là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế.

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng quy định về quản lý giá của giao dịch liên kết, bao gồm cả Cơ quan thuế của quốc gia, vùng lãnh thổ có Hiệp định thuế đang còn hiệu lực với Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Người nộp thuế có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết; loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.

2. Cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế quy định tại Nghị định này.

3. Nguyên tắc giao dịch độc lập được áp dụng theo nguyên tắc giao dịch giữa các bên độc lập, không có quan hệ liên kết tại các Hiệp định thuế có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. “Hiệp định thuế” là thuật ngữ rút gọn của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ và Hiệp định sửa đổi, bổ sung các Hiệp định hiện có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

2. “Cơ quan thuế đối tác” là Cơ quan thuế của nước, vùng lãnh thổ ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam.

3. “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.

4. “Giao dịch độc lập” là giao dịch giữa các bên không có quan hệ liên kết.

5. “Đối tượng so sánh độc lập” là các giao dịch độc lập hoặc doanh nghiệp thực hiện giao dịch độc lập được lựa chọn trên cơ sở phân tích so sánh, xác định đối tượng so sánh tương đồng để xác định mức giá; tỷ suất lợi nhuận; tỷ lệ phân bổ lợi nhuận nhằm xác định nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế, đảm bảo đúng quy định của Luật quản lý thuế và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

6. “Khác biệt trọng yếu” là khác biệt về thông tin hoặc dữ liệu có ảnh hưởng quan trọng hoặc đáng kể đến mức giá; tỷ suất lợi nhuận và tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của các bên tham gia giao dịch.

7. “Cơ sở dữ liệu của Cơ quan thuế” là các thông tin, dữ liệu do Cơ quan thuế xây dựng, quản lý theo quy định tại Luật quản lý thuế liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế do cơ quan thuế thu thập, phân tích, lưu giữ, cập nhật và quản lý từ các nguồn khác nhau, bao gồm cả cơ sở dữ liệu và thông tin trao đổi với các cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.

8. Nguyên tắc “Bản chất quyết định hình thức” là nguyên tắc nhằm phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế để xác định bản chất của giao dịch liên kết làm cơ sở đối chiếu với các giao dịch độc lập tương đương, đảm bảo các giao dịch liên kết thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính được tiến hành giữa các bên không có quan hệ liên kết, không để các quan hệ liên kết này chi phối làm sai lệch nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước của người nộp thuế. Nguyên tắc này căn cứ dữ liệu, thực tế thực hiện giao dịch giữa các bên liên kết để so sánh với giao dịch độc lập trong điều kiện tương đồng, không phụ thuộc hình thức của giao dịch được thể hiện trong hợp đồng, văn bản giữa các bên có quan hệ liên kết. Việc xác định bản chất quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại của giao dịch liên kết được thực hiện dựa trên so sánh, đối chiếu với các giao dịch độc lập có điều kiện tương đồng.

9. “Khoảng giá trị giao dịch độc lập” là tập hợp các giá trị về mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập được Cơ quan thuế và người nộp thuế lựa chọn trên cơ sở dữ liệu quy định tại Điều 9 Nghị định này. Các giá trị thuộc tập hợp này có mức độ so sánh tin cậy tương đương nhau. Trong trường hợp cần thiết, áp dụng phương pháp xác suất thống kê để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn và giá trị giữa mang tính chất đại diện, phổ quát, phổ biến nhằm tăng độ tin cậy của tập hợp các đối tượng so sánh độc lập.

10. “Công ty mẹ tối cao của tập đoàn” là thuật ngữ sử dụng để chỉ pháp nhân có vốn chủ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp tại các pháp nhân khác của một tập đoàn đa quốc gia và không bị sở hữu bởi bất kỳ pháp nhân nào khác. Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ tối cao của tập đoàn không được hợp nhất vào bất kỳ báo cáo tài chính của một pháp nhân nào khác trên toàn cầu.

