Ngày 24/07/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, Nghị định quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng như sau:
- Đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là: 4,872 triệu đồng;
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là: 1,361 triệu đồng;
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là: 1,679 triệu đồng;
- Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là: 974.000 đồng.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 75/2021/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2021 |
NGHỊ ĐỊNH 75/2021/NĐ-CP
QUY ĐỊNH MỨC HƯỞNG TRỢ CẤP, PHỤ CẤP VÀ CÁC CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 09 tháng 12 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên hằng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về Ưu đãi người có công với cách mạng.
Chương II
MỨC HƯỞNG TRỢ CẤP, PHỤ CẤP ƯU ĐÃI
Điều 3. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi
1. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (sau đây gọi tắt là mức chuẩn).
2. Mức chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh.
Điều 4. Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi
1. Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh loại B được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
Chương III
CÁC CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
Điều 5. Bảo hiểm y tế
Thực hiện đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng, thân nhân và người phục vụ người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Điều 6. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe
1. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà: Mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/01 người/01 lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng.
2. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung: Mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/01 người/01 lần. Nội dung chi bao gồm:
a) Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng;
b) Thuốc thiết yếu;
c) Quà tặng cho đối tượng;
d) Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 15% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung), gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, tham quan, chụp ảnh, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng, sách báo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các khoản chi khác phục vụ đối tượng điều dưỡng.
Điều 7. Hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết
1. Mức hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho đối tượng khi đi làm phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (mỗi niên hạn 01 lần) hoặc đi điều trị phục hồi chức năng theo chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh trở lên. Mức hỗ trợ 5.000 đồng/01 km/01 người tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến cơ sở y tá gần nhất đủ điều kiện về chuyên môn kỹ thuật cung cấp dụng cụ chỉnh hình, nhưng tối đa là 1.400.000 đồng/người/01 niên hạn.
Điều 8. Hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học
1. Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục mầm non: 0,2 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm.
2. Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người khuyết tật: 0,4 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm.
3. Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở phổ thông dân tộc nội trú, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học: 0,4 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm.
Điều 9. Hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ
1. Hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 03 người ) hoặc người thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng một liệt sĩ.
2. Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ: 3.000 đồng/01 km/01 người.
Điều 10. Hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ
1. Thân nhân liệt sĩ, người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền, người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí một lần khi di chuyển hài cốt liệt sĩ:
a) Mức hỗ trợ tiền cất bốc hài cốt liệt sĩ 4.000.000 đồng/01 hài cốt liệt sĩ;
b) Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn (tối đa 03 người) tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ: 3.000 đồng/01 km/01 người.
2. Thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ không có nguyện vọng an táng hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ thì được hỗ trợ một lần kinh phí xây mộ liệt sĩ. Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/01 mộ.
Điều 11. Hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ
1. Hỗ trợ xây mới vỏ mộ liệt sĩ bao gồm cả bia ghi tên liệt sĩ: tối đa 10 triệu đồng/01 mộ (không gắn với dự án xây dựng, nâng cấp nghĩa trang); hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa mộ liệt sĩ bao gồm cả bia ghi lên liệt sĩ: tối đa bằng 70% mức xây mới.
2. Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì nghĩa trang liệt sĩ theo dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ: ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng đối với công trình cấp tỉnh; 10 tỷ đồng đối với công trình cấp huyện; 02 tỷ đồng đối với công trình cấp xã, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương theo nguyên tắc:
a) Không hỗ trợ từ ngân sách trung ương đối với các địa phương tự cân đối ngân sách;
b) Hỗ trợ tối đa 50% tổng giá trị công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương;
c) Hỗ trợ tối đa 70% tổng giá trị công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; riêng đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên hỗ trợ tối đa 100% tổng giá trị công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 12. Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ
1. Lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin:
a) Khai quật, cất bốc, sửa lại vỏ mộ sau khi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ, mức chi: 1.000.000 đồng/01 mộ;
b) Thuê phông, bạt; mua dụng cụ lấy mẫu, găng tay, cồn, rượu, vật tư và các chi phí khác; thanh toán theo thực tế;
c) Lấy mẫu hài cốt liệt sĩ: mức chi 50.000 đồng/01 mẫu.
2. Lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin:
Cơ quan, đơn vị tổ chức đi lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ: nội dung chi được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; hỗ trợ người thuộc diện được lấy mẫu sinh phẩm: mức hỗ trợ 500.000 đồng/người.