Chương II

QUY ĐỊNH CHI TIẾT

Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết

1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

2. Các bên liên kết tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như sau:

a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;

b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Vật lí 10 năm 2022 - 2023 sách Cánh diều 4 Đề kiểm tra giữa kì 2 Lý 10 (Có ma trận, đáp án)

c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;

d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

đ) Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;

e) Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;

g) Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, ông nội, bà nội, cháu nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ngoại, cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;

h) Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

i) Một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;

k) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia.

Điều 6. Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết

1. Nguyên tắc phân tích so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định bản chất giao dịch liên kết có tính chất tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập.

a) Bản chất giao dịch được đối chiếu giữa hợp đồng pháp lý hoặc văn bản, thỏa thuận giao dịch của các bên liên kết với thực tiễn thực hiện của các bên. Trường hợp người nộp thuế phát sinh giao dịch liên kết nhưng không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc thỏa thuận không phù hợp nguyên tắc giao dịch độc lập hoặc thực tế thực hiện không phù hợp nguyên tắc giao dịch độc lập giữa các bên không có quan hệ liên kết, giao dịch liên kết phải được xác định theo đúng bản chất kinh doanh giữa các bên độc lập, cụ thể: Bên liên kết nhận doanh thu, lợi nhuận từ giao dịch liên kết với người nộp thuế phải có quyền sở hữu và kiểm soát rủi ro kinh doanh đối với các tài sản, hàng hóa, dịch vụ, nguồn lực, quyền mang lại lợi ích kinh tế và các quyền tạo ra thu nhập từ cổ phần, cổ phiếu và các công cụ tài chính khác và người nộp thuế phát sinh chi phí từ giao dịch với bên liên kết phải nhận được lợi ích, giá trị kinh tế trực tiếp hoặc góp phần tạo ra doanh thu, giá trị gia tăng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế phù hợp nguyên tắc giao dịch độc lập;

b) Bản chất giao dịch được xác định bằng phương pháp thu thập thông tin, chứng cứ, dữ liệu về giao dịch, rủi ro của các bên liên kết trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.

2. Phân tích so sánh phải đảm bảo tính tương đồng giữa đối tượng so sánh độc lập và giao dịch liên kết, không có khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận giữa các bên. Trường hợp có khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận, phải phân tích, xác định và thực hiện điều chỉnh loại trừ khác biệt trọng yếu theo các yếu tố so sánh quy định tại khoản 3 Điều này và phù hợp với từng phương pháp xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Phân tích so sánh tìm kiếm các đối tượng so sánh độc lập tương đồng:

a) Lựa chọn đối tượng so sánh độc lập nội bộ là giao dịch giữa người nộp thuế với bên không có quan hệ liên kết, đảm bảo tương đồng không có khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận giữa các bên. Trường hợp không có đối tượng so sánh độc lập nội bộ tương đồng, thực hiện lựa chọn đối tượng so sánh theo điểm b và c khoản 3 Điều 9 Nghị định này. Việc so sánh giữa giao dịch liên kết và giao dịch độc lập được thực hiện trên cơ sở từng giao dịch đối với từng sản phẩm tương đồng. Trường hợp không thể so sánh giao dịch theo sản phẩm, việc gộp chung các giao dịch phải đảm bảo phù hợp bản chất, thực tiễn kinh doanh và việc áp dụng phương pháp xác định giá của giao dịch liên kết được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;

b) Dữ liệu tài chính của các đối tượng so sánh phải đảm bảo độ tin cậy để sử dụng cho mục đích kê khai, tính thuế, phù hợp với các quy định về kế toán, thống kê và thuế. Thời điểm phát sinh giao dịch của các đối tượng so sánh độc lập phải cùng thời điểm phát sinh với giao dịch liên kết hoặc có năm tài chính cùng với năm tài chính của người nộp thuế, trừ trường hợp đặc thù cần thiết mở rộng thời gian so sánh theo quy định tại điểm d khoản này. Định dạng dữ liệu phải đảm bảo có thể so sánh, tính toán được các mức giá tại thời điểm giao dịch hoặc trong cùng kỳ tính thuế; dữ liệu so sánh về tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận phải đảm bảo ít nhất là ba kỳ tính thuế liên tục. Đối với các giá trị tỷ suất, tỷ lệ tương đối, người nộp thuế làm tròn số đến chữ số thứ hai sau dấu thập phân. Trường hợp số tương đối được lấy từ các số liệu công bố không có số tuyệt đối đi kèm và không sử dụng nguyên tắc làm tròn này thì lấy theo số liệu đã công bố có trích dẫn nguồn;