3. Bảo quản mẫu hài cốt liệt sĩ, mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin ở dạng thô trong thời gian chờ giám định ADN tại các cơ sở giám định ADN: Mức chi 500 đồng/01 mẫu/01 ngày.
4. Giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin:
a) Phương thức: Đặt hàng;
b) Đơn giá đặt hàng: Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành đơn giá tối đa dịch vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Căn cứ tình hình thực tế, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định giá thực hiện đặt hàng dịch vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, đảm bảo không vượt quá giá tối đa do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định;
c) Kế hoạch đặt hàng: Giao Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt kế hoạch đặt hàng dịch vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ phù hợp với tình hình thực tế.
5. Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng: Mức chi 3.000.000 đồng/một thông tin được xác minh chính xác về hài cốt liệt sĩ đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác về hài cốt liệt sĩ.
6. Hoàn thiện mộ liệt sĩ bao gồm cả bia ghi tên liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ sau khi kết thúc việc giám định ADN:
a) Khai quật, hoàn trả mẫu hài cốt liệt sĩ đã có kết quả giám định, sửa lại vỏ mộ: mức chi 1.000.000 đồng/01 mộ;
b) Thuê phông, bạt và các chi phí khác: thanh toán theo thực tế.
7. Vận chuyển mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và mẫu thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin thanh toán theo thực tế.
8. Tổ chức lễ công bố kết quả danh tính hài cốt liệt sĩ:
a) Tổ chức lễ công bố kết quả danh tính hài cốt liệt sĩ: Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về tổ chức hội nghị;
b) Hỗ trợ thân nhân liệt sĩ hoặc người trong gia đình liệt sĩ đi nhận kết quả giám định ADN: Mức hỗ trợ tiền ăn, nghỉ, đi lại thực hiện theo chế độ công tác phí hiện hành (hỗ trợ tối đa 02 người). Trường hợp thân nhân liệt sĩ đi nhận từ 02 kết quả giám định ADN trở lên tại cùng một nơi tổ chức lễ công bố thì mức hỗ trợ được tính như đi nhận 01 kết quả giám định ADN.
9. Cơ sở dữ liệu về liệt sĩ:
a) Xây dựng, mua sắm, nâng cấp, tích hợp, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, ADN liệt sĩ, ADN thân nhân liệt sĩ đồng bộ trên phạm vi toàn quốc: thực hiện theo dự án do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt;
b) Điều tra, thu thập, cập nhật thông tin, tư liệu, duy trì và tạo lập cơ sở dữ liệu, phát triển hệ thống cung cấp thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, ADN liệt sĩ, ADN thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.
10. Các nhiệm vụ khác phục vụ công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ:
a) Mua sắm trang thiết bị, vật tư, phương tiện chuyên dùng đảm bảo công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ;
b) Sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ;
c) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ;
d) Chi hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ;
đ) Các nhiệm vụ khác thanh toán thực tế theo quy định hiện hành.
Điều 13. Các chế độ ưu đãi khác
1. Trợ cấp mai táng: mức chi theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội về trợ cấp mai táng.
2. Trợ cấp thờ cúng liệt sĩ: 1.400.000 đồng/01 liệt sĩ/01 năm.
3. Chi tiền ăn thêm ngày lễ, tết đối với thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên: Mức chi 200.000 đồng/01 người/01 ngày; số ngày được chi ăn thêm là ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của Bộ luật Lao động, ngày 27 tháng 7 và ngày 22 tháng 12 hằng năm.
4. Người có công với cách mạng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội được hỗ trợ thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho đối tượng:
a) Hỗ trợ chăm sóc y tế, phục hồi sức khỏe tại cơ sở nuôi dưỡng, mức tối đa 8.500.000 đồng/01 người/01 năm;
b) Hỗ trợ điều trị tại cơ sở y tế để thanh toán chi phí điều trị, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và các chi phí khác liên quan không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế thì được thanh toán theo hóa đơn, chứng từ thực tế.
5. Hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng người có công tại các cơ sở nuôi dưỡng để đảm bảo các khoản chi phí về điện, nước sinh hoạt hoặc mua xăng dầu chạy máy phát điện, lọc nước, vệ sinh môi trường, sửa chữa điện, nước, thuê mướn nhân công, dịch vụ, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc và các khoản chi khác. Mức hỗ trợ phục vụ công tác nuôi dưỡng tối đa 8.000.000 đồng/01 đối tượng/năm.