c) Số lượng tối thiểu đối tượng so sánh độc lập được chọn sau khi phân tích so sánh và điều chỉnh khác biệt trọng yếu được lựa chọn như sau: Một đối tượng trong trường hợp giao dịch liên kết hoặc người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết và đối tượng so sánh độc lập không có khác biệt; ba đối tượng trong trường hợp đối tượng so sánh độc lập có khác biệt nhưng có đủ thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ tất cả các khác biệt trọng yếu và năm đối tượng trở lên trong trường hợp chỉ có thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ hầu hết các khác biệt trọng yếu của đối tượng so sánh độc lập;

Trong trường hợp các đối tượng so sánh được lựa chọn không có độ tin cậy tương đương nhau, thực hiện áp dụng phương pháp xác suất thống kê để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn và lựa chọn giá trị giữa của tập hợp để điều chỉnh, xác định lại mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế theo các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Điều 7 Nghị định này;

d) Đối với giao dịch liên kết mang tính đặc thù hoặc duy nhất không tìm kiếm được đối tượng so sánh độc lập để so sánh thì thực hiện mở rộng phạm vi phân tích so sánh về ngành, thị trường địa lý, thời gian so sánh để tìm kiếm đối tượng so sánh độc lập. Việc mở rộng phạm vi phân tích so sánh được thực hiện như sau: Lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập theo phân ngành kinh tế có tính tương đồng cao nhất với phân ngành hoạt động của người nộp thuế trong cùng thị trường địa lý; mở rộng thị trường địa lý sang các nước trong khu vực có điều kiện ngành và trình độ phát triển kinh tế tương đồng.

Trường hợp mở rộng phạm vi phân tích lựa chọn đối tượng so sánh độc lập tại các thị trường địa lý khác, phải phân tích tính tương đồng và các khác biệt trọng yếu định tính và định lượng theo quy định tại điểm e khoản này và khoản 2 Điều 7 Nghị định này; hoặc sử dụng số liệu, dữ liệu của các đối tượng so sánh độc lập trong niên độ trước và thực hiện điều chỉnh các khác biệt trọng yếu do yếu tố thời gian (nếu có).

Thời gian mở rộng thu thập số liệu, dữ liệu của đối tượng so sánh độc lập không quá một năm tài chính so với năm tài chính của người nộp thuế nếu sử dụng phương pháp xác định giá quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.

đ) Căn cứ phương pháp xác định giá và các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn, thực hiện điều chỉnh mức giá; tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước.

3. Phân tích so sánh áp dụng phương pháp đối chiếu, rà soát, điều chỉnh khác biệt trọng yếu đối với các yếu tố so sánh để lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập.

Tham khảo thêm:   Thông tư số 39/2011/TT-BNNPTNT Hướng dẫn xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về di dân tái định cư

a) Yếu tố so sánh gồm đặc tính sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ, tài sản (sau đây viết tắt là đặc tính sản phẩm); chức năng hoạt động và tài sản, rủi ro sản xuất kinh doanh; điều kiện hợp đồng và điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch;

b) Phân tích chức năng hoạt động và tài sản, rủi ro sản xuất kinh doanh, phải xác định được các chức năng chính gắn với việc sử dụng các loại tài sản, vốn, chi phí, bao gồm việc hợp tác khai thác sử dụng nhân lực, chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết và rủi ro từ việc đầu tư tài sản, vốn, cũng như các rủi ro gắn với khả năng thu lợi nhuận liên quan đến giao dịch kinh doanh. Phân tích chức năng là căn cứ để xác định, phân bổ lại rủi ro sản xuất kinh doanh thực tế của các bên liên kết;

c) Phân tích các yếu tố so sánh đặc thù của tài sản vô hình, phải rà soát phân tích các quyền mang lại lợi ích kinh tế quy định tại hợp đồng, thỏa thuận và các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên. Phân tích tài sản vô hình phải căn cứ quyền sở hữu tài sản; lợi nhuận tiềm năng từ tài sản vô hình; các hạn chế về phạm vi địa lý trong việc sử dụng, khai thác quyền đối với tài sản vô hình; vòng đời của tài sản vô hình; các quyền và mối quan hệ mang lại lợi ích kinh tế; việc người được nhượng quyền có tham gia phát triển tài sản vô hình và chức năng hoạt động, khả năng kiểm soát rủi ro kinh doanh trên thực tế của từng bên liên kết liên quan đến toàn bộ quá trình phát triển, gia tăng, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình;

d) Phân tích điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch phải bao gồm lợi thế chi phí dựa trên yếu tố vị trí địa lý, chức năng chuyên môn hóa; trình độ phát triển của thị trường và các điều kiện kinh tế của ngành, lĩnh vực kinh doanh của người nộp thuế;

đ) Phân tích so sánh, loại trừ các khác biệt trọng yếu là phân tích loại trừ khác biệt về mặt định tính và định lượng đối với thông tin hoặc số liệu tài chính có ảnh hưởng trọng yếu đến yếu tố làm căn cứ xác định giá giao dịch liên kết theo từng phương pháp xác định giá quy định tại Điều 7 Nghị định này. Việc xác định khác biệt trọng yếu được căn cứ định lượng và định tính, bao gồm: Khác biệt định lượng là khác biệt xác định bằng số tuyệt đối về chu kỳ kinh doanh, số năm thành lập, hoạt động của doanh nghiệp hoặc số tương đối như khác biệt về chỉ tiêu tài chính theo đặc thù ngành nghề đầu tư hoặc chức năng hoạt động, khác biệt về vốn lưu động; khác biệt định tính là các thông tin được xác định căn cứ vào từng phương pháp xác định giá.

Các thông tin được xác định là trọng yếu bao gồm: Khác biệt về đặc tính sản phẩm, điều kiện hợp đồng, chức năng, tài sản và rủi ro và ngành nghề kinh doanh, điều kiện kinh tế của người nộp thuế và các đối tượng so sánh độc lập; các khác biệt về chính sách, môi trường đầu tư, tác động của chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh tại các thị trường địa lý khác nhau.

Các khác biệt định lượng và định tính phải được rà soát, điều chỉnh tương ứng với các yếu tố so sánh có ảnh hưởng trọng yếu đến phương pháp xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Điều 7 Nghị định này.

e) Kết quả phân tích là căn cứ lựa chọn đối tượng so sánh độc lập phù hợp với từng phương pháp xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Điều 7 Nghị định này.

4. Quy trình phân tích so sánh bao gồm các bước:

a) Xác định bản chất của giao dịch liên kết trước khi tiến hành phân tích tính tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập;

b) Phân tích so sánh, tìm kiếm, lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập tương đồng trên cơ sở xác định thời gian so sánh, đặc tính sản phẩm, điều kiện hợp đồng; phân tích ngành, thị trường, điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch; phân tích giao dịch liên kết và người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết; nguồn cơ sở dữ liệu; phương pháp xác định giá giao dịch liên kết và điều chỉnh các khác biệt trọng yếu (nếu có);

c) Xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận căn cứ kết quả phân tích các đối tượng so sánh độc lập để làm cơ sở so sánh, áp dụng xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế, không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước. Phương pháp tính toán phải được áp dụng thống nhất trong chu kỳ, giai đoạn sản xuất kinh doanh phù hợp chức năng, mô hình kinh doanh theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Điều 7. Các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết

Phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết (viết tắt là phương pháp xác định giá giao dịch liên kết) được áp dụng phù hợp nguyên tắc giao dịch độc lập, bản chất giao dịch và chức năng của người nộp thuế trên cơ sở tính toán, áp dụng thống nhất trong toàn bộ chu kỳ, giai đoạn sản xuất kinh doanh; căn cứ dữ liệu tài chính của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn theo các nguyên tắc phân tích so sánh quy định tại Điều 6 Nghị định này. Phương pháp xác định giá giao dịch liên kết được lựa chọn trong các phương pháp quy định dưới đây, căn cứ vào đặc điểm của giao dịch liên kết, tính sẵn có của thông tin dữ liệu và bản chất của phương pháp xác định giá.