6. Hỗ trợ phục vụ công tác điều dưỡng, đón tiếp người có công tại các cơ sở điều dưỡng, đón tiếp để đảm bảo các khoản chi phí như quy định tại khoản 5 Điều này được thanh toán theo số lượng đối tượng được điều dưỡng, đón tiếp thực tế. Mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/01 người/01 lượt điều dưỡng, đón tiếp. Trường hợp các địa phương chưa có cơ sở điều dưỡng thì cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội được phép sử dụng kinh phí này để thuê các cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn (theo tiêu chuẩn của khách sạn từ 3 sao trở lên) thực hiện điều dưỡng tập trung.
7. Người có công đang nuôi dưỡng tại cơ sở về thăm gia đình mà tự túc phương tiện đi lại thì được hỗ trợ theo mục quy định tại Điều 9 Nghị định này theo khoảng cách từ cơ sở nuôi dưỡng đến gia đình người có công; hỗ trợ tối đa 01 lần/01 năm.
8. Người làm việc tại cơ sở nuôi dưỡng đi phục vụ người có công điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh, giám định thương tật và về thăm gia đình được thanh toán chế độ công tác phí theo quy định hiện hành.
9. Hỗ trợ đón tiếp thân nhân của người có công với cách mạng đến thăm người có công với cách mạng đang nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng (Hỗ trợ tối đa: 03 người/01 đối tượng/01 lần, 02 lần/01 năm, 03 ngày/01 lần): Thực hiện theo mức chi tiếp khách trong nước hiện hành và đảm bảo hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp.
10. Hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng:
a) Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất theo dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng do địa phương quản lý, hỗ trợ tối đa 70% tổng giá trị công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không vượt quá 15 tỷ đồng/công trình;
b) Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ tối đa 15 triệu đồng/01 đối tượng/năm và không quá 1,5 tỷ đồng/năm đối với cơ sở nuôi dưỡng; tối đa 25 triệu đồng/giường điều dưỡng/nằm và không quá 2,5 tỷ đồng đối với cơ sở điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng.
11. Chế độ tặng quà đối với các cơ sở nuôi dưỡng người có công, người có công và gia đình người có công:
a) Quà tặng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Mức quà tặng đối với tập thể: Tiền mặt là 5.000.000 đồng/tập thể; hiện vật trị giá 500.000 đồng/tập thể.
Mức quà tặng đối với gia đình, cá nhân: Tiền mặt là 500.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân; hiện vật trị giá 150.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.
b) Quà tặng của Lãnh đạo Bộ, cơ quan trung ương:
Mức quà tặng đối với tập thể: Tiền mặt là 3.000.000 đồng/tập thể; hiện vật trị giá 500.000 đồng/tập thể.
Mức quà tặng đối với gia đình, cá nhân: Tiền mặt là 500.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân; hiện vật trị giá 150.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.
12. Đón tiếp đoàn đại biểu người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức đến thăm cơ quan trung ương:
a) Tổ chức đón liếp: Mức chí 150.000 đồng/người (kể cả cán bộ đi phục vụ đoàn và cán bộ đón tiếp) để đảm bảo các nội dung chụp ảnh lưu niệm, nước uống, trái cây, hoa tươi và các chi phí khác;
b) Quà tặng đối với người có công với cách mạng và thân nhân: Mức chi 500.000 đồng/người;
c) Trường hợp mời cơm thân mật đoàn đại biểu người có công: thực hiện theo quy định về chi tiếp khách trong nước hiện hành.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền về công tác người có công với cách mạng.
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời và phù hợp với quy định hiện hành.
3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ủy quyền cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương.
4. Bố trí kinh phí chi quản lý bằng 1,7% tổng kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trong dự toán ngân sách hằng năm (trừ kinh phí hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và chi công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổ chức thực hiện Pháp lệnh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo quản lý chặt chẽ, minh bạch ngân sách nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2021.
2. Chế độ quy định tại Điều 4, 5 và 12 Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
3. Chế độ quy định tại Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 13 Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Các chế độ tương ứng quy định tại khoản này đang thực hiện theo Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản khác tiếp tục được thực hiện cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.
4. Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trừ các chế độ quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Người bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 23 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về Ưu đãi người có công với cách mạng mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5% – 20% thì được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
……………..
Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 75/2021/NĐ-CP Quy định mới về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.