Các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết được quy định như sau:

1. Phương pháp so sánh giá giao dịch liên kết với giá giao dịch độc lập (sau đây viết tắt là phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập):

a) Các trường hợp áp dụng phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, bao gồm: Người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết đối với từng chủng loại hàng hóa, tài sản hữu hình, loại hình dịch vụ có điều kiện giao dịch, lưu thông phổ biến trên thị trường hoặc có giá được công bố trên các sàn giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế; giao dịch thanh toán phí bản quyền khi khai thác tài sản vô hình; thanh toán lãi vay trong hoạt động vay và cho vay; hoặc người nộp thuế thực hiện cả giao dịch độc lập và giao dịch liên kết đối với sản phẩm tương đồng về đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng;

b) Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập được thực hiện trên nguyên tắc không có khác biệt về đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng khi so sánh giá giao dịch độc lập và giá giao dịch liên kết có ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm. Trường hợp có các khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm, phải loại trừ các khác biệt trọng yếu này.

Các yếu tố đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng có tác động trọng yếu đến giá sản phẩm, bao gồm: Đặc tính, chất lượng, thương hiệu, nhãn hiệu thương mại của sản phẩm và quy mô, khối lượng giao dịch; các điều kiện hợp đồng cung cấp, chuyển giao sản phẩm: Khối lượng, thời hạn chuyển giao, thời hạn thanh toán và các điều kiện khác của hợp đồng; quyền phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, tài sản có ảnh hưởng đến giá trị kinh tế và thị trường nơi diễn ra giao dịch và các yếu tố khác tác động đến giá sản phẩm là điều kiện kinh tế và chức năng hoạt động của người nộp thuế.

c) Phương pháp xác định: Giá sản phẩm trong giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giá sản phẩm trong giao dịch độc lập hoặc giá trị giữa khoảng giá giao dịch độc lập chuẩn của các đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp giá sản phẩm được công bố trên các sàn giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế, giá sản phẩm trong giao dịch liên kết được xác định theo giá sản phẩm được công bố có thời điểm và các điều kiện giao dịch tương đồng.

Người nộp thuế mua máy móc, thiết bị từ bên liên kết ở nước ngoài phải có tài liệu, chứng từ chứng minh giá mua máy móc, thiết bị tuân theo nguyên tắc giao dịch độc lập tại thời điểm mua: Đối với máy móc, thiết bị mới, giá so sánh là giá hóa đơn bên liên kết mua máy móc, thiết bị đó từ bên độc lập; đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, phải có hóa đơn, chứng từ gốc tại thời điểm mua, khi đó giá trị tài sản được xác định lại theo quy định hiện hành của pháp luật về hướng dẫn quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

d) Kết quả xác định giá giao dịch liên kết là giá tính thuế để kê khai, xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, nhưng không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế.

2. Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập:

a) Các trường hợp áp dụng phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập, bao gồm: Người nộp thuế không có cơ sở dữ liệu và thông tin để áp dụng phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập quy định tại khoản 1 Điều này hoặc người nộp thuế không thể so sánh giao dịch theo sản phẩm trên cơ sở từng giao dịch đối với từng sản phẩm tương đồng, việc gộp chung các giao dịch được tiến hành nhằm đảm bảo phù hợp bản chất, thực tiễn kinh doanh và lựa chọn được tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập phù hợp hoặc người nộp thuế không thực hiện chức năng tự chủ đối với toàn bộ chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc không tham gia thực hiện các giao dịch liên kết tổng hợp, đặc thù theo quy định tại khoản 3 Điều này;

Tham khảo thêm:   Kinh tế 10 Bài 7: Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh Giải Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10 sách Kết nối tri thức trang 39

b) Nguyên tắc áp dụng: Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận được áp dụng trên nguyên tắc không có khác biệt về chức năng hoạt động, tài sản, rủi ro; điều kiện kinh tế và phương pháp hạch toán kế toán khi so sánh giữa người nộp thuế và đối tượng so sánh độc lập có ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận. Trường hợp có các khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận, khi đó phải loại trừ các khác biệt trọng yếu này.

Các yếu tố chức năng, tài sản, rủi ro kinh doanh và điều kiện kinh tế có tác động trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận, bao gồm: Các yếu tố về tài sản, vốn, chi phí; quyền kiểm soát, quyền quyết định trên thực tế phục vụ cho việc thực hiện chức năng chính của người nộp thuế; tính chất ngành nghề hoạt động kinh doanh và thị trường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phương pháp hạch toán kế toán và cơ cấu chi phí của sản phẩm; điều kiện kinh tế diễn ra giao dịch.

Các yếu tố tác động khác được xác định căn cứ thực tiễn thực hiện giữa các bên liên kết, bao gồm các quan hệ thương mại hoặc tài chính của tập đoàn đa quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật; chia sẻ bí quyết kinh doanh; sử dụng nhân sự biệt phái hoặc kiêm nhiệm và các điều kiện kinh tế của ngành, lĩnh vực kinh doanh của người nộp thuế. Các yếu tố so sánh khác là đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng.

Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không có chức năng quyết định chiến lược và phát sinh giao dịch tạo giá trị gia tăng thấp, bao gồm các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất hoặc phân phối không chịu rủi ro hàng tồn kho, rủi ro thị trường và không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác tài sản vô hình thì không gánh chịu lỗ phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ các rủi ro này;

c) Phương pháp xác định: Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận sử dụng tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất lợi nhuận thuần của các đối tượng so sánh độc lập được chọn để xác định tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất lợi nhuận thuần tương ứng của người nộp thuế. Việc lựa chọn tỷ suất lợi nhuận bao gồm tỷ suất lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận thuần tính trên doanh thu, chi phí hoặc tài sản phụ thuộc vào bản chất và điều kiện kinh tế của giao dịch; chức năng của người nộp thuế và phương pháp hạch toán kế toán của các bên. Cơ sở xác định tỷ suất lợi nhuận bao gồm doanh thu, chi phí hoặc tài sản là số liệu kế toán của người nộp thuế không do các bên liên kết kiểm soát, quyết định giá giao dịch liên kết.

– Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu (phương pháp giá bán lại):

Giá mua vào của hàng hóa, dịch vụ, tài sản (giá vốn) từ bên liên kết bằng (=) giá bán ra (doanh thu thuần) của hàng hóa, dịch vụ, tài sản bán lại cho bên độc lập trừ (-) lợi nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần) của người nộp thuế trừ (-) một số chi phí khác bao gồm trong giá mua: Thuế nhập khẩu; lệ phí hải quan; chi phí bảo hiểm, vận chuyển quốc tế (nếu có).

Lợi nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần) của người nộp thuế được xác định từ các đối tượng so sánh độc lập bằng (=) giá bán ra (doanh thu thuần) của người nộp thuế nhân (x) tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần) của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn.

Tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần) của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn là giá trị giữa thuộc khoảng giao dịch độc lập chuẩn của tỷ suất lại nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần) của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn để điều chỉnh phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Nghị định này.

Giá mua vào từ bên liên kết (hoặc giá vốn) được điều chỉnh theo đối tượng so sánh độc lập là giá tính thuế, kê khai chi phí, xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế.

– Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn (phương pháp giá vốn cộng lãi):

Giá bán ra hoặc doanh thu thuần của hàng hóa, dịch vụ, tài sản bán cho bên liên kết được xác định bằng (=) giá vốn của hàng hóa, dịch vụ, tài sản mua vào từ bên độc lập cộng (+) lợi nhuận gộp trên giá vốn của người nộp thuế.

Lợi nhuận gộp trên giá vốn của người nộp thuế được xác định từ các đối tượng so sánh độc lập bằng (=) giá vốn của người nộp thuế nhân (x) tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn.

Tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn là giá trị giữa thuộc khoảng giao dịch độc lập chuẩn của tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn của các đối tượng so sánh độc lập được lựa chọn để điều chỉnh phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Nghị định này.

Giá bán ra cho bên liên kết (hoặc doanh thu thuần) được điều chỉnh theo đối tượng so sánh độc lập là giá tính thuế, kê khai chi phí, xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế.

– Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần:

Tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu, chi phí hoặc tài sản của người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết được điều chỉnh theo tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay trên doanh thu, chi phí hoặc tài sản của các đối tượng so sánh độc lập được chọn, trên cơ sở đó điều chỉnh, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Lợi nhuận thuần không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động tài chính.

Tỷ suất lợi nhuận thuần được lựa chọn là giá trị giữa thuộc khoảng giao dịch độc lập chuẩn của tỷ suất lợi nhuận thuần của các đối tượng so sánh độc lập được chọn để điều chỉnh, xác định thu nhập chịu thuế và nghĩa vụ thuế phải nộp của người nộp thuế phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Nghị định này.

Các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán, quản lý thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp.

3. Phương pháp phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết:

a) Các trường hợp áp dụng phương pháp phân bổ lợi nhuận của các bên liên kết, bao gồm: Người nộp thuế tham gia thực hiện giao dịch liên kết tổng hợp, đặc thù, duy nhất, khép kín trong tập đoàn, các hoạt động phát triển sản phẩm mới, sử dụng công nghệ độc quyền, tham gia vào chuỗi giá trị giao dịch độc quyền của tập đoàn hoặc quá trình phát triển, gia tăng, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình độc quyền, không có căn cứ để xác định giá giữa các bên liên kết hoặc các giao dịch có liên quan chặt chẽ, thực hiện đồng thời, các giao dịch tài chính phức tạp liên quan đến nhiều thị trường tài chính trên thế giới; hoặc người nộp thuế tham gia các giao dịch liên kết kinh tế số, không có căn cứ để xác định giá giữa các bên liên kết hoặc tham gia việc tạo giá trị tăng thêm thu được từ hợp lực trong tập đoàn hoặc người nộp thuế thực hiện chức năng tự chủ đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh và không phải đối tượng áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

b) Nguyên tắc áp dụng: Phương pháp phân bổ lợi nhuận là phương pháp phân bổ tổng lại nhuận của giao dịch liên kết để xác định lợi nhuận của người nộp thuế. Phương pháp phân bổ lợi nhuận được áp dụng đối với: Tổng lợi nhuận thực tế và lợi nhuận tiềm năng của các giao dịch liên kết quy định tại điểm a khoản này được xác định bằng các số liệu tài chính trên cơ sở các chứng từ hợp lý, hợp lệ; giá trị và lợi nhuận của giao dịch liên kết phải được xác định theo cùng phương pháp kế toán trong toàn bộ thời gian áp dụng phương pháp phân bổ lợi nhuận;

c) Phương pháp xác định: Lợi nhuận được điều chỉnh của người nộp thuế được phân bổ trên tổng lợi nhuận của giao dịch liên kết, bao gồm lợi nhuận thực tế và lợi nhuận tiềm năng của các bên tham gia giao dịch liên kết có thể thu được.

Lợi nhuận được điều chỉnh của người nộp thuế là tổng lợi nhuận cơ bản và lợi nhuận phụ trội. Lợi nhuận cơ bản xác định theo phương pháp so sánh lợi nhuận quy định tại khoản 2 Điều này. Lợi nhuận phụ trội xác định theo tỷ lệ phân bổ dựa trên một hoặc một số yếu tố như doanh thu, chi phí, tài sản hoặc nhân lực của các bên liên kết tham gia giao dịch và phù hợp nguyên tắc giao dịch độc lập.

Trường hợp không đủ thông tin, dữ liệu để phân bổ lợi nhuận được điều chỉnh theo quy định trên, việc phân bổ có thể dựa trên một hoặc một số yếu tố như doanh thu, chi phí, tài sản hoặc nhân lực của các bên liên kết tham gia giao dịch và phù hợp nguyên tắc giao dịch độc lập.

d) Lợi nhuận được điều chỉnh của người nộp thuế là căn cứ xác định thu nhập chịu thuế và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, nhưng không làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế.

……………………………………

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 20/2017/NĐ-CP Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *